Chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma chuyển hướng chính sách với Mỹ La-tinh
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma bước đầu đã có những thay đổi định hướng đáng chú ý trong chính sách đối ngoại, trong đó có quan hệ với Mỹ La-tinh.
Mới đây, phát biểu ý kiến tại Thủ đô Santiago (Chile) sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo Mỹ latin, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, quan hệ Mỹ - Mỹ latin đã bước vào một kỷ nguyên mới, thời kỳ Washington đơn phương ra lệnh và chỉ nói mà không lắng nghe đã chấm dứt và chuyến thăm của ông đến các nước Mỹ latin chính là khởi đầu của sự đổi mới trong mối quan hệ đối tác với châu Mỹ. Phó Tổng thống Biden thừa nhận trong quá khứ Mỹ vẫn có xu hướng can dự "thay mặt" Tây bán cầu, nhưng xu hướng này giờ đây sẽ thay đổi theo hướng cùng tôn trọng lẫn nhau.Tuy nhiên, giữa lời nói và việc làm còn có khoảng cách, dư luận quốc tế, nhất là các nước Mỹ latin đang quan tâm theo dõi những bước đi và hành động cụ thể của Washington nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa của việc Washington điều chỉnh quan hệ với Mỹ latin là do những chuyển biến chính trị quan trọng vừa qua ở khu vực này. Thời kỳ Mỹ latin được coi là "sân sau" của Mỹ đã thay đổi. Vị thế và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đã và đang suy giảm, nhất là khi mô hình chủ nghĩa tự do mới sụp đổ, lực lượng cánh tả giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và lên nắm quyền ở nhiều nước như: Brazil, Agentina, Chile, Venezuela, Bolivia, Equado, Nicaragua, Uruguay... gần đây nhất là El Sanvado. Lực lượng cánh tả đã nắm quyền ở 14 nước với số dân chiếm hơn 70% trong tổng số 500 triệu dân, 80% tổng diện tích Mỹ latin và khu vực Caribbe và giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị - xã hội của nhiều nước trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội các nước Mỹ latin đã có những thay đổi rõ rệt. Các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ latin đã tích cực triển khai nhiều cải cách chính trị, kinh tế, xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công, và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ.
Trong chính sách đối ngoại, Chính phủ cánh tả các nước Mỹ latin ưu tiên tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết khu vực, mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; khẳng định rõ đường lối độc lập dân tộc, dân chủ và không muốn sự áp đặt, chi phối ảnh hưởng của Mỹ như trước đây. Tháng 9-2008, làn sóng phản đối, tố cáo Mỹ can thiệp công việc nội bộ các nước Bolivia, Venezuela, Agentina và ủng hộ sự thống nhất lãnh thổ CH Bolivia dâng cao ở Nam Mỹ cho thấy tinh thần độc lập, tự chủ của các nước khu vực Mỹ latin ngày càng lan rộng. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao bất thường Liên minh các nước Nam Mỹ (UNSUR) tổ chức tại Chile (ngày 16-9-2008) khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn Chính phủ Bolivia và kiên quyết phản đối đảo chính, phá vỡ trật tự thể chế, gây phương hại toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Ðây là lần đầu trong lịch sử, các nước Nam Mỹ tỏ rõ quyết tâm tự giải quyết những vấn đề của khu vực. Xu thế tăng cường hợp tác, liên kết khu vực thể hiện rõ trong việc các nước đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt và việc không ngừng phát triển, mở rộng các tổ chức và cơ chế hợp tác của khu vực như: Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Cộng đồng các quốc gia Andes (CAN),Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ... Ðồng thời sự hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả các tổ chức mới như: Sự lựa chọn Boliva cho châu Mỹ (ALBA), Tổ chức hợp tác năng lượng các nước vùng Caribbe (PETROCARIBE), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNSUR)... đã góp phần ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của mỗi nước nói riêng và khu vực nói chung trên trường quốc tế.
Cùng với việc tăng cường hợp tác, liên kết khu vực, các nước Mỹ latin tích cực mở rộng quan hệ với các nước và tổ chức khác trên thế giới, nhất là với Nga và Trung Quốc. Năm 2008 đánh dấu bước phát triển quan trọng quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với các nước Mỹ latin thông qua việc trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao thăm lẫn nhau, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Venezuela H.Chavez tới Trung Quốc và Nga (9-2008) và chuyến thăm của Tổng thống Nga D.Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tới một số nước Mỹ latin như: Venezuela và Cuba vào cuối năm 2008. Nga khẳng định, mối quan hệ với các nước Mỹ latin là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của họ, bởi khu vực này là mắt xích quan trọng trong việc hình thành thế giới đa cực. Chính phủ Trung Quốc công bố "Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ latin và Caribbe" (vào tháng 11-2008), đề cập mục tiêu tổng thể và kế hoạch phát triển toàn diện quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc với Mỹ latin và Caribbe trong tương lai; nhấn mạnh, phát triển quan hệ với Mỹ latin có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh, do đó hai bên cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi và hiểu biết lẫn nhau.
Những chuyển biến tích cực ở Mỹ latin những năm qua cho thấy khu vực này đã thật sự thay đổi như nhận định của Tổng thống Venezuela H.Chavez tại Hội nghị cấp cao UNSUR: "Mỹ latin đang viết một trang mới trong lịch sử". Trong bối cảnh đó cùng với những thay đổi chính sách của các nước lớn đối với Mỹ latin, chính quyền Mỹ không thể không điều chỉnh chính sách của mình ở khu vực này./.
An toàn thực phẩm, vấn đề toàn cầu  (02/04/2009)
Phải làm cho dân hiểu, tự ý thức  (02/04/2009)
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 Chính phủ thảo luận về năm dự án Luật  (02/04/2009)
Bổ sung thành viên UBND tỉnh Thái Bình  (02/04/2009)
Phát hiện sắc chỉ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa  (02/04/2009)
Nhật Bản - nước tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam  (02/04/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên