Thành phố Hà Nội đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất trong phát triển xây dựng nông thôn mới
TCCS - Tích tụ, tập trung ruộng đất là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cao của nông dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn. Đảng bộ, chính quyền Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cùng với cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, Hà Nội tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa là những miền quê đáng sống của mỗi người dân.
Thực tiễn tích tụ, tập trung ruộng đất trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội
Đến nay, thành phố Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15/18 số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu: thành phố Hà Nội đến nay có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt huyện Đan Phượng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng, phát triển 5 huyện trở thành quận, 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong những năm qua, Hà Nội đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng. Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Phát triển kinh tế trang trại bền vững và sinh thái (Hà Nội có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp). Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao).
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Xây dựng chính sách ưu đãi để thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất; chính sách tích tụ, tập trung đất đai đối với các hộ nông dân không có nhu cầu sản xuất, bỏ ruộng thành những khu có diện tích lớn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu và năng lực thuê lại để tổ chức sản xuất, đất công ích của các địa phương và đất bãi ven sông chưa sử dụng được định hướng giành cho liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 79.454,3ha (đạt 104,6% kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai... cho giá trị thu nhập tăng thêm 25-30%. Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất tại Hà Nội diễn ra theo ba hình thức chủ yếu sau:
Một là, các hộ nông dân, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất, thông qua: 1- nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nông dân khác; 2- thuê lại đất của nông dân khác.
Trước đây, với những mảnh ruộng nhỏ lẻ, sản xuất gặp nhiều khó khăn nên thường bị bỏ không. Một số hộ nông dân giỏi, có điều kiện kinh tế, đã tiến hành thu gom các mảnh đất nhỏ lẻ thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê lại đất của nông dân. Sau khi dồn điền, đổi thửa các mảnh đất nhỏ lẻ đã được kết hợp với đất cũ của các hộ gia đình tạo ra các mảnh đất có diện tích lớn, hình thành các trang trại có quy mô, diện tích lớn, thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh.
Hai là, các hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua tự nguyện tham gia vào các hợp tác xã.
Từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý, thành viên tham gia theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Hà Nội có 20 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 8 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 11 liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp. Đa số các hợp tác xã đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường. Xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Thành phố Hà Nội có 1.339 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm hơn 58% tổng số hợp tác xã trên địa bàn thành phố, trong đó có 1.106 hợp tác xã đang hoạt động và 233 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Về phân loại hợp tác xã, loại tốt chỉ chiếm 19,6%, loại khá chiếm 34,8%, loại trung bình chiếm 40,3% và yếu chiếm 5,3%. Có 338 hợp tác xã không đủ điều kiện đánh giá phân loại. Trên thực tế các hợp tác xã còn thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả. Giữa hộ nông dân với các hợp tác xã đang thiếu sự hợp tác tin cậy lẫn nhau trong việc hình thành các chuỗi sản xuất, liên kết tích tụ, tập trung ruộng đất quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy kinh tế hợp tác, ngày 25-10-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố đề ra các mục tiêu đến năm 2025: Có 100% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; thành lập mới từ 150 hợp tác xã nông nghiệp trở lên. Củng cố, kiện toàn phát triển hợp tác xã nông nghiệp; 100% hợp tác xã ở các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được củng cố, kiện toàn; 60% hợp tác xã nông nghiệp trở lên đạt từ loại khá.
Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đã hình thành hàng trăm cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại các hợp tác xã nông nghiệp thuộc 14 huyện ngoại thành; Hàng trăm vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô 20ha trở lên, cho giá trị 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; Rất nhiều vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20ha/vùng, cho giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Có xã đã chuyển đổi 100% đất trồng lúa, như xã Hồng Vân, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín.
Ba là, doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất, thông qua: 1) thuê lại đất nông nghiệp của nông dân; 2) nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân; 3) thuê đất của địa phương.
Nhiều địa phương ở Hà Nội, các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Trong mô hình này quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc các hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng ruộng đất đã có sự thống nhất giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Trong mô hình này cũng có các cấp độ liên kết khác nhau giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân: Cấp độ thấp nhất là doanh nghiệp hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân tiêu thụ một loại nông sản nào đó theo từng mùa vụ; cấp độ cao hơn là các hộ nông dân sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp; cao hơn nữa là các doanh nghiệp có sự hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho các hộ nông dân và bao tiêu sản phẩm; cao hơn nữa là doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất với các hộ nông dân có sự hỗ trợ đầu tư, chia sẻ rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý giữa các bên.
Mặc dù việc tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thời gian qua diễn ra khá hiệu quả tại nhiều địa phương, nhưng đây vẫn là vấn đề còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Những giải pháp chủ yếu cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội
Thứ nhất, thành phố cần quy hoạch phát triển các vùng sản xuất và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khó tính.
Quy hoạch ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với phát huy cao lợi thế so sánh của từng địa phương, từng sản phẩm; gắn với đẩy mạnh phát triển và lành mạnh hóa thị trường hàng hóa nông sản trong nước kết nối có hiệu quả với thị trường quốc tế. Phát triển thị trường phải gắn liền với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt, với nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch, với bảo đảm truy suất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nông sản.
Quy hoạch ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với hình thành các chuỗi sản xuất - kinh doanh hiệu quả, bền vững, để không xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, trồng - chặt tự phát, các chiến dịch giải cứu nông sản”. Trong quá trình quy hoạch cần có chiến lược trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng phát triển đô thị. Rà soát để bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị. Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng lên quận giai đoạn 2021 – 2025.
Thứ hai, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách về luân chuyển quyền sử dụng ruộng đất (cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác, liên kết, góp vồn bằng quyền sử dụng đất…), tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Cần có chính sách phù hợp đẩy mạnh quá trình dồn điền, đổi thửa nâng cao, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Vấn đề quan trọng cần xây dựng khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất; đồng thời, việc tích tụ ruộng đất cần đi đôi với cải cách mạnh mẽ về điều kiện sản xuất nông nghiệp như: Tổ chức tốt thị trường (đầu vào, đầu ra), nâng cao năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bảo đảm khâu chế biến và bao tiêu sản phẩm đối với các hộ nông dân và các hợp tác xã, xóa bỏ các khâu trung gian phi lý.
Kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện luật pháp và chính sách ruộng đất để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Thực hiện chính sách mở rộng “hạn điền”, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất hợp lý cho những chủ thể trực tiếp quản lý - sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực.
Thứ ba, thành phố tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9-3-2020 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với nòng cốt là “hợp tác xã”, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; giải thể, chuyển đổi các hợp tác xã ngừng hoạt động; giảm tỷ lệ các hợp tác xã hoạt động trung bình, yếu. Khuyến khích thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành, doanh nghiệp trong hợp tác xã.
Đổi mới một cách căn bản các mô hình hợp tác xã hiện có cũng như phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi”; thực hiện đúng hộ và hợp tác xã là hai chủ thể kinh tế, hợp tác xã phải hoạt động trên cơ sở hiệu quả của chính mình, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Từ sản xuất theo hình thức thủ công, truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, an toàn; từ coi trọng năng suất sang coi trọng chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị gia tăng trong từng sản phẩm nông nghiệp. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tích tụ, tập trung ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Phổ biến sâu rộng nội dung và giải pháp thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Tuyên truyền vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế; cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá. Từ đó tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác, hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới trong nông dân trên địa bàn nông thôn. Tăng cường và đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, sinh hoạt của tổ chức hội để nâng cao hiểu biết, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tuyên truyền về các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của nông dân và các hoạt động của nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới./.
Phát huy vai trò của y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô  (24/10/2022)
Hà Nội quan tâm đầu tư phát triển y tế cơ sở tạo nền tảng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân  (22/10/2022)
Phát huy vai trò của đầu tư công trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững  (20/10/2022)
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên