Triển khai nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác báo chí năm 2012
TCCSĐT - Ngày 30-03-2012, tại Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh; gần 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí và lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước.
Hội nghị nghe báo cáo tình hình công tác báo chí năm 2011, các tháng đầu năm 2012 và nghe 20 tham luận của đại biểu tham dự.
Trong những năm qua, khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền báo chí nước ta. Song các cơ quan báo chí đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển cả về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung báo chí, cũng như phát triển đội ngũ những người làm báo. Hiện nay, cả nước có 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hoạt động trong 786 cơ quan báo in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương tới địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử; 191 mạng xã hội; hơn 1.000 trang thông tin điện tử.
Báo chí cả nước đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về những diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng về những sự kiện trọng đại của đất nước, như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và công tác triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; bầu cử Quốc hội khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Nghị quyết số 59 của Quốc hội (khóa XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế… Báo chí phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp cụ thể trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ như: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, điều hành chính sách tài chính tiền tệ, giá cả thị trường, quản lý và sử dụng đất đai, xuất khẩu hàng hóa, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, hệ thống báo chí nước ta đang tập trung tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong cả nước, tạo được lòng tin, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân đối với Nghị quyết quan trọng này.
Báo chí đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp của Đảng, Nhà nước về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Nhiều bài viết về chủ đề biển đảo đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí cũng đã góp phần quan trọng, kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực xã hội khác, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Tuyên truyền có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc.
Làm tốt việc đấu tranh phản bác những quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Thông tin trên báo chí góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.
Hội nghị cũng phân tích, chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót chủ yếu trong công tác báo chí năm 2011, như: một số ấn phẩm thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; không khách quan, mang tính một chiều hoặc có trường hợp phản ánh sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, nhân phẩm của công dân. Có những thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thiếu thẩm mỹ, vô bổ. Một số chương trình giải trí trên truyền hình, nhất là các chương trình liên kết không được kiểm tra, thẩm định đưa lên những hình ảnh, lới nói phản cảm, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Tình trạng đưa tin quá nhiều về các vụ án, vụ tiêu cực trên một số báo, miêu tả quá chi tiết, tỉ mỉ các hành vi tội ác gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội. Có những vụ việc bình thường, xảy ra ở một địa phương, nhưng báo chí cả nước đồng loạt đưa tin dồn dập, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
Tình trạng sai phạm về văn phạm, chính tả diễn ra khá phổ biến ở nhiều báo điện tử; phát âm tiếng Việt thiếu chuẩn mực, đọc sai, đọc vấp ở một số phát thanh viên làm mất đi sự chuẩn mực và trong sáng của tiếng Việt. Một số nhà báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí để dọa dẫm, sách nhiều địa phương, doanh nghiệp nhằm vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy trình tác nghiệp, dẫn đến vi phạm pháp luật bị xử lý…
Hội nghị đã thảo luận, phân tích làm rõ các nguyên nhân dẫn tới các vi phạm, yếu kém trên, nhất là các nguyên nhân chủ quan, như: Vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản có lúc, có nơi còn mờ nhạt; trình độ nhận thức và độ nhạy cảm chính trị của một bộ phận phóng viên, biên tập viên còn những hạn chế nhất định, viết bài mang tính tự nhiên chủ nghĩa, thể hiện sự non kém về chính trị; việc cung cấp thông tin cho báo chí còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho nhà báo khi tác nghiệp; quy trình làm báo bị buông lỏng ở không ít nơi; xử lý các vi phạm báo chí chưa nghiêm, chưa kịp thời…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương những nỗ lực, đóng góp và thành tích của các cơ quan báo chí trong năm 2011, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2012 và các năm tiếp theo cần tập trung cao vào các nội dung:
- Tuyên truyền thật tốt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết Trung ương 2 về nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Kết luận Hội nghị Trung ương 3 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015; đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập trung tuyên truyền các ngày lễ lớn; tuyên truyền công tác an ninh, quốc phòng trong tình hình mới; tuyên truyền hoạt động đối ngoại, trong đó có Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào là một nội dung trọng tâm.
- Tuyên truyền giải pháp thực hiện các nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cấu trúc lại nền kinh tế; biểu dương, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
- Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội; tích cực đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; mở rộng giao lưu, hội nhập với thế giới…
Đồng chí Lê Hồng Anh cũng nhấn mạnh, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phối hợp tốt hơn với các ngành, các cấp, cơ quan liên quan để chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin trên báo chí chính xác, sắc bén, kịp thời hơn, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Tiến hành nghiêm túc, khoa học dự án bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trình Quốc hội khóa XIII. Các cơ quan chủ quản phát huy, thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nhất là việc chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí và định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng ủy, ban biên tập, tổng biên tập trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh phân tích, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm của công tác báo chí trong năm 2012; những vấn đề về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, phát triển tốt hơn, trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của nền báo chí nước nhà và trước những đòi hỏi của tình hình mới. Đồng chí yêu cầu, các cơ quan báo chí phát huy những mặt tích cực, tập trung khắc phục các khuyết điểm như đã nêu, đồng thời ngay sau Hội nghị, với quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao, triển khai một cách nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác báo chí năm 2012./.
Hội nghị đánh giá công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc  (30/03/2012)
Công điện về đối phó bão số 1  (30/03/2012)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm