Tổng thống mới của nước Pháp, thời kỳ mới của kinh tế, đối ngoại với châu Âu
Với 51,05% số phiếu ủng hộ, ông Francois Hollande - ứng cử viên Đảng Xã hội Pháp đã trở thành Tổng thống Pháp sau 17 năm cầm quyền của cánh hữu. Ông đã giành chiến thắng chung cuộc khá sít sao so với tỷ lệ 48,95% dành cho Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy.
Thất bại của ông Nicolas Sarkozy – chính khách quyền lực song cũng gây nhiều tranh cãi của châu Âu – đã biến ông trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên chỉ tại vị duy nhất một nhiệm kỳ kể từ năm 1981 và cũng là nhà lãnh đạo thứ 11 của châu Âu “ngã ngựa” do không chịu nổi sức ép từ “bão khủng hoảng nợ công” của châu lục.
31 năm kể từ ngày 10-5-1981, thời điểm cánh tả Pháp ăn mừng ông François Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Xã hội dưới nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp, Quảng trường Baxti ở trung tâm thủ đô Paris mới có dịp thức trắng đêm ăn mừng chiến thắng trong tiếng hò reo, cổ vũ của hàng chục nghìn người ủng hộ tân Tổng thống François Hollande trong bầu không khí âm nhạc, lễ hội sôi động với sự chứng kiến của nhiều chính khách tên tuổi của Đảng Xã hội và cánh tả Pháp.
Sau khi đọc bài diễn văn đầu tiên tại thành phố Tulle, cứ địa bầu cử của ông Francois Hollande, sau chuyến bay nhanh về Paris và đến Quảng trường Baxti khi vừa bước sang ngày 7-5, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhận được những tràng pháo tay, những tiếng hò reo cuồng nhiệt từ người ủng hộ. Dường như đó là những tiếng đồng vọng của niềm tin, của tự hào và của khát vọng chất chứa bấy lâu.
Với nhiệm kỳ 5 năm, khoảng thời gian đủ để người dân Pháp xem xét và đánh giá những gì ông Francois Hollande đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử và sẽ thực hiện trong thời gian cầm quyền. Ngay trong bài diễn văn đầu tiên, ông Francois Hollande tuyên bố: "Tôi cam kết phụng sự đất nước với thái độ tận tụy và gương mẫu". Xúc động với trách nhiệm vừa được người dân Pháp giao phó, ông Francois Hollande bày tỏ "đó là cảm xúc của niềm tự hào, của phẩm giá và của trách nhiệm". Ông nói sẽ là tổng thống của mọi người dân trong một quốc gia đoàn kết có chung một số phận.
Với giọng nói đầy xúc động, ông Francois Hollande đã đưa ra hai cam kết cơ bản trong nhiệm kỳ của mình để người dân theo dõi và giám sát, đó là các ưu tiên cho công lý, công bằng và ưu tiên cho thế hệ trẻ.
Với ông Francois Hollande, 6-5 là một ngày lịch sử trong sự nghiệp chính trị của ông. Ngay cả khi cánh cửa Điện Élide đã rộng mở, ngoài niềm vui chiến thắng, chủ nhân mới của khu dinh thự cổ kính này sẽ phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và dẫn dắt nước Pháp với nhiều thách thức, khó khăn và trách nhiệm nặng nề.
Tân Tổng thống Francois Hollande (57 tuổi) gia nhập Đảng Xã hội năm 1979, trở thành ứng cử viên Tổng thống Pháp năm 2012 sau cuộc bầu cử sơ bộ của PS tháng 10-2011. Là cựu sinh viên Trường Hành chính quốc gia (ENA, một trường lớn, nơi góp phần đào tạo nhiều chính khách, quan chức chính quyền của Pháp), khóa Voltaire năm 1980, cùng khóa với người bạn đời trước đây, cựu ứng cử viên Tổng thống, bà Ségolène Royal và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin, ông Francois Hollande còn sở hữu những tấm bằng danh giá của các trường lớn khác ở Pháp như Học viện Thương mại Paris (HEC Paris), Học viện Khoa học chính trị (Sciences Po). Con đường chính trị của ông Francois Hollande tuần tự tiến trên từng nấc thang. Là lãnh đạo PS trong vòng 11 năm (1997-2008), mặc dù chưa từng kinh qua một cương vị bộ trưởng nào trong chính quyền, song ông Francois Hollande được xem là người của sự đồng thuận trong nội bộ PS.
Trên lĩnh vực đối nội, nhiệm vụ trước mắt đối với tân Tổng thống Francois Hollande là việc lựa chọn, định hình một chính phủ đoàn kết mới với thủ tướng và các vị bộ trưởng đủ năng lực để dẫn dắt nước Pháp vượt qua chặng đường khó khăn hiện nay, tạo động lực đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng.
Các chương trình kinh tế - xã hội ngắn, trung và dài hạn sẽ được đề ra và triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức mua, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng số lượng việc làm mới cho lớp trẻ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà người tiền nhiệm đặt ra trong năm 2012 là 1,7%, nhưng các số liệu thống kê quý I/2012 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Pháp chỉ đạt 0,2% và dự báo cả năm có thể chỉ đạt 0,7%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục có chiều hướng gia tăng và có thể vượt ngưỡng 10% lực lượng lao động vào mùa hè này. Dự báo, số người thất nghiệp sẽ tăng thêm 214.000 người trong năm nay. Thâm hụt mậu dịch của Pháp trong năm 2011 đã tăng lên mức kỷ lục là 70 tỉ euro và chiều hướng này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Pháp ngày càng tụt hậu so với đối tác và cũng là đối thủ Đức. Điều đó chứng tỏ sự yếu kém của nền sản xuất và đặc biệt là của ngành công nghiệp Pháp. Bên cạnh đó, mặc dù thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2012 dự báo sẽ giảm xuống còn 4,5% GDP so với 5,2% của năm 2011 và năm 2013 giảm xuống còn 3%, song nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ khả năng của ông Francois Hollande trong việc quản lý chi tiêu công và tăng nguồn thu ngân sách. Nợ công của Pháp hiện đã vượt ngưỡng 1.700 tỉ ơrô, trong đó phần lớn do các chủ nước ngoài nắm giữ. Dự kiến, mức nợ công của Pháp sẽ tăng trong năm nay và lên tới đỉnh điểm 89% GDP vào năm 2013. Đặc biệt, Francois Hollande sẽ phải nỗ lực tạo ra 150.000 việc làm mới, trong đó 100.000 việc làm được tạo ra trong năm đầu tiên kể từ khi luật về việc làm mới có hiệu lực.
Ở thời điểm này, có thể nói với ông Francois Hollande, cuộc đua “song mã” với Nicolas Sarkozy đã chính thức khép lại, song công cuộc vực dậy vị thế và kinh tế Pháp mới chỉ vừa bắt đầu.
Thắng lợi của Francois Hollande trong cuộc đua với Nicolas Sarkozy không đơn thuần chỉ là chiến thắng của cá nhân ông hay phe cánh tả ở nước Pháp sau cả một “thế hệ thăng trầm”, mà nó còn là thắng lợi của một đường lối kinh tế mới ở “lục địa già” đang cằn cỗi và mòn mỏi, kiệt sức trong cơn “bạo bệnh” nợ công; báo hiệu những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và các mối quan hệ đối ngoại; báo hiệu sự “trỗi dậy” của phe cánh tả…
Vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là sau khi Francois Hollande trở thành “ông chủ” của Điện Élide, số phận của “Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý (TSCG)” đang được đàm phán sẽ có những thay đổi như thế nào? Hiệp ước nói trên vốn là “tác phẩm” ra đời từ ý tưởng của phe cánh hữu Đức, với chủ trương siết chặt chính sách “thắt lưng buộc bụng” và “kỷ luật sắt” về ngân sách, đã được phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Nicolas Sarkozy coi là cứu cánh để thoát khỏi khủng hoảng và tránh cho châu Âu một cuộc đổ vỡ dây chuyền. Tuy nhiên, Francois Hollande trên quan điểm của phe cánh tả Pháp đã phản đối chính sách kinh tế khắc khổ. Trong vòng một cuộc bầu cử vừa qua, ông đã bày tỏ quan điểm: “Kỷ luật ngân sách: Đồng ý; thắt lưng buộc bụng suốt đời: Không”. Và đây chính là điểm mấu chốt khiến Hollande “ăn điểm” của cử tri Pháp. Số phận của TSCG sẽ được định đoạt trong vài tuần tới, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Chưa rõ khi đó Francois Hoolande có đồng ý hay bác bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi hiệp định này hay không nhưng nhiều người cho rằng nếu ông nói “không” với TSCG, đây sẽ là “ác mộng” với châu Âu. Bên cạnh đó, với quan điểm “tiến công” hơn là “phòng thủ”, thúc đẩy tăng trưởng hơn là thắt chặt tiết kiệm trong chống khủng hoảng kinh tế, việc Francois Hollande trở thành người đứng đầu mới của nước Pháp sẽ tác động lớn tới chính sách và mô hình tăng trưởng kinh tế của châu Âu.
Một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra là mối quan hệ Pháp - Đức và rộng hơn là quan hệ châu lục sẽ đi về đâu? Trong những thập kỷ gần đây, lịch sử quan hệ của hai “đàn anh” tại châu lục này đều luôn có các “cặp bài trùng” như Gicard d’Estaing và Helmut Schmit, hay Francois Mitterrand. Và, trước khi cuộc bầu cử diễn ra ở Pháp, Nicolas Sarkozy và Angela Merkel cũng là một “bộ đôi quyền lực” có vai trò quyết định đối với việc quản lý chính sách và kinh tế của EU. Họ gắn bó đến mức người ta ghép tên chung hai người thành “Merkozy”. Tuy nhiên, một khi Francois Hollande, đại diện cánh tả Pháp lên nắm quyền thì quan hệ giữa Pháp với một nước Đức do phe hữu cầm quyền chắc chắn sẽ có những thay đổi.
Từ thực tế nêu trên có thể thấy, nước Đức và các “đồng minh” trong EU đang rất khó xử và sẽ phải thực hiện điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Pháp thời gian tới.
Ứng xử thế nào với một nước Đức có quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề; thể hiện vai trò nước Pháp như thế nào giữa một châu Âu đang suy yếu và ngổn ngang những vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay, là thách thức không nhỏ của tân Tổng thống Pháp.
Trên lĩnh vực đối ngoại, chiến thắng của ông Francois Hollande sẽ có tác động đối với chính sách của Liên minh châu Âu (EU) khi ông mong muốn EU có một chiến lược thực sự hỗ trợ tăng trưởng. Ông dự định điểm đến đầu tiên trong hoạt động đối ngoại là Đức, nơi ông muốn cùng Thủ tướng Angela Merkel thương lượng lại về Hiệp ước ngân sách châu Âu nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khối. Và sau đó là những chuyến thăm, làm việc với các đối tác, đồng minh lớn ở châu Âu, với Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Một điều có thể dự đoán là đường lối đối ngoại của Pháp trong thời gian tới sẽ cân bằng hơn đúng như những gì ông Francois Hollande đã cam kết và thể hiện trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua.
Mong muốn trở thành một "tổng thống bình thường" như nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, chắc chắn ông Francois Hollande đang được người dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi, mang lại một diện mạo khả dĩ hơn cho nước Pháp trên cả bình diện đối nội và đối ngoại./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc  (07/05/2012)
Hội Thụy Sĩ - Cuba tìm hiểu quá trình đổi mới của Việt Nam  (07/05/2012)
USAID sẵn sàng làm việc và hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực  (07/05/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam  (07/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển