Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số địa phương
TCCSĐT - Tình hình bệnh sốt xuất huyết đang trở nên “nóng” tại một số địa phương khi số ca mắc sốt xuất huyết đang cao. Nhằm chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các địa phương triển khai quyết liệt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi. Hệ thống y tế các cấp tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm những ca bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, mùa dịch sốt xuất huyết đã thực sự bắt đầu với 4.768 ca mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 5 trường hợp tử vong gồm 3 người lớn, 2 thiếu niên.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tương tự các mùa dịch năm trước, bắt đầu từ tháng 6, khi những cơn mưa dày đặc hơn, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực miền Nam nói chung bắt đầu gia tăng nhanh. Chỉ tính riêng tháng 6-2019, Thành phố đã ghi nhận 2.329 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1.384 ca nội trú và 945 ca ngoại trú. Mặc dù số ca bệnh của tháng 6-2019 tương đương với tháng 6-2018 nhưng tăng đáng kể so với tháng 5-2019 (tăng khoảng 40%). “Mùa dịch sốt xuất huyết đã thực sự bắt đầu, do đó chúng ta cần có những biện pháp tích cực để phòng bệnh bởi mưa liên tục vào mỗi buổi chiều, nắng nóng vào sáng sớm và trưa là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển làm lây lan nhanh chóng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư”, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Nhận định tình hình mùa dịch 2019 - 2020 có phần phức tạp, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, Trung tâm Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xuống tận các quận, huyện, phường, xã những biện pháp phòng chống dịch, như kiểm soát điểm nguy cơ, xác định nhanh ổ dịch, xử lý triệt để từng ổ dịch và khu vực xung quanh trong vòng 48 giờ. Thành phố tăng cường xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2015 đến nay, Thành phố đã ra 1.004 quyết định xử phạt tại 22 quận, huyện. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 tại 13 quận, huyện, 64 quyết định xử phạt đã được ban hành.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 8-7, toàn tỉnh ghi nhận có khoảng 20 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết vãng lai, tập trung ở các huyện: Thạch Hà, Hương Khê, Lộc Hà, Vũ Quang, Hương Sơn và thành phố Hà Tĩnh. Các ca bệnh này chủ yếu đi từ vùng có dịch ở các tỉnh phía Nam về địa phương.
Nhằm chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm những ca bệnh tại bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở y tế và tại cộng đồng, để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết vãng lai phải được xử lý như một ổ dịch sốt xuất huyết; các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết phải được cán bộ lấy mẫu, điều tra bệnh nhân và gửi ngay về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để xét nghiệm.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường ở vùng có chỉ số mật độ bọ gậy cao; tổ chức phun diệt muỗi chủ động tại các vùng có mật độ muỗi cao; đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới từng người dân về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue trên các kênh truyền thông.
Khi xảy ra dịch sốt xuất huyết phải triển khai khẩn cấp các biện pháp chống dịch theo Quyết định số 3711/QĐ - BYT, ngày 19-9-2014, của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát và phòng chống Sốt xuất huyết Dengue”.
Tại Bình Phước, Sở Y tế tỉnh Bình Phước ghi nhận hơn 1.700 ca mắc bệnh sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 142% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói là nhiều ca mắc bệnh phải nằm điều trị dài ngày, bệnh diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng.
Bác sĩ điều trị Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước Đinh Văn Minh cho biết, các ca bệnh năm nay diễn biến nặng hơn các năm khác. Mọi năm, bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện theo mùa nhưng năm nay xảy ra không như vậy. Tại huyện Phú Riềng, thời kỳ cao điểm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng trên 300%.
Hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết đang được ngành chức năng trong tỉnh tập trung chỉ đạo và tích cực triển khai, gồm việc tăng cường giáo dục truyền thông cho người dân và các hoạt động dập dịch. Theo đó, tất cả hoạt động này đều được thực hiện dưới sự giám sát của viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, việc nhanh chóng phát hiện ổ dịch và khoanh vùng dịch bệnh cũng là biện pháp quan trọng để dịch bệnh không lây lan.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức cho biết, ngành y tế đang giám sát chặt chẽ các ca bệnh hằng ngày thông qua hệ thống báo cáo; đã phát hiện sớm các ổ dịch, tổ chức kiểm soát, phòng chống phát sinh thêm ổ dịch. Bác sĩ Đức cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, ngành y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng đã xử lý 112 ổ dịch sốt xuất huyết.
Trong khi đó, vào thời điểm đầu tháng 7-2019, trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tục xảy ra mưa tạo độ ẩm cao đúng vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Số ca mắc ghi nhận hàng tuần tăng nhanh tại cộng đồng.
Hiện sốt xuất huyết không có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ động phòng tránh bệnh vẫn là phương pháp tối ưu, đặc biệt là đối với những đối tượng chưa mắc bệnh nhưng sống trong vùng dịch. Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ.
Tại tỉnh Bình Dương, theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 819 ổ dịch với trên 2.700 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận, chưa có ca tử vong, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thị xã Thuận An là địa phương có số ca mắc cao nhất, tiếp đến là thị xã Dĩ An và thị xã Tân Uyên.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, nguyên nhân dịch sốt xuất huyết tăng cao là do trên địa bàn tỉnh hiện nay có khá đông người dân sinh sống tạm trú, thường xuyên di chuyển giữa các địa bàn nên khó kiểm soát dịch bệnh, cùng với đó, một số người dân chủ quan khi không loại trừ loăng quăng, muỗi tại nơi cư trú. Để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết lây lan, phát tán diện rộng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời, tập trung giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, từ 2 - 3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; bảo đảm 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun theo chỉ định của ngành y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh phải luôn chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng tiếp nhận, điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tại đơn vị...
Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cảnh báo, song song với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của ngành y tế, các cơ quan chức năng, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp, người dân cũng phải thận trọng, không được chủ quan. Khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng, mũi... người bệnh phải đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để khám và xét nghiệm. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự mua thuốc về uống, đến khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, khiến cho việc điều trị phức tạp hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Hiện đang là mùa mưa, người dân phải tự vệ sinh nhà cửa, thường xuyên diệt loăng quăng... để phòng dịch sốt xuất huyết./.
Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc  (12/07/2019)
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại một số địa phương  (11/07/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ và tiếp Đại sứ Malaysia chào từ biệt  (11/07/2019)
Góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em Việt Nam - Cuba  (11/07/2019)
Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, tiếp tục chuyến thăm Trung Quốc  (11/07/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên