Ngày 21-10-2008, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Đất Việt Nam tổ chức Hội Thảo “Sử dụng đất bền vững và hiệu quả”.

Đất đai mà chúng ta có được hôm nay không chỉ là “tài nguyên thiên nhiên cho không con người” như C.Mác đã nói, mà còn là thành quả của nhiều thế hệ trước để lại. Đến lượt mình, chúng ta phải để lại nguồn sống này cho thế hệ con cháu mai sau và phải làm cho nó phì nhiêu hơn, trù phú hơn, bởi chúng ta đang sử dụng “tài sản vay mượn của con cháu” như đa số các quốc gia trên thế giới quan niệm.

Sử dụng đất bền vững là khái niệm động và tổng hợp, liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, hiện tại và tương lai. Sử dụng đất bền vững là giảm suy thoái đất và nước đến mức tối thiểu, giảm chi phí sản xuất bằng cách sử dụng thông các nguồn tài nguyên bên trong và áp dụng hệ thống quản lý phù hợp. Sử dụng đất bền vững trong nông nghiệp liên quan trực tiếp đến hệ thống canh tác cụ thể nhằm duy trì và nâng cao thu nhập, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thức đẩy phát triển nông thôn.

Ngày nay, sử dụng đất bền vững trở thành chiến lược quan trọng, có tính toàn cầu bởi vì:

Một là, tài nguyên đất vô cùng quý giá. Bất kỳ nước nào, đất đều là tư liệu sản xuất nông- lâm nghiệp chủ yếu, cơ sở lãnh thổ để phân bố các ngành kinh tế quốc dân. Cho dù khoa học kỹ thuật có hiện đại đến đâu thì con người vẫn phải sống dựa vào đất.

Hai là, tài nguyên đất có hạn, đất có khả năng canh tác càng ít ỏi. Toàn lục địa chỉ có 13.340 triệu hec-ta (trừ 1.360 ha đóng băng vĩnh cửu); trong đó phần lớn có nhiều hạn chế cho sản xuất do quá lạnh, khô, dốc, nghèo dinh dưỡng, hoặc quá mặn, bị phèn, ô nhiễm, bị phá hoại do hoạt động sản xuất hoặc bom đạn chiến tranh. Hiện diện tích đất có khả năng canh tác là 3.030 triệu héc ta.

Ba là, diện tích đất tự nhiên và đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm do áp lực tăng dân số, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mang lại. Bình quan diện tích đất canh tác trên đầu người của thế giới là 0,23 ha, nhiều quốc gia châu Á, Thái Bình dương là 0,15 ha, Việt Nam là 0,11 ha. Theo tính toán của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), với trình độ sản xuất trung bình hiện nay, để có đủ lương thực, thực phẩm, mỗi người cần có 0,4 ha đất canh tác.

Bốn là, do điều kiện tự nhiên, hoạt động tiêu cực của con người, hậu quả cuaqr chiến tranh nên diện tích đáng kể của lục địa đã, đang và sẽ bị thoái hóa, hoặc ô nhiễm đãn tới tình trạng giảm, mất khả năng sản xuất và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Để bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả và bền vững, các tham luận tập trung vào các định hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, ưu tiên sử dụng đất tốt cho nông nghiệp, dành đất xấu (có khả năng sản xuất thấp) cho các mục đích phi nông nghiệp. Điều hòa giữa áp lực gia tăng dân số và tăng trưởng về kinh tế. Quản lý hệ thống nông nghiệp nhằm bảo đảm có sản phẩm tối đa về lâu dài, đồng thời duy trì độ phì nhiêu của đất. Bảo đảm phát triển tài nguyên rừng nhằm thỏa mãn nhu cầu về thương mại, chất đốt, xây dựng và dân dụng mà không làm mất nguồn nước và thoái hóa đất.

Thứ hai, sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người sử dụng đất và cộng đồng. Khi phân bố sử dụng đất cho ngành kinh tế quốc dân cần sử dụng bản đồ, tài liệu đất và đánh giá phân hạng đất đai mới xây dựng, nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo sử dụng lâu dài.

Thứ ba, sử dụng đất phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, theo lợi thế so sánh, không áp đặt thiên nhiên theo ý muốn chủ quan để tránh đầu tư quá tốn kém nhưng không hiệu quả. Ví dụ việc tăng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên; ngọt hóa đất ven biển đồng bằng sông Cửu Long để trồng lúa... cần được tính toán thận trọng vì chi phí cao và làm suy thoái đa dạng sinh học.

Thứ tư, thực hiện chiến lược phát triển đa dạng, khai thác tổng hợp đa mục tiêu: nông - lâm kết hợp, nông - lâm - ngư, nông - lâm và du lịch sinh thái... Quản lý lưu vực để bảo vệ đất và nước, phát triển thủy lợi, giữ vững cân bằng sinh thái. Phát triển cây lâu năm có giá trị thương mại cao. Áp dụng quy trình và công nghệ canh tác thích hợp theo từng vùng, đơn vị sinh thái và hệ thống cây trồng. Phát triển công nghiệp phân bón và thâm canh theo chiều sâu.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý và bảo tồn tài nguyên đất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, giao đất, giao rừng, xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án và kế hoạch hành động bảo vệ và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững./.