Một số dự báo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2012
Tăng trưởng ảm đạm
Cuối năm 2011, Ngân hàng Goldman Sachs(2) đã nêu 7 yếu tố có thể làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới trong năm 2012 và 9 dự báo về kinh tế toàn cầu trong các năm 2012 và 2013, trong đó đưa ra những nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế các khu vực, thị trường chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá, chính sách của các ngân hàng trung ương. Còn Liên hợp quốc nhận định, năm 2012, kinh tế thế giới hoặc phục hồi ở mức chậm, hoặc sẽ rơi trở lại vào suy thoái. Theo tổ chức này, các nền kinh tế phát triển đang trên bờ của sự suy thoái do 4 yếu tố: tình trạng nợ công trầm trọng, hệ thống ngân hàng mong manh, nhu cầu gắn kết lỏng lẻo và bị tê liệt trong chính sách. Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cũng dự báo tương lai kinh tế của thế giới trong năm 2012 không mấy sáng sủa. Thêm vào đó, biến động chính trị tại Trung Ðông cũng là những nhân tố gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với nền kinh tế của các khu vực và thế giới.
Từ những dự báo của các tổ chức khác nhau, có thể thấy nổi lên một điểm chung là kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ còn nhiều khó khăn, bất trắc và tiếp tục chiều hướng tăng trưởng chậm lại trong thời gian sau đó. Các nước lớn, vì thế, buộc phải nỗ lực tăng cường các biện pháp phối hợp chính sách và có những thương lượng về lợi ích để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng, thông qua các cơ chế khu vực (như EU) và đa phương (như G20). Các nền kinh tế đang nổi tuy tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là lạm phát và gia tăng hàng rào bảo hộ do các nước phát triển dựng lên. Dự báo, trong năm 2012, GDP thế giới chỉ đạt 3,5%(3).
Tăng trưởng không đồng đều
Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới mặc dù có những tín hiệu khởi sắc, nhưng về cơ bản, trong năm 2012, vẫn còn nhiều khó khăn, với dự báo tăng trưởng 2,2%, năm 2013 là 1,8%. Mỹ sẽ phải đối mặt với hai vấn đề cơ bản, đó là các khoản tín dụng xấu và nhiều cơ sở sản xuất không hoạt động. Sự thất bại của Ủy ban đặc biệt khiến chương trình cắt giảm chi tiêu 1,2 ngàn tỉ USD được áp dụng vào năm 2013, sẽ làm cho nền kinh tế giảm tốc trở lại. Nợ chính phủ của Mỹ sẽ trở thành gánh nặng ngày càng lớn, với dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2012 là 100,7% và năm 2013 là 103,0%. Thâm hụt quỹ lương hưu tiếp tục phình to, vượt quá tầm kiểm soát. Trong khi đó, thị trường việc làm cũng chưa có dấu hiệu tích cực, dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ năm 2012 là 8,9% và năm 2013 là 8,9%. Lĩnh vực tiêu dùng - hiện đang là chìa khóa đối với tăng trưởng kinh tế, sẽ tăng trưởng chậm trong những năm tới. Chi tiêu dùng cá nhân ở Mỹ sẽ tăng khoảng 1,9% trong năm 2012 và 1,4% trong năm 2013(4).
Với Canada, nền kinh tế của đất nước Bắc Mỹ này có thể sẽ không rơi vào suy thoái vào năm 2012, nhưng tăng trưởng chỉ đạt ở mức 2% trong năm 2012 và năm 2013.
Khu vực Eurozone bước vào năm 2012 với những khó khăn rất lớn trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công. Trong quý I/2012, Italia sẽ phải vay mượn thêm để thanh toán 72 tỉ euro nợ và tiền lãi, trong khi Tây Ban Nha dự kiến phát hành 25 tỉ euro trái phiếu(5). Nếu những đợt phát hành trái phiếu này diễn ra suôn sẻ, với các mức lãi suất có thể chấp nhận được, những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone có thể sẽ dịu bớt. Trong trường hợp ngược lại, nguy cơ vỡ nợ công sẽ thêm nghiêm trọng và làm tê liệt hệ thống ngân hàng, nhấn chìm các nền kinh tế, thậm chí có thể đẩy liên minh này đến nguy cơ tan rã. Từ năm 2012 tới năm 2014, các nước PIIGS (Bồ Đào Nha, Italia, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha) sẽ bước vào thời kỳ cao điểm trả nợ. Tổng thống Pháp N.Satkozy và Thủ tướng Đức A.Merkel đều tỏ ra bi quan về triển vọng của châu Âu trong năm 2012. Theo bà A.Merkel, mặc dù kinh tế Đức tương đối tốt, nhưng năm 2012 chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm 2011. Tình hình trên cho thấy, sự suy thoái của Eurozone gần như là chắc chắn, mặc dù chưa thể dự đoán mức độ sâu rộng của suy thoái này. Dự báo, năm 2012, châu Âu tăng trưởng 1,1%, nhưng EU chỉ tăng trưởng 0,5%. Đáng chú ý là Đức có thể chỉ đạt 2,9%(6).
Đối với Nga, mặc dù tỷ lệ nợ công không lớn, hệ thống ngân hàng tương đối ổn định, song nước này vẫn sẽ phải đương đầu với những thách thức từ kinh tế toàn cầu, do vẫn bị phụ thuộc vào cục diện giá cả thế giới. Nếu cuộc khủng hoảng tại châu Âu hạ thấp nhu cầu năng lượng, Nga sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn. Cho đến nay, nền kinh tế Nga dựa khá nhiều vào nhu cầu về nguyên nhiên liệu của bên ngoài, còn nhu cầu trong nước không thể bảo đảm cho mức tăng trưởng cao. Thứ trưởng Tài chính Nga dự báo, năm 2012, Nga có thể lâm vào suy thoái. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2012, việc Không gian kinh tế thống nhất (EEP) giữa Nga, Belarus và Kazakhstan chính thức đi vào hoạt động, bảo đảm luân chuyển tự do hàng hóa, vốn và nhân công, thống nhất các quy định trợ cấp nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực và sự kiện Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ giúp cho nước này có điều kiện để phát triển hơn.
Các nước Mỹ Latin và Caribe sẽ gặp khó khăn do giá hàng hóa thấp hơn, khi mức tăng trưởng của cả Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển cùng chậm lại. GDP của các nước này có thể chỉ đạt 4% trong năm 2012.
Trong năm 2012, bất chấp những biến động kinh tế và chính trị mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối măṭ, dự báo châu Á sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, giữ vai trò thúc đẩy kinh tế toàn cầu, với tốc độ 5,3%. Một chuyên gia kinh tế nhận định, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu sụt giảm vào đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á và Trung Quốc sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm.
Riêng với Trung Quốc, giới phân tích dự báo, năm 2012, nước này sẽ chuyển sang tăng trưởng chậm hơn (khoảng 8%). Trung Quốc sẽ điều chỉnh một cách sâu sắc cấu trúc kinh tế để tăng trưởng có hiệu quả. Các khoản trợ cấp xã hội cũng sẽ được tăng đáng kể. Năm 2012, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn từ cả bên trong và áp lực từ bên ngoài. Suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ kéo theo suy giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á, do các nền kinh tế này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế là không cao, do Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hệ thống tài chính và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, do vẫn có nguồn dự trữ ngoại tệ mạnh và nguồn thu từ thặng dư thương mại.
Nhật Bản vẫn phải tiếp tục vật lộn để khắc phục hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần và cuộc khủng hoảng hạt nhân, cùng món nợ công lên tới trên 200% GDP. Tiến trình phục hồi sau thảm họa sẽ chững lại do chưa thực hiện được những cải cách cơ cấu. Thậm chí, những thành quả đã đạt được cũng rất dễ bị tiêu tan, nếu quá trình cải cách cơ cấu không được đẩy mạnh. Dự báo, GDP năm 2012 của Nhật Bản sẽ đạt 2,5%(7).
Tại Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng của 6 nền kinh tế chủ yếu, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 5% từ nay đến năm 2016. Tổ chức này cũng khuyến cáo, để duy trì đà tăng trưởng, các nước trong khu vực cần tìm những động lực phát triển khác.
Trong năm 2012, G20 sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn, để phối hợp các hành động chính sách trong bối cảnh châu Âu chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công, hệ thống ngân hàng ở châu lục này suy yếu, các chính trị gia tại Mỹ không thống nhất được quyết sách về tài chính. Trong khi đó, BRICS vẫn là động lực thúc đẩy kinh tế thế giới. Phần đóng góp của các nước BRICS vào tốc độ tăng trưởng của thế giới tăng từ 11% đến 25%. Đáng chú ý là, năm 2011, Brazin đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, tăng trưởng kinh tế trung bình của BRICS năm 2012 sẽ chỉ đạt 6,1%, so với mức 9,7% của năm 2007(8).
Cùng với các khối trên, các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục thể hiện sự vững vàng trước các thách thức. Trong vòng 2 năm tới, các nền kinh tế này sẽ không gặp phải những vấn đề mà các nước phát triển đang phải đối mặt. Lạm phát ở các quốc gia này sẽ giảm. Chính sách kinh tế sẽ dịch chuyển nhiều hơn, theo hướng ngăn chặn sự suy giảm của tăng trưởng. Thị trường chứng khoán châu Á sẽ “vượt bão” tốt hơn so với các khu vực khác. Cùng với các nước này, kinh tế Australia sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2012 và năm 2013.
Đối với Vòng đàm phán Doha, dự báo trong năm 2012 gần như không có bước khai thông đột phá. Lý do chính là do hệ quả từ tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng bối cảnh chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong các cuộc bầu cử tổng thống ở một loạt các nước lớn, như Mỹ, Nga, Pháp. Do vậy, WTO có thể sẽ phải từ bỏ phương châm đã thực hiện trong 10 năm qua là đàm phán và thông qua cả gói để chuyển sang phương cách đàm phán thông qua từng vấn đề cụ thể, “dễ làm trước, khó làm sau”. Dư luận chung đều cho rằng, trường hợp lạc quan nhất thì cũng phải mất ít nhất 2 năm nữa, các nhà lãnh đạo mới có thể đạt được những tiến triển đáng kể trong việc kết thúc thành công vòng đàm phán này.
Thị trường tài chính chật vật
Trong lĩnh vực tiền tệ, các đồng tiền tiềm ẩn nguy cơ cao là đồng dolla Mỹ, đồng euro, đồng yên và đồng bảng Anh. Đồng dolla Mỹ được dự báo sẽ suy yếu nhiều trong 2 năm tới, khi các nhà đầu tư đa dạng hóa các đồng tiền nắm giữ. Chẳng hạn, đồng USD sẽ giảm giá so với đồng peso của Mexico (còn 12,5 peso/USD), đồng NDT của Trung Quốc (còn 6,13NDT/USD) và đồng bảng Anh (còn 0,58 bảng/USD).
Với đồng euro, các nhà kinh tế đã đưa ra 4 kịch bản: Cung tiền gia tăng, vỡ nợ có trật tự, Hy Lạp rời Eurozone, một liên minh tiền tệ mới. Eurozone có thể đối mặt với nguy cơ tan vỡ nếu Đức và Ngân hàng Trung ương ECB không có những hành động tích cực.
Đồng yên của Nhật Bản đang trong tình trạng không an toàn. Kể từ năm 2007, đồng tiền này đã tăng hơn 50% so với đồng USD và trong năm 2011 đã tăng thêm 6%. Thực tế này khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn khi nợ công đã tương đương 200% GDP. Đồng bảng Anh cũng kém an toàn hơn do ngân sách của Anh đang bị thâm hụt nặng nề. Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố chương trình nới lỏng định lượng trị giá 430 tỉ USD.
Triển vọng trong năm 2012 đối với hầu hết các ngân hàng trung ương của các quốc gia châu Á mới nổi là theo đuổi các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn - mặc dù vẫn phải thận trọng - trong bối cảnh áp lực lạm phát đã yếu đi. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2012 sẽ rất khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 3-6 tháng tới, các chỉ số của thị trường chứng khoán Nhật Bản, châu Âu sẽ cùng giảm điểm. Thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, với mức giảm 16% trước khi phục hồi chậm chạp. Chỉ số S&P 500 của thị trường Mỹ được dự báo sẽ biến động yếu trong 12 tháng tới.
Đối lập với quan điểm bi quan về thị trường chứng khoán châu Âu, Goldman Sachs tin rằng, châu Á (không tính Nhật Bản) là thị trường có triển vọng tốt nhất, với dự báo sẽ tăng điểm là 14% trong cả năm 2012. Theo đó, thu nhập trên mỗi cổ phiếu tại thị trường này sẽ tăng 5,6% và 12% lần lượt trong các năm 2012 và năm 2013(9). Theo lý giải của các nhà phân tích, giá cổ phiếu thấp hiện nay, cùng với mức dự báo còn tương đối sáng về kinh tế Trung Quốc sẽ tạo đà tăng điểm cho thị trường châu Á. Đồng thời, Goldman Sachs dự báo, chính sách tiền tệ của các nước phát triển sẽ tiếp tục theo hướng lỏng như hiện nay trong 2 năm tới. Lạm phát tại các nền kinh tế này sẽ ở mức vừa phải.
Giá vàng trong năm 2012 sẽ vượt đỉnh 1.920 USD/ounce của năm 2011 và có thể tăng lên trên 2.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử.
Đối với dầu mỏ, năm 2012 sẽ không có một cuộc khủng hoảng như năm 1973-1974, tuy nhiên, nhiều khả năng giá dầu mỏ sẽ tăng mạnh trong năm 2012 do những bất ổn chính trị tại nhiều nước xuất khẩu dầu lớn(10).
Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế trong năm 2012
Đơn vị tính: %
Quốc gia/Tăng trưởng |
2011 |
2012 |
2013 |
2014-2018 |
Liên minh châu Âu |
1,6 |
-0,2 |
0,9 |
1,4 |
Australia |
1, 5 |
3,1 |
2,8 |
3,0 |
Nga |
4,5 |
5,0 |
4,0 |
4,0 |
Thái Lan |
2,4 |
4,5 |
4,5 |
|
Brazil |
3,1 |
3,5 |
4,0 |
3,7 |
Mỹ |
1,8 |
2,2 |
1,8 |
2,7 |
Nguồn: Thời báo kinh tế, 1-12-2011
(1) http://www.baomoi.com/IMF-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-the-gioi-2011--2012/45/7023621.epi
(2) http://vi.wikipedia.org/wiki/Goldman_Sachs
(3)http://vietstock.vn/ChannelID/772/Tin-tuc/208789-5-nen-kinh-te-lon-se-tang-toc-trong-nam-2012.aspx
(4) 12 dự báo kinh tế Mỹ năm 2012 và 2013, Thời báo kinh tế, 29-11-2011
(5) http://www.tinkinhte.com, ngày 23-11-2011
(6) Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012, Tin kinh tế thế giới, ngày 21-10-2011
(7) Tin kinh tế thế giới, ngày 7-12-2011
(8) Tin kinh tế thế giới, ngày 30-12-2011
(9) 9 dự báo kinh tế thế giới 2012-2013, Thời báo kinh tế, ngày 2-12-2011
(10) Tin kinh tế thế giới, ngày 4-1-2012
Nền kinh tế châu Á trước thềm năm mới 2012  (23/01/2012)
Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội – quan điểm nhất quán của Đảng ta  (23/01/2012)
Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở  (23/01/2012)
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về kết cấu hạ tầng  (22/01/2012)
“Đồng thuận đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống”  (22/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay