Phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng đời sống mới ở khu dân cư trên địa bàn Tây Nguyên
Biểu diễn nghệ thuật "Huyền thoại voi Tây Nguyên" Ảnh: TTXVN
TCCS - Đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, còn nghèo nàn, lạc hậu và đầy khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh ngoan cường và phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, 25 năm qua, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động Binh đoàn 15 đã từng bước làm thay da, đổi thịt, tạo nên những gam màu tươi xanh, khởi sắc trên vùng đất hoang hóa mà anh dũng này.
Binh đoàn 15 được thành lập ngày 20-2-1985, với nhiệm vụ chính trị được Bộ Quốc phòng giao cho là: "Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh, xây dựng dân cư xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, tập trung mũi nhọn là phát triển cây cao-su, cà-phê, từng bước tạo cho Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh". Thực hiện tốt nhiệm vụ đó, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của Binh đoàn đối với đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ Tây Nguyên. Do vậy, từ khi thành lập đến nay, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động trong Binh đoàn đã không quản ngại, hy sinh, gian khổ, vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trước hết, về phát triển kinh tế - xã hội, theo từng giai đoạn, đơn vị có những chủ trương, cách làm phù hợp nhằm tạo ra sự tăng trưởng ngày càng cao. Giai đoạn mới thành lập (từ năm 1985 đến năm 1990), mặc dù nằm trong điều kiện vô vàn khó khăn về mọi mặt, nhưng Binh đoàn vẫn tích cực khai hoang, trồng mới xấp xỉ 5 nghìn héc-ta cao-su, 500 ha cà-phê, đồng thời xây dựng được 3 cụm và 20 điểm dân cư với hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục đồng bộ, thu hút 1.718 hộ với gần 5.000 người. Đặc biệt, đơn vị thu hút đồng bào các dân tộc thiểu số vào lao động cùng Binh đoàn với nhiều hình thức: tuyển dụng công nhân chính thức, ký hợp đồng lao động dài hạn, giao đất, giao chăm sóc cây cao-su, cà-phê,... góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận nhân dân, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đơn vị hoạt động theo quy chế doanh nghiệp, hạch toán kinh doanh với đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước trong hoạt động kinh tế, đồng thời triển khai nhiệm vụ quốc phòng an ninh, phát triển dân cư xã hội. Đây là cuộc thử sức lớn về năng lực quản lý, điều hành của đơn vị. Ý thức được điều đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh đoàn từng bước sắp xếp lại tổ chức - bộ máy, thu gọn đầu mối, thực hiện cơ chế quản lý theo hướng tinh gọn và hiệu quả, điều hành trực tuyến (Binh đoàn - công ty - đội sản xuất - người lao động).
Hiện nay, Binh đoàn có 26.082 ha cao-su, 1.488,15 ha cà-phê và 92 ha lúa nước. Bên cạnh việc trồng, chăm sóc cao-su, Binh đoàn còn chú trọng đến công tác khai thác và chế biến mủ cao-su: thường xuyên tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao tay nghề cho thợ cạo mủ cao-su; ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ trong chế biến sản phẩm cao-su, sản xuất phân bón đạt chất lượng tốt... Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả đó, giá trị sản xuất của đơn vị không ngừng nâng lên, giai đoạn 2001 - 2005 đạt 160%, tăng 67% so với giai đoạn 1996 - 2000. Năm 2008, giá trị sản xuất đạt hơn 1.162 tỉ đồng, tăng hơn 84,1% so với năm 2006, tăng 21,57% so với năm 2007. Năm 2009 ước đạt 1.441,8 tỉ đồng.
Sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho Binh đoàn đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ dân sinh như các hồ đập, nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhà máy chế biến cao-su, nhà máy phân vi sinh, đường giao thông liên thôn liên xã... Ngoài ra, đơn vị góp phần cùng với địa phương xây dựng hệ thống lưới điện cao thế, trạm biến áp, đưa điện về phục vụ sản xuất và đời sống cho bà con dân tộc thiểu số ở các bản, làng trên địa bàn đơn vị đứng chân. Tính đến cuối năm 2009, đơn vị đã xây dựng, nâng cấp hơn 100 km đường giao thông liên xã, liên huyện; xây dựng 3 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, 130 km đường dây tải điện...
Với phương châm phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó, Binh đoàn lần lượt tuyển dụng ngày càng đông lao động, nhất là lao động người địa phương vào làm việc tại các vườn cây của đơn vị, đồng thời tích cực mở rộng các cụm, điểm dân cư, gắn với chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động. Đến nay, đơn vị xây dựng được 6 trung tâm cụm dân cư và 35 khu tập thể đan xen với các thôn, làng của đồng bào dân tộc thiểu số; thành lập 9 trường học, 180 nhà trẻ, mẫu giáo, 1 bệnh viện, 2 phân viện, 8 bệnh xá,...; thu hút và tuyển dụng được 8.095 hộ với 13.788 lao động, trong đó có 4.100 hộ với trên 8.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn vị còn cử cán bộ kỹ thuật xuống các bản làng hướng dẫn bà con người địa phương kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,... đồng thời hỗ trợ vốn, giống, giúp bà con làm kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Qua đó tạo nên những nhân tố mới, góp phần xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở, nâng cao nhận thức, xóa dần tâm lý, thói quen, tập tục lạc hậu, từng bước xác lập và củng cố niềm tin của bà con vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo nên sự ổn định chính trị trên địa bàn.
Không chỉ tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh trên địa bàn Tây Nguyên, năm 2007, trên cơ sở cho phép của Chính phủ và Bộ Quốc phòng 2 nước Việt Nam - Lào, Binh đoàn mở rộng địa bàn hoạt động sang nước bạn Lào: Tham gia trồng mới, chăm sóc, khai thác chế biến, kinh doanh cây cao-su, cà-phê; xây dựng cụm dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân xóa đói, giảm nghèo ở bản Văng Tắt thuộc huyện Xản Xay, tỉnh át-ta-pư, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới Lào - Việt. Qua hơn 2 năm (2007 - 2008), Binh đoàn khai hoang, trồng mới gần 800 ha cây cao-su (dự kiến đến năm 2012, đơn vị sẽ trồng 3.500 ha), tạo công ăn việc làm cho 500 lao động là người Lào với mức lương bình quân 900.000 kíp/người/tháng (tương đương 1.800.000 đồng Việt Nam). Kinh tế - xã hội cụm bản Văng Tắt ngày càng khởi sắc, đói nghèo, lạc hậu dần được đẩy lùi, nhân dân các bộ tộc Lào trong vùng Dự án phấn khởi tin tưởng vào sự giúp đỡ của đơn vị. Từ kết quả và kinh nghiệm rút ra được qua thực hiện Dự án cụm bản Văng Tắc, Binh đoàn tiếp tục triển khai Dự án trồng cao-su ở Nam Quảng Bình, sát biên giới Việt - Lào. Hiện nay, đang tiến hành trồng thí điểm 50 ha cao- su; vận động bà con Vân Kiều hợp tác cùng với đơn vị trồng, chăm sóc cây cao-su; mở những điểm, cụm dân cư mới, xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng, từng bước củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới phía tây Quảng Bình.
Đến nay, các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 28 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị của bốn tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình và tỉnh Át-ta-pư nước bạn Lào. Địa bàn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam - Lào.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng khu dân cư, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng tự vệ mạnh cả về chính trị, tư trưởng, tổ chức và trang bị, được Binh đoàn đặc biệt quan tâm. Đơn vị đã triển khai kịp thời các nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho tất cả cán bộ, công nhân viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện quân sự hằng năm đúng theo chương trình của Bộ Tổng tham mưu.
Từ 2006 đến nay, đơn vị tổ chức được 6 khóa huấn luyện cho chiến sĩ mới, tự vệ và dự bị động viên, 3 khóa huấn luyện chiến dịch cho cán bộ trung, cao cấp, 100% số khoa mục đều đạt yêu cầu, trong đó 70% số khoa mục đạt loại khá, giỏi.
Hằng năm, đơn vị đều tiến hành soát xét, bổ sung hoàn chỉnh quyết tâm A, A2, kế hoạch phòng, chống cháy nổ, bảo vệ sản phẩm; xây dựng một số công trình phòng thủ, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc hoạt động của các thế lực thù địch, ngăn chặn và phòng chống có hiệu quả xâm nhập và vượt biên, bóc gỡ các tổ chức phản động trong nội địa.
Với những kết quả đó, năm 2005, Binh đoàn được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới; liên tục từ 2006 đến nay, được Bộ Quốc phòng đánh giá là đơn vị xuất sắc đi đầu trong toàn quân về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh trên vành đai biên giới chiến lược của Tổ quốc.
Thành quả trên, đồng thời cũng phản ánh rõ nét tính hiệu quả công tác xây dựng Đảng thời gian qua của đơn vị. Từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ Binh đoàn liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Hằng năm, số đảng viên đủ tư cách đạt bình quân trên 84,65% và trên 86,56% số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Số cán bộ công nhân viên chức được kết nạp vào Đảng ngày càng tăng với chất lượng ngày càng cao. Trung bình mỗi năm phát triển được 60 - 70 đảng viên mới, trong đó có nhiều người là cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số.
Sự thành công của Binh đoàn trong những năm qua, trước hết là do sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng cũng như các bộ, ban, ngành của Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, At-ta-pư nước bạn Lào,... tạo điều kiện cho Binh đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thứ hai, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn nắm vững, chấp hành nghiêm túc và thực hiện sáng tạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trên vành đai biên giới; phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, giữ vững đoàn kết nội bộ, đoàn kết với Đảng bộ, chính quyền ở địa phương, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính quyền các cấp nơi Binh đoàn đứng chân để thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, Binh đoàn biết phát huy vai trò trách nhiệm chính trị của các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ công nhân, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, đồng thời quan tâm đầy đủ các lợi ích chính đáng của người lao động./.
Tập trung đưa ngành thép trở thành ngành công nghiệp trọng điểm  (04/03/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 105 (5-3-2010)  (04/03/2010)
Một “xã đảo” của Thủ đô qua câu chuyện ở trạm y tế  (04/03/2010)
Về vấn đề kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường  (04/03/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên