TCCSĐT - Ngày 4-12-2011, Hội nghị Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 (APRM15) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khai mạc ở cố đô Kyoto với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững với việc làm tốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
1. ASEAN thông qua chương trình về quyền con người

Từ ngày 28-11 đến ngày 1-12-2011, hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Quyền con người (AICHR) đã diễn ra tại đảo Bali của Indonesia. Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua lần cuối Kế hoạch hành động AICHR giai đoạn 2013-2015, Chương trình Ưu tiên của AICHR trong năm 2012 và ngân sách thực hiện chương trình này. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận và thông qua ngân sách nghiên cứu chuyên đề về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và Quyền con người; phê chuẩn dự thảo Điều khoản tham chiếu (TOR) cho công tác nghiên cứu chuyên đề về Quyền hòa bình và chấp thuận trên nguyên tắc hai chương trình đào tạo liên quan đến quyền con người. Hội nghị cũng đánh giá tích cực nỗ lực của nhóm soạn thảo Tuyên bố về quyền con người, đồng thời nhất trí mở rộng nhiệm vụ của nhóm soạn thảo với việc tiến hành cuộc họp bổ sung vào tháng 1-2012. Hội nghị nhất trí tổ chức hội nghị AICHR lần thứ 8, từ ngày 6 đến 10-3-2012, tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta. Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đánh giá cao vai trò của Ủy ban AICHR trong hoạt động của ASEAN. Theo Tổng thư ký, các bên cần đẩy mạnh hơn nữa việc công nhận và hợp pháp hóa các quyền con người thông qua các hoạt động lãnh đạo, hướng dẫn và phối hợp hoạt động giữa các bên liên quan.

2. Tham vấn chung giữa Liên minh Nghị viện thế giới và Liên hợp quốc

Ngày 29-11-2011, tại cuộc tham vấn chung giữa Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Liên hợp quốc khẳng định trách nhiệm chính trị là nhân tố trung tâm thúc đẩy và bảo đảm một thế giới dân chủ, hòa bình và thịnh vượng hơn. Phó Tổng Thư ký Thường trực của Liên hợp quốc Asha-Rose Migiro nhấn mạnh trách nhiệm chính trị có tầm quan trọng lớn trong đáp ứng các thách thức liên thế hệ trong thế giới đương đại. Nghèo khổ, tội ác và bạo lực chỉ phát triển tràn lan nếu các nhà nước vô trách nhiệm. Các thể chế tham nhũng, đàn áp và nền pháp trị yếu kém sẽ phải đối mặt với các hiểm họa của nội chiến, bạo lực và khủng bố. Bà A.Migiro khẳng định trách nhiệm chính trị và thể chế dân chủ là hai nhân tố không thể tách rời, là điều kiện thiết yếu cho hòa bình, phát triển và quyền con người. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nassir Abdulaziz Al-Nasser nhấn mạnh, cuộc tham vấn giữa IPU và Liên hợp quốc góp phần xác định rõ khái niệm trách nhiệm chính trị cũng như tăng cường các biện pháp để thực hiện các trách nhiệm này. Ở cấp quốc gia, người dân mong muốn các chính phủ có trách nhiệm hơn vì lợi ích của toàn xã hội. Ở cấp toàn cầu, vấn đề trách nhiệm chính trị được kiểm nghiệm ở hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên. Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà tất cả các nước đều bình đẳng bất kể sức mạnh cũng như sự giàu có.

3. Kết thúc diễn đàn về hiệu quả viện trợ ở Hàn Quốc

Từ ngày 29 đến 1-12-2011, Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ 4 (HLF4) đã diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Tại Diễn đàn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay này, các cuộc thảo luận đều hướng tới một chủ đề chung “Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”. Ngoài vấn đề hiệu quả viện trợ, diễn đàn HLF4 còn đề cập tới các vấn đề phát triển bền vững, minh bạch, vấn đề bình đẳng giới và đặc biệt là vai trò của chính các nước tiếp nhận viện trợ. Thông điệp được đưa ra cho các quốc gia cung cấp viện trợ là “đừng để cuộc khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn làm chệch hướng những cam kết lâu dài dành sự giúp đỡ cho những người nghèo trên thế giới”, vì vậy, với các nỗ lực của mình, các quốc gia đều nhất trí về việc đảm bảo thực hiện các cam kết viện trợ. Một số nước thậm chí còn cam kết tăng nguồn vốn ODA trong thời gian tới như Australia, Hàn Quốc… Ngược lại, vai trò của các quốc gia tiếp nhận việc trợ cũng được đánh giá cân bằng trong quá trình hợp tác, đó là những đối tác để hợp tác cùng phát triển chứ không đơn thuần sử dụng nguồn viện trợ một cách thụ động. Tuyên bố Busan đã nhấn mạnh tới các vấn đề mấu chốt như: định hướng kết quả hợp tác; quan hệ đối tác phát triển toàn diện, tăng cường tính minh bạch và giám sát; Nâng cao hiệu quả hợp tác Nam-Nam và hợp tác tam giác, sự tham gia của khu vực hợp tác tư nhân. Tuyên bố cũng chính thức công nhận sự chuyển đổi từ “hiệu quả viện trợ” sang “hiệu quả phát triển”.

4. Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia - Lào - Việt

Ngày 30-11-2011, Mặt trận ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã phối hợp tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Đây là Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước đầu tiên được tổ chức. Tại Hội nghị, các bên đã cùng trao đổi, thảo luận và thống nhất ký kết Bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước. Bản ghi nhớ nhấn mạnh, ba bên ủng hộ tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân mỗi nước về phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa ba nước, vì sự phát triển chung của ba nước cũng như của mỗi nước. Ba bên coi trọng và mở rộng các hình thức giao lưu hữu nghị giữa các tầng lớp nhân dân; cùng phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác của ba Chính phủ trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và môi trường. Bản ghi nhớ cũng khuyến khích các địa phương ở khu vực biên giới chung cùng nhau thắt chặt đoàn kết, hợp tác và tương trợ lẫn nhau; hỗ trợ nhân dân ba nước tham gia các sự kiện và hoạt động quốc tế; góp phần tích cực xây dựng một khu vực đáng tin cậy và phát triển bình đẳng trong ASEAN cũng như ở châu Á - Thái Bình Dương.

5. Việt Nam chủ trì hội nghị 229 Ủy ban ASEAN tại Ottawa

Ngày 1-12-2011, Hội nghị lần thứ 229 của Ủy ban ASEAN tại Ottawa (ACO) đã diễn ra tại “Nhà Việt Nam”, dưới sự chủ tọa của Đại sứ Việt Nam tại Canada Lê Sỹ Vương Hà, Chủ tịch đương nhiệm ACO. Tại hội nghị này, đại sứ của bảy quốc gia ASEAN hiện có cơ quan đại diện tại Canada, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Malaysia và Bruney đã thông báo cho nhau về các hoạt động của ASEAN trong thời gian qua, trong đó hội nghị sau hội nghị ngoại trưởng (PMC) với Canada đã xem xét kế hoạch hành động ASEAN-Canada nhằm thực thi Tuyên bố chung Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Canada giai đoạn 2010-2015, khả năng hợp tác trong tương lai phù hợp với Kế hoạch Kết nối ASEAN. Các đại sứ cũng xem xét các hoạt động của các đại diện ngoại giao ASEAN tại Canada, trong đó nổi bật là việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ASEAN-Canada vào năm 2012, thảo luận việc tăng cường quan hệ của đoàn ngoại giao ASEAN với các cơ quan sở tại như Bộ Ngoại giao và Quốc hội Canada. Canada hiện coi ASEAN là một đối tác quan trọng và đang xem xét thành lập một quỹ phát triển để hỗ trợ các hoạt động của cộng đồng ASEAN tại Canada. Canada đã ký Nghị định thư sửa đổi thứ ba của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), chuẩn bị hoàn tất Tuyên bố chung ASEAN - Canada về Thương mại và Đầu tư.

6. Phiên họp 27 Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ

Trong hai ngày 1 và 2-12-2011, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao/Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 27 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã diễn ra tại Paris, Pháp. Bà Micheline Calmy-Rey, Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, Chủ tịch đương nhiệm Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao-Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ, đã chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tình hình chính trị và kinh tế thế giới nói chung và tại các nước Pháp ngữ nói riêng, đặc biệt tình hình chính trị tại Madagascar, Ai cập, Tunisia, Morocco, Congo và Timor Leste. Các đại biểu đã dành nhiều thời gian kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 13 vào tháng 10-2010 và bàn bạc vấn đề tài chính, dự kiến sẽ bị cắt giảm 20% trong thời gian tới do những khó khăn và biến động của thế giới gây nên, bằng cách huy động sự tham gia tích cực hơn của các nước thành viên và sự hợp tác tốt trong tổ chức này. Nhìn chung, các nước đều hoan nghênh những kết quả đạt được trong việc thực thi các cam kết này và bày tỏ quyết tâm tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Hội nghị tập trung trao đổi công tác chuẩn bị Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14, dự kiến sẽ diễn ra từ 12 đến 14-10-2012 tại Congo với chủ đề : “Pháp ngữ: những thách thức về môi trường và kinh tế đối với quản trị thế giới.”

7. Liên hợp quốc họp bàn vấn đề phục hồi quyền lực của Đại hội đồng

Ngày 2-12-2011, tại Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp phiên toàn thể thảo luận chủ đề phục hồi quyền lực của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Nassir Abdulaziz Al-Nasser khẳng định các sự kiện thế giới đương đại cần một ĐHĐ LHQ mạnh và có trách nhiệm. Vì vậy, ĐHĐ không thể chỉ là nơi thảo luận mà phải được phục hồi quyền lực để thực hiện vai trò trung tâm trong tìm kiếm giải pháp và xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về những vấn đề toàn cầu, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Đại diện Phong trào Không liên kết (NAM) cho rằng các cơ quan chính yếu của LHQ cần tôn trọng chức năng và quyền lực của nhau, khi bày tỏ lo ngại việc Hội đồng Bảo an đang lấn sân sang quyền lực và các đặc quyền của ĐHĐ và Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ (ECOSOC). Theo đại diện của NAM, công việc của ĐHĐ không thể chỉ giới hạn trong các kỳ họp chính mà cần phải tăng thêm với các nguồn lực tài chính và con người được bổ sung tương xứng. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong đó LHQ là hạt nhân, vì vậy tăng cường quyền lực ĐHĐ LHQ dựa trên các nguồn lực hiệu quả và bền vững phải được ưu tiên cao nhất. Đại diện nhiều nước khẳng định tiến trình phục hồi quyền lực của ĐHĐ cần ý chí chính trị của các nước thành viên LHQ cũng như cần xây dựng khuôn khổ rộng rãi về chức năng và quyền lực của ĐHĐ.

8. Nhật thông qua Hiệp định hợp tác hạt nhân với Việt Nam

Ngày 2-12-2011, với đa số phiếu tán thành, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Hiệp định hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Nhật Bản và Việt Nam, cùng 3 hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự song phương khác mà nước này đã ký với Nga, Hàn Quốc và Jordan. Đây là những hiệp định hợp tác hạt nhân được Nhật Bản ký trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trong phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập đều bỏ phiếu ủng hộ các hiệp định này. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng Nhật Bản có trách nhiệm chia sẻ những kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Ông khẳng định, về nguyên tắc, Nhật Bản vẫn sẽ xuất khẩu công nghệ sản xuất điện hạt nhân chừng nào các nước khác vẫn muốn tiếp nhận công nghệ này. Nếu các cuộc thảo luận diễn ra suôn sẻ, nhiều khả năng các hiệp định này sẽ được Quốc hội Nhật Bản thông qua trước khi kỳ họp bất thường hiện nay kết thúc vào ngày 9-12. Các hiệp định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất điện hạt nhân sang các nước liên quan.

9. CELAC thông qua cơ chế và kế hoạch hành động

Ngày 3-12-2011, Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), diễn ra tại thủ đô Caracas của Venezuela, đã thông qua cơ chế hoạt động của tổ chức, theo đó nhất trí áp dụng cơ chế đồng thuận cho tất cả các quyết định của tổ chức mới được thành lập này. CELAC đã tạo ra một cơ chế tham vấn khẩn nhằm truyền tải nhanh các tuyên bố trong những điều kiện không lường trước về các vấn đề khẩn cấp. Trong trường hợp nêu trên, Chủ tịch lâm thời có thể đề xuất một tuyên bố hay thông cáo, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, cho các thành viên cơ quan Troika phê duyệt (trước đó Troika sẽ tham khảo nhanh ý kiến và sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên). Troika là một cơ quan hỗ trợ cho Ban Chủ tịch lâm thời, gồm các nước đang nắm giữ cương vị Chủ tịch lâm thời hiện tại, trước đó và tiếp theo. Trong phiên họp toàn thể, 33 thành viên của CELAC cũng thông qua Kế hoạch hành động Caracas năm 2012, khẳng định đối phó với khủng hoảng tài chính sẽ là một vấn đề quan trọng của khối trong năm tới. CELAC cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) giúp đỡ về các vấn đề chính trị và tài chính liên quan, đồng thời yêu cầu Tổ chức Mỹ Latinh về hội nhập (ALADI) hợp tác thúc đẩy đầu tư trực tiếp trong khu vực. Các thành viên CELAC cũng thông qua một văn bản ủng hộ Argentina trong tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas mà Anh gọi là quần đảo Falkland, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon can thiệp vấn đề trên.

10. Hội nghị Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 của ILO

Ngày 4-12-2011, Hội nghị Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 (APRM15) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khai mạc ở cố đô Kyoto với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững với việc làm tốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Phát biểu khai mạc APRM15, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia khẳng định mô hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu hình thành trong hơn 3 thập kỷ qua có thể có lợi cho một số nước trong khu vực về mặt kinh tế, nhưng nó cũng đang tỏ ra là một mô hình “mất cân đối, không công bằng và không bền vững”. Mô hình này đang tạo ra sự bất bình đẳng, các thách thức mới về môi trường và gây ra tình trạng thiếu hụt các việc làm tốt. Nếu vấn đề này không được giải quyết, nó sẽ đe dọa liên kết xã hội, ổn định chính trị và phát triển dài hạn. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhấn mạnh những nguy cơ đang tồn tại đối với nền kinh tế thế giới như cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng, thiên tai thường xuyên và hiện tượng tăng giá của các hàng hóa cơ bản. Trong thời gian diễn ra hội nghị APRM15, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận việc phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, tạo việc làm và an sinh xã hội; hỗ trợ tạo việc làm có năng suất cao và phát triển kỹ năng; và đảm bảo các quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội./.