Phân tích tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhận định: Năm 2008 phải đối mặt với những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và khó khăn trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có những phản ứng kịp thời, sử dụng đồng bộ và quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát có hiệu quả và ổn định kinh tế vĩ mô.

 
Ngân hàng áp dụng thành công nhiều công cụ
chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát

Điều hành linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ để chặn lạm phát bao gồm: Tăng tỷ lệ bắt buộc; phát hành tín phiếu; tăng lãi suất; nới lỏng biên độ tỷ giá để VNĐ tăng giá so với USD... Các công cụ này triển khai nhằm hút tiền từ lưu thông nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường, điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường ngoại hối và của các tổ chức tín dụng, hạn chế tăng trưởng tín dụng quá nóng có thể gây mất an toàn hệ thống của các tổ chức  tín dụng.

Sau khi áp dụng chính sách thắt chặt, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ, mũi tên mang nhiều mục đích này nhằm kịp thời điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nâng lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, mức lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại trong tháng 12-2008 phổ biến ở mức 12-13%/năm. Cá biệt có ngân hàng cho vay ưu tiên đối với một số dự án xuất khẩu... ở mức 10-11%/năm.

Ngân hàng Nhà nước chủ động đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu tăng trưởng hợp lý, ngăn chặn suy giảm kinh tế. So với năm 2007, các chỉ tiêu vốn tín dụng đầu tư cho: khu vực dân doanh, doanh nghiệp nhà nước, xuất khẩu, hộ nghèo... đều tăng. Dư nợ xấu toàn hệ thống chỉ chiếm 3,5% tổng dư nợ tín dụng. Đây là một con số khá an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét khi báo VnEconomy đề nghị ông đưa ra một đánh giá cô đọng nhất về chính sách điều hành kinh tế - xã hội năm 2008 "Thành công nhất trong các thành công là chính sách tiền tệ. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính sách tiền tệ thông qua điều hành lãi suất tiền gửi và lãi suất dự trữ bắt buộc kịp thời đã giúp ngân hàng vượt qua được thời kỳ sóng gió đó. Đến bây giờ cơ bản các ngân hàng hoạt động ổn định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã dần trở lại gần như cuối năm 2007. Chính sách tất nhiên chưa thể nói là cực chuẩn nhưng việc điều hành đã đúng quy luật của kinh tế thị trường. Nền tài chính quốc gia không sụp đổ, bảo đảm cho sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội. Đó là mối quan hệ nhân quả của chính sách tiền tệ đúng".

 

Hoạt động tích cực của hệ thống ngân hàng đã góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế

Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho nền kinh tế.

Qua một năm đầy sóng gió nhưng hoạt động của hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, duy trì tăng trưởng kinh tế. Thị trường tiền tệ giữ được bình ổn. Lãi suất, tỷ giá biến động ở mức hợp lý. Khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo. Tin dụng tăng trưởng ở mức phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và có bước phát triển. Bằng chứng là đến cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng tăng 30% so với cuối năm 2007. Đặc biệt, trong năm 2008, đã có một ngân hàng thương mại cổ phần mở chi nhánh hoạt động tại nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để khẳng định năm 2008 chúng ta đã thành công nhiều hơn thất bại.
Nhưng bên cạnh thành công, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn có thời điểm thiếu nhịp nhàng, đồng bộ trong quá trình thực thi các giải pháp điều hành tiền tệ. Thị trường tiền tệ, ngoại hối trong những tháng đầu năm 2008 còn có những biến động nhất định. Chất lượng dịch vụ ngân hàng còn bộc lộ những bất cập, dù nhỏ nhưng cũng cần được sự chỉ đạo chỉnh đốn kịp thời hơn nữa.
Cùng nhìn lại những thành quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng năm 2008, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định "Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, bước sang năm 2009, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2009"./.