Phát huy truyền thống Cố đô, xây dựng Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững

Đinh Văn Điến Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình
08:39, ngày 24-04-2018
TCCSĐT - Phát huy truyền thống của vùng đất Cố đô lịch sử, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thòi cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Ninh Bình - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ người dân Ninh Bình luôn dựa vào hình sông, thế núi hiểm trở cần cù lao động, sản xuất, mở rộng không gian sinh tồn, anh dũng, quật cường trong chiến đấu chống ngoại xâm, góp phần cùng quân và dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, con sông đều gắn liền với hình ảnh những người con tuấn kiệt của quê hương và đi vào sử sách, thơ ca, sống mãi trong lòng dân tộc. Đặc biệt, cách đây 1050 năm, mùa Xuân năm 968, trên mảnh đất Hoa Lư lịch sử “địa linh, nhân kiệt”, Đinh Bộ Lĩnh - người con ưu tú của quê hương Ninh Bình, sau khi hoàn thành sứ mệnh “dẹp loạn 12 sứ quân”, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định niên hiệu là Thái Bình, mở ra một trang sử vẻ vang cho lịch sử dân tộc sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc - thời kỳ độc lập, tự chủ, lâu dài xuyên suốt của các nhà nước phong kiến Việt Nam sau này. Với lòng thành kính, tri ân, nhân dân cả nước luôn hướng về đất Hoa Lư - Tràng An như hướng về cội nguồn sức mạnh của dân tộc, nơi có những vị hoàng đế lừng lẫy võ công, các anh hùng hào kiệt uy danh một thời và các bậc cao tăng phật pháp đã khai sáng cho dân tộc.

 
 Đền thờ Vua Đinh. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cung cấp.

Trải qua bao biến thiên của đất trời cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, vùng đất Cố đô Hoa Lư ngày nay còn lưu giữ rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể mà các bậc tiền nhân đã để lại, làm nên nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng đất Cố đô, trở thành tài sản, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh, của quốc gia, quốc tế. Cố đô Hoa Lư được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt, một trong 3 khu vực hợp thành Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á; Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ và 02 Long sàng thuộc Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được công nhận là Bảo vật quốc gia, cùng với đó là những áng thơ, văn, làn điệu chèo, hát xẩm, hát văn đặc sắc, được bảo tồn, gìn giữ đến tận ngày nay.

Truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những giá trị văn hoá đặc sắc được kết tinh trên đất Ninh Bình đã trở thành nền tảng, là tiền đề, động lực quan trọng cho quá trình đổi mới và phát triển quê hương. Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn trân trọng, tự hào, không ngừng gìn giữ và phát huy các giá trị đó, làm cho vùng đất Cố đô Hoa Lư luôn sống mãi với thời gian.

 
 Bản giao hưởng quê hương Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cung cấp.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, quán triệt sâu sắc và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2017 là 7,95% (mức tăng cao hơn so với bình quân chung của cả nước trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn); sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như lắp ráp ô tô, sản xuất phân bón, thiết bị điện tử có mức tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn của thiên tai, bão lũ, giữ vững tốc độ tăng trưởng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay đã có 80/119 xã (đạt 67,2%) và huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình.

Du lịch phát triển mạnh mẽ, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo... đã tạo ra sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình năm sau cao hơn trước, năm 2017, số du khách đến Ninh Bình vượt ngưỡng 7 triệu lượt. Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Hoạt động xuất khẩu tăng khá; kim ngạch xuất khẩu tăng 22% so với năm trước.

 
 Tràng An: Vẻ đẹp bí ẩn. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cung cấp.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học đạt 84,9%; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đạt kết quả tốt, Ninh Bình nằm ở tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước, có điểm trung bình các môn thi cao thứ 3 toàn quốc. Công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,52%. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng không ngừng được đổi mới. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chủ đề công tác các năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt kết quả tốt, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của Đảng. Hiệu quả hoạt động của HĐND, công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp có nhiều đổi mới, quyết liệt, chú trọng vào hiệu quả, chất lượng công việc; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Công tác dân vận có chuyển biến tích cực, hướng mạnh về cơ sở. Công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Phấn khởi và tự hào với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, phấn đấu đưa Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, trong những năm tới, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình tiếp tục phát huy truyền thống quê hương và những bài học kinh nghiệm của thời kỳ đổi mới, tiếp tục đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra với những nội dung chính là:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương, liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu, tranh thủ nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước.

Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý phát triển du lịch, dịch vụ du lịch và đổi mới cơ chế, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị các di sản. Tăng cường tổ chức điều tra, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, huy động các nguồn lực, đầu tư, phục dựng Kinh đô Hoa Lư và các sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch của vùng và đất nước.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo gia đình chính sách, người có công và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, tăng cường quốc phòng địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm có tổ chức; nắm chắc tình hình tư tưởng dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát huy truyền thống của vùng đất Cố đô lịch sử, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế./.