Đại đoàn kết - bài học kinh nghiệm trong đấu tranh chống ngoại xâm của các triều đại phong kiến Việt Nam

Tạ Quang Đạo Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng, Bắc Ninh
13:41, ngày 11-07-2013

TCCSĐT - Đại đoàn kết trong đấu tranh chống ngoại xâm của các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn mãi là bài học kinh nghiệm có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Trước hết, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn luôn coi trọng việc đoàn kết chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân.

Đây là vấn đề mấu chốt trong xây dựng khối đại đoàn kết của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tuy không tránh khỏi những hạn chế bởi hệ tư tưởng phong kiến song các triều đình phong kiến Việt Nam đã sớm nhận thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân thông qua quan điểm “cử quốc nghênh địch”, “bách tính giai binh”. Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã khẳng định để giữ nước thì ý chí của dân chúng chính là thành trì vững chắc nhất bằng tư tưởng “chúng chí thành thành”. Đến lượt Nguyễn Trãi, thực sự gắn bó với nhân dân, hòa mình trong cuộc sống của “bách tính” nên ông cũng phát hiện ra một chân lý có ý nghĩa quan trọng: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Tư tưởng này là nền tảng quan trọng để Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi phát huy tốt sức mạnh của nhân dân, đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vượt qua khó khăn, đi đến thắng lợi, đánh bại quân Minh, giành lại biên cương, bờ cõi của dân tộc.

Không dừng lại ở đề cao vai trò của nhân dân, để có thể tập hợp, đoàn kết nhân dân, các triều đại phong kiến luôn coi trọng bồi dưỡng sức dân, nhất là khi đứng trước những thử thách của lịch sử, trong những thời điểm đất nước bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó. Từ sau thế kỷ X, triều Lý, triều Trần đã áp dụng hàng loạt biện pháp thúc đẩy nông nghiệp và thủ công nghiệp; quan tâm, chú trọng mở mang hệ thống đê điều, thủy lợi và miễn, giảm thuế cho những địa phương bị thiên tai, hạn hán, mất mùa,... Đặc biệt, với chính sách “Ngụ binh ư nông”, giai cấp phong kiến thời kỳ này đã bước đầu kết hợp kinh tế với quân sự, kinh tế với quốc phòng, an ninh,… vừa bảo đảm có lực lượng sản xuất, vừa có lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu, qua đó giảm bớt gánh nặng thuế khóa cho nhân dân. Thời Hậu Lê, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã có chủ trương “vừa cày ruộng vừa đánh giặc”. Kế thừa tư tưởng tiến bộ đó, Nguyễn Huệ có chính sách “khuyến nông” nhằm kích thích sản xuất, bảo đảm đời sống của nhân dân… Trên lĩnh vực chính trị, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng từng bước quan tâm đến quyền lợi chính trị của nhân dân như thực hiện chế độ khoa cử để tuyển chọn nhân tài thay vì thực hiện chế độ “thế tập”; cất nhắc những người thuộc tầng lớp gia nô vào những chức vụ quan trọng như với trường hợp Yết Kiêu, Dã Tượng… Đặc biệt, dưới triều đại nhà Trần, trước họa xâm lược Mông Nguyên, triều đình phong kiến đã tổ chức hội nghị Diên Hồng - lắng nghe ý kiến của các bô lão. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, triều đình phong kiến chính thức đề cao ý kiến của muôn họ trong thiên hạ!

Thực hiện những chính sách trên trước hết và cơ bản là nhằm phục vụ quyền lợi của giai cấp phong kiến, của triều đình phong kiến, nhưng những chính sách kinh tế, chính trị ấy đã ít nhiều tác động tích cực đến đời sống mọi mặt của nhân dân lao động. Từ đó, có ý nghĩa to lớn động viên nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sức mạnh toàn diện cả về nhân lực, vật lực góp phần tạo dựng sức mạnh giữ vững biên cương, bờ cõi. Nói cách khác, trên cơ sở quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đánh bại các thế lực ngoại bang xâm lược.

Thứ hai, các triều đại phong kiến Việt Nam thường xuyên coi trọng yếu tố hòa thuận trong nội bộ triều đình để tạo dựng sức mạnh đoàn kết chống ngoại xâm.

Thực tiễn lịch sử dân tộc cho thấy, chính những mưu toan tranh giành quyền lực trong hoàng tộc là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết, làm suy giảm sức mạnh tổng hợp của đất nước; gây ra những cảnh “nồi da nấu thịt”. Vì vậy, trước họa ngoại xâm, yếu tố hòa thuận, đoàn kết ngay trong nội bộ triều đình luôn được đề cao. Lịch sử đã ghi nhận, trong giai đoạn trị vì của triều Lý, nhận thấy dã tâm xâm lược của nhà Tống ở phương Bắc, hoàng hậu Ỷ Lan, thái úy Lý Thường Kiệt và thái sư Lý Đạo Thành đã từng bước gạt bỏ lợi ích riêng, giải tỏa hiềm khích để cùng chung sức phò tá vua Lý Nhân Tông đánh tan giặc ngoại xâm. Thời nhà Trần, mặc dù giữa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và quan đại thần Trần Quang Khải vốn có nhiều bất hòa trong nội bộ gia đình, nhưng họ đã biết đặt lợi ích của đất nước lên trên mà gác lại mâu thuẫn cá nhân để đoàn kết cùng nhau ra sức chống giặc xâm lược Mông Nguyên.

Sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất trong nội bộ triều đình là một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng góp phần quyết định những chiến công vẻ vang của cha ông ta trước âm mưu bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc. Đã có không ít kiến giải khác nhau về sức mạnh “hào khí Đông A” của nhà Trần với ba lần đánh bại quân xâm lược Mông Nguyên song sự hòa thuận, tinh thần đoàn kết trong nội bộ giai cấp phong kiến luôn được nhắc đến như một yếu tố then chốt. Đoàn kết, chung sức chung lòng là cơ sở để các triều đình phong kiến Việt Nam trở thành “hạt nhân đoàn kết’ của toàn dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết được hình thành ngay từ “trung tâm đầu não”, “bộ chỉ huy chiến lược” của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong nội bộ triều đình, đúng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết: “Vua tôi cùng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức chiến đấu nên giặc phải bó tay” (1).

Thứ ba, các triều đình phong kiến Việt Nam luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Việt Nam vốn là một quốc gia đa tộc người. Với nhiều tộc người sinh sống trên nhiều địa bàn khác nhau trải dài từ Bắc xuống Nam, trong từng giai đoạn lịch sử, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách khoét sâu khác biệt, chia rẽ các tộc người. Do đó, việc tạo dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em luôn là đòi hỏi tất yếu trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ở vào giai đoạn phát triển thịnh trị, các triều đại phong kiến Việt Nam đều biết quan tâm chăm lo các tộc người nơi biên ải để tăng cường sức mạnh đất nước. Bằng rất nhiều chính sách khác nhau như phong tước, phong thưởng, ban đất, ban bổng lộc, gả công chúa,…, các triều đại phong kiến đều ít, nhiều thu phục được sự ủng hộ của người đứng đầu các dân tộc ít người, nhất là ở những vùng biên cương xa xôi, qua đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ quốc gia thống nhất. Với chính sách “Nhu viễn” (tức là mềm mỏng với phương xa), từ năm 1029 (triều vua Lý Thái Tông) đến năm 1167 (triều vua Lý Anh Tông), đã có 9 công chúa nhà Lý được gả cho tù trưởng các châu thuộc vùng trung du, thượng du Bắc Bộ. Dưới tác động của nhiều chính sách tích cực, các dân tộc ít người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm qua các triều đại. Họ thực sự trở thành những “bức tường thành” đầu tiên nơi tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần đập tan mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang. Không ít tù trưởng, tộc trưởng, thủ lĩnh của đồng bào thiểu số… đã anh dũng chiến đấu trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên Mông hay chống quân Minh, quân Thanh xâm lược.

Thứ tư, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết trong quân đội.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước nhất là trong đấu tranh chống ngoại xâm, quân đội luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, mặc dù bị chi phối bởi những điều kiện khách quan khác nhau, song những nhà cầm quân ở các triều đại đều quan tâm đến sự hòa thuận, đồng cam cộng khổ giữa tướng lĩnh và binh sỹ trong nội bộ quân đội. Có xây dựng tốt đoàn kết, gắn bó trong nội bộ thì quân đội mới có khả năng chiến đấu đánh bại các thế lực xâm lược ngoại bang, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo nhấn mạnh: Cốt dụng được binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh giặc được. Sau này, trong “Thư gửi Vương Thông”, Nguyễn Trãi đã viết: “Quân mạnh hay yếu đâu cứ ở nhiều?… Quân của nhà Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng, mà quân của ta bất quá vài mươi vạn nhưng ai cũng một lòng”. Hay trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đúc rút: “Tướng sỹ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cũng khẳng định “Quân lính cốt hòa thuận chứ không cốt đông”.

Thông qua những biện pháp phong phú, linh hoạt, các nhà cầm quân phong kiến đã từng bước xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, sự hòa thuận của tướng sỹ trong quân đội. Trước hết, họ thường xuyên chăm lo đời sống của binh sỹ, “lo cái lo của quân sỹ, đau cái đau của quân sỹ”, từ đó mà có tinh thần đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau trên chiến trường. Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”. Cùng với đó, những nhà cầm quân cũng đã biết khơi dậy tinh thần yêu nước, khơi dậy ý chí căm thù giặc ngoại xâm, vừa khẳng định rõ sự thống nhất về quyền lợi, vừa lấy nghĩa lớn để kêu gọi, động viên mọi người cùng đoàn kết, chung sức giết giặc lập công. Sau khi động viên tướng sỹ, Hưng Đạo Vương chỉ rõ: “Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm”. Những tư tưởng này cũng thể hiện khá rõ khi ta nghiên cứu “Chiêu dụ hào kiệt” của Lê Lợi.

Phát huy sức mạnh tổng hợp trên cơ sở xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước là một nét đẹp truyền thống, là một bài học thành công lớn của ông cha ta. Vận dụng sáng tạo bài học này, Đảng ta và Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các giai tầng trong xã hội đã trở thành vấn đề xuyên suốt qua mọi giai đoạn cách mạng, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua những cuộc “thử lửa” của lịch sử. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay chính là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Hiện nay, trong tình hình mới, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bài học kinh nghiệm về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vẫn đã và đang còn nguyên giá trị lịch sử sâu sắc. Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; đoàn kết rộng rãi các lực lượng, các dân tộc, các tôn giáo; đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng; đoàn kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài… là cơ sở khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa nước ta nhanh chóng vượt qua thách thức, tranh thủ những vận hội mới để Việt Nam vững bước trên con đường phát triển phồn vinh, giàu mạnh và hạnh phúc./.

-----------------------------------------------------

Chú thích:

(1) “Việt sử thông giám cương mục”, Nxb. Văn Sử Địa, H, 1958, tập 5, tr. 98