Cuộc “thư hùng” thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung
TCCSĐT - Ngày 23-3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ, tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp gia tăng áp thuế đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, vì thế đã làm quan hệ giữa hai cường quốc trở nên căng thẳng, có thể nhận định đây là một cuộc "thư hùng" thương mại ở mức độ "nóng" chưa từng có trong lịch sử, tác động với mức độ khác nhau đến nền kinh tế toàn thế giới hiện nay.
Khởi đầu là một sắc lệnh công bố việc thiết lập hàng rào thuế quan đối với các nguyên liệu thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ vào ngày 08-3-2018, theo đó sau 15 ngày sẽ thu thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, điều này gây ra sự hỗn loạn thậm chí là hoang mang trên thị trường quốc tế, tác động không nhỏ đến các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là Brazil, Hàn Quốc, Canada, Nga, Mexico, trong đó Trung Quốc là nước chiếm thị phần 2,7% lượng thép và nhôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ hiện nay.
Trước tình hình đó, Trung Quốc có định hướng chiến lược đầy đủ đối với thế tấn công thương mại của Mỹ, dư luận Trung Quốc đều coi vấn đề này không là sự việc quan trọng hàng đầu. Bởi vì, thép và nhôm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại 500 tỷ USD của hai nước.
Tuy nhiên, ngày 23-3-2018, Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá lên tới 60 tỷ USD, nhằm hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, đồng thời sẽ kiện các vấn đề liên quan lên cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Vì sao Mỹ có biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc?
Thứ nhất, Mỹ đã dựa trên báo cáo kết quả điều tra theo “Điều khoản 301” của Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974 nhằm vào Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đi ngược với cam kết của Mỹ và quy định của WTO, đối với Trung Quốc đã vi phạm luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động: Ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao kỹ thuật và quyền sở hữu trí tuệ; chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc về mặt chiến lược và mua tài sản công nghệ cao của Mỹ; thông qua mạng Internet để đánh cắp các thông tin thương mại của doanh nghiệp Mỹ, chủ yếu là bí mật công nghệ. Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc vẫn phải liên doanh với công ty địa phương và tiến hành chuyển giao công nghệ, đây là một quy định thiếu công bằng bị Mỹ và các nước phương Tây kịch liệt phản đối.
Thứ hai, Mỹ dựa vào mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 để đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc. Theo đó, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu, tức là thấp hơn giá trị thông thường, giá xuất khẩu vào Mỹ thấp hơn giá bán của hàng hóa đó ở nước xuất xứ hoặc ở nước thứ 3 thay thế thích hợp, vì vậy Trung Quốc đã vi phạm Luật thuế chống phá giá của Mỹ. Hơn nữa, trong quá trình điều tra chống bán phá giá, Mỹ đã bác bỏ việc công nhận Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế thị trường, đồng thời phủ quyết hàng loạt đầu tư quan trọng của Trung Quốc vào Mỹ.
Thứ ba, mục tiêu của Mỹ là tăng cường chính sách bảo hộ các ngành sản xuất then chốt trong nước của Mỹ, nhất là vấn đề cạnh tranh của ngành sản xuất công nghệ cao, giảm nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc xuống 100 tỷ USD. Đồng thời, không để công nghệ và sở hữu trí tuệ tiếp tục rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo quan điểm Trump, Mỹ đã chịu thiệt hại lớn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, cho nên phải thiết lập chính sách thương mại công bằng và cơ chế đối đẳng, tức là cho phép phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh của Trung Quốc vào Mỹ chỉ hạn chế trong phạm vi như Trung Quốc cho phép Mỹ đầu tư vào Trung Quốc.
Thứ tư, cán cân thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 500 tỉ USD (năm 2017), đây là mức cao nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Hơn nữa, Tổng thống Trump đã cam kết trong tranh cử cũng như Thông điệp Liên bang 2018 là đưa "Nước Mỹ vĩ đại trở lại", "Mãi mãi an toàn, mạnh mẽ, kiêu hãnh, hùng mạnh và tự do". Do đó, Mỹ sẽ lấy lại những gì đã mất đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng trong cuộc chiến "thư hùng" thương mại do Mỹ phát động không phải đơn thuần chỉ là mang lại lợi ích kinh tế cho Mỹ, mà đây là "cú đấm" đầu tiên của ông Trump vào kinh tế Trung Quốc, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP ngoại mục, cao nhất thế giới của cường quốc kinh tế đứng thứ 2 sau Mỹ, Trung Quốc phấn đấu không mệt mỏi vì "Giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa", "siêu cường số 1 thế giới về công nghệ" vào năm 2025.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đang yêu cầu tiến hành cải cách về quy trình điều tra và phạm vi điều tra của Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ. Luật hiện nay ở Mỹ đưa phạm vi điều tra của Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ mở rộng đến việc trao đổi và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và kỹ thuật chuyên ngành của các công ty công nghệ then chốt của Mỹ và các tổ chức không thuộc Mỹ, đưa vào điều tra đối với đầu tư ngoài kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài đối với công nghệ và cơ sở hạ tầng then chốt của Mỹ và yêu cầu điều tra bắt buộc khi chính phủ nước ngoài sở hữu trên 25% cổ phần đầu tư nước ngoài.
Đối sách của Trung Quốc trong cuộc chiến
Sau khi Mỹ tuyên bố áp dụng các biện pháp tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá lên tới 60 tỷ USD, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lục Khảng đã lên tiếng khẳng định: Trung Quốc sẽ sớm đưa ra những hành động đáp trả. Ông nói “Nếu Mỹ có hành động ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ phải thực hiện các biện pháp cứng rắn để bảo vệ các quyền hợp pháp của chúng tôi”. Trên thực tế, sau 10 ngày (từ ngày 23-3-2018 đến ngày 03-4-2018), Trung Quốc đã đưa ra quan điểm và đối sách trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, được cộng đồng thế giới rất quan tâm hiện nay.
- Về quan điểm: Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C, Thôi Thiên Khải đã tuyên bố: “Nếu Mỹ khởi động một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng mọi biện pháp cần thiết”, "Washington vẫn kiên trì tiến hành "điều tra luật 301" và công bố các biện pháp thương mại có liên quan, bỏ qua tiếng nói hợp lý, đồng thời không quan tâm đến lợi ích chung của quan hệ thương mại Trung - Mỹ và sự đồng thuận của hai nước về quản lý sự khác biệt mang tính xây dựng thông qua tham vấn". Đây là một hành động đơn phương về bảo hộ thương mại. Trung Quốc vô cùng thất vọng và chắc chắn phản đối hành động như vậy. Chúng tôi thúc giục Washington nên chấm dứt, đưa ra các quyết định thận trọng, tránh đặt mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vào tình trạng nguy hiểm với mục đích làm hại cho người khác và cũng tự làm hại cho chính mình. Tuy nhiên, "Chúng tôi sẽ trả đũa. Nếu họ muốn chơi khó, chúng tôi sẽ chơi khó với họ để xem ai sẽ trụ lâu hơn".
- Về hành động: Trước quyết sách của Mỹ về tăng thuế đối với 1.300 loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã liệt kê 128 mặt hàng của Mỹ bán tại Trung Quốc với trị giá 3 tỷ USD có khả năng phải chịu mức thuế nhập khẩu thêm 15% - 25%.
Đại diện Trung Quốc tại WTO đã kêu gọi tất cả các thành viên cùng chung tiếng nói phản đối việc Mỹ đơn phương tăng thuế nhập khẩu, không những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa hai nước, mà còn ảnh hưởng cả các nước xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc, làm cho nền kinh tế thế giới khủng hoảng trong tương lai không xa.
Ông Julien Marcilly - đại diện Công ty bảo hiểm cho các doanh nghiệp Pháp Coface nhận định: Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ tương đương với 0,5% GDP của nền kinh tế số 1 thế giới. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm tới 5% tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc.
Dự báo cuộc chiến "Thư hùng" giữa hai cường quốc Mỹ - Trung
Hiện nay, tình hình căng thẳng trong cuộc "đối đầu" thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu quan tâm, dõi theo những động thái của cả hai bên và có đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có quan điểm lạc quan cho rằng: cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ không xảy ra, vì lợi ích chung; ngược lại với quan điểm trên, không ít ý kiến nhận định cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ xảy ra, hai bên đáp trả nhau "ăn miếng trả miếng" bằng chính sách thuế, bảo hộ, hạn chế đầu tư...Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này, trong cuộc chiến "thư hùng" về thương mại Mỹ-Trung, có thể dẫn đến kết cục là Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán thỏa hiệp, thương lượng, chứ không "ăn miếng trả miếng" như hiện nay.
Bởi vì, nếu xảy ra cuộc chiến "thư hùng" về thương mại thì rốt cuộc cả hai cường quốc đều thiệt hại nặng nề về kinh tế, đây là một điều chắc chắn, mà người thiệt hại trực tiếp nhiều nhất là doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng.
Đối với Mỹ, thời gian tới một khi thực sự cuộc chiến "thư hùng" xảy ra thì Mỹ sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các công ty, tập đoàn đang sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc. Hậu quả sẽ làm nhiều lao động trong các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị thất nghiệp vì công ty sa thải và nhiều người tiêu dùng Mỹ phải mua sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với giá đắt hơn, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp (Năm 2017, Trung Quốc là khách hàng tiêu thụ 1/3 sản phẩm của các nông dân Mỹ và doanh thu lên tới 14 tỷ USD)... Như vậy, trước mắt Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, bất lợi cho doanh nghiệp, người nông dân, người tiêu dùng, người lao động. Điều này ắt sẽ làm cho Tổng thống Donald Trump "hạ nhiệt" để có lợi cho nước Mỹ.
Đối với Trung Quốc, nếu cuộc chiến xảy ra thì Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ 128 mặt hàng tăng thuế với trị giá 3 tỷ USD như hiện nay, mà còn tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế vĩ mô nhằm hạn chế nhập khẩu sản phẩm, đầu tư của Mỹ, đồng thời để gây áp lực với Washington thâu tóm doanh nghiệp Mỹ, vì vậy các tập đoàn lớn của Mỹ (như Apple, Microsoft, Nike, Starbucks...) đang kinh doanh tại đất nước trên 1,45 tỷ người rất khó cạnh tranh, mặt khác Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nhập khẩu các nguyên liệu, hàng hóa từ các nước khác.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo trước thềm kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Lưu Chấn Dân) đã phát biểu: Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, thông qua các cuộc đàm phán và mở cửa thị trường cho nhau là cách tốt nhất để giải quyết xung đột thương mại. Ông Lưu Chấn Dân nói "Nếu các chính sách được đưa ra trên cơ sở đánh giá hoặc tính toán sai lầm, thì chính sách đó sẽ làm phương hại đến quan hệ song phương và gây ra những hậu quả mà cả hai nước đều không mong muốn".
Cuộc "thư hùng" thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng, trong đó, Tổng thống Donald Trump là người "châm ngòi", hai bên đã có những quan điểm rất cứng rắn và hành động quyết liệt nhằm "trả đũa" lẫn nhau, thu hút cộng đồng thế giới quan tâm, dõi theo. Bởi vì, Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 trên thế giới, nếu để nổ ra cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng không những cho chính hai quốc gia tham chiến, mà còn tác động đến thị trường toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới ở màn "xe đài" với những tuyên bố nhằm "dọa nạt" đối thủ. Nếu để nổ ra trận chiến, cả hai sẽ không dễ bị "nốc ao" và trận chiến đương nhiên sẽ kéo dài nhiều hiệp./.
Nỗ lực đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo  (24/04/2018)
Nỗ lực đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo  (24/04/2018)
Thủ tướng yêu cầu triển khai công tác pháp luật, khoa học-công nghệ  (23/04/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên