Ngày 4-12, Hội nghị Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 (APRM15) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khai mạc ở cố đô Kyoto với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững với việc làm tốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

APRM15 thu hút sự tham gia của khoảng 500 đại biểu đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước Arập, trong đó có Phó Thủ tướng Timor-Leste Jose Luis Guterres, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan cùng các quan chức chính phủ, đại diện các nghiệp đoàn, người lao động và người sử dụng lao động.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị nêu trên.

Phát biểu khai mạc APRM15, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia khẳng định mô hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu hình thành trong hơn 3 thập kỷ qua có thể có lợi cho một số nước trong khu vực về mặt kinh tế, nhưng nó cũng đang tỏ ra là một mô hình “mất cân đối, không công bằng và không bền vững".

Mô hình này đang tạo ra sự bất bình đẳng, các thách thức mới về môi trường và gây ra tình trạng thiếu hụt các việc làm tốt. Nếu vấn đề này không được giải quyết, nó sẽ đe dọa liên kết xã hội, ổn định chính trị và phát triển dài hạn.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhấn mạnh những nguy cơ đang tồn tại đối với nền kinh tế thế giới như cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng, thiên tai thường xuyên và hiện tượng tăng giá của các hàng hóa cơ bản.

Ông cảnh báo trong một thế giới được kết nối, nhiều hình thức “khủng hoảng” khác nhau có thể dễ dàng tràn qua biên giới các quốc gia và lan rộng. Các vấn đề của một quốc gia có thể có những tác động tiêu cực tới các nước khác.

Khi một cuộc khủng hoảng phát triển, nó sẽ tác động tiêu cực tới cuộc sống của người lao động thông qua vấn đề việc làm và có những ảnh hưởng mang tính thảm kịch đối với những người ở vị trí dễ bị tổn thương.

Trong thời gian diễn ra hội nghị APRM15, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận việc phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, tạo việc làm và an sinh xã hội; hỗ trợ tạo việc làm có năng suất cao và phát triển kỹ năng; và đảm bảo các quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội.

Bên lề hội nghị, ILO và nước chủ nhà Nhật Bản sẽ tổ chức ba phiên họp đặc biệt với các chủ đề việc làm “xanh,” đối phó với thiên tai với trọng tâm là chính sách việc làm, và các quan hệ đối tác để tạo việc làm tốt./.