Giá trị Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cung cấp hệ thống cơ sở lý luận - thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Cuốn sách bao gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, bao gồm các bài viết thể hiện rõ quan điểm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, là các bài viết thể hiện sự đồng lòng của toàn dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Toàn bộ nội dung cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần làm sáng rõ bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, quan điểm, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rõ:
Thứ nhất, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phải kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ. Tổng Bí thư đã có góc nhìn rất khách quan và toàn diện về tình trạng tham nhũng và chỉ rõ đây là căn bệnh đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị, không chỉ có ở chế độ một đảng duy nhất cầm quyền như luận điệu xuyên tác của các thế lực thù địch. Tổng Bí thư cho rằng: “Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”(1). Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để quyền lực bị “tha hóa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”(2). Theo đó, ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” đã quy định cụ thể về những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, để hạn chế những hành vi tham nhũng, tiêu cực, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ cần sử dụng cơ chế, biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tham nhũng, tiêu cực gây nên những “tác hại tiềm ẩn, khôn lường… làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ”(3), nó lại “diễn ra đối với những người có chức, có quyền”(4). Vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục, không phải chỉ cần một vài nghị quyết, một vài nhiệm kỳ là đã có thể loại tham nhũng, tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội. Mọi sự cực đoan, nôn nóng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không mang lại hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định: “Không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội”(5). Đây cũng chính là định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xác định phương châm kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”. Tuy nhiên, “có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước”(6). Bằng những phân tích, lý giải thấu đáo với nhiều thông tin, số liệu dẫn chứng thực tế về kết quả xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự những sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư khẳng định: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”(7). Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”(8).
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, có đến 93% bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng(9). Hơn nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo, tạp chí cả trong và ngoài nước với rất nhiều bài viết, bài bình luận, những tâm tư, tình cảm của độc giả từ mọi miền Tổ quốc, từ những người dân thường đến cán bộ, đảng viên hưu trí, từ đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo đến các nhà nghiên cứu, cả những Việt kiều, các chính trị gia trên thế giới đều đánh giá cao và thể hiện niềm tin tưởng vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội mà còn có giá trị tham khảo đối với thế giới. Trang tin Times of India cho rằng: “Chống tham nhũng là vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy rõ công cuộc chống tham nhũng cần là một tiến trình không ngừng nghỉ và là một yếu tố quan trọng để ứng phó với những thách thức trong giai đoạn tới. Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo khi tham nhũng là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu”(10).
Thứ ba, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách”(11). Quan điểm xuyên suốt của Tổng Bí thư trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá”(12). Việc chủ động phòng ngừa là để hạn chế những thiệt hại do tham nhũng gây ra và để chủ động về giải pháp. Tuy nhiên, để phòng ngừa tốt, phải xây dựng được cơ chế. Cơ chế đó phải bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”(13). Gần đây nhất, ngày 14-8-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 14-8-2023, “Về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” xác định cần: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật;… Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật”. Một quan điểm rất thấu suốt của Tổng Bí thư trong xử lý những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực đó là: “Xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính”(14); phải “kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung”(15). Như vậy, theo quan điểm của Tổng Bí thư, việc xử lý tham nhũng, tiêu cực không phải cứ xử lý thật nhiều, thật nặng là tốt, là hay, mà phải xem xét kỹ lưỡng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tình hình thực tế và động cơ, mục đích sai phạm, xử lý là để cảnh tỉnh, răn đe.
Thứ tư, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng là nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh, vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vốn là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, càng cần phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng mới thành công.
Từ thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Tổng Bí thư khẳng định công tác này: “Phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị”(16). Đồng thời phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và dựa vào tai mắt của quần chúng nhân dân thì mới thành công. Vì vậy, Tổng Bí thư đã quán triệt, phải “huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(17).
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua. Cuốn sách giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu đúng, đầy đủ hơn về chủ trương, đường lối, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống “giặc nội xâm”. Cuốn sách là chỉ dẫn, định hướng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, đồng thời góp phần phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua là minh chứng cụ thể cho ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta, góp phần thúc đẩy sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Kết quả đó đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thậm chí những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam còn có giá trị tham khảo quý cho nhiều quốc gia trên thế giới. Sự kỳ vọng, niềm tin tưởng của các tầng lớp nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng được củng cố vững chắc từ hiệu quả thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, nhất là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập cho đến nay.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, tạo ra tâm lý phấn khởi, khí thế mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngay sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Công tác này ngày càng có những bước tiến mạnh mẽ, đột phá, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chỉ ở cấp Trung ương mà còn ở các địa phương, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng chính là bài học sâu sắc để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, để giữ mình trong sạch, thực sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân, như căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãnh phí”(18).
----------------
(1), (2), (3), (4), (5), (6) (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), 14), (15), (16), (17), (18) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 15, 39, 18, 37, 37, 14, 14, 126, 91, 607, 21, 38, 37, 24, 39, 36, 40, 108.
Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào: Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống  (07/09/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  (06/09/2023)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long  (29/08/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn  (26/08/2023)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay