1. Khai mạc khóa họp lần thứ 7 Ủy ban Phụ nữ ASEAN

Ngày 22-10-2008, tại Hà Nội, với chủ đề "Tăng cường năng lực cơ chế quốc gia của ASEAN vì sự tiến bộ của phụ nữ", đã khai mạc khóa họp lần thứ 7 Ủy ban Phụ nữ ASEAN do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, thay mặt phía Việt Nam, đăng cai tổ chức. Ðến dự, có hơn 100 đại biểu đại diện bộ máy quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACW). Các đại biểu thảo luận các vấn đề quan trọng do ACW đưa ra, đồng thời đề xuất những sáng kiến hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, dự thảo kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN; thành lập Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảovệ các quyền của phụ nữ và trẻ em; sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác khác. Một số Chính phủ khu vực ASEAN cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

2. Ðầu tư 3,5 triệu USD phát triển ngành nghề thủ công tại Tây Bắc

Ngày 22-10-2008, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký biên bản dự án hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về phát triển năng lực ngành nghề nông thôn, trị giá khoảng 3,5 triệu USD, để triển khai trong ba năm tại bốn tỉnh Tây Bắc là Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Ðây là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng nhiều tiềm năng phát triển ngành nghề thủ công và chế biến nông, lâm sản. Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình phát triển nông thôn toàn diện thông qua tập huấn kiến thức cho người nghèo, đầu tư vốn tạo ra những mặt hàng nông, lâm sản chất lượng, trên cơ sở tiềm năng và điều kiện của địa phương.

3. Kết thúc vòng 2 đàm phán Hiệp định khung Hợp tác và đối tác toàn diện giữa Việt Nam - EU

Ngày 22-10-2008, tại Hà Nội kết thúc vòng 2 cuộc đàm phán về Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam với Cộng đồng châu Âu và các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Hai bên đã trao đổi ý kiến về tính chất, phạm vi của Hiệp định PCA, hợp tác hai bên trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, y tế. Việt Nam nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác lâu dài, hợp tác toàn diện với EU trong thập kỷ tới, với ưu tiên tiếp tục thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại ngày càng tăng giữa hai bên. Phía EU khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của EU, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên và nêu lên các quan tâm của EU trong quan hệ với Việt Nam. Hai bên nhất trí PCA sẽ là một hiệp định toàn diện, có tầm nhìn và hướng về tương lai, xuất phát từ lợi ích của cả Việt Nam và EU, đáp ứng mong muốn của cả hai bên về việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và EU, là khuôn khổ thuận lợi cho phát triển năng động của cả Việt Nam và EU trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế.

4. Hội nghị Bộ trưởng nông, lâm nghiệp các nước ASEAN và ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (AMAF+3)

Ngày 24-10-2008, tại Hà Nội, bế mạc Hội nghị AMAF+3 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và 150 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Diễn đàn bộ trưởng nông lâm nghiệp các nước ASEAN mà Việt Nam là Chủ tịch nhiệm kỳ 2008-2009 đã tổ chức Hội nghị chuyên viên nông lâm nghiệp cao cấp ASEAN (SOM, SOM +3) và AMAF; AMAF+3. Tại hội nghị AMAF, Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN thảo luận các vấn đề giải quyết an ninh lương thực khu vực ASEAN, cân đối giữa anninh lương thực dài hạn với cải thiện đời sống nông dân, thông qua Chương trình khung về an ninh lương thực tổng hợp ASEAN về kế hoạch hành động trung hạn về an ninh lương thực, phê chuẩn nhiều tiêu chuẩn,kế hoạch phối hợp giữa các quốc gia ASEAN và bàn các giải pháp đối phó biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững. Các bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN và bộ trưởng ba nước mở rộng thống nhất tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực lương thực, thống nhất đẩy nhanh dự án Thí điểm quỹ gạo cứu trợ khẩn cấp Ðông Á, phê chuẩn hàng loạt đề xuất của các quốc gia về các dự án mới nhằm đối phó hiệu quả khủng hoảng lương thực và tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực. Ngày 24-10-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp các Trưởng đoàn dự Hội nghị AMAF lần thứ 30 và Hội nghị AMAF+3 lần thứ 8.

5. Bộ Ngoại giao Việt Nam phê phán Nghị quyết sai trái của Nghị viện châu Âu

Ngày 24-10-2008, tại Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường gặp các Ðại sứ và đại diện Nhóm Liên hiệp châu Âu (EU) gồm Pháp, Chủ tịch đương nhiệm của EU, Phái đoàn Ủy ban châu Âu và Séc - Chủ tịch sắp tới của EU để phê phán Nghị quyết sai trái ngày 22-10-2008 của Nghị viện châu Âu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ngày 22-10-2008, Nghị viện châu Âu thông qua cái gọi là Nghị quyết về Hiệp định mới về đối tác và hợp tác EU - Việt Nam và về nhân quyền với những nội dung trái ngược với các quan điểm và kết quả đã đạt được giữa Việt Nam và EU ở đàm phán vòng 2. Dựa trên các thông tin sai lạc, méo mó về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam, Nghị quyết này đã đặt ra một số điều kiện hết sức vô lý như đánh giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam; đưa ra cơ chế đánh giá rõ ràng đối với các dự án phát triển ở Việt Nam để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhân quyền; không ký hiệp định hợp tác mới với Hà Nội chừng nào các vi phạm chưa được chấm dứt"(!). Trong bối cảnh của quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với EU và các nước trong EU đang hứa hẹn nhiều triển vọng và thành quả thì Nghị quyết ngày 22-10-2008 của Nghị viện châu Âu thật sự là động thái thiếu thiện chí, gây phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và EU.

6. Việt Nam và Cu-ba khẳng định tình đoàn kết hữu nghị

Ngày 24-10-2008, tại La Ha-ba-na, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô tới chào và thăm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Nhà khách Chính phủ Cu-ba, trước khi Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường về nước. Đồng chí Ra-un Ca-xtrô chuyển lời thăm hỏi của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtrô tới Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; hoan nghênh chuyến thăm Cu-ba của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô cảm ơn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch quyên góp ủng hộ nhân dân Cu-ba khắc phục hậu quả hai cơn bão Gu-xtap và I-ke, coi đây là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với nhân dân Cu-ba trong thời điểm khó khăn. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và chủ quyền của nhân dân Cu-ba, cũng như cuộc đấu tranh đòi chấm dứt bao vây, cấm vận chống Cu-ba do Mỹ áp đặt trong gần 50 năm qua; chia sẻ những khó khăn của Cu-ba do thiên tai gây ra; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Cu-ba, nhân dân Cu-ba anh em sẽ vượt qua mọi thử thách và nhất định sẽ giành thắng lợi, tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

7. Khai mạc Ðại lễ tưởng niệm 700 năm Ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ngày 25-10-2008, Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức khai mạc Ðại lễ tưởng niệm 700 năm Ngày mất của Ðức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tại Ðại lễ diễn ra nhiều hoạt động, gồm hội thảo khoa học; lễ rước của đại diện tăng ni, phật tử, nhân dân tại các địa phương; Lễ cầu nguyện "Thế giới hòa bình, quốc thái, dân an" và nhiều chương trình văn nghệ truyền thống đặc sắc. Ðại lễ là dịp tăng ni, phật tử và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị Hoàng đế anh minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhà tu hành chân chính, mẫu mực đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài đã được nhân dân qua các thế hệ tôn danh là Vua Phật Việt Nam.Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm luôn là kim chỉ nam trong mọi hoạt động "lợi Ðạo, ích Ðời" của các tăng ni, phật tử và nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay; trở thành phương châm "Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam ngày nay.

8. Việt Nam - Trung Quốc ra Tuyên bố chung

Ngày 25-10-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trong thời gian thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo và lần lượt hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội Ðại biểu nhân dân toàn quốc Ngô Bang Quốc. Ngoài Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm tỉnh Hải Nam. Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lên một tầm cao mới vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai bên hài lòng nhận thấy, quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác Việt - Trung có bước phát triển quan trọng, sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai bên không ngừng được tăng cường, hợp tác kinh tế thương mại đạt thành quả to lớn, hợp tác giao lưu giữa các bộ ngành và các địa phương ngày một mở rộng, các vấn đề tồn tại từng bước được giải quyết ổn thỏa. Hai bên đạt được nhận thức chung quan trọng về những biện pháp triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Phía Việt Nam một lần nữa khẳng định việc kiên định thực hiện chính sách một Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp thống nhất của Trung Quốc, kiên quyết phản đối hoạt động "Ðài Loan độc lập" dưới bất kỳ hình thức nào.

9. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 29 triệu USD cho 3 dự án đường cao tốc tại Việt Nam

Ngày 25-10-2008, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo tài trợ và cho vay ưu đãi tổng cộng 29 triệu USD dành cho các công việc chuẩn bị thực hiện 3 dự án đường cao tốc tại Việt Nam. Hai tuyến cao tốc sẽ kết nối Hà Nội và Lạng Sơn, Hạ Long và Móng Cái tại khu vực đông bắc Việt Nam (thuộc Hành lang kinh tế phía đông Tiểu vùng sông Mê-Công). Các tuyến này sẽ góp phần tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuyến cao tốc thứ ba sẽ nối liền Bến Lức và Long Thành ở miền nam Việt Nam (trong Hành lang kinh tế phía nam Tiểu vùng sông Mê Công), sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. ADB sẽ cung cấp khoản vay hỗ trợ kỹ thuật 26 triệu USD với các ưu đãi đặc biệt, sẽ tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD cho một nghiên cứu tiền khả thi phần hành lang kinh tế phía đông của Tiểu vùng sông Mê Công, và khoản tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD khác từ Quỹ Đặc biệt của Nhật Bản cho nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc thuộc hành lang kinh tế phía nam Tiểu vùng sông Mê Công.

10. Nghệ An kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Truông Bồn

Ngày 26-10-2008, tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Truông Bồn và đón nhận danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho tập thể 14 Thanh niên xung phong đội 65 thuộc Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An. Thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang trao bằng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho đại diện đơn vị. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang lập đề án quy hoạch xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa Truông Bồn thành một địa danh lịch sử xứng tầm với chiến công và sự hy sinh an dũng của các lực lượng tại Truông Bồn, đặc biệt là thế hệ những thanh niên xung phong đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc./.