Hội nghị thượng đỉnh G7 ra tuyên bố chung về các vấn đề của thế giới
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker. Lãnh đạo các nước G7.
Hội nghị lần này có sự tham dự của lãnh đạo các nước châu Phi gồm Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia. Đây cũng là 5 nước châu Phi có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải.
Giới quan sát đánh giá rằng với sự góp mặt của nhiều gương mặt lãnh đạo mới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni và đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump, kết quả hội nghị G7 lần này chắc chắn sẽ có nhiều tác động lớn đến các vấn đề ở quy mô toàn cầu.
Theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này với sự xuất hiện lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà lãnh đạo dự kiến có "một cuộc thảo luận thẳng thắn" về sự ủng hộ của Nhà Trắng đối với thương mại "tự do, cởi mở và công bằng", cũng như khả năng Washington rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ngoài những vấn đề trên, các lãnh đạo G7 cũng thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine, an ninh hàng hải, an ninh lương thực cũng như vấn đề di cư.
Các lãnh đạo G7 nhóm họp trong bối cảnh vụ đánh bom liều chết vừa xảy ra tại Anh hôm 22-5 làm 22 người thiệt mạng và gần 120 người bị thương còn trước đó ngày 21-5, Triều Tiên đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo, cho thấy Triều Tiên có một bước tiến trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nước chủ nhà đặt trọng tâm vào vấn đề chống khủng bố
Trong một phát biểu tại Taormina sáng 26-5, Thủ tướng nước chủ nhà Gentiloni nhấn mạnh rằng hội nghị lần này phải đưa ra được một tuyên bố chung về chống chủ nghĩa khủng bố và đảm bảo an ninh nhằm đáp ứng sự mong mỏi của người dân trên thế giới. Ông bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo G7 sẽ đạt được sự nhất trí về vấn đề này.
Ngoài ra, Thủ tướng Gentiloni cũng cho rằng các thách thức như biến đổi khí hậu, làn sóng nhập cư và phát triển thương mại cũng là vấn đề mà nhiều nước đang quan tâm. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Donald Tusk (Đô-nan Tu-xcơ) cho rằng đây sẽ là một hội nghị rất khó khăn trong việc hài hòa các quan điểm còn nhiều bất đồng trên tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận.
Lãnh đạo châu Phi đề xuất cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước Sahel chống khủng bố
Lãnh đạo 5 nước chấu Phi được mời tham dự Hội nghị.
Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou (Ma-ha-ma-đô Ít-xô-phô) đã kêu gọi các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đề ra các biện pháp khẩn cấp nhằm dập tắt "chảo lửa" tại Libya và hỗ trợ vật chất cho các nước khu vực Sahel để chống khủng bố.
Phát biểu trong cuộc họp giữa lãnh đạo 5 nước châu Phi gồm Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia và lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển, Tổng thống Niger tuyên bố cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố tại các nước khu vực Sahel và vùng hồ Chad đòi hỏi phải có những giải pháp cần thiết nhằm dập tắt "chảo lửa" tại Libya. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh bạo lực diễn ra tại thủ đô Tripoli của Libya từ ngày 26-5 giữa các phe phái đối địch đã làm ít nhất gần 50 người thiệt mạng. Nhà lãnh đạo Niger nhận định phải có chiến lược an ninh, tư tưởng và kinh tế xã hội tổng thể để chống khủng bố.
Ngoài ra, Tổng thống Issoufou cũng kêu gọi các nước G7 và Liên hợp quốc trang bị cho lực lượng chung phản ứng nhanh mà các nước G5 Sahel (Niger, Mali, Maurittania, Cộng hòa Chad và Burkina Faso) muốn thành lập, những công cụ cần thiết để chống lại các nhóm Hồi giáo thánh chiến cực đoan đang hoạt động tại khu vực này. Ông nhấn mạnh bằng kinh nghiệm của mình, Niger hiểu được tầm quan trọng phải tập hợp khả năng tác chiến và thông tin tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố và các tổ chức tội phạm.
Tuyên bố chung về các vấn đề của thế giới
Sau hai ngày họp, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển đã ra thông cáo chung, trong đó đề cập đến một loạt vấn đề quan trọng trong đó có tình hình bán đảo Triều Tiên, thương mại, biến đổi khí hậu và tình hình Biển Đông.
Theo tuyên bố trên, G7 sẵn sàng tăng cường các biện pháp để đối phó với vấn đề Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng không từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình. G7 cho rằng Triều Tiên đã gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với hòa bình và ổn định thế giới.
Liên quan đến vấn đề thương mại, G7 tái cam kết mở cửa thị trường và "chống chủ nghĩa bảo hộ" cũng như các hoạt động thương mại không công bằng. Bên cạnh đó, G7 cũng khẳng định giảm bất cân bằng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhắc lại các cam kết về tỷ giá hối đoái đã được các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí tại thành phố Bari (Ba-ri, Italy) trước đó.
Về biến đổi khí hậu, thông cáo cho biết tất cả các nước G7, trừ Mỹ, đều cam kết mạnh mẽ nhanh chóng thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong một phát biểu đăng trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không vào tuần tới.
Cũng theo văn kiện trên, G7 sẵn sàng "áp đặt thêm các biện pháp hạn chế" đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine yêu cầu các nước phải làm điều này.
Ngoài ra, tuyên bố chung của G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên "các thực thể tranh chấp".
Nhất trí đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, nhóm G7 đã thông qua một tuyên bố chung về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu.
Tuyên bố gồm 15 điều, theo đó, nhấn mạnh rằng các nước thuộc nhóm G7 coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để "tìm kiếm, nhận dạng, xóa bỏ và trừng phạt mọi kẻ khủng bố cũng như những thế lực ủng hộ", không phân biệt đó là hành động khủng bố chống lại các thành viên G7 hay các quốc gia, khu vực khác. Các nước tham gia cũng cam kết rằng những nỗ lực chống khủng bố sẽ được nâng lên ở một mức độ cao hơn để điều tra, ngăn chặn và truy lùng những nhân tố khủng bố.
Tuyên bố cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 cũng khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau các động thái gây gia tăng căng thẳng vừa qua của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Nga và Iran sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đẩy mạnh việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria.
Vẫn bất đồng về vấn đề di cư và biến đổi khí hậu
Tổng thống Pháp hy vọng Mỹ tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, nguyên thủ quốc gia G7 đã làm việc với lãnh đạo các nước châu Phi gồm Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia. Đây cũng là 5 nước châu Phi có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải khi những nước này là nơi xuất phát hoặc là điểm trung chuyển của hàng trăm nghìn người di cư muốn đến châu Âu bất chấp những nguy hiểm rình rập khi vượt qua Địa Trung Hải. Việc Italy - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay - tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Sicily cũng nhằm nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, bất đồng giữa lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đã cản trở mong muốn ra tuyên bố chung của nước chủ nhà về lợi ích và khó khăn của việc nhập cư. Nhiều chỉ trích đã nổ ra xung quanh việc Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 nước có đông người Hồi giáo.
Về bảo hộ mậu dịch - một trong những vấn đề được cho là sẽ nảy sinh bất đồng giữa các nhà lãnh đạo, một nguồn tin từ Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí đề cập tới cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong thông cáo chung cuối cùng sau khi kết thúc hội nghị. Trước đó, Tổng thống Mỹ kiên quyết ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cho rằng Mỹ đang phải chịu đựng hậu quả do các quy định thương mại không công bằng từ một số đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển.
Về biến đổi khí hậu, các nguồn tin tại chỗ cho biết các lãnh đạo G7 đã đạt được thỏa thuận cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thêm thời gian để quyết định liệu Mỹ có tiếp tục ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không. Theo nguồn tin này, 6 thành viên G7 sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận này và đợi quyết định từ phía Mỹ.
Pháp hy vọng Mỹ tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp Emmanuen Macron ngày 27-5 bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Macron cho biết hội nghị cho thấy sự bất đồng giữa Mỹ và 6 nước còn lại trong nhóm về vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, ông đã nhấn mạnh với Tổng thống Donald Trump về tầm quan trọng của Mỹ trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng hiệp định này có ý nghĩa to lớn đối với các lợi ích cũng như uy tín của Mỹ. Tân Tổng thống Pháp cũng cho biết ông sẽ thảo luận cuộc khủng hoảng tại Syria với Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) tại các cuộc hội đàm tại Versailles (Véc-xây), ngoại ô thủ đô Paris vào ngày 29-5. Ông cũng bày tỏ mong muốn sớm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Ukraine về cuộc khủng hoảng Ukraine. Về cuộc khủng hoảng người di cư, Tổng thống Pháp cho rằng cần có một chính sách hợp lý nhằm khôi phục sự ổn định tại các khu vực xung đột./.
Kỳ vọng từ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  (28/05/2017)
Hà Nội làm tốt, có nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy  (27/05/2017)
Tháng công nhân 2017: Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương 34 doanh nghiệp tiêu biểu chăm lo tốt cho công nhân lao động  (27/05/2017)
Việt Nam tham dự Hội nghị ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ  (27/05/2017)
G7 nhất trí đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố  (27/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên