G8 - đã đến lúc nói lời giã biệt?

Nguyễn Sơn
15:42, ngày 12-07-2009
TCCSĐT - Tương lai nào cho G8? Nó sẽ được mở rộng hay phải thay đổi hẳn? Có ý kiến cho rằng, tốt nhất là G8 tự giải thể để nhường chỗ cho G20. Lại có ý kiến nói nên thay thế một số thành viên G8 hiện nay bằng các thành viên có tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng mới. Tìm ra một giải pháp để có một G-x vừa mang tính đại diện, vừa mang tính hiệu quả thật không dễ dàng.
 
Có lẽ không hoàn toàn ngẫu nhiên khi thủ tướng nước chủ nhà Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni (Silvio Berlusconi) quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 tại thành phố Lơ A-qui-la (L’Aquila) bị động đất tàn phá và đang khó nhọc tìm cách phục hồi. Trận động đất kinh tế - tài chính toàn cầu với tâm chấn ở Mỹ và “vùng thiệt hại nặng” là Tây Âu và Nhật Bản đang khiến các thành viên G8 lao đao. Lơ A-qui-la gợi lên một hình ảnh của sự phá hủy và tái thiết.

Năm 1975, khi Thủ tướng Đức Hen-mút Smít (Helmut Schmidt) và Tổng thống Pháp Gi-xcát đơ Ê-xtanh (Giscard d’Estaing) nghĩ đến một hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp hùng mạnh nhất, họ hình dung đó sẽ là một cuộc gặp thâm tình để trao đổi một cách thẳng thắn bên bếp lửa. Trong bối cảnh thế giới lưỡng cực lúc đó, tiềm lực chính trị - kinh tế của 7 thành viên G7 là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Ca-na-đa và Nhật Bản đủ sức để lãnh đạo thế giới tư bản chủ nghĩa.

Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, G7 kết nạp thêm Nga và trở thành G8 ngõ hầu duy trì vị thế lãnh đạo thế giới toàn cầu hoá. Tuy nhiên, các nhà kiến tạo G8 đã không hình dung hết được toàn cầu hoá đã làm kinh tế thế giới biến đổi lớn lao tới mức nào. Hai “con sư tử” ngủ quên, theo cách nói của Na-pô-lê-ông, là Trung Quốc và Ấn Độ bỗng choàng tỉnh dậy, trở thành những nền kinh tế lớn không thể không tính đến trong đời sống quốc tế hiện đại.

Sự phát triển mạnh mẽ của các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây và các nước thuộc “thế giới thứ ba” đang tạo ra những cục diện mới trên bàn cờ kinh tế thế giới.

Năm 2001, Tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs đưa ra khái niệm BRIC bao gồm 4 nền kinh tế mới nổi là Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Khái niệm này lập tức trở thành phổ biến trong cộng đồng quốc tế. Năm 2005, họ bổ sung thêm khái niệm “11 viên kim cương mới” bao gồm Ai Cập, Hàn Quốc, Mê-hi-cô, Ni-giê-ri-a,…

Năm 2007, nhà bác học Nhật Bản Ta-ca-xi Ka-đô-ku-ra đưa ra khái niệm VISTA bao gồm năm “con hổ” kinh tế phát triển năng động và có ảnh hưởng ở tầm khu vực là Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-hen-ti-na.

Những chủ thể kinh tế hùng mạnh và năng động mới nổi khiến G8 cảm thấy không đủ sức để đảm đương vai trò lãnh đạo nền kinh tế thế giới nữa.

Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) nói: “Tám nước công nghiệp phát triển nhất đã không còn một diễn đàn có khả năng giải quyết tất cả những vấn đề toàn cầu nữa. Hội nghị ở Lơ A-qui-la cho thấy rất rõ rằng khuôn khổ G8 là không đủ”. Càng ngày, người ta càng nhận thấy G8 không đủ cả tính chính thống lẫn vai trò ảnh hưởng để lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu.

Ý tưởng về một diễn đàn G8 xuất phát từ quan niệm coi phương Tây (bao gồm các nước Âu - Mỹ) là trung tâm của thế giới. Giờ đây, khi các nước phương Đông đang chứng minh sức sống và ảnh hưởng của mình, quan niệm đó phải được thay đổi. Người ta bắt đầu nói nhiều về một thế giới đa cực trong đó Mỹ và các nước tư bản phát triển trước đây buộc phải bằng lòng với một vai trò giới hạn hơn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang đẩy nhanh chuyển biến nhận thức đó. Việc mời thêm các nước G5 (Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Nam Phi và Mê-xi-cô) cùng Ai Cập tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này phần nào nói lên xu hướng này.

Việc hoãn các vấn đề kinh tế nóng bỏng lại để chờ Hội nghị G20 tiếp theo có thể coi như một lời thú nhận rằng G8 đã không còn đảm đương vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu được nữa.

Tương lai nào cho G8? Nó sẽ được mở rộng hay phải thay đổi hẳn? Có ý kiến cho rằng, tốt nhất là G8 tự giải thể để nhường chỗ cho G20. Lại có ý kiến nói nên thay thế một số thành viên G8 hiện nay bằng các thành viên có tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng mới.

Tìm ra một giải pháp để có một G-x vừa mang tính đại diện, vừa mang tính hiệu quả thật không dễ dàng. Tiêu chí lựa chọn thành viên cũng sẽ là vấn đề. Sẽ không công bằng khi Tây Âu có tới 4 đại diện, Bắc Mỹ có tới 3 đại diện tại Lơ A-qui-la trong khi tiềm lực kinh tế của các khu vực đó không tương ứng với số đại diện của họ. Bên cạnh đó, các liên kết khu vực cũng hoàn toàn có thể là thành viên của G-x. EU đã được chính thức tham gia G20. Trong khi đó, ASEAN, một liên kết khu vực khá mạnh với hơn 600 triệu dân và tiềm lực kinh tế đạt 700 tỉ đô la Mỹ lại phải đứng ngoài.

Cục diện kinh tế thế giới đã thay đổi một cách cơ bản đang buộc G8 phải thay đổi. Nó phải thay đổi từ cái tinh thần cốt lõi cho rằng phương Tây là trung tâm của thế giới đến hình thức tổ chức và phối hợp hành động. Và như thế, dường như sắp đến lúc G8 phải nói lời giã biệt ?/.