Xu hướng vận động của phong trào công nhân ở các nước tư bản phát triển được quyết định trước hết bởi tình hình của những nước đó, nhưng đồng thời cũng chịu sự chi phối của tính chất, đặc điểm cơ bản của thời đại ngày nay. Trong mấy thập niên đầu của thế kỷ XXI, triển vọng của phong trào này sẽ vận động theo xu hướng nào?

Bạo lực giành chính quyền?

Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, tại các nước tư bản phát triển với sự tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, những điều chỉnh về kiến trúc thượng tầng và quan hệ sản xuất, cơ cấu giai cấp - xã hội tư bản đã có sự biến đổi. Trong đó, cơ cấu giai cấp công nhân cũng biến động theo hướng chất lượng được nâng cao, nhất là về trình độ học vấn, chuyên môn của công nhân "cổ trắng" trong các ngành mới (hiện nay, ở các nước tư bản phát triển, bộ phận công nhân này chiếm hơn 20% lực lượng lao động xã hội và mỗi năm tăng 5% -7 %); số công nhân truyền thống - công nhân "cổ xanh" hiện giảm dần và chỉ chiếm dưới 10% lực lượng lao động xã hội. Tương ứng với biến động trong cơ cấu giai cấp công nhân là những thay đổi về năng lực, nhu cầu và quan niệm giá trị mới.

Song, những biến động cơ cấu ấy không xóa hết tình trạng phân chia cơ bản về giai cấp - xã hội trong chủ nghĩa tư bản hiện đại. Bán sức lao động, chất xám vẫn là phương thức và đặc điểm chủ yếu của người lao động làm thuê. Chiếm hữu giá trị thặng dư vẫn là nguồn thu nhập, nguồn sống của thiểu số tư bản. Tỷ suất bóc lột giá trị thặng dư trung bình của thế giới tư bản chủ nghĩa đã đạt trên 300%. Đúng là, so với thời C.Mác, Ph.Ăng-ghen, ngày nay tình hình kinh tế - chính trị thế giới đã có biết bao biến đổi. Giai cấp tư bản cũng đã đi lên từ khủng hoảng, suy thoái, chủ nghĩa tư bản đã bước lên những nấc thang phát triển mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Trong thế kỷ XX, GDP của toàn thế giới tăng khoảng 15 lần, vượt xa GDP của tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Nửa sau thế kỷ XX, tốc độ tăng GDP là 5,2 lần so với nửa thế kỷ trước, trong đó, đóng góp của các nước tư bản phát triển là lớn nhất (86%)(1). Sự phát triển của lực lượng sản xuất ở mức độ khác nhau đã làm thay đổi đời sống xã hội trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản. Năm 1960, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có thu nhập bằng 60% thu nhập của thế giới, từ năm 1990 con số đó là 72%, trong đó tầng lớp có mức thu nhập trung lưu tăng lên. ở Mỹ, những năm 90 số này chiếm 60% - 70 % dân số Mỹ; ở Nhật Bản, 90% người Nhật tự coi mình là tầng lớp trung lưu. Hiện nay, tại các nước công nghiệp phát triển, tầng lớp này chiếm từ 1/2 đến 3/4 dân cư. Tầng lớp nghèo khổ theo tiêu chuẩn của các nước này chỉ là thiểu số(2).
 
Như vậy, sự điều chỉnh một số chính sách xã hội khác đã làm dịu đi các mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản, nhất là tính đối kháng giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Một bộ phận công nhân sẵn sàng đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động, đấu tranh với những khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, nhân đạo nhưng bằng cách dựa vào các hội đồng xí nghiệp, hệ thống thương lượng tập thể, tổ chức công đoàn, tổ chức nghề nghiệp... để từ đó, tạo ra những thể chế hoạt động có hiệu quả hơn vì lợi ích của mình. Theo Giắc-quit Na-ghen, ủy viên Tổng hội Liên đoàn Cộng sản Bỉ, trong điều kiện hiện nay "không cần đến cách mạng, vấn đề là làm thế nào để cho cái trục "nhà nước - người lao động" mạnh lên và cái trục "nhà nước - tư bản" yếu đi, trong bối cảnh ấy có thể nói tới chủ nghĩa xã hội trong tương lai, tới sự xóa bỏ chủ nghĩa tư bản với tư cách một chế độ làm tha hóa con người"(3)

Mặt khác, trong điều kiện quốc tế mới hiện nay, nhất là sau sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào cộng sản và công nhân các nước tư bản. Mặc dù các lực lượng cộng sản, cánh tả đã có một số hình thức tập hợp mới, song nhìn chung, sự thống nhất về tư tưởng của phong trào đã giảm sút đáng kể, ở một số đảng cộng sản đã xuất hiện các nhóm có tính chất bè phái, thậm chí muốn từ bỏ danh hiệu cộng sản của mình như một bộ phận trong nội bộ Đảng Cộng sản I-ta-li-a, hoặc đổi tên đảng như nhiều đảng cộng sản ở Đông Âu...

Như vậy, con đường cách mạng bạo lực giành chính quyền của phong trào cộng sản, công nhân tại các nước tư bản phát triển những năm đầu thế kỷ này là chưa đủ cơ sở thực tế.

Đấu tranh dân chủ, cải thiện điều kiện sống và việc làm?

Con đường chính trị, đấu tranh giành những quyền dân chủ của phong trào công nhân như một tiền đề, điều kiện, một nội dung không tách rời nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa là một hướng đấu tranh có tính hiệu quả cao và cũng là triển vọng của phong trào này trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Khả năng đó trở thành hiện thực do đòi hỏi và sự cho phép của chính các yếu tố khách quan, chủ quan.

Cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI ở các nước tư bản phát triển, so sánh tương quan lực lượng đã và sẽ còn ở tình trạng bất lợi cho phong trào công nhân. Do đó, mục tiêu khách quan số một của phong trào công nhân phải là đấu tranh giành các quyền dân chủ. Xác định đấu tranh cho tự do dân chủ là bước đệm dần dần xóa bỏ dân chủ tư sản, xây dựng dân chủ vô sản, đòi mở rộng quyền công đoàn được tham gia tổ chức lao động, kiểm soát việc thu nhận và sa thải công nhân, tự do ngôn luận... Mặc dù cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trên thực tế không phải ở đâu cũng đạt được hiệu quả, nhưng cuộc đấu tranh cho mục tiêu dân chủ trong chính trị đã làm cho chủ nghĩa tư bản phải nhượng bộ từng bước. Điều quan trọng hơn là phong trào đấu tranh đó đã thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia. Đấu tranh cho dân chủ không chỉ tập hợp lực lượng trong một nước mà thực tế đã thu hút được sự hưởng ứng rộng rãi mang tính quốc tế. Trong phong trào đấu tranh đó, mục tiêu dân chủ về kinh tế ngày càng vượt khỏi khuôn khổ lợi ích vật chất của đội ngũ công nhân, bao trùm lợi ích của toàn thể nhân dân lao động. Trong không ít trường hợp, đứng trước làn sóng đấu tranh của phong trào công nhân, lao động, nhà nước tư sản phải sửa đổi một số điều luật hà khắc đối với người lao động, thậm chí phải hủy bỏ một số điều luật phản dân chủ như đã từng diễn ra ở Hàn Quốc, Pháp gần đây.

Ngày nay, các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động có ảnh hưởng vang dội đều diễn ra với những yêu sách đa dạng, không phải chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy nhưng ít nhiều cũng còn mang nặng tính tự phát. Họ đấu tranh trong khuôn khổ chế độ tư bản chủ nghĩa: thừa nhận sự bóc lột, mong muốn bán sức lao động, chất xám sao cho có lợi nhất cho công nhân mà không phải thủ tiêu tư bản. Mặt khác, ngày nay tại các nước tư bản phát triển, nhiều ngành mới đang xuất hiện và thay thế nhiều ngành truyền thống. Bộ phận công nhân có tri thức kỹ thuật cao đã và đang tăng nhanh ở các ngành nghề mới. Trong 30 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, công nhân tri thức chiếm từ 60% - 70% lực lượng lao động. Trong đó, tiêu biểu là Mỹ, Ca-na-đa, Tây Âu và Nhật Bản(4). Bộ phận công nhân lao động này có việc làm ổn định, đời sống vật chất, tinh thần cao, hăng hái đấu tranh cho những mục tiêu dân chủ, nhân đạo toàn cầu nhưng do sự ràng buộc bởi những điều kiện sống hiện có, do trình độ lý luận cách mạng hạn chế nên không phải mọi người đều nhận thức nhu cầu thay đổi chế độ hiện tại. Dẫu sao, trong xu hướng phát triển thì đây là đội ngũ công nhân có nhiều tiềm năng nhất trong giai cấp công nhân.

Cùng với sự tăng nhanh của khu vực dịch vụ ở nhiều nước tư bản phát triển (hiện chiếm hơn 70%), bộ phận công nhân dịch vụ cũng không ngừng tăng lên về số lượng. Họ là những người ít chịu hậu quả trực tiếp của các cuộc khủng hoảng kinh tế do chủ nghĩa tư bản gây ra. Đây là bộ phận có ý thức giai cấp hạn chế, trong đấu tranh họ thường chỉ quan tâm đến những mục tiêu cải thiện đời sống, đòi quyền bình đẳng, tự do, dân chủ và nhân đạo.

Cuộc đấu tranh giành dân chủ, công bằng xã hội ở các nước tư bản phát triển còn gắn chặt với cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chạy đua vũ trang, bảo vệ môi trường đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các tổ chức xã hội, đảng xã hội dân chủ, đảng xanh, đảng môi trường đã hướng sự quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực này và đã trở thành đối thủ cạnh tranh với đảng cộng sản, nhất là trong dịp các cuộc bầu cử.

Tăng cường đấu tranh nghị viện?

Đấu tranh giành những quyền dân chủ chỉ là cuộc đấu tranh thứ nhất và cuộc đấu tranh này, như V.I. Lê-nin nhấn mạnh, phải được kết hợp với cuộc đấu tranh thứ hai là cuộc đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh thứ nhất phục tùng cuộc đấu tranh thứ hai(5). Một trong những cách thức đấu tranh mà phong trào công nhân các nước tư bản đang hướng tới trong điều kiện mới là tăng cường đấu tranh nghị viện, đấu tranh chính trị trên cơ sở đấu tranh giai cấp và vận động quần chúng bỏ phiếu cho các đại biểu công nhân và các lực lượng dân chủ khác vào nghị viện. Đây là một hướng hoạt động quan trọng của phong trào công nhân tại các nước tư bản phát triển. Bằng con đường nghị viện, nhiều đảng cộng sản như Đảng Cộng sản Pháp đã giành được 15/322 ghế nghị sĩ tại Thượng viện, 36/577 ghế tại Hạ viện nước này và 3 ghế nghị sĩ trong Liên minh châu Âu; Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha giành được 15/320 ghế nghị sĩ; Đảng Cộng sản Hy Lạp giành được 9/300 ghế nghị sĩ; Đảng Cộng sản Nhật Bản giành được 2% số ghế nghị sĩ. Từ sau tình trạng khủng khoảng vào những năm 90, đa số các đảng cộng sản và công nhân ở Tây Âu, Bắc Mỹ đã trụ vững hoặc tái lập, một số đảng cộng sản vẫn có đại biểu của mình trong chính quyền ở một số địa phương cũng như trong nghị viện các nước và nghị viện châu Âu như các đảng ở I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch v.v.. Hiện nay, các đảng cộng sản ở các nước EU đang nỗ lực phối hợp hoạt động với nhau và với các lượng chính trị, phong trào xã hội khác. Tại nghị viện châu Âu, các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả đã hình thành một nhóm nghị sĩ (36/372 ghế) để tạo sức mạnh trong tiếng nói chung. Đầu tháng 5-2004, tại Rô-ma, đã diễn ra đại hội thành lập Đảng Cánh tả châu Âu (EL) với 15 đảng và tổ chức thành viên sáng lập như: Đảng Chủ nghĩa xã hội dân chủ Đức, Đảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a, Đảng Cộng sản áo, Đảng Lao động Thụy Sĩ, Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, Đảng Cộng sản Pháp, v.v..(6).

Có thể nói, đấu tranh hòa bình, tăng cường uy tín trong nhân dân, thông qua các cuộc bầu cử để đưa các đại biểu công nhân, lao động, các lực lượng xã hội tiến bộ vào nghị viện và từ diễn đàn mang tính pháp lý này sẽ đấu tranh giành dân chủ, đang trở thành xu hướng có sức thuyết phục, được đông đảo quần chúng hưởng ứng, ủng hộ. Đây là xu hướng đấu tranh vừa có tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Tăng cường liên minh?

Đấu tranh chính trị, giành dân chủ của phong trào công nhân đã đưa đến một xu hướng kép tự nhiên là tăng cường liên minh giữa phong trào công nhân với các phong trào chính trị xã hội tiến bộ khác trong một nỗ lực nhằm tạo sức mạnh tổng hợp chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản độc quyền. Điểm đáng chú ý đó là liên minh giữa các đảng cộng sản công nhân với các đảng xã hội dân chủ, cánh tả. Tuy nhiên, do tình trạng không thuần nhất về cơ cấu giai cấp - xã hội của các trào lưu này và sự vận động phức tạp của chủ nghĩa tư bản hiện đại nên trong liên minh với họ, đảng cộng sản và công nhân luôn có xu hướng phải đồng thời đấu tranh chống lại những quan điểm, tư tưởng sai trái của họ, đặc biệt là phái hữu. Mặc dù vậy, hiện nay khả năng hợp tác giữa những người cộng sản và xã hội dân chủ, cánh tả trên nhiều vấn đề vẫn ngày càng tăng. Đây là xu hướng vận động nổi bật của phong trào công nhân thời kỳ sau "chiến tranh lạnh". Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những chỉ dẫn của các nhà kinh điển rằng: "ở tất cả mọi nơi, những người cộng sản đều ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống lại trật tự xã hội và chính trị hiện hành"(7), rằng "Kẻ nào muốn đi tới chủ nghĩa xã hội bằng con đường khác không qua con đường chế độ dân chủ chính trị, thì nhất định sẽ đi đến những kết luận phi lý và phản động, cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị"(8)...

Như vậy, tất cả những yếu tố khách quan và chủ quan cũng như những cơ sở lý luận của các nhà kinh điển đều chứng tỏ con đường chính trị, đấu tranh giành dân chủ, liên minh lực lượng của phong trào công nhân tại các nước tư bản phát triển là hiện thực. Chính tính hiện thực và những khả quan của xu hướng vận động này mà phong trào công nhân đã và đang thể nghiệm sẽ khó có thể đảo ngược trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Triển vọng của xu hướng này tất yếu sẽ tạo được sự so sánh lực lượng mới thông qua một quá trình để tạo ra tình thế cách mạng: tập hợp lực lượng quần chúng, xác lập quyền lãnh đạo của chính đảng vô sản. Từ đó, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng có hiệu quả, vai trò quần chúng trong các tổ chức xã hội, chính trị và kinh tế sẽ được phát huy trên thực tế, trực tiếp uy hiếp, làm suy yếu dần vị trí, quyền lực của giai cấp thống trị tư bản, làm thất bại từng chính sách và từng hệ thống các chính sách, làm tăng thêm mâu thuẫn, đẩy nhanh quá trình phân hóa trong nội bộ giai cấp tư sản, làm bộc lộ ngày càng rõ hơn tính chất phản động, phản dân chủ của nó và do đó trận địa cách mạng sẽ được củng cố, mở rộng hơn.

Tăng cường hạt nhân lãnh đạo của đảng cộng sản và công nhân?

Thực tế cho thấy, sự tồn tại của đảng cộng sản tại các trung tâm tư bản chủ nghĩa thế giới gần một thế kỷ qua đã là một thành công lớn. Thấy rõ nguy cơ to lớn đối với chủ nghĩa tư bản nếu đảng cộng sản ngày càng lớn mạnh, giai cấp tư bản thống trị đã áp dụng nhiều thủ đoạn nhằm loại trừ đảng cộng sản ra khỏi đời sống chính trị xã hội của đất nước. Mặt khác, đảng cộng sản tại các nước tư bản phát triển phải thường xuyên đấu tranh với các trào lưu phi mác-xít và chủ nghĩa cơ hội, xét lại, xu hướng sô-vanh nước lớn đủ loại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sau những năm khủng hoảng trầm trọng, dù còn không ít hạn chế, bất cập, song với quá trình tự điều chỉnh, phục hồi ở mức độ khác nhau, tất cả các đảng đều đã giành được chỗ đứng hợp pháp trong xã hội tư bản hiện đại. Các đảng công khai tuyên bố lý tưởng cộng sản, lên án chế độ hiện thời, nuôi dưỡng khát vọng giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Nhiều đảng cộng sản đã cơ bản đứng vững, bước đầu khắc phục được chiều hướng giảm sút số lượng đảng viên và phiếu bầu, cá biệt có đảng tăng được tỷ lệ phiếu ủng hộ của cử tri trong các cuộc bầu cử, và đều mong muốn tăng cường quan hệ, tập hợp lực lượng, thống nhất lại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phát triển hơn nữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin khi nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI.

Với sự nỗ lực vượt qua khủng hoảng, xu hướng này đang được các đảng cộng sản, công nhân chú trọng, trên cơ sở tăng cường xây dựng đảng về mọi mặt, đặc biệt chú trọng về tư tưởng lý luận trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phù hợp với những chuyển biến lớn lao trong đời sống vật chất và tinh thần tại các nước tư bản phát triển và thế giới trong thế kỷ XXI. Nói cách khác, hiện nay xu hướng củng cố, tăng cường đảng cộng sản - hạt nhân của phong trào công nhân ở các nước tư bản phát triển là một thực tế, góp phần thúc đẩy phong trào này ngày càng phát triển trong những thập niên đầu thế kỷ.

Có thể nói, những xu hướng nổi bật nêu trên là cơ sở khách quan nói lên đường hướng phát triển của phong trào trong vài thập niên tới. Tính hiện thực, khả năng ở mỗi xu hướng vận động của phong trào công nhân, công đoàn tại các nước tư bản phát triển tuy có khác nhau, song đều chứa đựng những nhân tố tích cực mà những người mác-xít cần trân trọng như là những nỗ lực về trí tuệ và hoạt động thực tiễn của phong trào cộng sản, công nhân hướng đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Xu hướng vận động của phong trào này tại các nước tư bản phát triển tiến đến cách mạng xã hội chủ nghĩa là không thể đảo ngược và chắc chắn sẽ phong phú, phức tạp hơn những chặng đường lịch sử mà phong trào đã đi qua trong thế kỷ XX.
 
 

(1) GS. Nguyễn Đức Bình (chủ nhiệm): Báo cáo tổng quan đề tài cấp nhà nước (nhánh 1): Thời đại ngày nay và những đặc điểm chủ yếu của sự phát triển mới giai đoạn hiện nay, Hà Nội, 2004, tr 31
(2) Michel Chossudovsky: Tình trạng nghèo khổ trên toàn cầu vào cuối thế kỷ XX, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999 (TN99-22 và 23), tr 11
(3) Chủ nghĩa tư bản hiện đại - Những tìm kiếm mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr 56
(4) Xem: Toàn cầu hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 297, 303
(5) Xem: V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 49, tr 470
(6) Hội đồng lý luận Trung ương, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Nhìn lại thế kỷ XX và thử nhìn sang thế kỷ XXI, Hà Nội, 1999, tr 67, 189 - 190, 192
The American Almanac (1995): Statistical Abstract of the United States (1993 - 1994), the Reference Press, No 624, p 394
Tài liệu về hội thảo quốc tế các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả, Pra-ha, tháng 4-2005
(7) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 645 - 646
(8) V.I.Lê-nin: Sđd, t 11, tr 19