Việt Nam với những nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong APEC
17:53, ngày 21-11-2008
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm: “Quan điểm hợp tác trong APEC và hội nhập quốc tế nói chung của Việt Nam là cố gắng phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước”.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 diễn ra tại thủ đô Li-ma của Pê-ru, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về những nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong APEC và hội nhập quốc tế nói chung.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết việc Việt Nam tham gia APEC trong 10 năm qua đã mang lại tác động như thế nào đối với hội nhập và phát triển của đất nước?
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết việc Việt Nam tham gia APEC trong 10 năm qua đã mang lại tác động như thế nào đối với hội nhập và phát triển của đất nước?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tháng 11-1998 đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời là thị trường có rất nhiều tiềm năng đối với Việt Nam, APEC là diễn đàn quan trọng giúp Việt Nam hội nhập với một khu vực đóng góp khoảng 60% GDP, 50% thương mại và 70% tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Nhìn lại 10 năm qua, có thể khẳng định, sự tham gia của Việt Nam trong APEC đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với tiến trình hội nhập, sự tăng trưởng và phát triển của đất nước trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, các hoạt động hợp tác trong APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước. Thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư của chúng ta với các nền kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, các dự án hợp tác của Quỹ APEC, tuy không lớn nhưng cũng góp phần thúc đẩy quá trình cải cách trong nước và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập của chúng ta trên nhiều lĩnh vực.
Thứ hai, việc ta tham gia chủ động và tích cực vào Diễn đàn này đã góp phần củng cố hình ảnh và vị thế mới của chúng ta trong khu vực. Trong thời gian qua, chúng ta đã tạo dựng được vai trò và hình ảnh tốt trong khu vực APEC nói riêng và trên thế giới nói chung. Có thể thấy rõ điều này qua việc nhiều thành viên APEC, trong đó có nhiều nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… mong muốn hợp tác với ta. Đặc biệt, việc Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công năm APEC 2006 đã khẳng định vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế đa phương cũng như thể hiện sự tin tưởng và đánh giá tích cực của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Thứ ba, APEC là một kênh quan trọng để chúng ta thúc đẩy hợp tác song phương với các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là các đối tác hàng đầu thông qua các hội nghị APEC và các cuộc tiếp xúc song phương cấp cao. Các lợi ích kể trên đối với Việt Nam góp phần quan trọng trong việc tăng cường nội lực phát triển của đất nước, thúc đẩy quan hệ song phương với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết đánh giá về những đóng góp của Việt Nam đối với APEC trong 10 năm qua trên tất cả các lĩnh vực và đâu là đóng góp mang tính nổi bật và thiết thực nhất?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Hợp tác trong APEC là con đường hai chiều. Kể từ khi gia nhập năm 1998, bên cạnh lợi ích mà APEC mang lại cho Việt Nam thì chúng ta cũng có những đóng góp nhất định cho tiến trình APEC, thể hiện trên ba khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, với tư cách là thành viên, chúng ta tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào nhiều chương trình hợp tác của APEC. Nổi bật là chúng ta đã tham gia đầy đủ và tích cực vào một số Chương trình hành động tập thể (CAPs) trong các lĩnh vực Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Thủ tục Hải quan, Kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC) và Chương trình Hành động Quốc gia của APEC (IAPs). Đây là những chương trình hữu hiệu trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Trong những năm gần đây, các lĩnh vực hợp tác trong APEC ngày càng mở rộng. Ngoài những nội dung kinh tế thương mại truyền thống, chúng ta còn tham gia vào các lĩnh vực hợp tác mới của APEC như an ninh con người, y tế, giáo dục, du lịch...
Hai là, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển có một số kinh nghiệm phát triển nhất định, chúng ta đã đóng góp hiệu quả vào một số lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp, phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh... thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với các nền kinh tế khác, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển của APEC. Đồng thời, chúng ta cũng học được nhiều kinh nghiệm hay của các nền kinh tế phát triển hơn trong APEC.
Ba là, ngoài lĩnh vực hợp tác cụ thể, chúng ta cũng tham gia vào một số công tác điều hành chung của APEC như tích cực tham gia vào các Ủy ban chủ chốt như Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban chỉ đạo của các quan chức cao cấp (SOM) về hợp tác kinh tế kỹ thuật; các Tiểu ban quan trọng về tiêu chuẩn hợp chuẩn, thủ tục hải quan và các Nhóm Công tác quan trọng như Đi lại của doanh nhân, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Y tế và đối phó với tình trạng khẩn cấp, Công tác về chống khủng bố, v.v.. Có thể nói, đóng góp nổi bật và thiết thực nhất của Việt Nam đối với APEC là việc Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Năm APEC 2006, trong đó một số kết quả của hội nghị đã là những dấu ấn quan trọng trong tiến trình hợp tác APEC như Chương trình Hành động Hà Nội về thúc đẩy thực hiện mục tiêu Bogo và các cam kết cải cách APEC.
PV: Sau thành công của Năm APEC 2006 tại Việt Nam, chúng ta đã làm gì để tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong APEC, nhất là trong việc ứng phó với những thách thức đang nổi lên, thưa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Quan điểm hợp tác trong APEC và hội nhập quốc tế nói chung của Việt Nam là cố gắng phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc với nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống, sau thành công của Năm APEC 2006 đến nay, chúng ta đã chú trọng hơn đến việc chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới trong hàng loạt lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng, phòng chống dịch bệnh và đối phó với tình trạng khẩn cấp... Cụ thể, Việt Nam đã tổ chức các hội thảo: “Đối thoại giữa các nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác khu vực và quốc tế quan trọng của APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp”; “Chính sách quản lý xã hội đối với người di cư nhằm hạn chế sự lây nhiễm của HIV/AIDS”. Việt Nam đã đề xuất đăng cai tổ chức Hội thảo APEC về “An ninh hàng không” tại Việt Nam năm 2009 và đã được các nền kinh tế thành viên APEC tán thành. Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã thực hiện được 26 dự án về hỗ trợ xây dựng năng lực trong hợp tác APEC với tổng giá trị hơn 1,5 triệu USD.
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một thành viên APEC, Việt Nam cũng chú trọng hơn đến việc tham gia công tác điều hành một số mặt hoạt động của APEC như tích cực hoạt động trong Nhóm bạn của Chủ tịch, thực chất là hỗ trợ Chủ tịch APEC đề ra các sáng kiến và định hướng chính sách chung trong APEC.
PV: Trong năm 2008, Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới, xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của những sáng kiến này?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Trong năm 2008, Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới trong APEC, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ xây dựng năng lực, như các dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng APEC”, “Mô hình về trách nhiệm xã hội của giới kinh doanh du lịch trong APEC” và đăng cai tổ chức các hội thảo như “Đối thoại giữa các nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác khu vực và quốc tế quan trọng của APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp”; “Chính sách quản lý xã hội đối với người di cư nhằm hạn chế sự lây nhiễm của HIV/AIDS”; “Đối tác Công - Tư”, v.v.. Đồng thời, tại Hội nghị APEC năm nay, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống như thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, hợp tác kinh tế kỹ thuật, ưu tiên của chúng ta là tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực an ninh lương thực, y tế và đối phó với tình trạng khẩn cấp.
Những sáng kiến này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nền kinh tế thành viên và những đối tác có lợi ích liên quan trong APEC. Đồng thời, do việc chúng ta đề xuất các sáng kiến được chấp nhận, các thành viên ngày càng tin tưởng và đánh giá cao vai trò và sự tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả của Việt Nam tại APEC nói riêng và tại các diễn đàn đa phương khác nói chung. Mặt khác, các sáng kiến này chủ yếu dưới dạng xây dựng năng lực nên đã tạo điều kiện cho các cán bộ của chúng ta tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ và năng lực góp phần phục vụ tốt hơn cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam./.
Quan hệ giữa giảm phát, lạm phát và thiểu phát  (21/11/2008)
Người nông dân Nghệ An nghĩ gì, cần gì và mong muốn gì vì sự phát triển của nông nghiệp?  (21/11/2008)
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Vê-nê-du-ê-la  (21/11/2008)
Khai mạc triển lãm Glasstech Asia 2008  (21/11/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên