Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua ước đạt gần 53,8 tỉ USD, duy trì mức tăng trưởng tốt với 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng chủ lực vẫn đạt kim ngạch và tỉ lệ tăng trưởng mạnh. Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong các mặt hàng có giá trị cao là gạo với 2,6 tỉ USD, tăng 83%; kế đến là than đá với 1,2 tỉ USD, tăng 57%; dầu thô với gần 9,5 tỉ USD, tăng 43%; dệt may 7,6 tỉ USD, tăng 20%.

Ngoài ra, có một số mặt hàng tuy giá trị xuất khẩu không phải nhóm dẫn đầu nhưng đã đạt mức tăng đột biến như sản phẩm đá quý và kim loại quý tăng tới 367% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ với 711 triệu USD; hay dầu mỡ động thực vật tăng tới trên 154% tuy chỉ đạt 92 triệu USD.

Một số mặt hàng khác duy trì giá trị xuất khẩu lớn và tốc độ tăng trưởng khá đều đặn là giày dép, hàng điện tử và máy tính, cà phê, cao su và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, nếu xét riêng tháng 10, giá xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng của Việt Nam. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu dầu thô, gạo trong tháng 10 đều giảm xấp xỉ 100 triệu USD so với tháng 9, hay cao su, cà phê cùng giảm tới con số hàng chục triệu USSD.

Tính chung giá trị xuất khẩu cả nước trong tháng 10 chỉ đạt 5,1 tỉ USD so với 5,3 tỉ USD của tháng 9.

Trong khi đó, sau khi chững lại trong vài tháng, kim ngạch nhập khẩu đã tăng trở lại với 5,8 tỉ USD trong tháng 10 so với mức 5,51 tỉ USD của tháng trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu lượng hàng hoá đạt giá trị trên 70 tỉ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2007.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, với thành tích xuất khẩu đạt được, nhập siêu vẫn ở mức khá thấp, khoảng 700 triệu USD trong tháng 10 và xấp xỉ 17 tỉ USD trong 10 tháng. Bởi vậy, mục tiêu kiềm chế nhập siêu ở mức 19 tỉ USD, tương đương mức của năm 2007 và bằng khoảng 29% kim ngạch xuất khẩu là có thể thực hiện được.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay, vẫn theo các chuyên gia, chính là xu hướng suy giảm xuất khẩu và những tín hiệu không tốt từ thị trường như giá hàng hóa xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu thụ tăng chậm, thậm chí giảm ở những thị trường lớn do khủng hoản tài chính toàn cầu. Đây được coi là những nguy cơ mới trong lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh này, Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội đã tái khẳng định “đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu” là giải pháp cần tiếp tục duy trì để đạt mục tiêu 76,7 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu và giữ mức nhập siêu ở con số 20,7 tỉ USD trong năm 2009./.