Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-3 đến ngày 02-4-2017
Sáp nhập một số sở, ngành: Ý kiến còn rất khác nhau
Mô hình Sở Kế hoạch - Tài chính còn gây băn khoăn
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04-4-2014 của Chính phủ, cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ đề nghị hợp nhất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải.
Cơ quan soạn thảo nhận xét, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có sự giao thoa về nhiệm vụ giữa hai sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ. Theo đó, để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, khắc phục sự giao thoa nhiệm vụ giữa phạm vi quản lý nhà nước của hai sở, việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính là cần thiết.
Theo đó, sắp xếp hợp nhất thành một sở, đổi tên thành Sở Kế hoạch - Tài chính; đồng thời sắp xếp lại, hợp nhất các tổ chức bên trong của hai sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, bảo đảm tinh gọn; sắp xếp số lượng cấp phó của tổ chức bên trong sở.
Sở mới được rút gọn ba tổ chức theo hướng hợp nhất các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tương ứng. Cụ thể: Phòng Tài chính đầu tư (Sở Tài chính) với Phòng Tổng hợp, Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư); Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) với Phòng Khoa giáo, văn xã (Sở Kế hoạch và Đầu tư); Phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) với Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư). Cơ cấu tổ chức của sở mới gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; đối với thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được thành lập thêm một phòng để quản lý riêng về công sản và thành lập một chi cục thay cho một phòng chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ cho rằng việc hợp nhất sẽ có tác động tích cực như giảm đầu mối tổ chức sở và đầu mối tổ chức bên trong sở, dẫn đến giảm đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, chi thường xuyên... Theo đó, thực hiện việc tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách cho việc chi lương.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cho rằng, động thái này tạo lòng tin cho nhân dân về việc Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện tiến trình cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm chi tiêu ngân sách công, việc thực hiện các dịch vụ công, phục vụ người dân được tốt hơn. Quan điểm này được một số bộ, ngành ủng hộ như Bộ Tài chính, Trà Vinh, Ninh Bình, Hải Dương, Đồng Tháp.
Nhiều nơi không ủng hộ
Tuy nhiên, một số bộ và địa phương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cân nhắc việc hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài chính vì nhiệm vụ hai sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương. Trong bản góp ý cho dự thảo nghị định nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra dè dặt với phương án này. Bộ này giải thích, việc đề xuất hợp nhất hai sở chưa được đề cập cụ thể trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, hay Chính phủ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính là hai sở lớn tại các địa phương có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, tham mưu cho UBND cấp tỉnh quản lý trong hai lĩnh vực quan trọng là phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển và tài chính - ngân sách. Trong thực tiễn, hai sở vẫn hoạt động độc lập, bình thường, phát huy tốt vai trò của mình, vừa phối hợp vừa kiểm soát giám sát lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Việc hợp nhất như vậy sẽ không đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất cơ học hai sở còn gây khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương, gây khó khăn trong điều hành, hướng dẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ, cũng như quy rõ trách nhiệm khi thanh tra, giám sát.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng và cung cấp đề án khảo sát, điều tra, đánh giá tác động về việc sáp nhập một số sở thuộc UBND cấp tỉnh; lấy và tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đặc biệt là của 63 UBND cấp tỉnh vì đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ. Hiện nay, rất nhiều UBND cấp tỉnh chưa có ý kiến về việc này. Bộ này đề nghị thêm, cần xem xét có quy định đặc thù về số lượng phó giám đốc đối với các sở của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.
Trong khi đó, cũng có một số địa phương như Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Bình đề nghị không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài chính vì nhiệm vụ hai sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.
Hoàn thiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đảm bảo sự kết nối đồng bộ của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trong các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế, sử dụng ngân sách nhà nước; huy động tối đa các nguồn lực và đầu tư của doanh nghiệp, xã hội để thuê dịch vụ công nghệ thông tin, triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội muốn đột phá về công nghệ thông tin vào cải cách hành chính
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Theo đó, đến hết năm 2017 Thành phố sẽ cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính của sở, ban, ngành; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trực tuyến mức độ 3, 4.
Thành phố xác định công nghệ thông tin là trọng tâm để cải cách hành chính, vì vậy đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, các cơ quan nhà nước thành phố cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4. Thành phố phấn đấu 100% đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối cổng dịch vụ công thống nhất toàn thành phố và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4.
Một trong những mục tiêu Hà Nội đặt ra trong năm 2017 là tạo bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng hệ thống một cửa điện tử dùng chung kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống quản lý điều hành, văn phòng điện tử; phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư.
Với hệ thống quản lý điều hành, văn phòng điện tử sẽ nâng cấp, áp dụng hệ thống quản lý điều hành văn bản đồng bộ với ứng dụng văn phòng điện tử dùng chung, liên thông 3 cấp, quản lý hồ sơ công việc và kết quả xử lý công việc của từng cán bộ, công chức trên mạng. Liên thông, tích hợp với hệ thống của các bộ, ngành. Tập trung các cơ sở dữ liệu và các ứng dụng dùng chung về Trung tâm dữ liệu của Thành phố.
Về khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ tra cứu dữ liệu dân cư cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu như: Ngân hàng, doanh nghiệp, tuyển quân, văn phòng công chứng, thông tin người nghèo, người có công; quản lý xử lý vi phạm hành chính theo các lĩnh vực; quản lý thông tin các đối tượng xã hội. Đồng thời, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để hỗ trợ Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra chéo trong quá trình cấp đăng ký kinh doanh; kiểm soát cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành, nghề và các dịch vụ đặc biệt...
Định hướng đến 2020, Hà Nội phấn đấu dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử và Thành phố thông minh; nằm trong top đầu các Thành phố trong khu vực Đông Nam Á. Cung cấp trên 70 -80 % dịch vụ công mức 3, 4 đồng bộ trên địa bàn.
Hiệu quả về cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại Quảng Ninh
Ngày 27-3, tại Quảng Ninh, Đoàn Giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long: Quảng Ninh rất quyết liệt trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo chủ trương của Chính phủ. Đầu năm 2014, tỉnh ban hành Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
Tính đến năm 2016, số lượng các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện đã giảm 56 tổ chức so với năm 2011. Bên cạnh việc sắp xếp lại bộ máy, toàn tỉnh đã cắt giảm 686 biên chế công chức, viên chức so với số được giao (123 công chức khối Đảng, đoàn thể, 11 công chức khối chính quyền, 174 viên chức cấp tỉnh, 6 viên chức cấp huyện và 423 công chức cấp xã).
Việc thực hiện nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo bước đầu đạt hiệu quả cao được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay, đã có hai huyện Cô Tô và Tiên Yên thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND.
Các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Hoành Bồ, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ có Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND. Đặc biệt, việc xây dựng chính quyền điện tử về các tuyến huyện ở Quảng Ninh được đánh giá rất hiệu quả khi giảm được tới 50% các thủ tục hành chính; công tác chỉ đạo, xử lý các vấn đề đều được công khai, minh bạch…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hiệu quả Đề án 25 trong tinh giản biên chế theo nguyên tắc “Một tổ chức nhiều chức năng, một người làm nhiều việc” không chỉ là số lượng biên chế giảm, mà chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên. Những người “trụ lại” trong bộ máy phải cố gắng cao để hoàn thành chức trách nhiệm vụ, nỗ lực hết sức để học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt.
Theo lãnh đạo tỉnh, khó khăn nhất trong thực hiện tinh giản biên chế là cơ chế, chính sách trong khu vực công lập và ngoài công lập còn bất bình đẳng, chưa huy động tốt các nguồn lực xã hội vào việc cung ứng dịch vụ công. Chính sách tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời, chính sách tiền lương, tiền thưởng không gắn với hiệu quả công việc, tiêu chí đào thải chưa rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến giảm động lực phấn đấu, mất tính cạnh tranh để nâng cao hiệu quả công tác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách, tổ chức bộ máy hành chính. Quảng Ninh luôn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Ông Nguyễn Khắc Định nhận định, việc tinh giản biên chế vốn khó thực hiện, nhưng Quảng Ninh đã quyết tâm lược bỏ được những cán bộ năng lực kém mà không để xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện, chứng tỏ sự nỗ lực, nhiệt huyết rất cao của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tinh giản biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tỉnh lưu ý, đảm bảo việc thu hút, tuyển dụng người tài để duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận…
Từ thành công của thực tiễn, Quảng Ninh tiếp tục phát huy thế mạnh, trở thành điển hình cho các địa phương trên cả nước học theo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước./.
Cần những giải pháp đồng bộ để ngành du lịch Bình Phước phát triển tương xứng với tiềm năng  (03/04/2017)
Cần những giải pháp đồng bộ để ngành du lịch Bình Phước phát triển tương xứng với tiềm năng  (03/04/2017)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-3 đến ngày 02-4-2017)  (03/04/2017)
Mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" 07-4  (02/04/2017)
Tổng thống Donald Trump bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng việc xem xét lại các chính sách thương mại  (02/04/2017)
Chủ tịch Quốc hội sẽ thăm chính thức Thụy Điển, Hungary và Séc  (02/04/2017)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên