Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 19-9 đến này 25-9-2016)
Hải Phòng phải trở thành thành phố thông minh và có môi trường sống tốt
Sáng 19-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vị trí trọng điểm của vùng kinh tế phía Bắc của Hải Phòng với những lợi thế ưu việt mà các tỉnh, thành khác không có được như: Là một trong hai cảng biển quốc tế lớn nhất cả nước, đầu mối phân phối hàng hóa và là động lực tăng trưởng của cả vùng kinh tế phía Bắc. Giữ vị trí chiến lược nằm trong hai hành lang, một vành đai kinh tế, kết nối với Trung Quốc. Hải Phòng còn có một đầu mối giao thông tương đối hoàn chỉnh, là điều kiện vượt trội để tăng tốc phát triển kinh tế của địa phương; đặc biệt thành phố biển này còn sở hữu một hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch. Cũng bởi đặc thù cảng biển quốc tế, Hải Phòng cũng là địa phương tiên phong của cả nước trong hội nhập và phát triển, là cửa ngõ hội nhập của đất nước. Từ tiềm năng lợi thế đó, Hải Phòng phải có khát vọng phát triển, phải trở thành thành phố cạnh tranh, thông minh, phát triển nhanh hơn, có khả năng kết nối tốt và phải có môi trường sống tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau
Sáng 20-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu - địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn trong thời gian gần đây.
Trong số 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích đứng thứ 6, dân số đứng thứ 11. Với đặc thù là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa, đặc biệt là sự giao thoa giữa 3 dòng văn hóa của người Kinh, người Khmer và người Hoa đã tạo nên cho vùng đất Bạc Liêu một diện mạo văn hóa riêng và là địa danh thu hút đông đảo khách du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, Bạc Liêu có lối đi, cách làm khá rõ nét để phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều giải pháp đáng ghi nhận. Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư FDI; có vùng nuôi tôm công nghệ cao; công tác an sinh xã hội đảm bảo.
Tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển. Thủ tướng tán thành việc quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi tôm trở thành lĩnh vực kinh tế nông nghiệp chủ đạo của tỉnh.
Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu cần có giải pháp lâu dài và trước mắt trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ cần quan tâm hỗ trợ Bạc Liêu thu hút được các dự án động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh.
* Sáng cùng ngày, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cà Mau cần có những quyết sách mạnh mẽ, cải cách toàn diện, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhấn mạnh đến vị trí địa chính trị của Cà Mau - Đất Mũi, vùng đất phên giậu cực Nam Tổ quốc, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Cà Mau để có những giải pháp toàn diện, đồng bộ hỗ trợ Cà Mau khắc phục khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu để phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng tán thành về mặt chủ trương việc sớm đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt là khắc phục và giảm thiểu hậu quả tình trạng hạn hán xâm nhập mặn; đảm bảo tốt nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, những tồn tại của Cà Mau hiện là tốc độ cải cách hành chính với thứ hạng 59 trong cả nước. Dưới tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, hai tuyến sườn Đông và sườn Tây Cà Mau, khu vực Mũi Cà Mau bị sụt lở rất nhiều. Tỉnh đã phải ứng phó bằng cách xây kè để ngăn sụt lún. Thực trạng này cũng nhận được sự chia sẻ của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc và thống nhất cần tiến hành đánh giá chi tiết để có giải pháp khắc phục sớm trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng
Chiều 21-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng 9 tháng đầu năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2016.
Dự buổi làm việc có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Thường vụ Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng các Tổng cục, Quân khu, Quân binh chủng, Bộ Tư lệnh, Học viện, Nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 3 nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia là phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại và nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh; nêu rõ, trong điều kiện tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, vai trò của Bộ Quốc phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đề cập đến phẩm chất quý báu của Bộ đội Cụ Hồ, Thủ tướng cho rằng quốc phòng mạnh thì đất nước mạnh và ngược lại, đất nước mạnh thì quốc phòng mạnh.
Thủ tướng mong muốn cán bộ, chiến sỹ toàn quân tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, bất cập; kiên quyết không để xảy ra sai phạm làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lính và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu; coi việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ quân sự là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện nay; phấn đấu luôn làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại trong huấn luyện và chiến đấu. Muốn vậy, cán bộ, chiến sỹ toàn quân cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quân sự, không để bị động, bất ngờ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo cán bộ, tướng lĩnh, sỹ quan, hạ sỹ quan nêu cao phẩm chất cách mạng, nghiêm khắc chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quân đội. Bộ Quốc phòng cũng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, sắp xếp lại mô hình, tổ chức các đơn vị trực thuộc; quản lý tốt đất đai quốc phòng và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội, chống thất thoát, mất mát tài sản của Nhà nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với truyền thống kiên cường, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại; lập thêm nhiều thành tích vẻ vang, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia Đảng ủy Công an Trung ương
Sáng 21-9, Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị Khóa XII về việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.
Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020, gồm 16 thành viên; Ban Thường vụ Đảng ủy gồm bảy thành viên, trong đó có ba lãnh đạo Đảng, Nhà nước là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, Tổng Bí thư tham gia Đảng ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh năm vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới; trong đó, Đảng ủy Công an Trung ương phải thật sự là một tập thể đoàn kết, vững mạnh, phát huy trí tuệ tập thể, thống nhất ý chí, hành động, nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác công an.
Từng Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương phải thực sự gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư; nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong chỉ đạo, trong hành động; có ý thức trách nhiệm cao đóng góp vào các quyết định chung của Đảng ủy Công an Trung ương; phát huy hơn nữa năng lực, trí tuệ để phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, trong sạch, vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tổng Bí thư yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện có nền nếp và tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, phát huy trách nhiệm cá nhân; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị của Đảng ủy, Ban Thường vụ Công an Trung ương; đổi mới việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương. Trong từng thời điểm, phải bám sát tình hình thực tiễn để lựa chọn, xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Lần đầu tiên công bố “Sách Xanh Ngoại giao Việt Nam 2015”
Ngày 22-9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ Công bố “Sách Xanh Ngoại giao Việt Nam 2015” với sự tham dự của đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Lễ Công bố, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, cuốn sách không chỉ điểm lại công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2015 mà còn nhìn lại cả hành trình 5 năm vừa qua, đồng thời nêu bật những nội dung cốt yếu mới về đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII. Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức công bố Sách Xanh Ngoại giao Việt Nam nhằm giới thiệu chính sách đối ngoại của Việt Nam, những thành tựu nổi bật về đối ngoại của Việt Nam trong năm 2015.
Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ
Ngày 23-9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao tại Thanh tra Chính phủ.
Theo báo cáo, từ ngày 1-1-2016 đến ngày 15-9-2016, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tổng số 100 nhiệm vụ. Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành 45 nhiệm vụ và hiện đang thực hiện 55 nhiệm vụ, trong đó có 32 nhiệm vụ trong hạn và 23 nhiệm vụ quá hạn. 21/23 nhiệm vụ quá hạn liên quan đến giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo; 2 nhiệm vụ quá hạn liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng trong công tác điều hành, phân công, phối hợp của Thanh tra Chính phủ vẫn còn những hạn chế; còn xảy ra tình trạng tồn đọng nhiều vụ việc về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; kết quả xử lý sau thanh tra chưa được triển khai triệt để; công tác phòng chống tham nhũng chưa có nhiều chuyển biến.
Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả của công tác, nhiệm vụ.
Đoàn Thanh niên cần quan tâm hơn đến khởi nghiệp cho thanh niên
Ngày 24-9-2016, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, ghi nhận những kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đã đạt được trong 8 tháng qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần quan tâm hơn nữa đến công tác khởi nghiệp cho thanh niên, góp phần nâng tổng số doanh nghiệp trẻ lên 3,6 triệu doanh nghiệp.
Thủ tướng tuyên bố khai mạc Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5
Đúng 20h tối 24-9-2016 tại quảng trường Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng, Lễ khai mạc Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (Asia Beach Game - ABG 5) đã được tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và tuyên bố khai mạc sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục này.
Cùng dự lễ khai mạc còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo ABG 5 Nguyễn Ngọc Thiện; TS. Thomas Bach Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC); Hoàng thân Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah, Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA); Phó Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Tanasak Patimaprakorn; đại diện lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao, du lịch các quốc gia: Thái Lan, Lào, Campuchia và đại diện lãnh đạo Tổ chức Du lịch Thế giới.
Với chủ đề “Tỏa sáng đại dương - Rực sáng tương lai”, Đại hội muốn truyền tải thông điệp về đất nước Việt Nam tươi đẹp và hiếu khách, đoàn kết trong thế giới hòa bình hướng tới tương lai tươi sáng.
Xây dựng giai cấp công nhân phát triển toàn diện trong thời kỳ mới
Sáng 24-9-2016, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (giai đoạn 2013-2016).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về kết quả triển khai thực hiện phong trào công nhân, hoạt động công đoàn và Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII vào năm 2018; một số kiến nghị của các cấp công đoàn đối với Đảng, Nhà nước về đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn trong giai đoạn mới.
Hiện nay, cả nước có trên 9,2 triệu đoàn viên, 123.326 công đoàn cơ sở. Thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết của Đảng, những năm qua Công đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động, nhất là việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động, tăng cường đối thoại tại cơ sở, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ người lao động tốt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn cả nước.
Chủ tịch nước nêu rõ, giai cấp công nhân nước ta đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trên tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách cả nước. Các tổ chức công đoàn không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân, viên chức và người lao động; tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu: Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, nhận thức về Đảng, xây dựng bản lĩnh chính trị; chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, người lao động để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, giải pháp phù hợp. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng và tăng cường các hoạt động xã hội, chú trọng việc thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, công đoàn các cấp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững
Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X (nhiệm kỳ 2016 - 2020) vào chiều 25-9-2016.
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thông qua nội dung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X. Nhận định về các quy chế trên, ý kiến của các đại biệu khẳng định: Đó là những văn bản rất quan trọng cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy theo quy định của Điều lệ Đảng khóa XII; để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo tập thể của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy. Đáng chú ý, những vấn đề được đề cập trong các quy chế đã góp phần tăng cường phân cấp, ủy quyền và đề cao trách nhiệm của các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên trong xử lý, giải quyết công việc thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; đồng thời, bảo đảm tính dân chủ trong thảo luận và ban hành các quyết định về công tác cán bộ, về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, về phân bổ nguồn lực, quyết định đầu tư.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh việc ban hành các Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X sẽ góp phần phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị; tăng cường sức mạnh tập thể, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, mỗi đồng chí Thành ủy viên trên cương vị và trách nhiệm công tác của mình, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các cơ quan, cần gương mẫu, nghiêm túc thực hiện./.
Đại sứ quán cần trở thành ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam tại Lào  (26/09/2016)
Thanh Hóa cần có các giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước  (26/09/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou  (26/09/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 19-9 đến ngày 25-9-2016)  (26/09/2016)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên