Suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường du lịch Việt Nam, nên tuy đã vào mùa cao điểm đón khách quốc tế (từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau), lượng khách đến Việt Nam vẫn khá vắng vẻ.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến cuối tháng 11-2008, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, nghỉ ngơi vào khoảng 2,2 triệu lượt người (chỉ đạt 63% so với kế hoạch đề ra cho cả năm). Lượng khách về thăm thân nhân có xu hướng giảm, khoảng 12% so với cùng kỳ.
 
Thống kê từ các công ty lữ hành quốc tế lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, lượng du khách quốc tế đến Thành phố trong tháng 9-2008 chỉ bằng 93% tổng lượng khách so với cùng kỳ năm 2007. Các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây cũng cho thấy, con số sụt giảm tăng trưởng trong 2 tháng gần đây nhất đã lên từ 10 đến 12%. Lượng khách thuộc các thị trường lớn và có mức chi tiêu cao như khách từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ca-na-đa, Anh, Trung Quốc… đều giảm.
 
Tại các thị trường du lịch chính của Việt Nam như Tây Âu, Mỹ, khả năng giảm lượng khách có thể lên từ 30 đến 40%. Thời gian qua, do đồng USD mất giá so với đồng euro, khiến nhiều người châu Âu chọn đi du lịch Mỹ thay cho châu Á. Thêm vào đó, giá ăn uống trong các nhà hàng tại châu Á đã trở nên đắt đỏ, làm giảm đáng kể sức hút đối với du khách. Tại Saigontourist, một số hợp đồng đón khách du lịch châu Âu mùa cuối năm đã bị hủy do đối tác bán không đủ khách. Công suất phòng trong các tháng 9, 10 ở các khách sạn Sheraton, Caravelle, Bến Thành, Kim Đô… chỉ đạt khoảng từ 53% đến 65% (mặc dù có nơi đã hạ giá phòng từ 5% đến 10%).

Trước tình hình trên, nhiều công ty du lịch hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhờ vào dòng khách nội địa. Nhưng trên thực tế, lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài (qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất) cũng đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm 2007. Các doanh nghiệp du lịch, các hãng vận tải cũng đang tích cực tìm kiếm, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, các tour du lịch ấn tượng, nhưng nhìn chung vẫn mang tính nhỏ lẻ và thiếu đồng bộ.

Việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý miễn thị thực cho công dân Liên bang Nga mang hộ chiếu phổ thông với thời hạn tạm trú 15 ngày, không phân biệt mục đích nhập cảnh (với điều kiện không thuộc diện không được nhập cảnh Việt Nam theo Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 sẽ tạo thêm động lực trong việc thu hút khách Nga đến Việt Nam. Hàng loạt công ty du lịch, lữ hành trước khó khăn trên đang muốn mở rộng hoạt động du lịch đối với thị trường khách Nga. Tuy nhiên, lực lượng hướng dẫn viên biết tiếng Nga đang là một điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chỉ có 18 hướng dẫn viên tiếng Nga. Tại Triển lãm Quốc tế du lịch tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh năm nay, nhiều công ty du lịch tại Việt Nam đã phải bỏ qua cơ hội ký kết với các doanh nghiệp du lịch tiềm năng đến từ thị trường Nga vì không có phiên dịch.

Để hút khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều biện pháp đã được ngành du lịch triển khai:
 
- Tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá qua các hội chợ triển lãm, mà điển hình là cuộc trình diễn cồng chiêng tại Hàn Quốc. Việc khảo sát các điểm du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc đã thu hút hơn 100 đối tác du lịch. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã nhất trí phương án quảng bá và tìm hiểu khả năng quảng bá hình ảnh Việt Nam trên một số kênh truyền hình nước ngoài như BBC (Anh), Fashion TV (Pháp), Arirang (Hàn Quốc), Discovery (Mỹ), NHK (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc) và một tờ báo lớn của Nga. Chiến dịch quảng cáo hình ảnh Việt Nam trên báo chí nước ngoài là một nội dung chính trong kế hoạch sử dụng khoản kinh phí 30 tỉ đồng được Chính phủ cấp từ Quỹ xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch phục vụ quảng bá (ngoài Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch năm 2008). Cục Hợp tác quốc tế tiếp tục chủ trì xây dựng kế hoạch quảng bá sử dụng nguồn kinh phí năm 2009 từ quỹ trên.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nỗ lực kêu gọi các dự án đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giao thông, khách sạn cao cấp, nhà ga...để giải quyết phần nào những khó khăn trong thiếu hụt khách sạn cao cấp (cả nước chỉ có 25 khách sạn 5 sao, 85 khách sạn 4 sao và 170 khách sạn 3 sao). Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã chấp nhận kế hoạch sẽ hỗ trợ 20 triệu USD để phát triển ngành du lịch ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê công mở rộng, trong đó có Lào và Việt Nam.

- Phát huy thế mạnh của dịch vụ du lịch y tế và nghỉ dưỡng. Những du khách sau khi tham gia vào các tour du lịch chữa bệnh tại Việt Nam, về cơ bản, đều có phản hồi tốt, đặc biệt là những phản hồi dành cho dịch vụ y tế của Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Khách nước ngoài rất thích được bắt mạch, trị liệu theo phương pháp cổ truyền phương Đông.
 
Để phát triển du lịch, khai thác các tiềm năng vốn có, cần có sự phối, kết hợp của nhiều ngành từ trung ương đến địa phương, cũng như sự thay đổi cả về tư duy và cách làm, xây dựng một chiến lược “dài hơi” và chuyên nghiệp về hoạt động quảng bá du lịch./.