Người gieo tri thức trên vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long để giúp nông dân làm giàu
Trong nghiên cứu và chọn tạo giống lúa, có những nhà khoa học cả đời nghiên cứu vẫn chưa tìm được giống lúa ưng ý. Nhưng với GS, TS Nguyễn Thị Lang, đến nay, chị đã là tác giả chính của 43 giống lúa và là đồng tác giả của 3 giống lúa khác. Các giống lúa này đã được công nhận, cho phép sử dụng trong thực tiễn và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển rộng ở cấp giống quốc gia để phục vụ cho sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số các giống lúa trên, có nhiều giống lúa giới khoa học gọi là “siêu lúa”, vì giải được những bài toán hóc búa về sự thích ứng với tính khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa, như: giống lúa chịu mặn, chịu phèn, chịu khô hạn, chịu ngập, vùng có môi trường bất lợi, lấy gen của giống lúa hoang để tạo giống lúa có sức đề kháng mạnh…
Nhiều đề tài như: “Nghiên cứu các phương pháp chọn giống phẩm chất cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”, “Đánh giá sự đa dạng di truyền của tập đoàn lúa đặc sản địa phương phục vụ đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên bằng marker phân tử”, “Xây dựng quy trình sản xuất lúa theo công nghệ sạch bằng phương pháp hữu cơ sinh học tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên”… đã chọn tạo các giống phẩm chất tốt, kháng được rầy nâu hại lúa, vi-rút bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá…, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân vì giảm số lần phun thuốc và những thiệt hại do những bệnh này gây ra. Nhiều giống lúa trong số này đang được sử dụng trên toàn bộ diện tích sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đây là những công trình có giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân và cần được nhân rộng.
GS, TS Nguyễn Thị Lang cũng là người kỳ công trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển ứng dụng các nguồn gen quý tại các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long để tạo sản phẩm đặc sản riêng, có giá trị hàng hóa cao, như: lúa thơm Trà Vinh, lúa nàng Thơm, nàng Hương, nàng Nhen, Nanh Chồn… Những nghiên cứu này, theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực sự đóng góp rất lớn vào việc bảo tồn gen trong chọn tạo, phục tráng các giống cây trồng kháng bệnh, các giống bản địa quý, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời dễ áp dụng trong canh tác. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận và cho phép phổ biến rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình khuyến nông.
Ngoài cây lúa là giống cây trồng được nghiên cứu chủ yếu, GS, TS Nguyễn Thị Lang cũng xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho một số loại rau, quả, đạt chuẩn an toàn vệ sinh, tạo nguồn lương thực sạch cho tiêu dùng và xuất khẩu. Từ đây, nhiều mô hình cánh đồng 50 - 100 triệu đồng/ha đã ra đời, góp phần tích cực và hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích người nông dân sản xuất, hạn chế tình trạng ly nông, ly hương thường xảy ra ở nông thôn Nam Bộ.
Với tâm niệm, khoa học phải gắn chặt với tính ứng dụng trong thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực, thiết thân cho nhà nông, GS, TS Nguyễn Thị Lang đã tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của quy trình sản xuất các giống lúa chất lượng này cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố; đồng thời trực tiếp tập huấn cho hàng nghìn bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long về kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng cao, sản xuất lúa gạo, rau, trái cây an toàn…, tiết kiệm và tăng thêm thu nhập mỗi năm hàng nghìn tỉ đồng cho nông dân.
Những nghiên cứu của GS, TS Nguyễn Thị Lang không dừng lại ở quy mô và phạm vi trong nước mà còn có tiếng vang ở tầm khu vực và quốc tế. Chị là chủ nhiệm của nhiều dự án, đề tài lớn hợp tác với các cá nhân, tổ chức nước ngoài, như các nghiên cứu phối hợp với Đan Mạch, Thụy Điển, Viện Lúa quốc tế (IRRI)… Kết quả nghiên cứu được các quốc gia có liên quan nghiệm thu xuất sắc, khi đưa ra sản xuất thử và sản xuất đại trà được nông dân, các công ty giống, các địa phương sở tại đánh giá cao về năng suất, chất lượng, hình thức, mẫu mã sản phẩm đáp ứng được sở thích và có tính hấp dẫn tiêu dùng, như: độ đậm, ngọt, dẻo, thơm, dễ chế biến, bảo quản… Chưa nhiều người biết rằng, GS, TS Nguyễn Thị Lang hiện là tác giả của nhiều giống lúa đứng đầu bảng của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công.
Nghiên cứu khoa học là công việc nhiều gian nan, bên cạnh thành công cũng có những thất bại, đòi hỏi người nghiên cứu phải say mê, lao tâm khổ tứ. Với GS, TS Nguyễn Thị Lang, trên hết, những nghiên cứu còn phải xuất phát từ cái tâm với bà con nông dân. Đây chính là một minh chứng sống động và tiêu biểu cho sự gắn kết có hiệu quả và cống hiến của nhà khoa học với nhà nông, trong chuỗi liên kết "bốn nhà".
Với những cống hiến của mình, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2011, GS, TS Nguyễn Thị Lang là một trong bảy phụ nữ được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng tôn vinh những phụ nữ có thành tích xuất sắc nhất trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Phát huy truyền thống vẻ vang, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nỗ lực phấn đấu vì thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (16/12/2011)
Những nội dung mới về bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (16/12/2011)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII xem xét phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước  (16/12/2011)
Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài tăng lập quan hệ nghị viện  (15/12/2011)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên