Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại Đắk Lắk

Thu An (tổng hợp)
22:01, ngày 18-03-2012
TCCSĐT - Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 18-3-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2011 và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những kết quả mà tỉnh Đắk Lắk được trong những năm qua. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế, Đắk Lắk phải đặc biệt quan tâm đến chính sách đất đai đối với bà con các dân tộc thiểu số, đồng thời phải làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. 

Chủ tịch nước lưu ý, Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung chưa làm tốt công tác quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, bởi làm tốt điều này chính là bảo vệ môi sinh, môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ tịch nước cho rằng những năm qua, chúng ta mới chỉ quan tâm đến phát triển theo chiều rộng mà chưa quan tâm đến phát triển chiều sâu. Do đó, để phải áp dụng ngay khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chính quyền và các doanh nghiệp phải có sự hỗ trợ trực tiếp đối với bà con về vấn đai, về vốn, về kỹ thuật... để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập góp phần ổn định đời sống cho bà con các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị Đắk Lắk cần làm tốt công tác củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở và làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội và quốc phòng.

Là tỉnh trọng điểm được xác định là vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 13.100 km2, dân số gần 1,8 triệu người trong đó có 41 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống, chiếm 33% dân số của tỉnh, Đắk Lắk luôn là một tỉnh có tiềm năng phát triển lớn, nhất là phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Hiện Đắk Lắk có hơn 190.000ha cà phê lớn nhất trong khu vực Tây Nguyên. Để khai thác tốt những tiềm năng của tỉnh, những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo sát sao, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã đưa Đắk Lắk trở thành phát triển nhất trong khu vực. Đặc biệt năm 2011, tốc độ tăng trưởng đạt 13%, thu ngân sách đạt gần 3.500 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 17,8%. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai rộng trên địa bàn 152 xã của tỉnh với sự lồng ghép nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có mô hình thí điểm gắn kết hỗ trợ của các doanh nghiệp với bà con trong xây dựng nông thôn mới tại xã EaTul, huyện CưMGa bước đầu cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, công tác quy hoạch, quản lý đất đai, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm nên chưa phát huy hết tiềm năng của tỉnh trọng điểm trong khu vực.

Trước đó, đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk sáng 18-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, bên cạnh sự tăng cường quản lý của các ngành chức năng thì các ngành Tư pháp phải thể hiện được vai trò của mình trong việc góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ chế độ, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, những năm qua, ngành Tòa án và Kiểm sát tỉnh Đắk Lắk luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt nghiêm túc để cán bộ đơn vị nhận thức sâu sắc. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, công tố của ngành Kiểm sát và công tác xét xử của ngành Tòa án đã từng bước được nâng cao, các vụ án hình sự, dân sự, hành chính luôn được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Năm tháng qua (kể từ 1-10-2011 đến nay), 2 ngành thụ lý khoảng 4.300 vụ án các loại và đã giải quyết được gần 2.500 vụ án nhưng không có trường hợp nào xét xử oan sai, vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các án dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh tế đều thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, với vị trí của tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, trình độ dân trí còn thấp, điều kiện địa lý, địa hình khó khăn nên gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý, điều hành, xét xử lưu động nhằm góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và răn đe phòng ngừa tội phạm chung của ngành Tòa án.

Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Đắk Lắk, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Học viện Hành chính - Phân viện khu vực Tây Nguyên thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Nói chuyện với cán bộ, giảng viên tại đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới, nền hành chính công đối với công tác xây dựng chính quyền, nhất là việc xây dựng nền hành chính của dân, do dân và vì dân ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng. Muốn làm được điều này, cần phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đăc biệt với đội ngũ cán bộ ở khu vực Tây Nguyên. Vì thế, Học viện Hành chính - Phân viện khu vực Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ cho địa phương. Bên cạnh đó, các học viên cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước cũng đã đi thăm và khảo sát khả năng chuyển đổi cơ cấu đất, cây trồng tại thôn Nà Ven, xã EAVen, huyện Buôn Đôn. Đây là 1 trong 7 xã khó khăn, với thôn Nà Ven hiện còn chưa có điện, đất đai rộng nhưng hoang hóa, năng suất cây trồng thấp. Chủ tịch nước lưu ý các đồng chí lãnh đạo tại đây cần nghiên cứu khảo sát kỹ điều kiện thổ nhưỡng để việc chuyển đổi cây trồng vât nuôi hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cho bà con trên địa bàn./.