Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-9-2017)
TCCSĐT - Từ ngày 13 đến 14-9-2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Ấn Độ và tham dự cuộc họp thượng đỉnh thường niên Ấn Độ - Nhật Bản lần thứ 12 tại Gandhinagar, bang Gujarat. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 4 giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Narendra Modi. Chuyến thăm được cho là cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ song phương.
Nhật Bản - Ấn Độ hướng tới quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu
Thủ tướng Nhật Bản S. Abe gặp người đồng cấp N. Modi. Ảnh: Hindustan Times
Trong thời gian gần đây, những diễn biến ở khu vực đã gây ra mối quan ngại cho cả Tokyo và New Delhi. Trong khi căng thẳng tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở cao nguyên Doklam vừa mới hạ nhiệt thì tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Với tư cách là hai cường quốc tại châu Á, Ấn Độ và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng sâu rộng hơn.
Hiện nay, quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang trên đà phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng và an ninh. Hai nước đang tìm kiếm nhiều hướng hợp tác hơn giữa “Chính sách hướng Đông” của New Delhi và “Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng” của Tokyo. Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia duy nhất được Chính phủ Ấn Độ cho phép đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội vào khu vực chính trị nhạy cảm ở phía Đông Bắc Ấn Độ. Từ năm 1981, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho khu vực này nhiều khoản vay, viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực năng lượng, cung cấp nước, khai thác rừng và phát triển đô thị. Nhật Bản cũng là nước đầu tiên được Ấn Độ cho phép đầu tư nước ngoài tại hai quần đảo chiến lược Andaman và Nicobar. Nhật Bản cũng đã giúp Ấn Độ nâng cấp các cơ sở hạ tầng dân sự tại hai quần đảo này.
Có thể thấy, môi trường an ninh khu vực đã trở thành một nhân tố quan trọng thôi thúc Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường gắn kết chiến lược, trong đó có cả hợp tác về hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, phối hợp trong các vấn đề khu vực và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Năm 2016, việc Nhật Bản và Ấn Độ ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự đã đánh dấu lòng tin chính trị giữa hai nước ở mức cao, nhất là trong bối cảnh Ấn Độ là nước đầu tiên không nằm trong Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân ký kết một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản. Bên cạnh đó, mối quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ cũng được cho là đối tác hợp thời, nhất là khi nhiều nước trong khu vực lo lắng về sự nổi lên của Trung Quốc tại khu vực.
Với nhiều điểm tương đồng về lợi ích, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng S. Abe là cơ hội tốt để thiết lập giai đoạn tiếp theo cho sự phát triển của mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ.
Liên hợp quốc ra Nghị quyết lần thứ 9 trừng phạt Triều Tiên
Các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: TTXVN
Ngày 11-9 theo giờ Mỹ (ngày 12-9 theo giờ Việt Nam), 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ 6 của nước này hôm 03-9.
Nghị quyết mới được thông qua thắt chặt những biện pháp trừng phạt của nghị quyết gần đây nhất được thông qua hôm 05-8. Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong Nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của CHDCND Triều Tiên. Năm ngoái, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang CHDCND Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng tính từ ngày 01-10 tới và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 01-01-2018. Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang CHDCND Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên Liên hợp quốc số lượng người CHDCND Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng. Nghị quyết mới cũng loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, Nghị quyết áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của Ủy ban này. Đây là cơ quan được cho là chỉ đạo các ngành quốc phòng của CHDCND Triều Tiên.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào ngày 03-9 vừa qua. Nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân này của Bình Nhưỡng, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh trừng phạt mạnh tay hơn, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ đối với CHDCND Triều Tiên và phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ngày 10-9, Mỹ đã công bố một bản dự thảo nghị quyết sửa đổi về các biện pháp tăng cường trừng phạt Triều Tiên, đồng thời chính thức đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11-9 để thông qua dự thảo nghị quyết này. Trước thềm cuộc bỏ phiếu, CHDCND Triều Tiên cũng đưa ra cảnh báo cứng rắn nhằm vào Mỹ nếu Washington khăng khăng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia tăng trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng.
Một thực tế là kể từ năm 1993 đến nay, dường như vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên luôn là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Thông qua những biện pháp răn đe quân sự, điển hình là các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời kết hợp với việc thúc đẩy những nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Washington muốn Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân như một điều kiện tiên quyết để đối thoại. Tuy nhiên đây lại là lý do an ninh chính khiến CHDCND Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.
Sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của CHDCND Triều Tiên, trong khi Washington vẫn tiếp tục kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng thì các nước như Nga, Trung Quốc, Đức và Pháp đều có chung nhận thức là không thể giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bằng các biện pháp quân sự mà phải thông qua đối thoại nhưng đối thoại bằng cách nào thì vẫn là điều bế tắc.
Vòng xoáy mới trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh kéo dài suốt 3 tháng qua tưởng chừng đã có bước đột phá mới sau khi xuất hiện thông tin về một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước Saudi Arabia và Qatar. Song, mọi hy vọng và nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhanh chóng bị dập tắt với việc Saudi Arabia quyết định dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar.
Ngày 09-9, Saudi Arabia tuyên bố dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar, tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Qatar. Trước đó, truyền thông nhà nước của Saudi Arabia và Qatar đều đưa tin Hoàng Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Mohammed bin Salman đã điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và các nước láng giềng Arab tại vùng Vịnh. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hồi đầu tháng 6 năm nay.
Theo hãng thông tấn nhà nước QNA của Qatar, cuộc điện đàm trên được tiến hành dưới sự điều phối của Tổng thống Mỹ D. Trump, trong đó cả Quốc vương Qatar và Hoàng Thái tử Saudi Arabia đều nhấn mạnh đối thoại là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao, nhằm bảo đảm sự đoàn kết và ổn định của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Trong khi hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia đưa tin, Quốc vương Qatar bày tỏ mong muốn tiến hành đối thoại và thảo luận về các yêu cầu của 4 nước Arab để bảo đảm lợi ích của các bên.
Tuy nhiên ngay sau đó, SPA đã ra thông báo thứ hai cho biết, nước này bác bỏ thông tin của QNA, khẳng định cuộc điện đàm diễn ra sau khi Qatar yêu cầu được đối thoại với 4 nước láng giềng Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo SPA, Saudi Arabia quyết định đình chỉ đối thoại hoặc liên lạc với giới chức ở Qatar cho tới khi một tuyên bố rõ ràng được đưa ra nhằm làm sáng tỏ quan điểm của Qatar trước công luận.
Sau khi Saudi Arabia tuyên bố dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar đồng thời cáo buộc Doha “bóp méo sự thật”, ngày 10-9, Ngoại trưởng UAE Anwar Mohammed Qarqash đã miêu tả bất đồng giữa Qatar và các nước Arab là một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự, cho rằng Doha đang phớt lờ “vấn đề cốt lõi” của cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo ông M. Qarqash, giới chức UAE đang tìm kiếm một giải pháp nhằm bảo vệ khu vực trước những hậu quả của các chính sách gây bất ổn và bạo lực.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 05-6 vừa qua khi các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực cũng như có quan hệ gần gũi với Iran. Hàng loạt những diễn biến căng thẳng này đã đẩy khu vực Trung Đông rơi vào nguy cơ vòng xoáy mới, khiến cộng đồng quốc tế liên tiếp có những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Và để có thể thu hẹp bất đồng, các quốc gia Arab và Qatar cần tìm hướng giải quyết thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin vững chắc về chính trị và tiến tới nhận thức chung trong các vấn đề khu vực.
Cuộc đua của các nước lớn trong chiến lược phát triển Công nghiệp 4.0
Ảnh minh họa. Ảnh: Gitex
Với nhiều lợi ích mang lại, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được nhiều quốc gia coi là ưu tiên phát triển hàng đầu. Nhiều nước đã ráo riết xây dựng chiến lược mới để thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đức là quốc gia tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Vài năm trước, Đức đã đưa ra chiến lược Công nghiệp 4.0 và trở thành nước tiên phong. Đức xem Cách mạng công nghiệp 4.0 là một công cụ mang lại nguồn tăng trưởng kinh tế mới. Không dừng lại ở đó, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này còn đi đầu trong nỗ lực phổ biến khái niệm mới ra thế giới, cũng như bắt đầu soạn thảo những tiêu chuẩn liên quan. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho Công nghiệp 4.0 của Đức có thể lên đến 40 tỷ euro/năm, từ nay đến năm 2020.
Ngoài ra, chính phủ nước này đang nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của mình nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, xóa đi ranh giới giữa công nghiệp và các dịch vụ. Từ năm 2012, Đức thành lập Nhóm đặc trách về “Công nghiệp 4.0” để đưa ra các lĩnh vực ưu tiên hành động, đưa Đức trở thành nước dẫn đầu Công nghiệp 4.0, đó là: Tiêu chuẩn hóa; Cung cấp cơ sở hạ tầng băng thông rộng toàn diện cho các ngành công nghiệp; Xây dựng các cơ chế và giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; Đào tạo, phát triển chuyên môn, hiệu quả nguồn lực.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia đứng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chế tạo - đã gọi khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 là “Internet công nghiệp”, đồng thời Mỹ đã thành lập Liên minh lãnh đạo sản xuất thông minh (SMLC) vào năm 2012 để khuyến khích ngành công nghiệp cộng tác phát triển nền tảng, tiêu chuẩn công nghệ mới. Chính phủ nước này đã dành ưu tiên hơn cho các ngành kỹ thuật cơ khí. Chương trình “Chế tạo tại Mỹ” được khởi xướng từ năm 2010 nhằm nâng cao năng lực ngành chế tạo của Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm. Năm 2011, Chương trình AMP “Đối tác chế tạo tiên tiến” được đưa ra nhằm định hướng đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới nổi. Để hỗ trợ cho Công nghiệp 4.0, tháng 3-2014, Liên minh Internet Công nghiệp (Industrial Internet Consortium - IIC) được thành lập, với nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của internet công nghiệp, đưa ra các định nghĩa chuẩn về các yêu cầu kết nối và nhằm bảo đảm tính tương tác giữa hàng tỉ thiết bị sử dụng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng tài trợ cho R&D trong sản xuất.
Để xây dựng nền kinh tế số, năm 2010, nước Anh đã đưa ra sáng kiến “thành phố công nghệ” (Tech City UK) với 21 cụm công nghệ số (digital cluster) trên khắp nước Anh, trong đó London là khởi nguồn. Trong tổng số 47.200 công ty công nghệ số ở London, xấp xỉ 98% là các doanh nghiệp nhỏ. Năm 2012, Anh tiếp tục đưa ra Chiến lược công nghiệp, tập trung vào các công nghệ, kỹ năng, tiếp cận tài chính, quan hệ đối tác với các ngành và mua sắm. 11 lĩnh vực đã được xác định và các chiến lược phát triển trong quan hệ đối tác với ngành công nghiệp nhằm xây dựng lòng tin và đầu tư về dài hạn. Tháng 4-2017, Luật về Nền Kinh tế số đã được thông qua, nhằm đưa nước Anh trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong nền kinh tế số.
Không muốn đứng ngoài cuộc, chính phủ Hàn Quốc cũng đã soạn thảo luật khuyến khích các sáng kiến tích hợp công nghệ thông tin (IT) vào những lĩnh vực chủ chốt như ô tô, đóng tàu..., cũng như lập các trung tâm phát minh sáng tạo để giúp thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch cung cấp vốn cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy sự thành lập của “những nhà máy thông minh” - nơi dây chuyền sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, máy móc và hệ thống thông minh được kết nối.
Những động thái tương tự cũng đang được tiến hành tại Trung Quốc. Gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã khởi động chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Theo đó, Trung Quốc tái cấu trúc và tinh gọn các lĩnh vực công nghệ chủ chốt và cải thiện khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Đối với Nhật Bản, từ năm 2013, nước này đã công bố “Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó tập trung thúc đẩy “thông minh hóa”, “hệ thống hóa” và “toàn cầu hóa”. Công nghệ số, công nghệ nano và công nghệ môi trường là trọng tâm được ưu tiên thúc đẩy trong chiến lược. Đến năm 2015, “Chiến lược cách mạng hóa rô-bốt” đã được đưa ra, bao gồm 3 trụ cột gồm: Nhật Bản trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo rô-bốt của thế giới; Nhật Bản dẫn đầu thế giới về sử dụng rô-bốt trong xã hội; Trình diễn với thế giới những sáng kiến rô-bốt Nhật Bản bằng cách dẫn đầu thời đại rô-bốt mới với ứng dụng IoT.
Người Kurd ở Iraq trưng cầu dân ý về độc lập
Chiến binh người Kurd. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo khu tự trị người Kurd tại Iraq đã đưa ra tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập theo đúng kế hoạch vào ngày 25-9-2017 bất chấp sự phản đối của chính quyền Iraq cũng như một loạt các quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, động thái này có thể mang đến những hệ quả nghiêm trọng.
Ngày 13-9, người đứng đầu khu tự trị người Kurd tại Iraq M. Barzani tuyên bố sẽ đối thoại với chính quyền Baghdad sau khi cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd diễn ra vào cuối tháng này.
Phát biểu tại một lễ kỷ niệm ở thành phố Aqra thuộc khu vực người Kurd, ông M. Barzani nhấn mạnh: “Chúng ta sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán sau khi cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành và nguyện vọng của người dân được công khai tới tất cả mọi người”. Ông M. Barzani lưu ý rằng, người dân đã chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý về độc lập trong hơn hàng chục thập niên qua, song nếu có một lựa chọn thay thế cuộc trưng cầu này nhằm giúp đạt được các mục tiêu, người dân sẽ chấp nhận. Lãnh đạo khu tự trị người Kurd cũng tái khẳng định cam kết với người dân rằng, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức đúng kế hoạch, bất chấp sự phản đối của chính quyền Iraq, các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng như Mỹ.
Sau khi lãnh đạo khu tự trị người Kurd tại Iraq M. Barzani tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý theo đúng kế hoạch, chính quyền Iraq và một loạt các quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng như Mỹ đã kịch liệt phản đối.
Chính quyền Iraq lo ngại cuộc trưng cầu dân ý sẽ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của nước này trong bối cảnh các lực lượng Iraq đang đẩy nhanh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó có nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran M. Baqeri và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng H. Akar đã cảnh báo về “những hậu quả” gây ra những tác động tiêu cực đối với các lợi ích của người dân trong khu vực.
Liên đoàn Arab (AL) cũng đã phản đối cuộc trưng cầu ý dân này. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington quan ngại cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq là “một sai lầm nghiêm trọng” gây bất lợi cho Iraq và kéo theo các bất ổn trong khu vực, có thể làm sao lãng cuộc chiến chống khủng bố khi làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc./.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga không ngừng được củng cố  (17/09/2017)
Việt Nam - Đối tác sẵn sàng và mong muốn hợp tác với Canada  (17/09/2017)
Thủ tướng Chính phủ Lào gửi điện thăm hỏi về thiệt hại do bão số 10  (17/09/2017)
Ngoại trưởng Nga và Mỹ điện đàm về tình hình Syria  (17/09/2017)
EU thiệt hại hơn 100 tỷ USD vì trừng phạt Nga  (17/09/2017)
Ngành Y tế tích cực, chủ động trong ứng phó cơn bão số 10  (17/09/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên