Chương trình xây dựng nông thôn mới, sau 2 năm thí điểm

PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc
22:30, ngày 26-01-2012
TCCSĐT - Chương  trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Chương trình thí điểm), được triển khai thực hiện theo Kết luận số 32/KL-TW ngày 20-11-2008 Bộ Chính trị và Thông báo kết luận số 238/TB-TW ngày 07-4-2009 của Ban Bí thư về Đề án “Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới”, nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Để có cơ sở thực tiễn cho chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế-văn hóa trên cả nước xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngày 16-4-2009 Chính phủ đã có Quyết định 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí.

Cùng với 11 xã thí điểm của Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới với các phạm vi khác nhau nhưng thống nhất nội dung theo 19 tiêu chí quốc gia.

Sau 2 năm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của Trung ương và địa phương, Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận song khó khăn và hạn chế vẫn còn nhiều.

 1- Những  kết quả bước đầu

Sau 2 năm thí điểm, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thành công bước đầu và đạt được một số kết quả quan trọng cả về kinh tế-xã hội và kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo của các ngành, các cấp. Những ưu điểm về nội dung Chương trình nông thôn mới đã được thể hiện qua những kết quả chủ yếu sau đây:

- Mô hình nông thôn mới đã hình thành trên thực tế tại các xã thí điểm của Trung ương và địa phương. Một số xã thí điểm đạt kết quả khá toàn diện như: Hải Đường (Nam Định); Tân Thịnh (Bắc Giang); Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh); Thanh Tân, Bình Định (Thái Bình). Một số xã đạt kết quả tốt một số mặt như quy hoạch, phát triển sản xuất hàng hóa ở Mỹ Long Nam (Trà Vinh), huy động nguồn lực ở Thanh Chăn (Điện Biên), Thanh Tân, Định Hòa (Kiên Giang), phát triển sản xuất gắn với quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa ở Tân Thịnh (Bắc Giang), Thanh Tân, Bình Định, (Thái Bình), mô hình liên kết sản xuất ở Thụy Hương (Hà Nội), Tân Hội (Lâm Đồng); mô hình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn ở Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh), Tân Lập (Bình Phước)... Hiện, các mô hình này đang là điểm sáng thu hút sự quan tâm của các địa phương đến thăm quan, học hỏi và cũng là căn cứ để Ban Chỉ đạo Trung ương rút kinh nghiệm chỉ đạo cả nước.

- Đã khẳng định được chủ trương lấy xã làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu và điều kiện nước ta hiện nay và đáp ứng được nguyện vọng của dân cư nông thôn, đúng với quan điểm, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng thời kỳ 2011-2020.

Qua thí điểm, ở cả Trung ương và địa phương, thực tế khẳng định được chủ trương lấy xã làm địa bàn tổ chức thí điểm thực hiện và tổ chức xây dựng mô hình nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Trung ương là phù hợp. Việc sắp xếp thứ tự vị trí các tiêu chí như quyết định của Ban Bí thư Trung ương là đúng.

- Xác định được những cơ chế, chính sách cần đổi mới, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách tài chính, cơ chế quản lý xây dựng cơ bản các cơ sở hạ tầng phù hợp với địa phương, nhất là chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới. Đó là cơ chế tài chính theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư và nhân dân đóng góp với tỷ lệ hợp lý.

Đã huy động được nguồn lực tài chính nhiều hơn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là chương trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những kết quả trên đây cho thấy, việc đề ra và chỉ đạo triển khai các mô hình thí điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới trong cả nước và từng vùng là chủ trương đúng đắn, kịp thời và hữu ích. Kết quả đạt được không dừng lại ở số xã đạt bao nhiêu tiêu chí mà quan trọng hơn là giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như địa phương xây dựng, hoàn thiện các cơ, chế chính sách phù hợp với mục tiêu và điều kiện kinh tế-xã hội nông thôn giai đoạn hiện nay và các năm tới.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ các mô hình thí điểm của 11 xã của Trung ương chỉ đạo và các địa phương trong 2 năm qua là rất có ý nghĩa đối với nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thôn xóm trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ đối với các địa phương thí điểm mà còn đối với các địa phương khác.

- Nhận thức của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được nâng cao so với trước. Kết quả này chắc chắn sẽ tác động đến nhiều mặt từ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và làm chủ của dân trong xây dựng nông thôn mới nói chung, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao đời sống nông dân nói riêng. Đó là cơ sở để phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, thông qua cơ chế chính sách và  đầu tư nguồn lực (tài chính, thời gian, cán bộ...) cho Chương trình nông thôn mới. Niềm tin của nhân dân nông thôn đối với Đảng, Nhà nước cũng được tăng cường và củng cố thông qua các kết quả thí điểm xây dựng các mô hình nông thôn mới. Đó cũng là những động lực tinh thần, những cơ sở thực tế để động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong Chiến lược 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015 do Đại hội Đảng XI và Nghị quyết số 26, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 đề ra.

Thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm đã có tác động tích cực đối với các cấp, các ngành và người dân, các doanh nghiệp về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Qua đó, tăng lòng tin của dân cư nông thôn đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí là một bước chuyển biến mới đối với nông thôn của một đất nước xuất phát từ nông nghiệp đi lên và đến cuối thập kỷ tới cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có phạm vi khá rộng, phản ánh khá toàn diện bộ mặt nông thôn sau khi trở thành nông thôn mới, từ khâu quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự xã hội.

Qua 2 năm thí điểm tại 11 xã của Trung ương chỉ đạo và các xã do địa phương chỉ đạo cho thấy, hầu hết các xã thí điểm đã thực hiện được trên 50% số lượng tiêu chí đề ra, trong đó một số tiêu chí đã lượng hóa được thông qua các chỉ tiêu cụ thể như: xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; huy động và sử dụng các nguồn lực, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa giáo dục, xây dựng mô hình nông thôn mới phù hợp với điều kiện địa phương. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì việc lấy tiêu chí quy hoạch đặt lên hàng đầu là phù hợp vì đó là điều kiện tiên quyết. Hạ tầng là khâu đột phá nên đặt ở vị trí thứ 2 là cần thiết, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội nông thôn. Các tiêu chí khác như văn hóa, y tế, giáo dục môi trường, thu nhập đời sống của dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo, an ninh thôn xóm... bố trí ở các tiêu chí sau cũng khá hợp lý vì đó vừa là mục tiêu vừa là kết quả của phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng mô hình nông thôn mới.

Nguyên nhân thành công

- Chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới của Trung ương là đúng đắn, kịp thời, được các ngành, các cấp nhất trí cao và đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của  nhân dân, nhất là nông thôn.

- Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương đã chuẩn bị khá đầy đủ các tài liệu tư liệu hướng dẫn các địa phương triển khai công tác thí điểm trên địa bàn. Công tác chỉ đạo triển khai thí điểm tại 11 xã của  Trung ương được sự tham gia nhiệt tình của các ngành, các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.

- Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các xã điểm đã quán triệt và triển khai nghiêm túc chủ trương chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, tập trung sự chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án thí điểm mô hình nông thôn mới đạt được một số kết quả bước đầu.

- Đã làm tốt công tác tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã điểm thấy rõ xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phải làm lâu dài. Để xây dựng nông thôn mới, trước hết phải tổ chức tốt sản xuất, phải huy động cao các nguồn lực của nhân dân địa phương, phải dựa vào sức mình là chính. Từ đó thống nhất quyết tâm cao tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án.

- Bước đầu huy động các nguồn lực của địa phương và đóng góp của nhân dân, kết hợp lồng ghép bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu (xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, trạm y tế…) đầu tư cho các xã điểm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội nông thôn.

2- Những hạn chế và bất cập

Xây dựng nông thôn mới là Chương trình lớn cấp quốc gia có nội dung phong phú, toàn diện, phạm vi rất rộng , liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên qua thí điểm cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần bổ sung, sửa đổi cả về mục tiêu, nội dung và Bộ tiêu chí quốc gia.

- Mục tiêu của Chương trình đề ra chưa rõ ràng. Nếu mục tiêu chỉ để thí điểm thì rất ít ý nghĩa, vì không còn tính công bằng, nhưng nếu để nhân rộng ra tất cả các xã cả nước thì cả 19 tiêu chí đề ra lại không có giá trị thực tế. Lý do là khi đó thì so sánh xã nông thôn mới với các xã  vùng nông thôn nói chung cũng không còn. Còn các mục tiêu đề ra đến năm 2015 và 2020 là quá cao nên không  có tính khả thi. Điều này thể hiện qua kết quả 2 năm thí điểm của Trung ương cũng như các địa phương.

- Những kết quả đạt được tại các xã thí điểm của Trung ương cũng như của các tỉnh, thành còn thấp so với mục tiêu và yêu cầu của Chương trình cũng như đầu tư của Nhà nước. Thực tế, trong 11 xã thí điểm của Trung ương sau 2 năm không có xã nào đạt cả 19 tiêu chí của Trung ương. Số xã đạt trên 10 tiêu chí cũng chỉ có 7, trong đó có 3 xã đạt 14 tiêu chí. Số còn lại 4 xã đạt dưới từ 10 tiêu chí trở xuống, trong đó có xã Thanh Chăn (Điện Biên) đạt 7 tiêu chí. Điều đáng lưu ý là kết quả đó chủ yếu do địa phương thu thập, tính toán và công bố, chưa có sự tham gia kiểm tra, giám sát công nhận của các ngành chức năng (Thống kê, Tài chính, Lao động Thương binh & Xã hội). Do đó tính pháp lý của các kết quả đó chưa cao, chưa thuyết phục.

- Bất cập về vốn. Chương trình xây dựng nông thôn mới cần nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhân dân có hạn nên tiến độ triển khai các dự án rất chậm, một số nội dung không có kinh phí riêng như phát triển sản xuất. Điều đó thể hiện ngay tại 11 xã thí điểm của Trung ương. Tổng hợp 11 xã điểm của Trung ương, tổng số vốn đến tháng 12-2010 lũy kế là 940,1 tỉ đồng, bình quân 1 xã là 85,4 tỉ đồng. Các công trình xây dựng nông thôn mới các xã điểm phần lớn nhờ nguồn lực của Trung ương hỗ trợ (40%), ngân sách  địa phương và của dân cư không đáng kể (12,4%) vốn doanh nghiệp còn quá ít (8,9%). Những xã thuần nông vốn của dân cư rất thấp (Tân Hội, Lâm Đồng 1,22%; Tân Lập, Bình Phước 2,5%; Hải Đường, Nam Định 4,50%)... Nếu tình hình này không được khắc phục sẽ phát sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước là không lành mạnh, không công bằng với các xã ngoài thí điểm. Tại các xã điểm do địa phương chỉ đạo tỷ trọng vốn doanh nghiệp hỗ trợ và vốn dân đóng góp còn rất thấp nên tốc độ triển khai các công trình xây dựng nông thôn mới của xã rất chậm và không đều, chủ yếu tập trung vào xây dựng mới. Ít quan tâm đến tu sửa, nâng cấp, quản lý và vận hành các công trình đã có, các công trình văn hóa...

- Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất tăng thu nhập, văn hóa và môi trường. Mới chú trọng nhiều đến xây dựng các công trình xã mà chưa quan tâm thích đáng tới các công trình ở các thôn hoặc ở hộ nông dân. Các địa phương còn lúng túng trong việc tìm kiếm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Tình trạng chung là còn ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước.

- Về công tác phát triển sản xuất, nhìn chung các địa phương mới chỉ tập trung cho xây dựng quy hoạch và lập đề án, việc sản xuất vẫn theo kế hoạch hàng năm, chưa có chuyển biến rõ rệt. Trên thực tế, đây là công việc rất khó, vì liên quan đến chính sách đất đai. Đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, thực trạng ruộng đất còn manh mún, nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới không có nội dung dồn điền đổi thửa, nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn nông thôn, nên chưa tạo ra các mô hình tổ chức sản xuất mới gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Về công tác đào tạo nghề cho nông dân, mặc dù cả nước đã tổ chức được 14 lớp tập huấn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới, 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho hàng trăm lao động nông thôn... nhưng việc đào tạo nghề nhìn chung chưa gắn với các dự án, chương trình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Trong dạy nghề cho nông dân, xã nông thôn mới chưa có được bộ giáo trình chuẩn phù hợp với thời gian đào tạo. Nhiều cơ sở dạy nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề cho nông dân ở các huyện, tỉnh ở tình trạng dạy “chay”, thiếu giáo viên có chất lượng, thiếu thiết bị phục vụ thực hành.

- Nhận thức của các ngành các cấp về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đúng, chưa đầy đủ. Một số bộ, ngành chưa có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao, chưa bố trí đủ cán bộ có năng lực phụ trách các xã điểm. Lãnh đạo một số địa phương chưa chủ động triển khai công việc tại các xã điểm, có tư tưởng chờ đợi Trung ương. Trong chỉ đạo chưa  quan tâm đầy đủ đến việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chưa lồng ghép các chương trình, dự án hiện có để tăng năng lực cho các xã thí điểm. Hiệu quả của một số mô hình xã điểm còn chưa cao, chưa đồng bộ và chưa vững.

- Thiếu vốn sản xuất: hợp tác xã, chủ trang trại và hộ gia đình rất khó tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 41-2010-NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiêp, nông thôn. Không có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vì nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là: thiếu đất, thiếu vốn để mở rộng mặt bằng, cải tạo nâng cấp khu văn hóa - thể thao xóm đạt chuẩn. Chưa có đủ vốn để xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung của xã nông thôn mới.

- Tiến độ triển khai các công việc xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã điểm nhìn chung còn chậm, từ việc lập đề án đến việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Về Bộ tiêu chí quốc gia, qua 2 năm thí điểm cho thấy, nhiều vấn đề khái niệm, phạm vi, nội dung, phương pháp thu thập tính toán của từng tiêu chí cũng còn những hạn chế, bất cập, chưa có tính khả thi cao, gây khó khăn cho công tác triển khai, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện ở các xã thí điểm.

3- Định hướng hoàn thiện

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng cần rõ hơn, chỉ xây dựng mô hình thí điểm hay sẽ mở rộng đến tất cả các xã trên cả nước. Vì vậy, mục tiêu của Chương trình đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương làm rõ hơn để địa phương dễ thực hiện

      Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cần thông báo cụ thể mức hỗ trợ đầu tư vốn theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các tỉnh trên cơ sở Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ để ban chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và sớm  triển khai chương trình ở địa phương. Để thống nhất đầu mối, Đề án đề nghị, Ban Chỉ đạo nông thôn mới Trung ương trình Ban Bí thư Trung ương Đảng chuyển công việc điều hành Chương trình nông thôn mới cho Chính phủ. Đó là cơ sở để các tỉnh, thành phố thí điểm hợp nhất 2 ban chỉ đạo thành một ban chỉ đạo thống nhất.

Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Quyết định số 800 của Chính phủ, nhất là các vấn đề:

+ Xác định nguồn vốn, các chương trình mục tiêu với nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới.

+ Quản lý các chương trình xây dựng tại địa phương (cơ chế giám sát cộng đồng, hình thức tổ chức cho nhóm thợ địa phương, hay trực tiếp người hưởng lợi công trình thi công...)

Điều chỉnh một số nội dung và phân vùng tiêu chí nông thôn mới:  Ban Chỉ đạo Trung ương nên xem xét điều chỉnh quy định về phân vùng xây dựng nông thôn mới thành 7 vùng như dự thảo, thành 8 vùng như danh mục hành chính quốc gia hiện hành. Cụ thể, tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc thành 2 vùng Tây Bắc và  Đông Bắc, đồng thời trong mỗi vùng lại phân chia thành các tiểu vùng như miền trung du, miền núi thấp, vùng cao để khắc phục tình trạng quá chênh lệch về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội giữa các vùng gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới.

Một số tiêu chí đặt ra quá cao nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp đối với các vùng nông thôn hiện nay, nhất là tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động nông thôn, nguồn lực dân đóng góp, doanh nghiệp đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cần quan tâm nhiều hơn các yêu cầu đối với các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

                        

Danh sách các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới do Trung ương chỉ đạo

          1. Xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

          2. Xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

          3. Xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

            4. Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

          5. Xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

           6. Xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà  Tĩnh.

          7. Xã Tam Phước, huyện Phù Ninh, tỉnh Quẩng Nam.

          8. Xã Tân Thông Hội, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

          9. Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

          10. Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

          11. Xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.