Quảng Nam gắn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”

Mai Đình Lợi 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
15:25, ngày 28-08-2020

TCCS - Quảng Nam có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn và hệ sinh thái đa dạng với nhiều chủng loài, trong đó, có nhiều loại quý hiếm như cây dược liệu, hương liệu, các loại cây bản địa có giá trị khác. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn đã và đang được khôi phục và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Các sản phẩm OCOP của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đang được bày bán rộng rãi trên thị trường_Ảnh: TTXVN

Quảng Nam là 1 trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung, có diện tích lớn (10.438km2), dân số đông (1.487.786 người); có điều kiện tự nhiên, văn hóa và sinh học đa dạng; có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú với rừng, biển, đảo và là nơi có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á và ra thế giới. Bên cạnh đó, Quảng Nam có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch với hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng với khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Đường bờ biển dài 125km, với nhiều bãi tắm đẹp, trải đều khắp như bãi tắm Hà My, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Kỳ Hà, Bãi Rạng...; với hàng trăm di tích và danh thắng, những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của cư dân vùng biển, đồng bằng, miền núi….

Do có những điều kiện thuận lợi nêu trên nên thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam có sự tăng trưởng mạnh, với mức tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2008 - 2018 là 11,72%/năm. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Du lịch Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 đạt hơn 7,6 triệu lượt khách, tăng 17,61% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khách quốc tế đạt 4,6 triệu lượt khách, tăng 20,50% so với cùng kỳ năm 2018, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14 nghìn tỷ đồng.

Những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, ngoài các sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch Quảng Nam có sự chuyển dịch sang một số loại hình mới, mang tính chất “xanh”, tôn trọng các yếu tố tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương. Đó là chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn

Với điều kiện diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn (trên 115,5 nghìn héc-ta đất nông nghiệp; 726,5 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp) và hệ sinh thái đa dạng với nhiều chủng loài, trong đó, có nhiều loại quý hiếm như cây dược liệu, hương liệu, các loại cây bản địa có giá trị khác. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang được khôi phục, nên tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh Chương trình OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cuối tháng 5-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Tỉnh huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản phẩm OCOP. Điểm đáng ghi nhận hơn là, để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương trên địa bàn đầu tư phát triển các sản phẩm địa phương phục vụ cho du lịch. Sở Công Thương tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn đầu tư sản xuất sản phẩm OCOP, như: Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại ở trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Kết quả bước đầu

Đến nay, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Nhiều địa phương còn tổ chức các hội chợ và xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Năm 2018, có 25 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 3-4 sao; năm 2019, có thêm 85 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3-4 sao (trong đó có 4 sản phẩm năm 2018 tham gia nâng cấp). Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết với Chương trình OCOP giúp cả hai thúc đẩy nhau cùng phát triển, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, nâng cao hiệu quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.   

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề đã được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai và đưa vào hoạt động, như: Chương trình trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, ngành nghề nông thôn, như ở làng rau Trà Quế, làng rau Thanh Đông, làng gốm Thanh Hà, làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An), làng Triêm Tây (Điện Bàn), làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng Bích Họa (Tam Thanh)… Những địa chỉ du lịch này giúp du khách được trải nghiệm, hoà vào cuộc sống thực tế sản xuất của người nông dân; khi khách đến đây tham quan, nhiều người trong số họ được cày, được bừa, được cuốc đất, trồng rau, bón phân, gánh nước tưới cây, được thưởng thức các sản phẩm tươi sạch, được chèo thuyền, đánh bắt cá như những ngư dân thực thụ, được nghỉ dưỡng trong các cơ sở lưu trú nằm giữa đồng quê, sông nước của vùng nông thôn với cảnh quan yên bình, thơ mộng… Tại đây, du khách còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng nghề; hiểu về nếp ăn, nếp ở, việc truyền, dạy nghề, tham gia các lễ hội của làng nghề… Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp là loại hình du lịch mới ở Quảng Nam, bước đầu mang lại hiệu quả, tạo được thiện cảm với du khách, nhất là du khách đến từ châu Âu, Đông Bắc Á. Trong đó, làng rau Trà Quế là sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút đông du khách trong hơn 10 năm qua; hằng năm, nơi đây đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn được xây dựng và phát triển tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam với các chương trình tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số; du khách đến tham quan cùng tham gia biểu diễn văn nghệ với người dân tộc thiểu số, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, mang đến nét độc đáo mới cho cho du lịch tỉnh. Các điểm đến như: Quần thể Pơ mu có trên 1.200 cây, được xem là “độc nhất, vô nhị” (cây lớn có đường kính 2-2,5m, cao trên 30m, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây di sản); làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang), làng du lịch Bhohoong (huyện Đông Giang), làng du lịch cộng đồng Cơ-tu (huyện Nam Giang)…

Phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, Chương trình OCOP thu hút khách du lịch trải nghiệm ở nông thôn bước đầu đem lại hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn trực tiếp từ sản phẩm nông nghiệp, cũng như từ việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn giúp nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan văn hóa, văn minh, xanh, sạch, đẹp hơn ở nông thôn. Người dân ở các làng có tiềm năng du lịch đều nhận thức được việc đầu tư cho văn hóa, môi trường cũng chính là đầu tư để phát triển kinh tế. Do đó, bà con đã nỗ lực, chung tay xây dựng nơi đây thành những “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, những “Làng quê đáng sống” để thu hút khách du lịch. Du lịch nông nghiệp, nông thôn làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch hiện có, thúc đẩy sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới, các sản phẩm OCOP đặc sản ở địa phương.

Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) với sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút đông đảo du khách_ Ảnh:  baoquangnam.vn

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP ở Quảng Nam đang còn nhiều vấn đề cần khắc phục và giải quyết:

Một là, hiện chưa có quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn; sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành, trong đó giữa ngành nông nghiệp và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng chỉ mới bắt đầu, nên việc khai thác tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này đang còn hạn chế (chủ yếu mới chỉ tập trung ở Hội An và các vùng phụ cận). 

Hai là, do đây là loại hình mới, nên nhận thức của người dân ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa thấy được hiệu quả trong đầu tư khai thác giá trị sản xuất nông nghiệp gắn kết chặt với phát triển du lịch. Chưa xem đây là một hoạt động có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể ở nông thôn. Người nông dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy, chưa quen việc làm du lịch; kiến thức về quản lý, tổ chức dịch vụ, kỹ năng, nghiệp vụ, giao tiếp, trình độ ngoại ngữ... còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Ba là, sản phẩm du lịch từ nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thiếu tính độc đáo, chuyên nghiệp, thiếu đổi mới, một số sản phẩm có sự trùng lặp, đơn điệu, do cùng khai thác một loại hình sản phẩm. Nguyên nhân là do phát triển còn mang tính phong trào, tự phát, nhỏ lẻ, thiếu định hướng, thiếu sự trợ giúp kịp thời của các đơn vị liên quan, cũng như sự hợp tác, liên kết của các đơn vị kinh doanh du lịch.

Bốn là, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm OCOP chưa nhiều; bao bì, mẫu mã sản phẩm, hàng hóa đa số chưa còn chưa hấp dẫn, chưa tạo được lòng tin của du khách.

Năm là, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa phát triển, nhất là các công trình vệ sinh, môi trường, cấp thoát nước, xử lý rác thải… còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống các trung tâm dịch vụ đi kèm còn ít, phát triển thiếu đồng bộ. Nhiều khu du lịch sinh thái dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản.

Sáu là, sự hợp tác, kết nối, phối hợp của các doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch nông nghiệp thời gian qua còn nhiều hạn chế. Công tác xúc tiến, quảng bá chưa được đầu tư đúng mức, thiếu chiều sâu. Việc chia sẻ lợi ích cho người dân ở các điểm du lịch chưa được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm thích đáng.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết với Chương trình OCOP, thời gian tới Quảng Nam tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thú nhất, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn, nhất là sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các ngành liên quan khác. Trên cơ sở quy hoạch sản xuất, lựa chọn các nội dung ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các sản phẩm OCOP độc đáo, mang đặc trưng vùng, miền, phục vụ cho phát triển du lịch. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn để tránh sự trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường.

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển loại hình này, chú ý chính sách hỗ trợ, lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sản xuất, du lịch; đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch. Trước mắt, ưu tiên đầu tư nguồn lực để hỗ trợ phát triển du lịch miền núi, phát triển du lịch phía nam của tỉnh, phát triển hạ tầng các khu, điểm du lịch, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, phát triển Chương trình OCOP. Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch về xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt chính sách về tín dụng, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp…

Thứ hai, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, đó là nông dân, các chủ thể OCOP, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý du lịch, quản lý nông nghiệp. Tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối với các chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp trong việc đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, nhất là chia sẻ lợi ích đối với các chủ thể sản xuất của Chương trình OCOP, với người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch; phát huy vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp - du lịch, xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tổ chức xây dựng, hoàn chỉnh bản đồ du lịch nông nghiệp.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, quảng bá về sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Chú ý truyền thông, thông tin về lợi ích, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của nội dung này, tạo nhận thức mạnh mẽ trong nhân dân. Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hiện có, các sản phẩm mới của Chương trình OCOP đến với cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế.

Thứ tư, phát triển các tour đưa khách du lịch đến các vùng nông thôn, nhất là những nơi đã và đang thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, với các tên gọi: “Về với miền quê đáng sống”; “Tour du lịch nông thôn mới”. Mục đích các tour này nhằm khai thác các giá trị thanh bình trong không gian sống, cảnh quan môi trường hiền hòa, sáng, xanh, sạch, đẹp với vườn tược được chỉnh trang sạch sẽ, những hàng rào cây xanh, hoa được trồng, cắt tỉa đẹp mắt… Các tour này sẽ chú trọng phát triển các dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú, sinh hoạt tại nhà người dân để tăng nguồn thu cho cư dân nông thôn.

Thứ năm, Đề án OCOP Quảng Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2018 khẳng định: Dịch vụ du lịch nông thôn - nhóm sản phẩm thứ 6 này - có vai trò dẫn dắt và quyết định đến sự phát triển của 5 nhóm sản phẩm còn lại của Đề án, vì du lịch nông thôn tạo ra lợi nhuận kép (lợi nhuận tự thân của sản phẩm du lịch và lợi nhuận từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp do du lịch mang lại). Vì vậy, trong Đề án OCOP, Quảng Nam dự kiến sẽ xây dựng, hình thành trục văn hóa - nông dược (nông nghiệp và dược liệu) xuất phát từ các làng nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp đi từ Hội An đến du lịch sinh thái biển (có cả làng Bích Họa, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ), nối tiếp du lịch sinh thái công trình đại thủy nông Phú Ninh, đi đến công viên nông - dược Tiên Phước (có làng cổ Lộc Yên và nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng), dẫn đến Trà My - nơi có các làng du lịch truyền thống cộng đồng dân tộc Mnông, Ca Dong, Xê-đăng, gắn với sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế Trà My nổi tiếng, cùng nhiều loại dược liệu quý hiếm khác./.