TCCSĐT - Ngay trước thềm cuộc bầu cử Hội đồng các cấp chính quyền địa phương tại I-rắc ngày 20-4 vừa qua đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công, giết hại gần 20 ứng cử viên. Trước đó, nhân kỷ niệm 10 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến tại nước này, hàng loạt vụ đánh bom cũng đã xảy ra làm gần 300 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Chỉ từng đó đã có thể thấy, xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” hiện vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy xung đột chính trị - tôn giáo, kinh tế sa sút, an ninh và các vấn đề xã hội vô cùng khó khăn.

Sai lầm không thể sửa của Oa-sinh-tơn

Dưới thời của Tổng thống G.W. Bu-sơ (George Walker Bush, 2000-2008), các nhà chiến lược Mỹ đã chủ trương tiêu diệt chế độ độc tài của Tổng thống Xát-đam Hút-xen (Saddam Hussein), biến đất nước I-rắc giàu tài nguyên thiên nhiên thành một đồng minh chiến lược, trung thành, vững chắc của Mỹ ở khu vực, để từ đó Oa-sinh-tơn có thể kiểm soát, chỉ huy toàn bộ khu vực Trung Đông và thao túng các vùng lân cận. Đặc biệt là kiềm chế I-ran, một quốc gia Hồi giáo bị các nhà cầm quyền Mỹ liệt vào “trục ma quỷ” đối lập với lợi ích của họ.

Thực hiện âm mưu đó, ngày 20-3-2003 Oa-sinh-tơn đã viện ra “cái cớ” Chính quyền của Tổng thống Xát-đam Hút-xen sở hữu nhiều “vũ khí hủy diệt hàng loạt” (WMD), Mỹ đã “vượt mặt” Liên hợp quốc, bất chấp dư luận của toàn thế giới, đơn phương phát động một cuộc chiến tranh đánh phá I-rắc. Mục đích cuộc chiến mà Chính quyền Mỹ đưa ra là “truy tìm và thủ tiêu vũ khí hủy diệt của I-rắc”, là “đem lại một kỷ nguyên dân chủ, tự do” cho quốc gia được coi là “trái tim” của vùng Trung Đông này. Thế nhưng, suốt từ đó đến nay, Mỹ vẫn không thể tìm được “bằng chứng vũ khí giết người hàng loạt” ở I-rắc. Mỹ chỉ lật đổ được chế độ của Tổng thống Xát-đam Hút-xen.

Sau 10 năm trôi qua, bức tranh của xứ sở thơ mộng “Nghìn lẻ một đêm” vẫn bao phủ một gam màu xám ngắt, cả về chính trị, kinh tế, an ninh, cũng như các vấn đề xã hội. Hơn nửa triệu người I-rắc đã thiệt mạng và hàng triệu người khác phải chịu thương tật suốt đời; hơn 2 triệu người phải ly hương, biệt xứ, chạy sang các nước láng giềng. Còn người dân Mỹ và các nước đồng minh cũng phải chi cho cuộc chiến tranh này khoảng 6.000 - 7.000 tỷ USD, nghĩa là bằng gần nửa GDP của cả nước Mỹ làm ra trong một năm; 150.000 quân nhân Mỹ bị ném vào chiến trận, trong đó gần 5.000 người tử trận và hơn 32.000 người bị thương. Đau sót hơn nữa, hàng nghìn binh sĩ Mỹ tham gia cuộc chiến này hiện vẫn đang trong tâm trạng hoảng loạn, trong số đó hàng ngày vẫn có các vụ tự tử xảy ra. Đó là chưa nói đến trong vòng 40 năm tới Mỹ sẽ còn phải chi thêm ít nhất 50 tỷ USD để chăm sóc sức khỏe và bồi thường những tổn thất về tinh thần cho những cựu quân nhân trở về từ cuộc chiến tranh I-rắc (nghĩa là xã hội Mỹ phải chăm sóc cho thương bệnh binh và gia đình những người tử trận đến cuối đời).

Vào dịp kỷ niệm 10 năm bắt đầu cuộc chiến, ngày 24-3-2013, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) đã tới I-rắc trong chuyến thăm không báo trước, nhằm hối thúc giới lãnh đạo nước này tìm cách vượt qua những bất đồng sắc tộc đang đe dọa sự bình ổn, hối thúc Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki (Nuri al-Maliki) và các quan chức cấp cao nước này thực hiện cải cách dân chủ. Đồng thời thúc đẩy sự hợp tác của Bát-đa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy-ri, cũng như thúc giục I-rắc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn máy bay I-ran vận chuyển vũ khí cho Chính phủ Xy-ri qua không phận I-rắc và không tiếp tay cho Tê-hê-ran trên mọi phương diện.

Cuộc chiến lật đổ cựu Tổng thống Xát-đam Hút-xen của Mỹ đã tạo ra một hệ lụy lớn và rất bất ngờ đối với Mỹ, là làm cho I-rắc từ một quốc gia Hồi giáo dòng Sun-ni trở thành quốc gia Hồi giáo dòng Si-ai. Vì thế, ngày nay, Chính phủ I-rắc đang đi dần vào quỹ đạo của Tê-hê-ran, do có sự tương đồng về ý thức hệ dòng Si-ai. I-ran đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tới I-rắc, đặc biệt trong quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư hai chiều giữa hai nước đã lên đến 8 tỷ USD/năm.

Từ giữa tháng 12-2011, khi Mỹ rút khỏi cuộc chiến, ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn đối với I-rắc ngày càng giảm sút rõ rệt. Trên một số lĩnh vực quan trọng như vấn đề hạt nhân của I-ran, vấn đề chiến tranh ở Xy-ri..., I-rắc không còn tuân theo ý muốn và sự chỉ đạo của Mỹ. Báo chí phương Tây cho rằng, một mặt I-rắc đang giúp đỡ I-ran trốn tránh sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế, trở thành kênh lưu thông lớn về thương mại và tuồn nguồn vốn vào cho I-ran. Mặt khác, I-rắc lại ngấm ngầm cho phép I-ran mượn đường không để cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Xy-ri. Tuy chính quyền I-rắc phủ nhận sự cáo buộc của báo chí phương Tây, nhưng sự thật là gần đây chính quyền I-rắc đã không ngừng đẩy mạnh và tăng cường các quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự với I-ran. Trong nhiều lần biểu quyết các nghị quyết của Liên minh các quốc gia A-rập trừng phạt Xy-ri, I-rắc luôn là một trong những nước bỏ phiếu chống.

Lập trường của I-rắc đã nói lên rằng, ảnh hưởng của Mỹ đối với chính quyền I-rắc là có hạn. Chính phủ I-rắc mà “hạt nhân lãnh đạo chính trị” là dòng Hồi giáo Si-ai do Thủ tướng An Ma-li-ki đứng đầu đã ngày càng tỏ rõ tính độc lập cao. Họ lấy việc bảo vệ lợi ích của I-rắc là nhiệm vụ chính và đầu tiên chứ không phải là lợi ích của Oa-sinh-tơn như trước. Một trong những hệ lụy lớn nhất do Mỹ lật đổ Chính quyền Xát-đam Hút-xen, chính là họ đã phá vỡ một lực lượng quan trọng - lực lượng dòng Sun-ni, một lực lượng được xem la đối trọng cân bằng với dòng Si-ai ở I-ran.

Bạo lực vẫn tiếp diễn

Cuộc chiến I-rắc không những chỉ lật đổ sự thống trị của Chính quyền cựu Tổng thống Xát-đam Hút-xen, mà còn phá hủy luôn cả hệ thống pháp luật và trật tự của quốc gia này. Mâu thuẫn giai cấp, tôn giáo và dân tộc cũng từ đó phát triển. Đến nay, nguy cơ đe dọa chính trị và xã hội I-rắc vẫn như một đám mây đen khổng lồ bao trùm lên xứ sở “Nghìn lẻ một đêm”. Đó là ba “căn bệnh nan y” ngày càng ngấm sâu, lan rộng và hủy hoại đất nước gồm: tai họa chính trị tiềm ẩn; an ninh xã hội gay gắt; công cuộc tái thiết đất nước chậm chạp. Một số bộ trưởng theo dòng Hồi giáo Sun-ni đã không hài lòng với Chính phủ do dòng Si-ai lãnh đạo. Họ cho rằng Chính phủ đối xử không công bằng với người Hồi giáo dòng Sun-ni. Họ đã tẩy chay tham gia nhiều Hội nghị của Nội các. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Ra-pha An Ét-xa-uy (Rafa al-Essawi) và Bộ trưởng Nông nghiệp Ê-de-đin An Đao-la (Ezzedine al-Dawla) người Hồi giáo dòng Sun-ni đã xin từ chức.
 
Đất nước I-rắc hiện nay vẫn chìm trong bạo lực đẫm máu. Sự xung đột giữa hai dòng Hồi giáo Sun-ni và Si-ai ngày càng trở nên gay gắt. Một số tổ chức vũ trang cực đoan đã nhân đà này để “tát nước theo mưa”. Mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa (al-Qaeda) cũng lợi dụng tình thế “mượn gió bẻ măng” càng làm rối tung nền an ninh vốn đã như "tơ vò" của đất nước. Ngoài ra, cuộc nội chiến kinh hoàng ở Xy-ri cũng đã lan sang cả I-rắc... Điều đó cho thấy, cục diện an ninh ở I-rắc vẫn còn rất mù mịt.

Vấn đề đóng quân và phân chia lợi ích từ tài nguyên dầu khí giữa Chính phủ và Khu tự trị người Cuốc ở phía Bắc luôn trong tình trạng lục đục, bất bình. Giữa ba thế lực chính trị lớn nhất ở I-rắc là các dòng Si-ai, Sun-ni và người Cuốc, cũng thiếu sự khoan dung và đồng thuận. Cuộc tranh giành quyền bính và lợi ích giữa họ là lực cản lớn nhất cho sự phát triển và là nguyên nhân chính tạo nên cục diện căng thẳng hiện nay, khiến cho viễn cảnh của I-rắc vẫn chỉ là những câu hỏi còn đầy biến số.

Điều mà cả dư luận thế giới quan ngại nhất hiện nay là những vụ đánh bom khủng bố lẫn nhau thường xuyên xảy ra giữa hai dòng Hồi giáo Sun-ni và Si-ai, về tình trạng biểu tình kéo dài ở các tỉnh có đông người Sun-ni tạo điều kiện cho các nhóm vũ trang, kể cả những phần tử khủng bố An Kê-đa trỗi dậy hoạt động. Cho đến nay, I-rắc vẫn bị coi là một trong những chiến trường đẫm máu nhất thế giới. Báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 21-3 vừa qua về tình hình I-rắc cho biết, từ tháng 11-2012 đến tháng 2-2013, các vụ tấn công, đánh bom khủng bố tại nước này đã cướp đi sinh mạng của 1.300 người và làm hơn 3.000 người khác bị thương. Báo cáo cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình bất ổn này đang leo thang trong thời gian chuẩn bị cuộc bầu cử Hội đồng các cấp chính quyền địa phương vào ngày Thứ Bảy (20-4 mới đây).

Mặc dù gần đây, lượng xuất khẩu dầu lửa của I-rắc đã tăng trở lại, thu nhập tài chính cũng từng bước nâng lên, song vì lý do cát cứ chính trị, có sự phân chia khu vực giữa các tộc người Hồi giáo Sun-ni, Si-ai và người Cuốc, khiến cho hiệu quả kinh tế thấp. Thêm vào đó là tình trạng tham nhũng, hủ bại trong lối sống và phong cách làm việc của các tầng lớp quan chức từ trung ương tới địa phương, môi trường đầu tư không lành mạnh, thiếu minh bạch… Tất cả đã làm cho tiến trình tái thiết đất nước không được như mong muốn, công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao. Đây chính là những nguyên nhân làm cho tình hình chính trị và xã hội I-rắc chưa thể ổn định, vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy bất ổn, bạo lực, tranh giành ảnh hưởng, quyền và lợi./.