Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 14 đến ngày 20-8-2017)

Nhân Hòa (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
23:48, ngày 21-08-2017

TCCSĐT- Huy động quá sức dân xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu; Tây Bắc ưu tiên ổn định đời sống người dân sau lũ quét; Bà Hồ Thị Kim Thoa bị miễn nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công Thương; Xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh của ông Võ Kim Cự; Lễ công bố quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do lũ quét tại Mường La, Sơn La; Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội)… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tư tưởng bao cấp bao trùm ngành đường sắt

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sáng 14-8-2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho rằng vận tải đường sắt đang kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh.

Đặt vấn đề Tổng công ty đã có giải pháp gì tăng trưởng về sản lượng, doanh thu vận tải ngành đường sắt năm 2017 để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, nhất là trong thời điểm đang tập trung phấn đấu tăng trưởng về lượng khách du lịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Theo Bộ trưởng, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty năm 2016 đạt 6.500 tỷ đồng, so với năm 2015 giảm 12%. Trong thời điểm hiện nay, hành khách có thể lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác hấp dẫn hơn, trong khi đi bằng đường sắt hiện kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh, trong đó có lý do về chất lượng dịch vụ và tính an toàn của đường sắt. “Hay nói cách khác là thị phần của ngành đường sắt giảm dần qua các năm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát lại, báo cáo việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt từ 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cảnh báo, cảnh giới kịp thời.

Ghi nhận ngành đường sắt đã cổ phần hóa mạnh nhưng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng nội bộ ngành không có sự cạnh tranh, không có yếu tố thị trường và còn tinh thần độc quyền. Khi các ngành vận tải khác phát triển mạnh, hàng không đang tăng trưởng “nóng,” vừa sang trọng, giá lại rẻ ai cũng có thể đi được, thì ngành đường sắt đang bị cạnh tranh rất mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngành đường sắt nên đặt vấn đề chuyển sang cơ chế tạo ra tiền chứ không phải lấy tiền đâu để làm, cần liên kết với các cảng trong vận tải hàng hóa.

Giải trình các vấn đề Thủ tướng đặt ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết các phương thức vận tải khác tăng trưởng qua các năm, nhưng đường sắt bị giới hạn bởi kết cấu hạ tầng không mở thêm được, thậm chí giảm dần qua thời gian, do đó sản lượng không giảm nhưng thị phần giảm đi rõ rệt so với các phương thức vận tải khác.

Tổng công ty đang quản lý trên 3.000km đường sắt khổ đường đơn, trên 1.000 đường cua có bán kính cong dưới 300m, hệ thống thông tin đường sắt lạc hậu, theo tốc độ bảo trì hiện nay phải quay vòng 70 năm mới hết một vòng bảo trì vì kinh phí được cấp rất thấp. Bức tranh thực trạng của ngành được ông Vũ Anh Minh đưa ra là có 2,8 vạn cán bộ, công nhân viên; 294 đầu máy với 11 chủng loại, tuổi đời trung bình trên 30 năm; 1.000 toa xe hành khách, gần 5.000 toa xe hàng hóa tuổi thọ trung bình cũng trên 30 năm.

“Ưu điểm của đường sắt là vận tải khối lớn, vận tải an toàn và các ga đường sắt ở trung tâm đô thị, thuận lợi cho người dân đi lại, chỉ số đúng giờ rất cao. Chỉ số an toàn của đường sắt so với ôtô gấp khoảng 10 lần và so với xe máy gấp khoảng 100 lần, đó là một phương thức an toàn so với các phương thức khác. Nhưng nhược điểm với đường sắt hiện hữu của ta là tốc độ di chuyển chậm. Tốc độ lữ hành trung bình 60km/giờ, tốc độ vận tải hàng hóa 30-40km/giờ. Chất lượng dịch vụ của đường sắt kém. Khi các phương thức khác đã tiệm cận với nhu cầu người dân thì đường sắt vẫn còn lạc hậu với toa ghế ngồi cứng, cửa sổ bằng lưới, hạ tầng xóc," ông Minh cho hay.

Ông khẳng định: “Khách bỏ chúng ta không phải vì giá vé mà vì chất lượng dịch vụ. Đặc biệt trong chất lượng dịch vụ là chất lượng vệ sinh."

Huy động quá sức dân xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình.

Thông báo số 353/TB-VPCP cho biết, đến hết tháng 7-2017 cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 34 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết 31-01-2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản của 45/63 tỉnh, thành phố khoảng 9.807 tỷ đồng, có 18 tỉnh không có nợ. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,8%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn một số hạn chế như tiến độ giản ngân vốn ngân sách Trung ương 6 tháng đầu năm tương đối chậm; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; một số chính sách đối với đối tượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chưa được áp dụng...

Để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình) một cách hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện bộ máy quản lý đến cấp xã, cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cho địa phương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tây Bắc ưu tiên ổn định đời sống người dân sau lũ quét

Ngày 15-8, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác 7 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2017 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Tại Hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo, kinh tế các tỉnh vùng Tây Bắc ổn định, tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước (bình quân toàn vùng là 6,49%, bình quân cả nước là 5,73%). Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra, những tháng qua, ảnh hưởng hoàn lưu của các cơn bão, đã xảy ra mưa to, lũ quét và sạt lở đất… đã gây ảnh hưởng nghiêm đến đời sống dân cư ở một số địa phương, khiến 45 người chết, 17 người mất tích, 24 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng.

Riêng những ngày đầu tháng Tám, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số tỉnh trong vùng, làm 28 người chết, 12 người mất tích, 23 người bị thương, 231 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, 425 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, 398 hộ phải sơ tán, di dời.

Thêm vào đó, nông nghiệp cũng bị tổn thất lớn với 338,5ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp; 25.141m3 đường quốc lộ, 117.706m3 đường tỉnh, huyện bị sạt lở. Hệ thống thủy lợi bị hư hỏng 145 công trình, 2.072m kè bờ suối bị sạt lở, thiệt hại… Tổng thiệt hại ước tính lên tới 1.235 tỷ đồng.

Ghi nhận Báo cáo từ Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và thách thức, do đó các địa phương trong vùng và Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp, tập trung thực hiện tốt các công việc những tháng cuối năm 2017.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu các tỉnh thống kê đánh giá đầy đủ, chính xác thiệt hại về người và của. Các địa phương tập trung khôi phục lại hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tế… phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền và tránh các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

“Ngoài việc tiếp tục quan tâm động viên về vật chất và tinh thần cho những người bị thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, lũ vừa qua, các địa phương phải nghiên cứu thực tiễn triển khai, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp căn cơ. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ sớm có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhân dân vùng Tây Bắc ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp về lâu dài", đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Bà Hồ Thị Kim Thoa bị miễn nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công Thương

Ngày 16-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Quyết định miễn nhiệm chức Thứ trưởng của bà Hồ Thị Kim Thoa được Thủ tướng ký sau khi Ban Bí thư có quyết định ngày 11-8 miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương với bà Thoa.

Theo quyết định của Thủ tướng, nhiệm vụ của bà Thoa sau khi bị miễn nhiệm sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công.

Trước đó vào ngày 31-7, Ban cán sự Đảng Chính phủ có nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Ngày 08-8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh của ông Võ Kim Cự

Ngày 16-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thi hành kỷ luật 4 cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh do có những vi phạm liên quan đến dự án Formosa, trong đó xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh của ông Võ Kim Cự.

Cụ thể, Quyết định 1200/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự.

Lễ công bố quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 16-8-2017, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam công bố Quyết định 1118/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Sáng 16-8-2017, Hội Nhà báo Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội. Theo đó, bà Trần Thị Kim Hoa, Trưởng ban Quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng.

Phát biểu tại lễ công bố, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam chỉ có thể ra đời khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đó là một quá trình lâu dài, công phu và cũng là ý nguyện của giới báo chí, nhiều thế hệ các nhà báo, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ… Quá trình hình thành ý tưởng, xây dựng đề án, trình xem xét, phê duyệt cũng như triển khai thực hiện các dự án thành phần luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, tập thể và cá nhân trong nước.

Sau khi ra đời, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và giới thiệu, trưng bày những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho một nền báo chí cách mạng anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải chuyển tải được một cách sinh động, hấp dẫn, hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, kêu gọi, nhắc nhở thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước cha anh cùng giữ gìn, vun đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà. Bảo tàng Báo chí Việt Nam dần dần sẽ tạo lập được diện mạo riêng trên bản đồ bảo tàng Việt Nam và quốc tế...

Ngày 28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.

Điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên

Chiều 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Đề án của Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2016, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện) và 180 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 30 phường, 10 thị trấn và 140 xã). Trong đó, diện tích tự nhiên thành phố Thái Nguyên có 170,53 km2, dân số là 317.580 người với 27 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 19 phường và 8 xã).

Chính phủ đề nghị điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 5 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: xã Sơn Cẩm thuộc huyện Phú Lương; xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang thuộc huyện Đồng Hỷ; xã Đồng Liên thuộc huyện Phú Bình) với 52,4 km2 diện tích tự nhiên, dân số 45.341 người về thành phố Thái Nguyên quản lý; đồng thời, đề nghị thành lập 2 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đồng Bẩm (thành phố Thái Nguyên) và thị trấn Chùa Hang (sau khi điều chỉnh từ huyện Đồng Hỷ về thành phố Thái Nguyên).

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Thái Nguyên là tỉnh có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô, là tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa và cách mạng. Ngày nay, Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, lợi thế là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do lũ quét tại Mường La, Sơn La


Tiếp tục chương trình công tác tại Sơn La, sáng 19-8, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng Ban cứu trợ Trung ương đã đi thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng do lũ quét vừa qua tại huyện Mường La.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đồng bào cả nước đã cùng chung tay với bà con vùng lũ các tỉnh phía Bắc nói chung và huyện Mương La của tỉnh Sơn La nói riêng nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ. Đến nay, Quỹ cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận hơn 5 tỷ đồng từ hơn 20 bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, tập đoàn kinh tế trên cả nước ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao số tiền 120 triệu đồng cho 3 hộ gia đình bị thiệt hại nặng để hỗ trợ làm nhà và 55 triệu đồng cho 11 em học sinh thuộc các gia đình bị thiệt hại trong trận lũ quét tại huyện Mường La.

Tính đến 20 giờ ngày 18-8, tại huyện Mường La, mưa lũ đã làm 13 người chết (người vừa được tìm thấy thi thể là anh Quàng Văn Năm, sinh năm 1977, ở bản Hốc, xã Nặm Păm, huyện Mường La), 2 người còn mất tích và 15 người bị thương; hơn 400 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 179 nhà bị lũ cuốn trôi, ảnh hưởng đến hơn 2.000 người. Ước tích thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và cơ sở hạ tầng trên 700 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội)


Ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cùng tham gia với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.

Trên bản đồ dịch tễ của Hà Nội, quận Tây Hồ là một trong các quận, huyện đang ở mức 2 của dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay quận Tây Hồ ghi nhận gần 300 ca, cao nhất là phường Thụy Khuê 67 ca.

Theo thống kê của ngành y tế Hà Nội đến thời điểm này Hà Nội đã có trên 18.000 ca mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong 4 ngày qua số ca mắc sốt huyết có chững lại. Trong tuần này, thành phố cố gắng hạ hỏa dịch, phun hóa chất diệt muỗi đồng bộ, cuốn chiếu; trong thứ 7, chủ nhật cố gắng phun tất cả trường học từ trường mầm non, cấp 1-2-3, đại học trên địa bàn, trong tuần tập trung phun hoa chất tại các khu chợ. Hà Nội hy vọng trong thời gian tới sẽ khống chế được dịch. Bên cạnh đó, thành phố đã huy động học sinh tự kiểm tra bọ gậy tại chính hộ gia đình mình…

Từ tuần trước, Hà Nội đã tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ (đỏ, da cam, vàng), căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus. Hiện 12 quận, huyện của Hà Nội vẫn ở trong mức báo động đỏ về sốt xuất huyết. Một số quận, huyện vẫn là điểm nóng sốt xuất huyết với số ca sốt xuất huyết cao: Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân... tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố.