Thi hành pháp luật hành chính - một số vấn đề lý luận và thực tiễn
TCCSĐT - Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có mối liên hệ gắn kết trực tiếp với sự tồn tại và phát triển của các chủ thể trong xã hội. Trong đó, hoạt động thi hành pháp luật hành chính tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Công tác thực thi pháp luật hành chính thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn đó những hạn chế đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật hành chính ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thực tiễn thi hành pháp luật hành chính ở Việt Nam
Thi hành pháp luật nói chung và thi hành pháp luật hành chính nói riêng là hoạt động được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt chú trọng. Pháp luật hành chính tác động trực diện đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, là công cụ quản lý đa dạng ngành, lĩnh vực trong xã hội. Thi hành pháp luật hành chính là một hoạt động phức tạp, do vậy, trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, chúng tôi chỉ lựa chọn và tiếp cận một số nội dung chính yếu, chủ chốt của thi hành pháp luật hành chính ở Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, thi hành pháp luật hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội cũng như khoa học hành chính, pháp lý. Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, khoản 1, Điều 3 định nghĩa: Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức(1). Thủ tục hành chính là một trong số những công việc xuất hiện một cách thường xuyên, liên tục đối với các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật hành chính. Trong đó, cơ quan hành chính nhà nước, công dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tích cực theo những quy định của pháp luật. Thi hành pháp luật hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính ở nước ta những năm qua về cơ bản đạt được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính do Nhà nước đề ra.
Về phía cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính đã chủ động thi hành pháp luật hành chính. Đặc biệt là thực hiện nghiêm chỉnh những nghĩa vụ pháp luật quy định trong giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc thi hành pháp luật hành chính qua giải quyết thủ tục hành chính tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam đạt hiệu quả cao, tăng cường niềm tin của nhân dân vào bộ máy hành chính.
Không chỉ có sự cải thiện tích cực về phương thức giải quyết thủ tục hành chính, thái độ của cán bộ, công chức trong thi hành pháp luật hành chính tại cơ quan công quyền cũng có sự chuyển biến rõ rệt so với trước đây.
Về phía công dân, cá nhân, tổ chức, những năm qua, về cơ bản sự hài lòng của người dân Việt Nam đối với quá trình giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên. Nhiều nhóm thủ tục hành chính cho phép người dân thực hiện đăng ký qua mạng, tiếp nhận thông qua đường bưu điện hoặc chỉ cần đến bộ phận một cửa, một cửa liên thông của chính quyền. Việc thực hiện những nghĩa vụ có liên quan khi tham gia quan hệ pháp luật hành chính được đơn giản hoá, tiết kiệm cả về thời gian, sức lực và chi phí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, thi hành pháp luật hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương, bộ ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Đạo đức trong thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế mà biểu hiện là sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Cán bộ, công chức chưa ý thức được bản thân “là công bộc của dân” như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sự nhũng nhiễu, hách dịch của chủ thể giải quyết thủ tục hành chính là yếu tố trực tiếp tác động vào hiệu quả thi hành pháp luật hành chính. Ngoài ra, thủ tục hành chính trong một số ngành, lĩnh vực còn rườm rà, thiếu minh bạch, thái độ của công chức chưa đúng mực, thiếu khách quan, đang khiến cho doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Công dân, tổ chức, doanh nghiệp mặc dù luôn chủ động, tích cực thực hiện nghĩa vụ khi tham gia quan hệ pháp luật hành chính nhưng chính những rào cản nói trên đã và đang làm giảm đi hiệu quả thi hành pháp luật hành chính.
Thứ hai, thi hành pháp luật hành chính trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy nhà nước
Thực tiễn đã chứng minh rằng, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là nhân tố tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng. Đây là chủ thể được trao quyền sử dụng quyền lực nhà nước trong thực thi công vụ để quản lý xã hội. Giữ vị trí, vai trò quan trọng nhất, quyết định hướng phát triển, quá trình vận hành của cơ quan, tổ chức, đơn vị chính là người đứng đầu. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng việc thiết lập hành lang pháp lý quy định cụ thể quyền, đặc biệt là nghĩa vụ người đứng đầu cần phải thực hiện trong thi hành công vụ. Điều 10, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 khẳng định: Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị….
Về trách nhiệm thi hành nghĩa vụ quản lý nguồn tài chính, nhân lực, vật lực của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Những năm vừa qua, về cơ bản người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam có nhận thức đúng đắn, thi hành đúng quy định về tiết kiệm, phòng, chống thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có sự nghiêm túc, chủ động sử dụng, đặc biệt đối với những tài sản có giá trị lớn.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy nhà nước trong thi hành pháp luật hành chính về quản lý có hiệu quả việc sử dụng nguồn tài chính, vật lực, nhân lực vào hoạt động công vụ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương chỉ rõ: Trong quản lý và sử dụng vốn và tài sản Nhà nước của doanh nghiệp Nhà nước có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Báo cáo thẩm tra cũng điểm danh một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản Nhà nước chưa được khắc phục. 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành công thương với số vốn trên 60.000 tỷ đồng, gồm Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy gang thép Thái Nguyên... Đặc biệt, sai phạm trong quản lý và sử dụng nguồn tài chính, vật lực của người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam dẫn đến sự thất thoát một số lượng lớn ngân sách nhà nước đã phản ánh nhiều hạn chế, bất cập trong việc thi hành nghĩa vụ người đứng đầu cơ quan nhà nước. Hạn chế, bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hoàn thiện của hành lang pháp lý, chế tài xử phạt đối với sai phạm chưa đủ nặng, hoặc còn có thể là “lợi ích nhóm” của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công.
Người đứng đầu còn phải thực thi nghĩa vụ trong chức năng quản lý ngành, lĩnh vực được giao. Tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Tuy vậy, việc thi hành nghĩa vụ này hiện nay ở Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế, dẫn đến hệ lụy có sự “đùn đẩy trách nhiệm” giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân khi để xảy ra sai phạm. Rõ ràng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra sai phạm phải nhận trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất. Điển hình có thể dẫn chứng ví dụ về xử lý các điểm nóng BOT ở một số địa phương hiện nay. Theo quy định hiện hành, một dự án BOT trải qua rất nhiều quy trình và không thể không có sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương hoặc các nhà đầu tư, sau đó đệ trình Chính phủ. Quy trình chặt chẽ và đầy đủ là vậy, song BOT vẫn đang trở thành “điểm nóng” ở nhiều địa phương về sự bất cập trong thu phí của các trạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, doanh nghiệp. Chính quy trình chặt chẽ và sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ban ngành, địa phương có thể trở thành rào cản trong việc phân định trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu ngành, lĩnh vực, địa phương khi ký quyết định phê duyệt cuối cùng nếu dự án, kế hoạch có sai phạm.
Thứ ba, thi hành pháp luật hành chính trong việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền
Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Điều 30, Hiến pháp 2013 quy định rõ: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc tiếp tục ghi nhận và khẳng định tầm quan trọng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong Hiến pháp 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền cơ bản của mình. Và thông qua việc thực hiện quyền này, công dân đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Ngoài ra, việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo còn là phương thức giám sát của nhân dân đối với Nhà nước và cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Khi các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức chuyển đến cho cơ quan nhà nước là kênh thông tin giúp phát hiện về những vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua đó, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thanh, kiểm tra lại hoạt động, hành vi của các cơ quan và các cán bộ, công chức, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo là hoạt động thi hành pháp luật hành chính, gắn với nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam thời gian qua, nhìn chung đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng của công dân; kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự tại cơ sở, tạo lòng tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước nơi mình đang sinh sống và lao động, động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy mọi người hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
Mặc dù vậy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong những năm gần đây, nhiều nơi số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gia tăng, thậm chí có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Hạn chế trong thi hành pháp luật hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo xuất phát từ một số nguyên nhân cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện hoặc thiếu đồng bộ, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chậm, còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi (đặc biệt trong một số lĩnh vực nhạy cảm như đất đai). Bên cạnh đó, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính tại một số nơi chưa cao, chưa làm tròn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này còn hạn chế cả về năng lực và ý thức trách nhiệm, nhất là kỹ năng tiếp công dân.
Giải pháp tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật hành chính ở Việt Nam trong thời gian tới
Xuất phát từ những phân tích thực trạng nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần khắc phục hạn chế, khó khăn, qua đó tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật hành chính ở Việt Nam thời gian tới. Cụ thể:
Một là, đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hành chính nói riêng. Thực tế thì, hành lang pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ổn định, trật tự của xã hội. Hoạt động quản lý hành chính diễn ra thường xuyên, liên tục, tác động trực diện tới quyền, lợi ích hợp pháp của đa dạng các chủ thể trong xã hội. Vậy nên, để công tác thi hành pháp luật hành chính đạt hiệu quả, trước tiên cần hoàn thiện pháp luật hành chính. Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật hành chính phù hợp với bối cảnh mới của đất nước, không làm cản trở hoạt động bình thường của các chủ thể trong xã hội. Thời gian vừa qua, xảy ra không ít trường hợp văn bản pháp luật, trong đó có văn bản pháp luật hành chính vừa ban hành đã “chết yểu”. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song tác giả cho rằng một trong số những nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hiệu quả trong thẩm định văn bản pháp luật trước khi ban hành.
Hai là, đẩy mạnh rà soát, khắc phục triệt để sự chồng chéo, mâu thuẫn, rườm rà của hệ thống thủ tục hành chính. Để có thể hiện thực hóa pháp luật hành chính trên thực tế, phải xây dựng và triển khai các thủ tục hành chính. Đây là trình tự, các bước thực hiện pháp luật hành chính, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt, liên tục trong quản lý. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống thủ tục hành chính ở nước ta còn một số bất cập, hạn chế, đặt ra vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiêm túc, khẩn trương rà soát, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn, hạn chế tối đa sự rườm rà của hệ thống thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cải thiện năng lực phục vụ, cung ứng dịch vụ công của cơ quan nhà nước đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thay đổi quan niệm trong lãnh đạo, quản lý, cần quán triệt nhận thức đối với cán bộ, công chức, viên chức phải lấy dân làm gốc, coi người dân là khách hàng của cơ quan công quyền.
Ba là, đổi mới phương pháp, cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hành chính đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội. Thi hành pháp luật nói chung và thi hành pháp luật hành chính nói riêng chỉ có thể đạt hiệu quả khi công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội hiểu biết pháp luật. Để có thể nâng cao hiểu biết của nhóm đối tượng này về pháp luật hành chính tất yếu phải chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hành chính. Phương pháp, cách thức tuyên truyền cần đơn giản, dễ hiểu, ứng dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần chủ động, kịp thời tiếp nhận góp ý, lắng nghe ý kiến phản hồi để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật hành chính trên thực tế. Qua đó, xây dựng, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy công quyền trong thi hành pháp luật hành chính.
Cuối cùng là, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm trong thi hành pháp luật hành chính. Sai phạm trong bất cứ công tác thi hành pháp luật nào cũng đều có ảnh hưởng đến tính ổn định, hiệu quả trong hoạt động quản lý xã hội. Pháp luật hành chính là ngành luật có sự tác động mạnh mẽ, liên tục và thường xuyên đối với vận động, phát triển của xã hội. Do đó, mọi sai phạm đều sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí tác động trực diện đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước. Chính vì vậy, đối với những sai phạm trong thi hành pháp luật hành chính, các cơ quan chức năng cần thẳng thắn nhìn nhận, có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm minh, kịp thời. Cùng với đó, không ngừng tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giải quyết vấn đề liên quan đến công tác quản lý hành chính nhà nước./.
-----------------------------------------------
(1) Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm soát thủ tục hành chính
Thủ tướng: Tập trung đổi mới cơ chế quản lý, điều hành ngay từ quý 1  (01/02/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng để người dân nào không có Tết  (01/02/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc Tết tại Văn phòng Quốc hội  (01/02/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay