Thái Bình là một tỉnh có truyền thống cách mạng rất đáng tự hào. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, do bất cập của cơ chế quản lý cũ cùng với những nhận thức hạn chế của đội ngũ cán bộ cơ sở về dân chủ, Thái Bình trở thành một điểm "nóng" bất ổn. Sau chín năm thực hiện nghiêm túc Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Thái Bình đã có một diện mạo, một thế và lực mới, tạo ra những động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Đã có một thời, khi nhắc đến Thái Bình là người ta nghĩ ngay đến vấn đề mất dân chủ, vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của nhân dân lao động ở vùng nông nghiệp, nông thôn làm cho tình hình mất ổn định trên diện rộng. Vì thế, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) và các Nghị định 29, 71, 07 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhất là ở cơ sở băn khoăn, lo ngại sẽ làm cho tình hình phức tạp thêm. Song, được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Bộ Chính trị, Chính phủ và các cơ quan trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU với 8 giải pháp đồng bộ; xác định những nội dung, biện pháp thực hiện dân chủ nhằm phát huy trí tuệ, sức lực của Đảng bộ và nhân dân nhằm ổn định tình hình cơ sở, củng cố hệ thống chính trị, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, ổn định tình hình nông thôn.

Tháng 4-1999, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ của tỉnh được thành lập gồm 21 thành viên đại diện cho các sở, ban, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân do đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban và chọn huyện Hưng Hà, thị xã và 17 đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Tháng 5-1999, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và chỉ đạo các cấp, các ngành đồng loạt tiến hành triển khai quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên, tuyên truyền và phổ biến nội dung quy chế thực hiện dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, huy động trên 500 cán bộ thuộc các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh thành lập 54 tổ công tác giúp các xã, phường, thị trấn tiếp tục giải quyết ổn định tình hình gắn với việc triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ.

Thực hiện Thông báo số 07-TB/TW, ngày 23-5-2002, của Ban chỉ đạo Quy chế Dân chủ Trung ương, Tỉnh ủy đã có Quyết định số 74-QĐ/TU và Quyết định số 20-QĐ/TU về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Ban chỉ đạo của tỉnh gồm 23 thành viên do đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban, đồng chí Trưởng Ban Dân vận làm phó ban thường trực. Từ đó việc chỉ đạo kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy chế Dân chủ ngày càng cụ thể, sâu sát hơn và đạt được kết quả cao ở tất cả các loại hình cơ sở:

1 - Khối xã, phường, thị trấn đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 29-NĐ/CP và sau đó Nghị định 79-NĐ/CP của Chính phủ thành nề nếp (năm 2001 khi sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế Dân chủ có 58% số cơ sở xếp loại khá, 31% trung bình, 11% yếu, năm 2003 có 35,5% số cơ sở làm tốt, 42,7% cơ sở khá, 16,8% cơ sở trung bình và 5% cơ sở yếu kém, năm 2006 có 66% số cơ sở xếp loại tốt, 27% khá, 5% trung bình và 2% số cơ sở yếu). Tất cả các xã, phường, thị trấn đã căn cứ vào Nghị định 29, Nghị định 79 và tình hình thực tế tiến hành rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy chế, quy định thực hiện Quy chế Dân chủ trên từng lĩnh vực. Các quy chế, quy định tập trung vào hoạt động chính của cơ sở là: Quy chế làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, quy chế quản lý sử dụng đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản; quy chế giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, quản lý giao thông, sử dụng điện ở các xã, thôn; quy chế tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; quy chế thực hiện "cơ chế một cửa" về giải tỏa mặt bằng làm đường giao thông và xây dựng khu công nghiệp, xây dựng hương ước, quy ước, làng văn hóa và quy định về việc cưới, việc tang... Hiện nay, trên 60% số xã, phường, thị trấn có từ 11 đến 15 bản quy chế, quy định, gần 40% có trên 15 văn bản, cá biệt có nơi xây dựng trên 20 quy chế, quy định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể của tỉnh ban hành quy chế mẫu hướng dẫn cơ sở cụ thể hóa thành các quy chế, quy định cụ thể tại địa phương trong toàn tỉnh.

Những việc cần thông báo cho nhân dân biết được các xã, phường, thị trấn thực hiện khá tốt: chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, luật đất đai, thuế nhà đất, các quy định về khuyến công - nông - ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, về dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm; các văn bản liên quan đến lĩnh vực văn hóa xã hội và các quy định về thủ tục hành chính, lệ phí và thời gian giải quyết từng loại công việc; lịch tiếp dân và phân công cán bộ tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân...

Những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp gồm: mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, lập và thu chi các loại quỹ, quy ước, hương ước làng, xã văn hóa, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, thành lập ban giám sát công trình từ nguồn vốn do dân tự nguyện đóng góp và bảo vệ sản xuất được thực hiện nghiêm túc theo phương thức họp thôn, làng, tổ dân phố hoặc phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình tạo sự đồng tình thống nhất cao của nhân dân và thực hiện có kết quả. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách xây dựng và sửa đổi luật, về phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp ý kiến về hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, về ứng cử viên hội đồng nhân dân và nhân sự đại hội Đảng, Quốc hội, đoàn thể ở cơ sở.

2 - Khối cơ quan hành chính sự nghiệp, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tế, đã cụ thể hóa Nghị định 71 của Chính phủ thành quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, nội dung các quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, tập trung vào các vấn đề như: mối quan hệ, chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị, chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, kinh doanh, kinh phí hoạt động thông qua việc thực hiện chế độ sinh hoạt đảng, duy trì chế độ giao ban tuần, tháng trong lãnh đạo các phòng, ban, giao ban tháng giữa lãnh đạo với cán bộ công chức trong cơ quan để phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, tạo điều kiện cho cán bộ công chức được bàn bạc tham gia về công tác quản lý điều hành của lãnh đạo, chương trình công tác của cơ quan, đơn vị. Tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hằng năm để cán bộ công chức, viên chức được tham gia bàn bạc biện pháp thực hiện nhiệm vụ công tác của cơ quan với công đoàn cơ sở, giữa thủ trưởng với công đoàn, các tổ chức quần chúng cũng được tạo điều kiện hoạt động góp phần phát huy dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức.

Trong công tác cán bộ, việc tuyển dụng cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng quy trình được quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP, ngày 10-10-2003, của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Thông tư số 10/2004/TT-BNV, ngày 10-2-2004, của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều trong Nghị định 116; Hướng dẫn số 180-HD/SNV, ngày 13-5-2005, của Sở Nội vụ như: thông báo về chỉ tiêu, tiêu chuẩn xét và thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại văn phòng cơ quan, tiến hành thành lập hội đồng xét và thi tuyển có sự tham gia của các đơn vị trực thuộc, có người tham gia tuyển dụng và phòng chức năng của cơ quan, đơn vị theo quy định việc bổ nhiệm, đề bạt, quy hoạch đào tạo được thực hiện theo quy trình có ý kiến nhận xét giới thiệu của đại diện tổ chức quần chúng.

Thực hiện Quyết định 181/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 19/2004/UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính các cấp, các huyện, thành phố, nhiều ngành, cơ quan đã xây dựng và tổ chức thực hiện đề án thực hiện cơ chế "một cửa" tại văn phòng cơ quan. Bố trí phòng thực hiện cơ chế "một cửa" và cử 2 - 3 cán bộ tiếp nhận và giải quyết các công việc của tổ chức và công dân. Niêm yết công khai các chế độ, chính sách và điều kiện của từng lĩnh vực về thực hiện cơ chế "một cửa" để tổ chức cá nhân đến quan hệ công việc biết và thực hiện; đồng thời, nâng cao trách nhiệm đối với cán bộ, công chức được giao thực thi nhiệm vụ. Các cơ quan chưa xây dựng đề án thực hiện cơ chế "một cửa" đều có quy định, hướng dẫn về thủ tục hành chính khi giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan để giảm bớt phiền hà và thời gian cho công dân. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại bằng hình thức như quy định phòng tiếp dân, ngày tiếp dân hoặc hòm thư góp ý, thông qua Ban Chấp hành công đoàn cơ sở.

Nhìn chung, khối cơ quan hành chính sự nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Năm 2003 có 23% số cơ quan, đơn vị xếp loại tốt, 49% xếp loại khá và 24% đơn vị xếp trung bình; năm 2006 có 70% xếp loại tốt, 25% khá, 5% trung bình. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các nội dung trong quy chế thực hiện dân chủ, đặc biệt là nội dung công khai tài chính. Đối với những công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành thì việc thực hiện cơ chế "một cửa" còn khó khăn, thủ tục còn rườm rà.

3 - Các doanh nghiệp nhà nước, đã tổ chức tốt việc thực hiện Quy chế Dân chủ theo Nghị định 07/1999/NĐ-CP như thành lập ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các thành viên, có quy chế hoạt động và triển khai chương trình công tác hàng năm. Qua các đợt kiểm tra, hệ thống các văn bản về quy chế, quy định ở các doanh nghiệp nhà nước được xây dựng đúng yêu cầu, triển khai thực hiện bảo đảm và phát huy dân chủ, tạo bầu không khí dân chủ, đoàn kết, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chế độ chính sách và quyền lợi của người lao động được thực hiện đầy đủ. ở các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, việc phát huy dân chủ được thực hiện thông qua những quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Công đoàn, phương thức thực hiện dân chủ thông qua đại hội cổ đông kết hợp với đại hội công nhân viên chức và người lao động hằng năm. Việc phát huy dân chủ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do vai trò quản lý hướng dẫn của Nhà nước còn buông lỏng, công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn rất hạn chế.

*

* *

Nhìn chung, 9 năm qua ở Thái Bình, Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, các nghị định của Chính phủ về Quy chế Dân chủ ở cơ sở được nghiên cứu, quán triệt, triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền phổ biến cho nhân dân thực hiện. Những cố gắng đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị và tác phong của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cơ sở, theo hướng khoa học, năng động gắn bó với cơ sở, gần dân, sát dân, nâng cao trách nhiệm cá nhân, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà đối với nhân dân. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền được nâng lên một bước. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, công cuộc đổi mới được củng cố. Tổ chức đảng, cán bộ đảng viên được nhân dân giám sát góp ý, phát hiện cho Đảng những nhân tố tích cực để bồi dưỡng kết nạp - mỗi năm Thái Bình kết nạp trên 2.500 đảng viên mới. Cán bộ đảng viên thông qua thực hiện Quy chế Dân chủ có điều kiện hướng dẫn nhân dân tự phê bình về thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, đảng viên đã nêu cao hơn ý thức trách nhiệm trong thảo luận, xây dựng nghị quyết của cấp ủy, tham gia ý kiến với tổ chức đảng cấp trên, tiến hành phê bình và tự phê bình nghiêm túc hơn. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân được đổi mới một bước, hướng mạnh về cơ sở, tăng cường vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đồng thời chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã thực sự là động lực quan trọng giúp cho quá trình xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã huy động được sức mạnh của toàn Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vào việc giải quyết ổn định tình hình ở nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng. Do phát huy được trí tuệ, công sức của cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia tích cực vào việc thanh tra kinh tế ở 242/285 xã, phường, thị trấn, giải quyết những tồn đọng về đất đai, thu hồi kinh tế, xử lý các vụ việc tiêu cực về vi phạm pháp luật, kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở, tình hình mất ổn định nghiêm trọng trên diện rộng ở nông thôn của tỉnh đã được giải quyết tốt, tạo khí thế đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện đáng kể, hiện nay tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, còn 15% (theo tiêu chí mới); toàn tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà dột nát theo tiêu chí cũ, phấn đấu đến hết năm 2007, hoàn thành xóa nhà dột nát (theo tiêu chí mới) cho đối tượng chính sách và hộ nghèo...

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và các nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở Thái Bình trong những năm qua rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là: các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xác định đó là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là giải pháp tích cực có hiệu quả bảo đảm cho sự ổn định vững chắc và phát triển mọi mặt của địa phương, cơ sở. Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở các cấp, các ngành, các cơ sở hằng năm cần có chương trình công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, có chủ trương lãnh đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng kịp thời cơ sở, đơn vị thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Quy chế Dân chủ.

Hai là: Triển khai quán triệt ở cơ sở phải nghiêm túc, sâu rộng làm cho cán bộ đảng viên và quần chúng thông suốt về tư tưởng, chuyển biến nhận thức về cấp độ xây dựng và thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vị trí và vai trò của nó đối với việc huy động trí lực, sức mạnh của toàn dân phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Chính quyền cần trực tiếp tổ chức thực hiện và tạo điều kiện cho Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ hoạt động. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải tích cực giáo dục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Quy chế Dân chủ. Các đoàn thể tạo ra môi trường dân chủ thực sự lành mạnh, tạo thuận lợi cho việc phát huy dân chủ, cơ hội cho nhân dân bày tỏ ý kiến và nguyện vọng cá nhân với tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể.

Ba là: việc thực hiện Quy chế Dân chủ là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và của toàn dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nên phải có kế hoạch cụ thể, xây dựng các quy chế và quy định trên từng lĩnh vực cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện.

Bốn là: quá trình thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở gắn với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, gắn với cải cách hành chính nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở. ở đâu, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức vững vàng lập trường quan điểm, kiên định về tư tưởng chính trị, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, nâng cao trình độ năng lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và thực hiện tốt Quy chế Dân chủ thì ở đó chính quyền vững mạnh, dân tin tưởng ở chính quyền, cùng chính quyền tháo gỡ khó khăn, cùng bàn "việc làng, việc nước", hiệu quả hoạt động và hiệu lực của chính quyền nâng lên rõ rệt.

Năm là: tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy ở từng cơ sở, kết hợp thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong nội bộ của Đảng, của cán bộ đảng viên trước nhân dân, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tăng cường quan hệ gắn bó giữa cán bộ với nhân dân, nơi nào nội bộ mất đoàn kết, cán bộ có sai phạm thì giải quyết dứt điểm, xử lý phân minh, thực tế đã chứng minh: Đảng đoàn kết dân yên, Đảng trí tuệ dân theo, Đảng trong sạch dân tin.
 
 

* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình