TCCSĐT - Đầu tháng 11-2011, Chính phủ Pakistan đã quyết định dành cho Ấn Độ quy chế tối huệ quốc trong thương mại. Quyết định này được dư luận ở hai nước và trên thế giới coi là biểu hiện thiện chí và bước đi cụ thể của Pakistan theo hướng bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại với Ấn Độ với những tác động rất tích cực tới quá trình đàm phán hòa bình và bình thường hóa quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước.

Ngay từ năm 1996, Ấn Độ đã dành cho Pakistan quy chế thương mại tối huệ quốc trong khi Pakistan vẫn gắn việc tự do hóa mậu dịch với Ấn Độ với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Kashmir. Vì khu vực này mà hai bên cho tới nay đã hai lần tiến hành chiến tranh biên giới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Pakistan Firdous Ashiq Awan phát biểu trước báo giới rằng, quyết định này của Chính phủ Pakistan đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước và phục vụ lợi ích quốc gia của Pakistan, đồng thời nhấn mạnh, an ninh quốc gia của Pakistan không bị ảnh hưởng gì.

Phát biểu với Hãng thông tấn Reuters, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Rahul Khullar đánh giá quyết định nói trên của Chính phủ Pakistan là "bước đi đúng hướng mạnh mẽ và đáng được hoan nghênh" cũng như "tốt cho giới kinh doanh, tốt cho thương mại và quan trọng hơn cả, quyết định ấy tăng cường lòng tin vào lĩnh vực kinh tế mà cả Ấn Độ và Pakistan đều đã cam kết từ đó vươn tới một chương trình nghị sự về xã hội và mậu dịch trong tương lai".

Giới kinh tế ở hai nước cũng như cả Mỹ và EU đều lên tiếng  hoan nghênh quyết định nói trên của chính phủ Pakistan.

Cho tới hiện tại, phía Pakistan mới chỉ cho phép Ấn Độ xuất khẩu khoảng 2000 mặt hàng. Mới rồi, trong quá trình đàm phán hòa bình, Chính phủ hai nước đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại hai nước hằng năm từ 2,7 tỉ USD hiện tại lên 6 tỉ USD. Việc dành cho Ấn Độ quy chế thương mại tối huệ quốc sẽ giúp người dân ở Pakistan tiếp cận nhiều hàng hóa Ấn Độ với giá thấp hơn, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế ở Pakistan, đặc biệt trên các lĩnh vực như phụ kiện cho xe ô tô, dược phẩm và hàng tiêu dùng.

Tăng cường trao đổi thương mại sẽ tác động tích cực tới quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ thương mại liên quan mật thiết đến hoạt động đầu tư và kinh doanh, quan hệ giữa người dân ở hai nước cũng như trong khu vực, vì thế sẽ góp phần rất quan trọng vào việc gây dựng và củng cố sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên, tạo dựng hòa bình và ổn định cũng như thúc đẩy cả hai nước liên kết và hội nhập khu vực, thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và Thỏa thuận Mậu dịch tự do Nam Á mà cả hai đã cùng ký kết năm 2004.