Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh
TCCS - Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội. Vùng đất Bắc Ninh giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, nơi sản sinh nhiều danh nhân qua mọi thời kỳ; trong đó, có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương, là niềm tự hào to lớn và là tấm gương sáng ngời để các thế hệ người dân Bắc Ninh noi theo trong quá trình xây dựng và phát triển.
Những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà nho nghèo ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Đó là làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ Nguyễn ở Từ Sơn - Bắc Ninh là dòng họ nổi tiếng vì có nhiều người học rộng, tài cao. Cả ông nội và ông ngoại của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đều là nhà nho yêu nước và đều làm nghề dạy học. Nguyễn Văn Cừ ở với ông ngoại từ nhỏ, được ông dạy chữ Hán và truyền dạy lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã bộc lộ tư chất thông minh, tính kiên định và sớm giác ngộ tinh thần yêu nước sâu sắc.
Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ lên Hà Nội học và thi đỗ vào trường Bưởi (nay là Trường Trung học Chu Văn An). Tại đây, Nguyễn Văn Cừ được giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động yêu nước, được đọc báo Thanh niên và tác phẩm Đường Cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ đó, tích cực tham gia nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng. Đến tháng 5-1928, do những hoạt động yêu nước và cách mạng, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi học, trở về dạy học ở làng Hà Lỗ, tức làng Giỗ Đông, nay thuộc huyện Đông Anh - ngoại thành Hà Nội để tìm cách liên lạc với tổ chức. Thời gian dạy học ở đây, Nguyễn Văn Cừ đã gặp được nhiều nhà cách mạng lớp đàn anh, những người có tầm ảnh hưởng lớn với cách mạng Việt Nam; trong đó, có đồng chí Ngô Gia Tự - một lãnh tụ của Đảng sau này. Tháng 8-1928, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt, giam giữ 12 ngày rồi thả.
Cuối tháng 8-1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bí mật họp tại Hà Nội, đề ra chủ trương đưa các hội viên đi “vô sản hóa” tại các hầm mỏ, xí nghiệp, công trường. Lúc này, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp theo dõi, giám sát, nên đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Bắc Ninh đã cử và giới thiệu Nguyễn Văn Cừ với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng phụ trách cả vùng mỏ - để đưa Nguyễn Văn Cừ ra vùng mỏ than Đông Bắc hoạt động, chủ yếu là ở khu mỏ Vàng Danh.
Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Nguyễn Văn Cừ là một trong những đảng viên đầu tiên được xét kết nạp vào Đảng, khi mới 17 tuổi. Tháng 9-1929, Nguyễn Văn Cừ được rút về Hải Phòng phụ trách việc xây dựng trạm liên lạc của Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với nước ngoài, qua đường tàu biển; sau đó, được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh điều về giúp việc cho Tỉnh ủy Hải Phòng. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930), ở trong nước diễn ra cuộc sắp xếp tổ chức mạnh mẽ, từ các chi bộ của các tổ chức cộng sản tiền thân thành các chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và phát triển tổ chức chi bộ mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tích cực dấn thân vào khắp vùng mỏ Quảng Ninh để hoạt động. Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề xuất và được Xứ ủy Bắc Kỳ chấp thuận, đã đứng ra lập Đặc khu ủy vùng mỏ và được cử làm đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ bên cạnh Đặc khu ủy.
Ngày 15-2-1931, trên đường công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Mật thám Pháp giam giữ đồng chí qua các nhà lao, từ Hòn Gai, Hải Phòng đến Hỏa Lò - Hà Nội. Ngày 13-5-1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí tham gia cách mạng bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án lưu đày chung thân và đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, do sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp ra lệnh tổng ân xá tù chính trị ở Đông Dương. Sau hơn 5 năm bị lưu đày ở địa ngục trần gian Côn Đảo, ngày 29-9-1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều nhà cách mạng được trở về đất liền và được thả tự do.
Cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra Hà Nội móc nối các đồng chí tham gia cách mạng để tiếp tục hoạt động, khôi phục cơ sở đảng sau những năm bị địch khủng bố trắng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh (một người được đào tạo từ Quốc tế Cộng sản về) lập ra Ủy ban sáng kiến, lần lượt thu hút vào Ủy ban này những cán bộ cách mạng mới được địch thả tự do về hoạt động ở Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo, phân công của Ủy ban sáng kiến, tổ chức đảng lần lượt được khôi phục ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác. Đến tháng 3-1937, Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời được triệu tập. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, được Xứ ủy phân công làm đại diện Xứ ủy bên cạnh Trung ương Đảng.
Cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1937, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong được bầu làm Thường vụ Trung ương, do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.
Trong hai ngày 29 và 30-3-1938, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở Mát-xcơ-va; bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí; bầu Ban Bí thư gồm 3 đồng chí (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong) - đây là cơ quan mới của Đảng - do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. Như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành Tổng Bí thư thứ tư của Đảng khi chưa đầy 26 tuổi, trẻ nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, lại chưa được đào tạo ở nước ngoài. Điều này thể hiện năng lực xuất chúng của đồng chí, một nhân cách cộng sản cao đẹp và có một nghị lực phi thường, nên giành được sự tín nhiệm của tập thể những người cộng sản đã dày dạn trên con đường tranh đấu giành độc lập.
Trên cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (năm 1936 - năm 1939) sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam, tiền đề dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cải lương, cơ hội, với tác phẩm “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng. “Tự chỉ trích” bôn-sơ-vích đã giúp Đảng ta kịp thời đấu tranh, uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng trong Đảng, vạch mặt bọn tờ-rốt-kít giả danh cách mạng, xây dựng và củng cố Đảng trên phạm vi cả nước, đề ra những chủ trương mới phù hợp với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, bọn địch ráo riết săn lùng người lãnh đạo đầy tài trí của Đảng. Ngày 18-1-1940, trên đường từ nhà chị Hai Sóc ở làng Bà Điểm (Gò Vấp - Gia Định) - nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở lúc đó - đến cơ quan Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), mật thám Pháp đã vây bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn cùng nhiều cán bộ cách mạng. Tên Ba-zin trùm mật thám Pháp ở Nam Kỳ trực tiếp hỏi cung và tra tấn rất dã man đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhưng không có kết quả.
Rạng sáng ngày 28-8-1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng bị địch xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Tại pháp trường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã kiên quyết xé tấm băng đen bịt mắt và hô lớn “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm!”. Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới 29 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hy sinh anh dũng giữa tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại một tấm gương cách mạng sáng ngời. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, một chiến sĩ cộng sản có tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học nhạy bén, một nhà tổ chức và chỉ đạo thực tiễn lỗi lạc, sâu sát; một nhà chính trị có bản lĩnh kiên định, luôn kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn; một nhà chỉ đạo chiến lược và sách lược tài tình, giải quyết chính xác, mau lẹ, đúng đắn, sáng tạo những vấn đề chính trị cực kỳ phức tạp, hợp quy luật, sát thực tiễn các mối quan hệ lớn, như quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, chiến lược và sách lược. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn là một tấm gương sáng về tinh thần nhân văn và đạo đức cách mạng cao đẹp, có lòng tin mãnh liệt vào lý tưởng, nêu một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; sống liêm khiết, giản dị, gương mẫu, gắn bó mật thiết và chan hòa với nhân dân, vì nhân dân, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, tiêu biểu cho đạo đức và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nguyện học tập và noi theo tấm gương sáng ngời, đạo đức cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan trung ương và chủ trì tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, đề cương tuyên truyền; phát triển lớp đảng viên mang tên đồng chí Nguyễn Văn Cừ; tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh”; xây dựng phim tài liệu, phim truyện truyền hình mang tên “Bình minh phía trước”; công diễn vở chèo “Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ, trí lớn”; sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật về đồng chí; trùng tu, tôn tạo, mở rộng Khu lưu niệm, tượng đài tại phường Phù Khê (thành phố Từ Sơn) và thành phố Bắc Ninh; tổ chức Lễ dâng hương, Lễ kỷ niệm; phát động các phong trào thi đua yêu nước; chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng học tập chuyên đề về tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Cừ... nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương; cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, học tập và noi gương các thế hệ đi trước, hơn 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp, khó khăn; cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay cơ bản đáp ứng tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực: Duy trì kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đạt tốc độ tăng bình quân là 13,9%/năm (6 tháng đầu năm 2022 đạt 14,7%); sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh và có giá trị sản xuất đứng thứ nhất toàn quốc. Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.742 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có tổng vốn đăng ký là 22,8 tỷ USD. Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển; xuất khẩu có bước đột phá, đạt gần 45 tỷ USD, chiếm 13,3% cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, là tỉnh đứng thứ 8 toàn quốc tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tỉnh Bắc Ninh đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng suất, hiệu quả, chất lượng, an toàn và bền vững. Tỉnh Bắc Ninh là một trong 14 tỉnh, thành phố hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị; công tác quy hoạch và phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 2 thành phố; 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế luôn được tỉnh Bắc Ninh chú trọng chăm lo đầu tư cho phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là các giá trị văn hóa được quan tâm bảo tồn, phát huy, trở thành một động lực tăng trưởng của tỉnh. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên; nhiều chính sách thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15%; Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,85 thuộc nhóm cao của cả nước. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường, mở rộng; tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư của 38 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ tỉnh chú trọng; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Bắc Ninh đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính vượt lên đứng thứ nhất cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Đảng bộ tỉnh nhiều năm được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh học tập tấm gương đạo đức, tư duy sáng tạo của đồng chí, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và của cả nước. Đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quyết tâm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 giải pháp đột phá; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hơn bao giờ hết phải tăng cường rèn luyện ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong công việc; nêu cao ý chí vượt qua khó khăn, thách thức; dám nghĩ, dám làm; không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng xung phong vào những nơi khó khăn, đảm đương nhiệm vụ, trọng trách nặng nề; thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; nêu cao ý thức học tập và noi gương phong cách sống, cách làm việc và tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; đặc biệt là tinh thần“Tự chỉ trích” của đồng chí.
Thứ hai, phát huy vị trí địa - chính trị, lợi thế cạnh tranh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và động lực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo động lực và sức cạnh tranh mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, điều chỉnh hoàn thành quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phát triển bền vững, đồng bộ, hài hòa, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.
Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế. Tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; quan tâm phát triển các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển kinh tế đô thị; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình kết nối liên vùng, phát triển đô thị, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ưu tiên triển khai những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, như TL.295C, TL.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3, TL.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4, cầu Kênh Vàng, mở rộng cầu Hồ, cầu Như Nguyệt...
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tập trung, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX), về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đến năm 2030”; phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc là nền tảng, thế mạnh cho sự phát triển trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc người có công, các đối tượng chính sách xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền điện tử; thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh; mở rộng đối ngoại và hội nhập phát triển. Tạo sự đồng thuận, thống nhất, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nguyện học tập, noi theo tấm gương sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh./.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ  (09/07/2022)
Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tổng kết 20 năm triển khai Nghị định về tín dụng đối với hộ nghèo  (30/06/2022)
Nâng cao hiệu quả hoạt động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh  (20/06/2022)
Bắc Ninh: Tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,7%  (18/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển