TCCS - Ngày 8-3-2020, tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, điểm giữa của đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một dự án được thực hiện theo hình thức BOT. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,1km, tổng vốn đầu tư gần 12.700 tỷ đồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát tại khu vực cầu cạn Phú Nhuận, huyện Cay Lậy, tỉnh Tiền Giang, lý trình Km 76+759.28 thuộc gói thầu XL-13_Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành cơ bản, đã bàn giao 51/51km. Công tác thi công đạt 35%. Trong quý 1/2020 phấn đấu giải ngân 790 tỷ đồng. Nhà thầu phấn đấu đến tháng 12/2020 sẽ thông xe.

Nghe báo cáo ngay tại công trường thi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đầu tư là tỉnh Tiền Giang, nhà thầu, các đơn vị liên quan đã tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất thực hiện dự án. Các đơn vị thi công tập trung, tích cực chỉ đạo cụ thể để hoàn thành được trên 35% khối lượng công việc. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện cam kết năm 2020 thông tuyến với xe dưới 16 chỗ, khánh thành vào năm 2021 toàn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận.

Hoan nghênh các ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho chủ đầu tư, Thủ tướng cho biết, phần vốn ngân sách nhà nước 2.200 tỷ đồng đã xử lý xong. Những kiến nghị của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đều được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải quyết kịp thời.

Về một số phần việc còn lại cần xử lý để đẩy nhanh tiến độ dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tỉnh Tiền Giang bố trí phần vốn còn lại cho dự án (410 tỷ đồng) một cách chặt chẽ, kịp thời và đúng pháp luật. Tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm xử lý vấn đề nhiễm mặn để dự án thi công đúng tiến độ.

Bộ Giao thông vận tải lập phương án thu phí Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương để giảm tai nạn giao thông, đồng thời có nguồn kinh phí tái đầu tư. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan sớm lập phương án thi công tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng đã chỉ đạo để hoàn thành năm 2021 cùng với cầu Mỹ Thuận 2 cũng sẽ được khởi công.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án quan trọng để cùng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Mỹ Thuận - Cần Thơ, góp phần kết nối 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km, được khởi công lần 1 vào năm 2009. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, sau 10 năm thực hiện, dự án vẫn chậm và có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng BOT. Trước tình thế này, tháng 3- 2019, các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia dự án, nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành dự án. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các vướng mắc của dự án cơ bản được giải quyết. 

Đến nay, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư khoảng 12.186 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang khẩn trương giải phóng mặt bằng để các gói thầu được thực hiện đồng loạt, nhằm bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021. Như vậy, sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ góp phần quan trọng giảm ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Tiền Giang.

Mặc dù vậy, hiện nay, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 23km vẫn chưa thực hiện xong. Sau 2 năm, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa chọn được nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện. Như vậy, với các phần việc sơ tuyển, đấu thầu nhà đầu tư, đàm phán ký hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng, hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn ngân sách, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công… cần tối thiểu phải 41 tháng, có nghĩa dự án không thể khởi công vào quý I/2020 như dự định. Việc chưa triển khai thi công kịp thời dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ dẫn đến những khó khăn, bởi không thể khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. 

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng quy định “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” theo Điều 26 Luật Đấu thầu, nhằm rút ngắn quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sớm hoàn thành. Có như vậy mới phát huy hiệu quả kịp thời toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Ngoài ra, sớm xem xét tổ chức thu phí lại cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, nhằm tạo nguồn ngân sách để duy tu, bảo trì, tái đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…  

"Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ là xương sống trong mạng lưới giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hoàn thiện và thông toàn tuyến có ý nghĩa lớn trong giảm ùn tắc giao thông, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực để Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc…”, PGS, TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội VARSI cho biết.
                                                                                                   

         Lê Tuấn (tổng hợp)