TCCSĐT - Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, các tổ chức công đoàn cơ sở, trên cơ sở các chức năng chung có tính thống nhất của tổ chức công đoàn, đã và sẽ thể hiện vai trò có tính cụ thể của mình trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Với chức năng trung tâm là đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động nên nhìn chung ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền tham gia tất cả các lĩnh vực, công việc có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động trong doanh nghiệp.

Tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập ở các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; các cơ quan nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp, có 5 đoàn viên trở lên và được Công đoàn cấp trên quyết định thành lập. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động có 10 đoàn viên trở lên và được Công đoàn cấp trên quyết định thành lập.

Theo đó, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được tổ chức theo 4 loại hình: 1/ Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không có tổ Công đoàn, tổ nghiệp đoàn. 2/ Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có tổ Công đoàn, tổ nghiệp đoàn. 3/ Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có Công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận. 4/ Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên. Nếu Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động, thì Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể.

Tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng chung có tính thống nhất của tổ chức công đoàn là đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý nhà nước trong phạm vị chức năng của mình; thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật. Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cơ sở còn tổ chức triển khai, thực hiện vai trò cụ thể của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội:

- Trong lĩnh vực chính trị: Tổ chức công đoàn cơ sở góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội ở cơ sở, nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, bảo đảm thực thi pháp luật và để bảo đảm sự ổn định về chính trị.

- Trong lĩnh vực kinh tế: Tổ chức công đoàn cơ sở tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên cơ sở mở rộng dân chủ ở cơ sở phù hợp với mỗi khu vực kinh tế (nhà nước, tập thể và tư nhân, hợp tác với nước ngoài), góp phần củng cố những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được.

- Trong lĩnh vực văn hoá - tư tưởng: Tổ chức công đoàn cơ sở phát huy vai trò trong việc giáo dục công nhân, viên chức và lao động nâng cao ‎ý thức công dân, lập trường tư tưởng, phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hoá dân tộc và tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Trong lĩnh vực xã hội: Tổ chức công đoàn cơ sở tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có nhãn quan chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở xã hội vững chắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của Nhà nước.

Với vai trò quan trọng trên, phương hướng xác định nội dung cơ bản để thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức công đoàn cơ sở bao gồm:

- Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động. Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của công nhân, viên chức, người lao động; tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong công nhân, viên chức, người lao động.

- Tổ chức vận động công nhân, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

- Phát triển đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

Với việc xác định rõ ràng các phương hướng nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức công đoàn cơ sở, giải pháp đưa ra để hiện thực hóa vấn đề này có thể thực hiện một số cách thức:

Thứ nhất, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước

Theo đó, phối hợp với giám đốc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức đại hội công nhân viên chức; đại diện cho tập thể lao động xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia xây dựng điều lệ hoạt động, các nội quy, quy chế, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với giám đốc doanh nghiệp. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công nhân, viên chức, người lao động; tổ chức, xây dựng, thực hiện thông tin hai chiều, tổ chức đối thoại giữa người lao động và giám đốc doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của công nhân, viên chức, người lao động; tham gia với giám đốc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi công nhân, viên chức, người lao động; vận động công nhân, viên chức, người lao động tham gia các hoạt động xã hội, tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

Kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật; phát động, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và nghĩa vụ của người lao động; vận động người lao động chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả công việc do giám đốc doanh nghiệp phân công. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

Thứ hai, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn Tổng công ty

Công đoàn Tổng công ty là Công đoàn cấp trên cơ sở tập hợp công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ sở của Tổng Công ty. Tổng công ty do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập thì tổ chức công đoàn Tổng công ty đó do Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp. Tổng công ty do bộ, ngành trung ương quyết định thành lập thì tổ chức công đoàn Tổng công ty đó do công đoàn ngành trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp. Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì việc thành lập và chỉ đạo tổ chức công đoàn Tổng Công ty đó do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quyết định.

Thứ ba, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao, Khu Kinh tế (gọi chung là Công đoàn các Khu Công nghiệp)

Công đoàn các Khu Công nghiệp là Công đoàn cấp trên cơ sở do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp. Công đoàn các Khu Công nghiệp quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc các đơn vị do địa phương thành lập, hoạt động trong các khu công nghiệp; phối hợp chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty của trung ương hoạt động trong các khu công nghiệp.

Thứ tư, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải...

Việc này được thực hiện thông qua giám sát ban quản trị thực hiện chế độ, chính sách, phân phối thu nhập, lợi nhuận đối với xã viên; đại diện người lao động xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động (không phải là xã viên) giao kết hợp đồng lao động. Tham gia với ban quản trị để có biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống, phúc lợi của xã viên và người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở về tổ chức và lãnh đạo đình công; vận động xã viên và người lao động tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn. Tuyên truyền, phổ biến và vận động xã viên, người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, nghị quyết đại hội xã viên và điều lệ hợp tác xã. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

Thứ năm, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước

Đại diện cho tập thể người lao động có trách nhiệm xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động và Công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; xây dựng các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động.

Đại diện cho tập thể lao động tham gia hội đồng hòa giải lao động cơ sở, giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; báo cáo, cung cấp thông tin và tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

Thứ sáu, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức công đoàn cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

Để làm được điều này, tổ chức công đoàn cơ sở sẽ tham gia xây dựng và giám sát thực hiện nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị, các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; phối hợp với người đứng đầu đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, hội nghị người lao động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, thay mặt người lao động xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động với người đứng đầu đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng của đơn vị có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; cùng với người đứng đầu đơn vị xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua; vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội, chống các tệ nạn xã hội, hỗ trợ nhau trong công tác, khi khó khăn, hoạn nạn.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn tổng hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; thực hiện thông tin hai chiều và tổ chức đối thoại giữa người lao động với người đứng đầu đơn vị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ người lao động. Tuyên truyền, phổ biến và vận động người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động, nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị và nghĩa vụ của người lao động. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

Thứ bảy, thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức nghiệp đoàn

Tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa; phổ biến, hướng dẫn việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống và điều kiện hành nghề của người lao động. Đại diện cho đoàn viên, nghiệp đoàn quan hệ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và đời sống. Đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng./.