Tương lai nào cho START-1?
Từ trì hoãn đến tái khởi động, do đâu?
Năm 1991, Nga - Mỹ ký kết Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1), và đến 5-12-2009, START-1 sẽ hết hiệu lực. Việc ký kết Hiệp ước này là bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hạt nhân Nga - Mỹ khi đó, bởi lần đầu tiên, Nga và Mỹ biết khá rõ động thái của nhau trong quá trình cắt giảm hạt nhân. Tuy nhiên, trong thời gian thực thi START-1 đã diễn quá nhiều biến cố, mà lớn nhất là sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1992.
Với sự kiện này, Mỹ cho rằng họ đã giành "chiến thắng" trong "chiến tranh lạnh", nên chỉ một năm sau, vào năm 1992, Mỹ bắt đầu đợt đàm phán mới ép Nga cắt giảm căn bản tiềm lực hạt nhân của mình. Hiệp ước START-2 được ký kết năm 1993 trong bối cảnh ấy, và Nga đã phải nhượng bộ rất nhiều so với Mỹ. Chẳng hạn, START-1 quy định "các bên" phải dỡ bỏ toàn bộ tên lửa chiến lược cơ động trên mặt đất, thế nhưng cách nói "các bên" để thấy có vẻ cân bằng, nhưng thực ra Nga phải dỡ bỏ những giàn tên lửa Nga có, mà Mỹ chưa hề có. Hoặc, các thanh sát viên của Mỹ được phép đến đứng tại cửa ra vào các nhà máy chế tạo tên lửa chiến lược của Nga để kiểm tra từng quả tên lửa xuất một khi được xưởng v.v..
Tiếp đến, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa và xúc tiến thực hiện kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu. Nước Nga giờ đây, với một vị thế mới trên trường quốc tế, đã coi việc Mỹ đặt lá chắn tên lửa ở Đông Âu là sự đe doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia của họ nên kiên quyết phản đối và đề nghị phải đưa nội dung này vào các cuộc đàm phán về START-1, nhưng phía Mỹ không đồng ý. Còn nữa, trong khi Mỹ nỗ lực xúc tiến kết nạp U-crai-na vào NATO, thì Nga kiên quyết phản đối.
Tranh giành lợi ích và khẳng định phạm vi ảnh hưởng của hai cường quốc quân sự này đã làm cho việc đàm phán để gia hạn START-1 hoặc ký kết một hiệp ước mới bị trì hoãn, đình trệ sau một thời gian dài. Tuy nhiên, sự trì hoãn không thể kéo dài thêm nữa, và hai bên đã bắt đầu tái khởi động các cuộc đàm phán.
Lý do dẫn đến thời điểm cần tái khởi động đàm phán này, thứ nhất, do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu mà nước Mỹ nằm ở tâm bão, và tư duy “thay đổi” của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma. Nước Mỹ đang đứng trước những vấn đề trong nước và quốc tế không thuận lợi như những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX.
Thứ hai, cải thiện hình ảnh nước Mỹ, làm cho nước Mỹ trở nên “thân thiện” hơn với phần còn lại của thế giới, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có quan hệ Mỹ - Nga, mà như vậy, cần phải tái khởi động các cuộc đàm phán với Nga về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược bởi đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Nga - Mỹ. Thêm vào đó, lúc này, nước Nga không còn ráng chịu sức ép đơn phương từ phía Mỹ nữa, một bằng chứng là cuộc chiến 5 ngày ở Nam Ô-xê-ti-a và việc Nga công nhận độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.
Thứ ba, Tổng thống B.Ô-ba-ma cho rằng, nguy cơ nước Mỹ bị tiến công hạt nhân không chỉ xuất phát từ bên ngoài, mà ngay cả từ các cơ sở hạt nhân của Mỹ. Do đó, Mỹ không cần duy trì số lượng lớn đầu đạn hạt nhân chiến lược. Mỹ cũng không nhất thiết phải duy trì quá nhiều đầu đạn hạt nhân để “răn đe” tối thiểu đối với Nga, bởi chỉ cần tiến công vào các mục tiêu có giá trị nhất như các trung tâm khai thác dầu lớn nhất, các nhà máy luyện kim các cơ sở năng lượng điện... là đủ.
Thứ tư, cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan, vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và I-ran... chỉ một mình nước Mỹ không thể giải quyết được. Mỹ đang cần tới Nga trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế.
Và vì thế, Nga - Mỹ đã trải qua hai vòng đàm phán về một Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Ngày 20-5-2009, kết thúc vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Mỹ với kết quả cụ thể không được công bố, nhưng cả Mat-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đều cảm thấy hài lòng. Vòng hai cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 1 đến 3-6 cũng kết thúc với việc cả hai bên không đưa ra bình luận về kết quả thương lượng, cũng không thông báo thời gian tiến hành vòng đàm phán kế tiếp.
Tuy nhiên, việc tái khởi động vòng đàm phán đã cho thấy những dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Nga - Mỹ vốn trở nên băng giá sau khi Mỹ xúc tiến bố trí lá chắn tên lửa ở Đông Âu và cuộc chiến tranh 5 ngày ở Nam Ô-xê-ti-a tháng 8-2008.
Trở ngại nào trên con đường tiến tới một Hiệp ước thay thế START-1?
Trước hết phải kể đến Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi, việc Mỹ tiếp tục thực hiện Chiến lược vũ trụ quân sự mới nhằm giành ưu thế quân sự trước mọi đối phương tiềm tàng, trong đó có Nga. Mỹ đã từng tuyên bố, ai làm chủ được vũ trụ, người đó sẽ làm chủ Trái Đất trong thế kỷ XXI.
Tiếp đến, là kế hoạch của Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu. Các chuyên gia phân tích quân sự Nga cho rằng, lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu trước hết là nhằm đánh chặn các tên lửa hạt nhân của Nga khi vừa rời bệ phóng.
Ngoài những trở ngại đó, chế độ kiểm tra chéo công bằng đối với cả hai phía là vấn đề nổi cộm trong các cuộc đàm phán hiện nay vì chế độ kiểm tra trước đây tạo ra ưu thế đơn phương cho phía Mỹ.
Nếu không giải quyết được những trở ngại trên đây thì việc đưa ra ngưỡng cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược trong Hiệp ước mới sẽ là vô nghĩa. Do đó, để đạt được thoả thuận cho một START mới, các bên sẽ phải nhựơng bộ. Nội dung và mức độ nhượng bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài lĩnh vực hạt nhân.
Tuy nhiên, có một điều là cho đến giờ, có lẽ cả Mỹ và Nga đều rút ra bài học lớn từ câu chuyện Liên Xô sụp đổ: một cường quốc quân sự được coi là mạnh nhất thế giới, được trang bị hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược vào loại nhất nhì thế giới, bỗng chốc sụp đổ. Trong bối cảnh chính trị - quân sự, kinh tế và một thế giới đang toàn cầu hoá sâu sắc như hiện nay, bài học này không phải không có ý nghĩa với nước Mỹ. Chạy đua giành ưu thế hạt nhân toàn diện rất dễ đánh mất nhiều cái quan trọng khác, thậm chí có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng, trong khi vẫn chiếm ưu thế hạt nhân.
Vì thế, giới bình luận cho rằng, trong tương lai, có nhiều khả năng Nga và Mỹ sẽ nhân nhượng để đạt một giải pháp mà cả hai đều chấp nhận được và ký kết một hiệp ước mới. Hiệp ước này dù có được gọi là Hiệp ước gia hạn START-1, hay là một Hiệp ước START-1 mới, thì nội dung của nó sẽ thay đổi rất nhiều, nếu không muốn nói là thay đổi căn bản, trong đó, các bên sẽ phải nhượng bộ để đạt được mục đích cân bằng chiến lược. Nga sẽ không chịu "lép vế" trước các áp đặt của Mỹ như trong START-1 hoặc START-2. Các bên sẽ phải điều chỉnh lại các biện pháp kiểm tra chéo để đạt được sự công bằng hơn so với START-1.
Nếu Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận để ký một Hiệp ước START mới thì quan hệ giữa hai cường quốc đã từng là đối thủ trong cuộc "chiến tranh lạnh" trong thế kỷ XX đã thực sự được ấn “nút bấm" khởi động lại.
Cắt giảm vũ khí hạt nhân và một thế giới an toàn
Để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân còn quá nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, các quốc gia khác trong "Câu lạc bộ hạt nhân" cũng phải tham gia đàm phán để ký kết một hiệp ước về hạn chế vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, hiện nay, một số nước trong Câu lạc bộ này chưa tham gia vào quá trình đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với lý do tiềm năng hạt nhân "còn quá nhỏ" so với tiềm năng của Mỹ và Nga. Thậm chí, ngay cả khi Mỹ và Nga đạt được một thỏa thuận mới về hạn chế đáng kể các loại vũ khí hạt nhân, cũng không có nghĩa là các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phải "noi gương" họ mà làm theo. Nhưng, dù sao Hiệp ước STAR mới giữa Nga và Mỹ sẽ tác động tích cực tới tình hình chính trị - quân sự quốc tế. Trước hết, Hiệp ước mới sẽ tạo ra bầu không khí hoà dịu mới trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang có biểu hiện của một cuộc "chiến tranh lạnh" mới. Không khí hoà dịu cũng sẽ tạo điều kiện cho hai nước phối hợp giải quyết nhiều vấn đề quốc tế mà cả Mỹ và Nga đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu được. Hiệp ước sẽ tạo ra ấn tượng mới về nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế, giúp cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước khác, trước hết là các quốc gia có vũ khí hạt nhân mà Mỹ đang muốn giải giáp.
Để có một thế giới an toàn, phi hạt nhân hoá mới chỉ là một trong những nỗ lực. Một thế giới phi hạt nhân hoá sẽ không còn mối lo khủng bố hạt nhân, không lo chiến tranh hạt nhân ngẫu nhiên do lỗi kỹ thuật hoặc do báo động nhầm, nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ không còn bị de dọa bởi chiến tranh. Thế giới chỉ an toàn hơn khi các quốc gia cam kết không dùng sức mạnh quân sự để giải quyết các mâu thuẫn giữa các nước, hoặc không dùng ưu thế sức mạnh quân sự để thực hiện các mục đích ích kỷ của mình. Do đó, vấn đề huỷ bỏ vũ khí hạt nhân cần được tiếp cận một cách toàn diện, trước hết là các nước phải cam kết không tìm cách chiếm ưu thế quân sự đơn phương. Chỉ khi đó thế giới mới thật sự an toàn./.
Ngăn chặn suy giảm kinh tế, sớm cấu trúc lại nền kinh tế  (16/06/2009)
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 15  (16/06/2009)
Bắt giữ Lê Công Định-một hành động đúng đắn vì lợi ích đất nước  (16/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay