Cả nước chia sẻ, chung tay đóng góp phòng, chống đại dịch COVID-19
TCCS - Ngày 17-3-2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Buổi lễ được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố với khoảng 2.300 đại biểu dự. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu.
Ra lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch bệnh, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, kiều bào ở nước ngoài nêu cao tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" tùy theo khả năng của mình đóng góp tiền của, công sức, hiện vật, ý tưởng, cùng chung tay đưa đất nước "vượt mọi khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ở Việt Nam, kể từ khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện, cả nước đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19, kết thúc chuỗi liên tục 22 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng đến 158 quốc gia với tốc độ nhanh ngoài sức tưởng tượng, khoảng 170.000 người nhiễm bệnh, trên 6.500 người đã tử vong, chúng ta đã có ca nhiễm thứ 61, đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân nào tử vong. Việt Nam đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Thủ tướng đánh giá, thắng lợi bước đầu này thể hiện ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao".
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng đặc biệt cảm ơn sự đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã tin tưởng và hưởng ứng những quyết sách phòng, chống đại dịch. Nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực. Những đóng góp to lớn và quý giá này góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những điển hình tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh và chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Thủ tướng cho rằng, những việc làm đầy ý nghĩa đó đều "xuất phát từ trái tim". Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ làm tốt việc đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, áp dụng mọi biện pháp, mọi sáng kiến bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường; đồng thời quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước phát huy những kết quả đạt được tiếp tục nỗ lực hết sức mình thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch, cố gắng duy trì đời sống kinh tế - xã hội bình thường, an toàn.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt sự tự giác, ý thức chấp hành của mỗi người dân trước những quy định, những khuyến cáo của các cơ quan y tế và của các cấp chính quyền, với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch; mỗi phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một "pháo đài" phòng, chống dịch.
Hưởng ứng và hoan nghênh lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa phát động, Thủ tướng đánh giá cao và mong muốn có nhiều hơn nữa sự chia sẻ, chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm, các doanh nhân, các văn nghệ sĩ, y bác sĩ, đại diện các tôn giáo, các nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học, người lao động và tất cả các giới, các giai tầng trong xã hội đối với công tác phòng, chống đại dịch.
Ngay tại buổi lễ, Thủ tướng và các đại biểu đã trực tiếp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, 14 ngân hàng đã vào cuộc đóng góp kinh phí, hỗ trợ cho công tác này.
Theo ban tổ chức, đến thời điểm phát động, có hơn 30 đơn vị, nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, 12 ngân hàng thương mại, mỗi ngân hàng ủng hộ 10 tỷ đồng gồm: VCB, Vietinbank, BIDV, Agribank, Techcombank, HD Bank, MB Bank, Sacombank, VP Bank, Maritimebank, ACB, VIB; 3 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính, mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng (TP Bank, Bắc Á Bank, Seabank, Công ty Tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Fe Credit); 21 doanh nghiệp và nhà hảo tâm ủng hộ mỗi doanh nghiệp từ 3-15 tỷ đồng bằng tiền mặt, gạo và bộ kít thử Sars-CoV-2.
Thời gian tổ chức vận động quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi (từ ngày 17-3 đến hết ngày 30-4-2020)./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam  (14/03/2020)
Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng, chống dịch COVID-19  (14/03/2020)
Chính phủ sẽ có những chính sách tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (12/03/2020)
Thủ tướng thị sát tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận  (10/03/2020)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm