Ngày 15-6, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 15 với chủ đề “Tăng cường công tác ngoại vụ địa phương phục vụ triển khai hiệu quả nền ngoại giao toàn diện” với sự tham gia của gần 250 đại biểu công tác tại Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì Hội nghị.
 
Cả nước hiện có 31 Sở Ngoại vụ, 30 phòng Ngoại vụ và 2 bộ phận ngoại vụ trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Trong 2 năm (2008-2009) công tác ngoại vụ địa phương có nhiều tiến bộ. Cơ quan ngoại vụ ở các địa phương đã chủ động xử lý nhiều loại hình hoạt động đối ngoại, kể cả những hoạt động mang tính chất phức tạp, nhạy cảm. Tại các địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng, công tác biên giới lãnh thổ đã được các cơ quan ngoại vụ tập trung xử lý tích cực góp phần quan trong vào việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền với Trung Quốc; Triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới với Lào; tích cực thực hiện phân giới cắm mốc trên thực địa với Campuchia; Duy trì hoà bình ổn định trên biển Đông, góp phần xây dựng đường biên giới của nước ta với các nước thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao tiến hành các hoạt động phối hợp theo đề nghị của các địa phương như báo chí, văn hóa, lễ tân, lãnh sự…. Song, công tác Ngoại vụ địa phương vẫn còn những khó khăn như: sự nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đối ngoại; sự chỉ đạo của UBND tỉnh còn phân tán, tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan chuyên môn còn nhiều, một số hoạt động đối ngoại như công tác biên giới, đối ngoại nhân dân, Việt kiều, văn hóa chưa có đầu mối thống nhất quản lý, năng lực cán bộ ngoại vụ nhiều nơi còn hạn chế.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định: Mỗi địa phương là một chủ thể, một lực lượng cấu thành trong các lực lượng đối ngoại của đất nước; có vai trò, trách nhiệm triển khai cụ thể trên địa bàn các vấn đề trọng tâm của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, công tác Việt kiều; là “cánh tay nối dài” của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đối ngoại ở Trung ương trong việc đôn đốc, thực hiện các chức năng quản lý thống nhất, tham mưu đóng góp cho việc hoạch định, triển khai công tác đối ngoại chung. Các đơn vị hiểu biết địa phương mình, địa phương, nhân dân nước bạn, tranh thủ quan hệ truyền thống để triển khai tốt hợp tác địa phương với địa phương trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá và bảo hộ công dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngoại giao toàn diện, có 3 hướng lớn cần phải làm tốt đó là kế hoạch, mạng lưới và cán bộ. Các địa phương cần xác định rõ điểm mạnh-yếu trong công tác đối ngoại địa phương, chủ động trong việc đề xuất nhu cầu bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại từng bước đáp ứng được tiêu chí tinh gọn và tinh nhuệ./.