Tại Hội nghị cấp cao ASEM 7, Tổng thống Bun-ga-ri Georgi Pa-va-nốp (thành viên mới của ASEM), trong bài phát biểu của mình đã đề xuất sáng kiến: Bun-ga-ri sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao bàn về các dự án khai thác, vận chuyển, phân phối khí đốt cho châu Âu.

Tổng thống Bun-ga-ri cũng thông báo thời gian cụ thể tổ chức diễn đàn trong 2 ngày 24 và 25 tháng tư năm 2009.

Chủ đề của Diễn đàn cũng đã được lựa chọn. Lãnh đạo cấp cao các nước đến từ Đông Nam Âu, các nước ven Biển Đen và Biển Ca-xpi, các nước Trung Á, các nước thành viên Liên minh châu Âu, các viện nghiên cứu ở châu Âu, Nga và Mỹ sẽ thảo luận chủ đề: “Khí thiên nhiên cho châu Âu: An ninh và hợp tác”.

Ông Pa-va-nốp, đề nghị chương trình nghị sự của diễn đàn sẽ xoay quanh những vấn đề có tính nguyên tắc để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng và sự biến đổi khí hậu ở châu Âu cũng như những dự án khí thiên nhiên cụ thể.

Tổng thống Bun-ga-ri khẳng định, với sự tham gia tích cực và sâu rộng vào các dự án khí đốt ở châu Âu trên lãnh thổ của mình và với việc tổ chức Diễn đàn cấp cao, Bun-ga-ri muốn thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng và đối phó hiệu quả với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Pa-va-nốp nhấn mạnh: “Thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta là giải quyết hài hòa vấn đề :nhiều hơn nữa năng lượng, ít hơn nữa khí thải cho cuộc sống nhân loại”. Tổng thống Bun-ga-ri cảnh báo những hiểm họa trước việc gia tăng tim kiếm các nguồn năng lượng hóa thạch, sự giảm thiểu ngày càng nhanh của các nhiên liệu truyền thống trong 10 năm trở lại đây và sự đe dọa hủy hoại môi trường ngày càng gia tăng.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, an ninh năng lượng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh quốc tế. Nó đòi hỏi phải có tầm nhìn toàn cầu và hành động thiết thực không chỉ cho trước mắt mà còn về lâu dài - ông Pa-va-nốp nhấn mạnh. Theo ông, để có thể giải quyết “an ninh năng lượng”, các quốc gia Á – Âu cần sớm hợp tác trên một số lĩnh vực như: gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới; đảm bảo sự minh bạch trên thị trường năng lượng; đa dạng hóa các nguồn năng lượng hướng tới việc sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng nguyên tử, khi thiên nhiên cũng như việc xây dựng và vận hành an toàn mạng lưới chuyển tải năng lượng đến các hộ tiêu thụ một cách an toàn và tiết kiệm chi phí./.