Liệu cuộc chiến tại I-rắc đã kết thúc?

Lê Thế Mẫu
10:17, ngày 11-09-2010

TCCSĐT - Ngày 31-8-2010, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chính thức tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự "Tự do cho I-rắc" do Mỹ phát động ngày 20-3-2003. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cuộc chiến đó vẫn chưa thể kết thúc hoàn toàn theo đúng với quan niệm lịch sử quân sự từ xưa tới nay.

Một cuộc chiến tranh được tuyên bố kết thúc hai lần

Chiến dịch quân sự mang tên "Tự do cho I-rắc" (“Operation Iraqi Freedom”) của lực lượng liên quân do Mỹ chỉ huy bắt đầu từ ngày 20-3-2003 được tuyên bố kết thúc và thay vào đó là một chiến dịch khác mang tên "Bình minh mới" (“Operation New Dawn”) chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các lực lượng quân sự địa phương và các lực lượng an ninh của I-rắc. Với tuyên bố ngày 31-8-2010 của ông Ô-ba-ma, cuộc chiến tranh I-rắc đã được tuyên bố kết thúc lần thứ hai. Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 2-5-2003. Trên hàng không mẫu hạm A-bra-ham Lin-côn của Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó G.W.Bu-sơ đã tuyên bố trước toàn thế giới rằng: “Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ở I-rắc”.

Thế nhưng, những gì diễn ra sau ngày 2-5-2003 tới nay hoàn toàn không có gì giống với cái gọi là "kết thúc chiến tranh” theo tiêu chí phân loại thông thường của giới nghiên cứu lịch sử quân sự bởi các chiến dịch quân sự với quy mô lớn nhỏ khác nhau vẫn không ngừng tiếp diễn, thậm chí đã có lúc còn quyết liệt hơn.
 
Bi kịch là ở chỗ, ngay sau khi Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ tuyên bố “kết thúc chiến tranh”, thì tổn thất của các binh sĩ Mỹ trên chiến trường I-rắc bắt đầu gia tăng và đạt đến cao điểm vào năm 2007. Bởi lẽ, sau tuyên bố đó, ở I-rắc lại diễn ra một kiểu chiến tranh hết sức kỳ lạ. Đó là cuộc chiến tranh giữa các lực lượng xâm lược của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào một quốc gia có chủ quyền với các hoạt động nổi dậy chống lại các lực lượng chiếm đóng của quân đội nước ngoài, đan xen với một cuộc xung đột khốc liệt “huynh đệ tương tàn” mà gần đây mới chỉ có dấu hiệu giảm bớt chứ chưa chấm dứt hoàn toàn.
 
Đó là cuộc xung đột giữa cộng đồng những người theo dòng Xi-ai và dòng Xan-ni, diễn ra cả trên chiến trường lẫn trên chính trường trong quá trình hình thành chính phủ mới ở Bat-đa. Ngoài ra, sau khi Mỹ xoá sổ chính quyền của cựu Tổng thống Xat-đam Hut-xen, lãnh thổ I-rắc trở thành một kiểu "thao trường" huấn luyện và hoạt động ráo riết của các lực lượng khủng bố, thu hút mạng lưới khủng bố “An Kê-đa” tới chiến trường này.
 
Tuy chưa có con số thống kê chính thức về thiệt hại của người dân I-rắc, nhưng các tổ chức khác nhau đã đưa ra những đánh giá ban đầu, ước tính số người bị thiệt mạng vào khoảng 100.000 đến 120.000 người. Một số tổ chức khác thì khẳng định, con số thực tế vào khoảng nửa triệu người.

Đầu năm 2010, ở I-rắc đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 2 kể từ khi chế độ của Tổng thống Xa-đam Hút-xen bị lật đổ. Kết quả cuộc bầu cử là không có một lực lượng chính trị nào đủ điều kiện để thành lập chính phủ mới và người I-rắc vẫn sống trong tình cảnh chưa có chính phủ thực sự, còn xã hội I-rắc vẫn bị chia rẽ bởi các lực lượng sắc tộc và tôn giáo.

Sau 7 năm 5 tháng 11 ngày dính líu vào cuộc chiến này, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh tốn kém nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II và là cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài lâu dài nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thế giới, nếu tính cả các khoản chi bí mật cho việc thay vũ khí và bồi thường cho các binh lính Mỹ, tổng chi phí cho cuộc chiến tranh I-rắc vào khoảng 2-3 nghìn tỉ USD. Liên quân do Mỹ chỉ huy đã tổn thất 4.734 binh sỹ, trong đó có 4.416 binh sỹ Mỹ, 179 binh sỹ Anh và 139 binh sỹ các nước khác.

Mục đích của Mỹ là xây dựng ở I-rắc thành “một xã hội dân chủ kiểu mẫu” để lấy đó nhân rộng ra trên toàn khu vực Trung Đông đã không đạt được. Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh này. Chiến tranh I-rắc đã chứng tỏ rằng trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào có thể chiếm ưu thế vượt trội dù chỉ là tạm thời, so với các nước khác, nếu xét theo tất cả các chỉ tiêu sức mạnh quân sự.

"Bình minh mới" có một tương lai khá mờ mịt

Theo tuyên bố chính thức của Oa-sinh-tơn, chiến dịch “Bình minh mới” với sự tham gia của 50.000 binh sĩ và sỹ quan Mỹ, cộng với ít nhất vào khoảng 10 nghìn lính đánh thuê do các tổ chức tư nhân tuyển dụng sẽ tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ I-rắc dự kiến thêm một năm nữa và chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các lực lượng quân sự địa phương và các lực lượng an ninh của I-rắc. Còn theo nhận định của giới phân tích, tương lai của chiến dịch "Bình minh mới" khá mờ mịt, nên thật khó có thể khẳng định cuộc chiến ở I-rắc đã chấm dứt và Mỹ sẽ vĩnh viễn rút lui khỏi I-rắc sau năm 2010. Thành công của các lực lượng chống Mỹ ở I-rắc là sự thất bại về mặt chiến lược của Oa-sinh-tơn và những hậu quả không thể dự báo được về cái gọi là “cuộc chiến tranh tài nguyên” mà Mỹ dự kiến sẽ tiến hành trong thế kỷ XXI.

Tình hình chính trị - xã hội ở I-rắc hiện chất chứa đầy mâu thuẫn. Mỹ buộc phải rút quân theo lịch trình đã định trong điều kiện hoạt động khủng bố vẫn không suy giảm. Đã xuất hiện nhiều tổ chức bạo loạn, trong đó có những tổ chức tự coi mình là các nhánh của mạng lưới khủng bố "An Kê-đa" tại I-rắc.

Thêm vào đó, chính Oa-sinh-tơn lúc này cũng chưa thể khẳng định chắc chắn ai sẽ trở thành lực lượng mới ở I-rắc có khả năng đưa quốc gia này vượt qua sự rối loạn. Bởi sau khi Mỹ phá bỏ mô hình quản lý chặt chẽ, có phần hà khắc, thì các thế lực chính trị ở I-rắc vẫn chưa thể tìm được một cơ chế hợp lý để chia sẻ quyền lực. Trong khi những người theo dòng Xan-ni muốn xây dựng một đất nước I-rắc thống nhất, thì người Cuốc lại muốn xây dựng một nhà nước độc lập trên lãnh thổ I-rắc. Còn những người theo dòng Xi-ai lại muốn thành lập mặt trận hồi giáo thống nhất. Các cuộc bầu cử vừa qua càng chứng tỏ rõ ràng sự rối loạn đó.

Ngoài tình hình bất ổn về chính trị ở I-rắc, chiến dịch "Bình minh mới" còn liên quan tới hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ ở quốc gia này. Ngày 16-8-2004, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã từng tuyên bố, Mỹ đang thực hiện đợt tái cơ cấu các lực lượng vũ trang Mỹ ở nước ngoài lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Đó là chương trình thay đổi căn bản về số lượng và vị trí của các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài, theo cái gọi là "Chiến lược lập căn cứ quân sự và hiện diện trên quy mô toàn cầu".

Theo kế hoạch đó, các căn cứ quân sự mới của Mỹ sẽ được xây dựng ở Trung Đông, Đông Âu, Trung Á và châu Phi. Theo ý đồ của Lầu Năm Góc, sự bố trí đó sẽ thích hợp hơn với mục tiêu của Mỹ và đem lại khả năng phản ứng nhanh với các điểm nóng xung đột tiềm tàng. Kế hoạch mới yêu cầu xây dựng các căn cứ quân sự với chi phí hàng tỉ USD từ ngân sách của Mỹ là chủ yếu và một phần là ngân sách của các nước khác. Một khi xảy ra xung đột, toàn bộ cơ cấu quân sự này phải bảo đảm nhanh chóng đưa người và các phương tiện vật chất đến ranh giới của chiến tuyến.

Năm 2006 Mỹ đã xây dựng ít nhất 14 căn cứ quân sự thường xuyên ở I-rắc, một nước mà diện tích chỉ gấp đôi bang Ai-đa-hô của Mỹ. Vì thế, cam kết của Mỹ về kế hoạch rút quân khỏi I-rắc chỉ mang tính hình thức. “Quyền tự do” mà Mỹ tuyên bố sẽ đem lại cho người I-rắc, thực chất là quyền tự do của Mỹ bố trí các căn cứ quân sự của họ xung quanh các mỏ dầu của I-rắc và trên biên giới giữa I-ran và I-rắc. Trong đó, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở I-rắc là tổ hợp căn cứ không quân ở Ba-lát và trại lính ở Cam A-na-côn-đa (Kapm-Anakonda), phía Bắc thủ đô Bát-đa - một căn cứ quân sự có vị trí thuận lợi để phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ trên toàn bộ khu vực Trung Đông một khi “có biến”.

Với những động thái trên đây, chưa ai có thể khẳng định chắc chắn chiến dịch "Bình minh mới" chỉ bao gồm các “hoạt động ngoại giao” và “cố vấn”. Trên thế giới, hiện chưa có một hoạt động “ngoại giao” nào được tiến hành bằng một lực lượng quân sự khổng lồ với 50.000 binh sỹ và sỹ quan cùng gần 10.000 binh lính khác. Vì thế, tuy đã được tuyên bố hai lần kết thúc, cuộc chiến ở I-rắc vẫn rất có thể chưa chấm dứt ở thời điểm 31-8-2010./.