Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017

Đức Toàn tổng hợp
09:19, ngày 31-01-2017
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo phạm vi quản lý hoặc thực hiện để cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp, đảm bảo hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016.

Tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về chuẩn hóa, công bố, công khai, niêm yết và cập nhật thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện đối thoại định kỳ với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng và thẩm quyền quản lý để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, định kỳ 6 tháng/lần phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết kịp thời, triệt để phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong công tác cải cách thủ tục hành chính và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả việc thẩm định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính, bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.

Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa các nhóm thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg; các Bộ: Công an, Nội vụ, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông tổ chức thực thi có hiệu quả phương án đơn giản hóa các nhóm thủ tục hành chính theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những bộ, ngành, địa phương thực hiện không nghiêm, hình thức các nhiệm vụ nêu trên.

Gần 250.000 hồ sơ được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia

Đến ngày 19-01-2017, cả nước có 248.379 hồ sơ, với sự tham gia của 9.032 doanh nghiệp khai báo thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là thông tin đáng chú ý mới nhất do Tổng cục Hải quan - Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, cập nhật.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, giảm được thời gian và chi phí chuẩn bị hồ sơ, giảm thời gian thông quan; đồng thời tăng cường sự chính xác, độ tin cậy của thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tổng cục Hải quan lấy ví dụ, như trường hợp của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đăng kiểm. Đối với thủ tục hành chính khác, mục tiêu là rút ngắn ít nhất 15% - 30% thời gian thực hiện. Nếu triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế một cửa quốc gia, hầu hết hồ sơ do doanh nghiệp nộp/xuất trình sẽ được đơn giản, điện tử hóa, giúp giảm thời gian, chi phí chuẩn bị chứng từ và giúp các bộ ngành chủ động hơn trong công tác dự báo.

Theo Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2018 sẽ có 232 thủ tục hành chính mới được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có số thủ tục triển khai chiếm tỉ lệ nhiều nhất (89 thủ tục), tiếp đến là các Bộ: Y tế (55 thủ tục), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (26 thủ tục), Bộ Quốc phòng (19 thủ tục), Bộ Tài nguyên và Môi trường (12 thủ tục), Bộ Công Thương (7 thủ tục), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (6 thủ tục), Bộ Thông tin và Truyền thông (4 thủ tục), Bộ Công Thương (4 thủ tục), Bộ Công an (2 thủ tục), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1 thủ tục), Bộ Tài chính (1 thủ tục).

Hà Nội bứt phá mạnh mẽ, đặt sự hài lòng của người dân lên cao nhất

Năm 2016 ghi nhận sự đột phá chưa từng có trong lĩnh vực cải cách hành chính tại Hà Nội. Hầu như tất cả các “nhánh” trong lĩnh vực cải cách hành chính đều được thành phố Hà Nội quan tâm điều chỉnh và tăng tốc mạnh mẽ, từ cải cách thể chế, thủ tục; cơ cấu, tổ chức bộ máy, sắp xếp lại nhân sự tới tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cải cách tài chính công…

Ngay từ đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đưa ra thông điệp rõ ràng cho quá trình cải cách hành chính của thành phố. Đó là 2 quy tắc: 5 rõ - “rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả, rõ quy trình, rõ trách nhiệm” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Hai quy tắc này đã được các sở ngành, quận, huyện áp dụng triệt để trong cải cách hành chính năm 2016.

Đột phá đầu tiên mà thành phố Hà Nội đã vượt qua trong năm 2016 là hoàn thành sắp xếp lại bộ máy của 22 sở ngành; sau sắp xếp giảm từ 204 phòng xuống còn 158 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó phòng; sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án thành 8 Ban theo lĩnh vực. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm mạnh từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 30,2%); đối với các cơ quan chuyên môn, sau sắp xếp giảm từ 229 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 58%)… Đây là việc liên quan chặt chẽ tới sắp xếp nhân sự nên luôn được xem là nhạy cảm, khó “đụng chạm”. Tuy nhiên, thực tế, Hà Nội đã hoàn thành đợt sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ cán bộ chưa từng có và lớn nhất từ trước đến nay mà không có một lá đơn khiếu nại nào!

Một điểm sáng nữa là sự hiện diện của công nghệ cao ở khắp các nội dung cải cách hành chính của Hà Nội năm vừa qua. Đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử; từng bước xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội gia tăng hàm lượng ứng dụng công nghệ cao khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh một cách đáng kinh ngạc. Lần đầu tiên, Hà Nội xuất hiện những “công dân điện tử”; hàng trăm xã, thị trấn bắt đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tại nhiều vùng quê, các gia đình nông dân cũng nộp hồ sơ đăng ký khai sinh hay đăng ký kết hôn qua mạng, điều khó tưởng tượng ở thời điểm năm 2015.

Ở bộ phận một cửa, hàng loạt thủ tục vốn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đã được thành phố mạnh tay cắt bỏ. Đơn cử, thời gian cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà trên địa bàn thành phố giảm từ 52 ngày xuống còn 20 ngày và rút gọn thành phần hồ sơ từ 9 loại xuống còn 4 loại; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời gian từ 30%-60%, giảm 50% số lần đi lại; thời gian nộp thuế rút còn 117 giờ/năm (chỉ tiêu là 121,5 giờ/năm)… Cùng với đó, công tác đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng được đổi mới, mở rộng hướng tới sự chính xác, khách quan.

Tuy nhiên, những kết quả trên cũng mới chỉ là bước đầu. Không hài lòng với những gì Hà Nội đã đạt được trong năm 2016, yêu cầu của lãnh đạo thành phố còn đặt ra ở mức cao hơn, để Thủ đô Hà Nội thực sự “tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”, lọt vào top đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá, tăng các chỉ số xếp hạng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Công tác cải cách hành chính không có điểm dừng, luôn có thể làm tốt hơn. Năm 2017 được thành phố Hà Nội lựa chọn là “Năm kỷ cương hành chính” với quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức công vụ; tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ giao Bộ Công Thương chủ trì 4 nhóm nhiệm vụ, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp; Xây dựng Đề án tổ chức lại thị trường trong nước, biên mậu; Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp... Để thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương sau khi nghiên cứu đã ban hành Quyết định 2454/QĐ-BCT ngày 16-6-2016 về Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, tập trung thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo hướng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mặt khác, đi vào chiều sâu Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sau 6 tháng thực hiện, Bộ Công Thương đã rà soát hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ và nhiều lĩnh vực khác như quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm... thuộc chức năng, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ để đưa vào Dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương soạn thảo trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số qui định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương cũng như một số văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương tin rằng, mục tiêu thực hiện thành công các yêu cầu nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương sẽ được bảo đảm hoàn thành.

Bộ Y tế đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng sự hài lòng của người dân

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, năm 2016, Bộ đã hoàn thành việc đơn giản hóa 221/225 thủ tục hành chính (đạt 98,22%). 100% các thủ tục hành chính công đã được cung cấp ở mức độ 2; trong đó 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đã ứng dụng chữ ký số trong tất cả các phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để trả kết quả trực tuyến cho doanh nghiệp.

100% các đơn vị của Bộ Y tế đã công bố phù họp với tiêu chuẩn của Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008. Bộ đã hoàn thành kết nối liên thông gửi/nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, đảm bảo kết nối, công khai tất cả văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành lên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Từ tháng 6-2016, Bộ Y tế đã áp dụng cơ chế hải quan một cửa quốc gia đối với thủ tục hành chính cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và thủ tục hành chính nhập khẩu thuốc thành phẩm có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đã rút ngắn đáng kể thời gian cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý, thời gian trung bình kiểm tra thường và kiểm tra chặt lần lượt đối với hồ sơ giấy là 9,3 và 11,9 ngày thì khi thực hiện qua cổng thông tin một cửa quốc gia giảm xuống còn 5,5 và 6,5 ngày.

Với các kết quả trên, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2015) của Bộ Y tế do Chính phủ công bố đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng từ 73,55 lên 86,58 điểm, tăng cao nhất trong số các Bộ, đứng ở vị trí số 8/19 bộ, vượt 9 bậc so với kết quả 17/19 được công bố năm 2015.

Điều này khẳng định những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế, đặc biệt là đánh giá của người dân về chất lượng ngành y tế, thái độ của viên chức ngành y tế đã được cải thiện qua từng năm.

Năm 2017, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ và cải cách dịch vụ công để tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, Bộ Y tế nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.../.