Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12-5 đến ngày 18-5-2014)
Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc ở U-crai-na
Ngày 17-5-2014, Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc, theo sáng kiến của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra tại thành phố Khác-cốp (U-crai-na) đã đề nghị Quốc hội nước này thông qua một bản ghi nhớ chung về triển vọng giải quyết khủng hoảng ở U-crai-na. Theo đó, Quốc hội U-crai-na phải bảo đảm tiến hành cải cách Hiến pháp, chuyển đất nước sang thể chế nghị viện - tổng thống, quy định quy chế phi liên minh quân sự, chỉ tham gia các liên minh kinh tế và chính trị quốc tế theo kết quả trưng cầu dân ý, cải cách các cơ quan bảo vệ pháp luật và ân xá cho người biểu tình. Ngoài ra, bản ghi nhớ cũng kêu gọi giải giáp tất cả các băng nhóm bất hợp pháp, chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền Đông và rút tất cả các lực lượng quân đội về nơi đóng quân thường trực.
Trước đó, ngày 12-5-2014, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki (Gien Pxa-ki), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rôm-pơi (Van Rompuy) đều khẳng định không công nhận cuộc trưng cầu ý dân diễn ra cuối tuần qua về quyền tự chủ của các tỉnh miền Đông U-crai-na là Đô-nhét-xcơ (Donetsk) và Lu-gan-xcơ (Lugansk).
Hơn 700 triệu phụ nữ trên thế giới là nạn nhân của bạo lực gia đình
Ngày 14-5-2014, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo nhan đề Tiếng nói và Năng lực, theo đó hơn 700 triệu phụ nữ trên toàn thế giới là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình, phần lớn trong số họ hầu như không có khả năng bảo vệ. Theo báo cáo, tình hình nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực Nam Á và châu Phi với hơn 40% phụ nữ từng là nạn nhân của hành động bạo lực gia đình.
Báo cáo cũng miêu tả nhiều cách mà theo đó phụ nữ trên toàn thế giới bị phủ nhận “năng lực”. Ngoài tình trạng bị bạo hành trong gia đình, phụ nữ còn ít có cơ hội sở hữu đất đai; ở một vài quốc gia phụ nữ còn không thể ra khỏi nhà nếu không được phép. Báo cáo cũng cho biết ảnh hưởng của việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên - cũng là một hình thức gây ra sự hạn chế năng lực của phụ nữ - đang ngày càng nghiêm trọng. Khoảng 20% số trẻ em gái tại các nước đang phát triển mang thai trước 18 tuổi. Báo cáo nhấn mạnh tăng cường tiếng nói của phụ nữ cũng như năng lực của họ có thể mang lại những lợi ích to lớn cho chính phụ nữ cũng như cho gia đình họ, cộng đồng và xã hội.
ASEAN họp báo về thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 24
Ngày 16-5-2014, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức họp báo tại trụ sở ở Gia-các-ta, tổng kết các kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra ở Thủ đô Nây Pi-tô (Nay Pyi Taw) của Mi-an-ma trong hai ngày 10 và 11-5-2014. Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh thông báo những nội dung được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua tại Hội nghị cấp cao lần này, trong đó có việc tập trung thực hiện đúng thời hạn Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; củng cố các thiết chế ASEAN và xem xét định hướng chiến lược cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; cũng như các biện pháp thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Trả lời phỏng vấn báo giới và các đoàn ngoại giao về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu quân sự, cố tình có những hành động khiêu khích các tàu công vụ của Việt Nam đang chấp pháp tại vùng biển Việt Nam, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết, lần đầu tiên sau 20 năm, ASEAN đã đưa ra một Tuyên bố chung các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông là vấn đề chung của ASEAN và ASEAN mong muốn giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ tại đây thông qua đàm phán hòa bình, không đe dọa sử dụng và không sử dụng vũ lực, giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), theo các nguyên tắc như Tuyên bố chung 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập đến trong tuyên bố Nay Pi-tô và Tuyên bố Chủ tịch cấp cao ASEAN lần thứ 24.
Các Hội nghị APEC tại Trung Quốc
Ngày 18-5-2014, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 (MRT- 20) bế mạc tại thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc). Tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị, ông Cao Hổ Thành, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết, Hội nghị đã quyết định và thông qua Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Thương mại APEC ủng hộ tiến trình đàm phán thương mại đa phương; thống nhất việc xây dựng lộ trình tiến tới hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương; đồng ý xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về các hiệp định thương mại tự do và xây dựng kế hoạch kết nối giữa các thành viên trong khu vực; ủng hộ việc mở rộng hợp tác tài chính và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong khu vực.
Trước đó, cũng tại Thanh Đảo đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao các ngành nông nghiệp và công nghiệp APEC. Tại Hội nghị, các quan chức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển sáng kiến an ninh lương thực nhằm bắt kịp các điều kiện đang thay đổi trong khu vực cũng như toàn cầu, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực trong dài hạn, và bảo đảm tiếp cận các nguồn cung thực phẩm an toàn, chất lượng cao trên khắp châu Á - Thái Bình Dương - khu vực thị trường nông nghiệp lớn nhất thế giới./.
Đồng chí Đào Duy Tùng - con người của đổi mới  (21/05/2014)
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ra Tuyên bố chung  (20/05/2014)
Việt Nam kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển  (20/05/2014)
Chính phủ báo cáo Quốc hội về vụ giàn khoan Hải Dương-981  (20/05/2014)
Việt Nam có thể khiếu nại, khởi kiện hành vi của Trung Quốc  (20/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển