Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
TCCS - Nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác này, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Vai trò công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội và thực tiễn tại tỉnh Hà Tĩnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phương pháp nắm bắt dư luận xã hội (DLXH) của quần chúng, đó là phải “chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì(1). Người cho rằng, làm cách mạng thì phải định hướng DLXH, tức là làm cho dân hiểu vì sao phải làm cách mạng và phương pháp làm cách mạng như thế nào. Bác đã đề ra chủ trương định hướng DLXH là tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều hiểu, đều giác ngộ, tin tưởng và đoàn kết đứng lên làm cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Kết luận số 100/KL-TW, ngày 18-8-2014, của Ban Bí thư khóa XI, về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” đề ra yêu cầu: Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan của Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng nắm bắt, định hướng DLXH, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”(2). Công tác định hướng DLXH giữ vai trò quan trọng trong việc tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động của quần chúng nhân dân, từ đó góp phần ổn định xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là công cụ quan trọng để đấu tranh, ngăn chặn và phản bác các thông tin, quan điểm sai sái, xấu độc, định hướng dư luận theo hướng tích cực nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác định hướng DLXH nằm ở trung tâm của việc quản lý và điều chỉnh dòng chảy thông tin trong xã hội, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có những quyết sách hợp lý và đúng đắn. Qua đó góp phần xây dựng niềm tin, sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Thông qua việc nắm bắt dư luận một cách chính xác và kịp thời, các cấp ủy, chính quyền nghiên cứu điều chỉnh các chính sách, giải pháp để đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, giảm thiểu những xung đột tiềm ẩn có thể xảy ra trong xã hội.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thông tin, các phương tiện truyền thông xã hội, định hướng DLXH giúp ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả các thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động. Việc định hướng DLXH không chỉ là việc phản ứng trước các tình huống xảy ra, mà còn là hành động chủ động tạo dựng những giá trị tích cực, xây dựng niềm tin vững chắc cho quần chúng, góp phần nâng cao nhận thức, giác ngộ cách mạng và khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội. Khi DLXH được định hướng đúng đắn, nhân dân sẽ có cách nhìn nhận khách quan, khoa học về các vấn đề trong xã hội, qua đó dễ dàng chấp nhận và ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Công tác định hướng DLXH còn là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giúp các cơ quan lãnh đạo có thể lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Việc thu thập thông tin từ DLXH một cách chính xác, kịp thời giúp Đảng và Nhà nước điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, định công tác hướng DLXH còn góp phần phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh như các mâu thuẫn, bất đồng hoặc các tác nhân gây mất ổn định, để từ đó có những giải pháp điều chỉnh kịp thời. Nhờ đó, giúp ngăn chặn những diễn biến phức tạp, hạn chế khả năng bùng phát các xung đột xã hội hoặc các cuộc khủng hoảng thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và các phương tiện truyền thông xã hội trở thành công cụ lan truyền thông tin nhanh chóng, vai trò của công tác nắm bắt, định hướng dư luận càng trở nên cấp thiết nhằm ngăn chặn, phản bác kịp thời các thông tin sai trái, xấu độc mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để gây hoang mang, chia rẽ trong xã hội. Việc định hướng đúng đắn không chỉ giúp người dân có cái nhìn khách quan về các vấn đề mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, từ đó đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước.
Hà Tĩnh là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào, phía đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 137km. Thời gian qua, công tác nắm bắt, định hướng DLXH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên, qua đó kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương giải quyết vấn đề dư luận quan tâm.
Xác định tầm quan trọng của công tác nắm bắt, định hướng DLXH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định: “Chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tăng cường công tác định hướng thông tin, đề ra các giải pháp ổn định tình hình tư tưởng. Triển khai các cuộc điều tra dư luận xã hội”. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nắm bắt, định hướng DLXH thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, đối thoại, cung cấp cơ sở pháp lý, tính hiệu quả của chương trình, dự án, đánh giá tác động môi trường, đồng thời nắm bắt các luồng dư luận để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ làm tốt công tác dự báo, nắm bắt, định hướng DLXH, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành nên các vấn đề mới nảy sinh trên địa bàn tỉnh được xử lý kịp thời, hạn chế phát sinh điểm nóng. Điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nắm bắt, phản ánh, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Định kỳ biên tập tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ hằng tháng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện công tác tuyên truyền miệng và định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới về nội dung thông tin, hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm mục tiêu nhiệm vụ chính trị.
Thứ hai, hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành các văn bản định hướng tuyên truyền. Trước các sự kiện trọng đại của đất nước, Hà Tĩnh đã tổ chức các hội nghị báo cáo viên, giao ban báo chí, họp báo để thông tin, tuyên truyền về sự kiện cho các địa phương, đơn vị, các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn; chỉ đạo ban chỉ đạo 35 các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và các thông tin xấu, độc trên phương tiện truyền thông xã hội.
Thứ ba, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh quan tâm kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh, gồm 32 đồng chí, hướng dẫn ban tuyên giáo cấp huyện kiện toàn đội ngũ với 310 đồng chí. Hằng năm, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức; phương pháp nắm bắt và điều tra DLXH cho cộng tác viên, cán bộ tuyên giáo, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ DLXH cho cán bộ tuyên giáo các cấp. Tích cực phối hợp với Viện Dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát nắm bắt DLXH về tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các chủ trương, chính sách của tỉnh Hà Tĩnh, của đất nước tác động trực tiếp đến người dân. Từ năm 2016 đến năm 2024, đã tổ chức 22 cuộc theo hình thức trực tuyến và trực tiếp; phối hợp Viện Dư luận xã hội điều tra 8 cuộc trực tiếp, 4 cuộc trực tuyến; phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra độc lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định mức độ ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê đến đời sống nhân dân tại vùng mỏ. Kết quả các cuộc điều tra giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt thực trạng tình hình, nguyên nhân để ban hành chủ trương, chính sách sát với tình hình thực tế của địa phương.
Thứ tư, việc nắm bắt, tổng hợp tình hình DLXH được thực hiện từ nhiều kênh khác nhau thông qua báo cáo của ban tuyên giáo các cấp và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; tổng hợp thông tin, tình hình tư tưởng, dư luận từ trên không gian mạng, điểm báo hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thành lập nhóm zalo cộng tác viên, nhóm cán bộ phụ trách DLXH; báo cáo qua điện thoại khi nắm bắt được vấn đề, vụ việc. Nội dung phản ánh bảo đảm tính kịp thời, trung thực liên quan đến những vấn đề dư luận quan tâm như ảnh hưởng sự cố môi trường biển; việc sắp xếp các đơn vị hành chính; lĩnh vực tài nguyên môi trường; chương trình giáo dục, đào tạo; tình hình an ninh, trật tự; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức...
Thứ năm, trên cơ sở nắm bắt thông tin từ DLXH, ngành tuyên giáo đã quan tâm định hướng dư luận xã hội trước các vấn đề phức tạp, mới phát sinh, góp phần ổn định tình hình tư tưởng ở cơ sở. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên tuyền, trong đó hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 báo cáo viên Trung ương, 52 báo cáo viên cấp tỉnh; 613 báo cáo viên cấp huyện và các tổ chức chính trị - xã hội; 3.700 tuyên truyền viên nòng cốt cấp xã và hơn 6.900 tuyên truyền viên ở thôn, tổ dân phố. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo đảm tính chiến đấu, sức hấp dẫn, thuyết phục, năng động, sáng tạo, có chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền miệng, đã góp phần tích cực trong công tác định hướng DLXH.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế đó là: Một số cấp ủy, chính quyền, địa phương chưa phản ảnh đầy đủ những thông tin nổi cộm, bức xúc và ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Nguồn thông tin từ cơ sở báo cáo qua các kênh “chính thức” được sàng lọc, báo cáo theo ý kiến, đánh giá ít nhiều mang tính chủ quan của các cán bộ phụ trách hoặc ý chí của lãnh đạo, dẫn đến hạn chế sự kịp thời và chính xác của thông tin. Một số cán bộ làm công tác dư luận xã hội còn hạn chế trong phát hiện và dự báo sớm một số vụ việc gây bức xúc dư luận ở địa phương. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DLXH ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời, năng lực không đồng đều. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong nắm bắt và định hướng dư luận đối với những vấn đề nảy sinh thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin định hướng dư luận một số địa phương còn chậm. Đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội có lúc bị động, lúng túng.
Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
Trong thời gian tới, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gia tăng các thủ đoạn hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là trước thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng DLXH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần bám sát và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tuyên giáo; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác nắm bắt và định hướng DLXH, gắn công tác DLXH với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của chi, đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên; tiếp tục nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết của công tác nắm bắt DLXH đối với công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh hiện nay.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của ban tuyên giáo các cấp đối với công tác nắm bắt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan trong công tác cung cấp thông tin, định hướng và xử lý kịp thời những vấn đề được DLXH quan tâm. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ban chỉ đạo 35 các cấp.
Thứ ba, gắn kết chặt chẽ và phát huy đồng bộ, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng DLXH với việc tăng cường hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo 35 các cấp trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động cung cấp các kiến thức giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để “tự miễn dịch” trước các thông tin xấu độc lan truyền trên không gian mạng. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, cung cấp thông tin sai trái, xuyên tạc gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng xã hội.
Thứ tư, tổ chức các cuộc thăm dò dư luận, điều tra xã hội học liên quan tình hình thực hiện chủ trương, chính sách lớn của tỉnh; thông qua điều tra, thăm dò dư luận nhằm đưa ra các nhận định, đánh giá, dự báo tình hình và tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền định hướng tư tưởng, DLXH; kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt DLXH, dự báo tình hình theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, minh bạch hóa thông tin, gia tăng tương tác giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân qua các kênh trực tuyến; tăng cường phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 28
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 181
Phát huy vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo  (31/07/2024)
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu chủ nghĩa xã hội trên đất Hồng Lam  (27/11/2023)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay