Khó mấy cũng thành công khi dân được làm chủ
TCCSĐT - Cụ thể hóa cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” bằng các việc làm, mô hình thiết thực đạt hiệu quả cao trên địa bàn xã, phường ở Thành phố Hồ Chí Minh là một minh chứng cho thấy, ở đâu, quyền làm chủ của người dân được phát huy, ” ý Đảng lòng dân” hòa quyện, ở đó việc khó mấy cũng thành công (từ việc giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chỉnh trang đô thị, an toàn giao thông...).
Quy chế Dân chủ ở cơ sở với cơ chế "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đang trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày trong đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng về nhân quyền mà Việt Nam cam kết bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, người dân đã sử dụng các quyền của mình để chấp hành và phát huy nghĩa vụ công dân trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, mà cụ thể nhất là trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư".
Công khai, minh bạch - bài học lòng dân
Đến với quận 4 bây giờ, ít ai ngờ bộ mặt đô thị khang trang này đã từng một thời được coi là "vùng đất dữ" của Thành phố Hồ Chí Minh với những khu nhà lụp xụp, nhếch nhác nằm trên dòng kênh "nước đen", phường 5 (quận 4) cũng là một trong những địa bàn đó. Với mục tiêu xây dựng quận 4 trở thành quận văn minh, hiện đại, bài toán đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền phường 5 là cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị ở 9 tổ dân phố với 476 hộ có nhà sàn trên kênh. Bí thư Đảng ủy phường 5 Nguyễn Văn Thọ cho biết: "Chúng tôi xác định, để làm tốt công tác đền bù, giải tỏa và tái định cư trước hết phải tạo sự đồng thuận từ cán bộ ra đến người dân. Muốn vậy, phải bảo đảm công khai, minh bạch, làm cho người dân thông suốt tư tưởng, nhận thức". Việc xóa bỏ khu nhà lụp xụp để xây dựng công trình phúc lợi và khu dân cư mới thì ai cũng đồng tình, nhưng vấn đề là giá cả, phương án di dời. Để "dân biết", Ủy ban nhân dân phường trao cho mỗi hộ 1 cuốn phương án chi tiết về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và 1 phiếu góp ý để dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Sau đó, chính quyền đem phương án ra "dân bàn".
Tại các buổi hiệp thương với chính quyền, bà con có dịp bày tỏ nguyện vọng. Các bên cùng bàn tính đơn giá đất, cấu trúc căn nhà, hỗ trợ ngưng sản xuất kinh doanh... sao cho phù hợp thực tế. Tất cả những công việc trên đều được minh bạch, công khai và thỏa đáng - vấn đề mấu chốt để bà con chấp nhận di dời.
Chính quyền và dân đồng lòng, chung sức
Việc giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường lâu nay là bài toán nan giải của nhiều địa phương. ở phường 12 (quận 5), có bài học "mưa dầm thấm lâu" qua việc vận động tiểu thương kinh doanh tháo dỡ sạp hàng tại tuyến đường Phạm Hữu Chí - Đỗ Ngọc Thạnh. Đây là chợ đầu mối chuyên mua bán phụ tùng xe gắn máy cũ với 46 hộ buôn bán nhỏ, đã choán hết lối đi, gây mất trật tự xã hội trên địa bàn - nỗi bức xúc kéo dài nhiều năm liền. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường 12 thống nhất đưa vào nghị quyết chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự an toàn giao thông ở 2 tuyến đường này. Phường khảo sát, nắm bắt nguyện vọng các tiểu thương như đề nghị được miễn giảm thuế trong thời gian đầu tìm địa điểm kinh doanh, hỗ trợ làm giấy phép kinh doanh, thực hiện nâng cấp lề đường, cải tạo hệ thống thoát nước...
"Bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu này, các đoàn thể, nhất là ban điều hành tổ dân phố 27 còn tiếp xúc hằng ngày với tiểu thương để tuyên truyền, vận động. Kiên trì giải thích - đó là bài học thành công" - Bí thư Đảng ủy phường 12 Lê Ngọc Hân "bật mí". Sau đó, phường tổ chức cho tiểu thương bốc thăm sạp hàng ở địa điểm mới bằng hình thức công khai, hợp tình hợp lý, nên không xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Cũng với cách làm "vì dân", phong trào hiến đất mở hẻm ở quận 3 thành công là do cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể biết cách bàn với dân để giải quyết việc của dân theo Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Họp lần đầu bà con chưa thông thì họp tiếp; nếu 80% hộ dân đồng tình, có thể vận động nhân dân thực hiện. Đến khi bà con hiểu "hiến đất để cùng chính quyền mở rộng hẻm là làm lợi cho chính bản thân gia đình mình" thì bà con chẳng ngần ngại. Công việc tiếp theo là phường hướng dẫn bà con thành lập bộ phận quản lý, giám sát công trình với sự tham gia của chính bà con trong tổ.
Trực tiếp đối thoại với dân để tìm giải pháp
Trong năm 2006, tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân xảy ra tình trạng xây nhà không phép ồ ạt. Trước tình hình trên, để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, ổn định trật tự xã hội, hạn chế dư luận bất an trong nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các ban ngành đoàn thể quận Bình Tân và Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa tổ chức tọa đàm về "Nguyên nhân xây dựng nhà không phép". Qua tiếp xúc với các hộ dân, chính quyền quận, phường đã nhận ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao, đa số người dân ở các tỉnh đến tạm trú, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Ngoài ra, không thể không nói đến sự yếu kém trong công tác quản lý đô thị của địa phương.
Từ thực tế đó, quận đã đề ra một số giải pháp như: Đối với những trường hợp xây dựng không phép nhưng phù hợp quy hoạch thì không cần thiết tháo dỡ để tránh lãng phí tiền bạc của người dân. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng của Thành phố nhanh chóng duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 để công khai cho dân tiến hành lập thủ tục chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở để được hợp thức hóa nhà ở. Kết quả có 10 trường hợp được xem xét là dạng xây dựng nhà tạm, 40 trường hợp người dân tự nguyện tháo dỡ. Một số trường hợp cam kết tháo dỡ có thời hạn nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho các hộ dân vi phạm xây dựng không phép.
Xây dựng quy ước tổ dân phố - chiếc cầu nối đoàn kết
Khi tiếp xúc với ông Đoàn Minh Quế, tổ trưởng dân phố F (khu phố 3, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), ông bộc bạch: "Bà con trong tổ quen biết nhau, nhưng biết đùm bọc, tương thân tương ái khi gặp khó khăn là nhờ thực hiện tốt bản Quy ước cộng đồng". Khi nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, nhưng khi thống nhất mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh đô thị ngay trong mỗi gia đình thì lợi ích mọi người xích lại gần nhau hơn. Có quy ước, bà con nhắc nhau thực hiện, trong đó gia đình đảng viên, cán bộ đương chức gương mẫu thực hiện. Tình đoàn kết, thân ái giữa bà con ở tổ dân phố (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) mỗi ngày được vun bồi...
Qua việc thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở các địa phương, đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh, càng thấy thấm thía lời dạy của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong"./.
Nỗ lực vượt qua ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới  (01/06/2009)
Quản lý đất đai: Một nội dung của phiên họp Chính phủ sắp tới  (01/06/2009)
Chung quanh việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở  (01/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay