Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu lung lay?
Thực trạng hiện nay
Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, trong quý I năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2011, GDP tăng 9,2%, trong khi đó năm 2010 tăng 10,4%. Như vậy, đã hơn 2 năm liên tục, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống rõ rệt. Chính vì vậy, cuối tháng 3-2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải dè dặt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2012 xuống còn 7,5%.
Các quan chức cấp cao Trung Quốc vẫn thường cảnh báo rằng, suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Với mức tăng trưởng GDP giảm xuống dưới 8% lần đầu tiên sau nhiều năm, cơ cấu xã hội của Trung Quốc đang trong trạng thái “căng như dây đàn”, nhất là khi hàng triệu lao động nhập cư đang đứng trước nguy cơ mất việc. Trả lời phỏng vấn tờ “Bloomberg Businessweek”, ông Lu Ting, nhà kinh tế hàng đầu chi nhánh Ngân hàng Mỹ tại Hong Kong, cho rằng: “Sự bất mãn của lực lượng lao động này sẽ là hiểm họa tiềm tàng gây thiệt hại cho Trung Quốc”.
Gói kích cầu lên tới 586 tỉ USD giúp Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, nhưng điều đó đã trở thành gánh nặng đối với chính quyền các địa phương, bởi giờ đây họ phải tìm mọi cách để trả nợ. Rõ ràng, biện pháp tốt nhất và nhanh nhất là phải “thắt lưng buộc bụng”, siết chặt các khoản chi công. Những đoàn xe bóng loáng mà các quan chức địa phương thi nhau mua sắm trong những năm kinh tế bùng nổ trước đây, thì chỉ trong một thời gian ngắn có tới 80% trong số đó đã bị đưa ra bán đấu giá (chỉ tính riêng thành phố Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, đã lên tới 1.300 chiếc). Nhiều thứ tài sản công quý giá khác cũng bị giảm bớt, trong đó, ngay cả những tòa nhà lộng lẫy của Chính phủ cũng được tính toán, thu hẹp lại, phần dôi ra đem bán đấu giá, hoặc cho các doanh nghiệp thuê lại.
Những người Trung Quốc giàu có, trong nhiều năm nay thường sống trong các biệt thự sang trọng, ăn uống “của ngon vật lạ”, dùng hàng xa xỉ, góp phần không nhỏ thúc đẩy sản xuất, làm tăng mạnh GDP. Từ cuối năm 2011, họ bắt đầu chuyển sang đầu tư vào những tài sản có tính hoán đổi, chẳng hạn như ngoại tệ, các thứ kim loại và đá quý, thay vì đầu tư vào bất động sản trong nước. Một số khá lớn các tỉ phú lo ngại tình hình chính trị - xã hội trong nước bất ổn định, đã nghĩ đến việc rời bỏ đất nước, không ít người mua nhà tại Mỹ và các nước phương Tây.
Trung Quốc nằm ở khu vực thời tiết khắc nghiệt, mùa đông giá lạnh không kém vùng Siberia nước Nga, mùa hè nhiều vùng nóng bức không thua kém nước ta hay Ấn Độ. Xa xưa, dân nghèo thành thị hay nông dân lấy đâu quạt máy, máy điều hòa và càng không thể có máy điều hòa hai chiều. Ngày nay, những đồ điện gia dụng này đã trở thành khá phổ biến ở các thành phố, thị trấn, và thậm chí cả ở nông thôn một số vùng duyên hải. Mấy năm trước, khi kinh tế đất nước tăng tốc phồn vinh, nhiều năm liên tục tăng trưởng đạt mức GDP 11-12%, người dân có thể tương đối thoải mái tiêu dùng điện, nhưng nay, bắt buộc phải tiết kiệm. Nhiều núi than tại các mỏ trước đây được dùng cho các nhà máy nhiệt điện, thì nay buộc phải chuyên chở ra hải cảng, để xuất khẩu lấy tiền đầu tư vào những việc khác.
Gần đây, Tạp chí “Chính sách đối ngoại” của Trung Quốc kết luận: Với những dấu hiệu suy giảm, có thể thấy nền móng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu lung lay! Dư luận quốc tế cũng cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã chững lại, nếu không muốn nói là đang lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Những rào cản khó vượt qua
Tờ báo điện tử “Project syndicate” của Canada cho rằng, sự suy giảm kinh tế hiện nay của Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: sự biến động tài chính tại châu Âu, sự phục hồi còn khá phập phù, thiếu bền vững của nền kinh tế Mỹ và sự tăng trưởng đầu tư trong nước yếu ớt… Do xuất khẩu và đầu tư chiếm tới 30% và 40% GDP của Trung Quốc, nên nền kinh tế của nước này rất dễ bị tổn thương, nhất là khi nhu cầu bên ngoài suy yếu và việc tích tụ các khoản vay không hoạt động do sự chi tiêu quá mức và hoang phí vào tài sản cố định.
Quốc hội Trung Quốc khóa XI đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) về phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này theo con đường phát triển xanh hơn, minh bạch và công bằng hơn. Theo kế hoạch này, Trung Quốc cam kết sẽ tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế và nhà ở công cộng, thúc đẩy những sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo ra 45 triệu việc làm ở đô thị trong vòng 5 năm tới, giảm số người sống dưới mức nghèo, tăng thu nhập, tăng lương tối thiểu và lương hưu cơ bản, nâng ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, sự dễ tổn thương của nền kinh tế Trung Quốc trước các yếu tố nêu trên chỉ là triệu chứng của những vấn đề về thể chế sâu sắc hơn. Nếu những điểm hạn chế rất cơ bản đó không được giải quyết kịp thời, thì việc nói về mô hình tăng trưởng mới, dựa trên nền tảng tiêu dùng nội địa, mà Chính phủ đưa ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, sẽ khó thực hiện được. Các đối tác thương mại lớn, các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các quan chức cấp cao Trung Quốc lâu nay đều thừa nhận sự dễ tổn thương cơ cấu do đầu tư quá mức và tiêu dùng của các hộ gia đình thấp. Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã bị dư luận thế giới thúc giục tiến hành cải cách để giải quyết những vấn đề nêu trên, vốn đang làm giảm phúc lợi của người dân Trung Quốc và gây khó khăn cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Đặc điểm nổi bật nhất của sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Người dân Trung Quốc có mức thu nhập trung bình, sức mua rất thấp. Bao nhiêu hàng hóa mà họ tạo ra, chủ yếu để xuất khẩu. Hàng hóa Trung Quốc tiếp cận gần như không hạn chế thị trường các nước phát triển. Bởi thế, Trung Quốc có thể khai thác nhu cầu trên toàn thế giới để tăng tiềm năng tăng trưởng GDP, như họ đã làm trong hai thập kỷ qua. Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia kinh tế, một giải pháp khá đơn giản hiện nay là Trung Quốc có thể điều chỉnh dần sự mất cân bằng đó bằng cách tăng thu nhập cho người dân, chẳng hạn như giảm thuế, tăng lương hoặc tăng chi tiêu xã hội, để họ có khả năng tiêu dùng nhiều hơn, như vậy sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu.
Mặt khác, nạn tham nhũng còn nặng nề, quyền sở hữu chưa được bảo đảm, kỷ luật thanh toán yếu kém, các hệ thống phân phối và hậu cần nghèo nàn, nạn làm hàng giả tràn lan, vẫn còn tồn tại các hình thức đánh cắp sở hữu trí tuệ... cũng là những rào cản lớn, làm tăng chi phí giao dịch và khiến các doanh nghiệp khó phát triển mạnh tại thị trường trong nước.
Để được hưởng chi phí giao dịch thấp như khi xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Trung Quốc cần môi trường kinh doanh tốt hơn, nghĩa là phải có một hệ thống pháp lý hiệu quả, một hệ thống quy định lành mạnh, một chính phủ bảo vệ các thương hiệu của mình bằng cách chống lại việc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, các mạng lưới phân phối và hậu cần độc lập và một đội ngũ công chức không tham nhũng. Trung Quốc không thể nhanh chóng tạo ra được một môi trường như vậy. Đương nhiên, nó đòi hỏi phải có thời gian, phải vạch ra được một lộ trình cùng các biện pháp thực hiện và giám sát thực hiện hợp lý, hữu hiệu. Về bản chất, Chính phủ Trung Quốc phải đối xử với các doanh nghiệp tư nhân như những người tạo ra của cải vật chất, chứ không phải là mục tiêu để “bóc lột”.
Tham vọng biến đổi thế giới
Từ nhiều thập kỷ nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn mong muốn Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất, mạnh nhất trên hành tinh, để từ đó có thể làm biến đổi cả thế giới. Muốn hiện thực tham vọng đó, Trung Quốc đang tìm mọi cách tiếp cận tất cả các nguồn tài nguyên lớn trên thế giới và sẵn sàng can dự vào những thông lệ ngầm trên quy mô lớn. Điều đó buộc các nước phải suy ngẫm và tính toán lại về cách thức quản lý an ninh và quyền sở hữu trí tuệ.
Bằng những yếu tố đòn bẩy và phương thức đặc sắc, Trung Quốc đang tác động mạnh đến kinh tế, chính trị và văn hóa toàn cầu.
Trung Quốc đang chiếm tới 97% sản lượng của 17 loại kim loại đất hiếm của thế giới và đang hạn chế xuất khẩu bằng cách tăng thuế và giảm hạn ngạch xuất khẩu. Sự hạn chế của Trung Quốc khiến giá các kim loại này tăng cao. Trước đây, các nguyên tố này chỉ được sử dụng cho những ứng dụng “bí truyền”, như chất siêu bán dẫn, lade hoặc các thiết bị hạt nhân, nhưng trong những năm gần đây, chúng được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn, nhất là trong các màn hình màu siêu mỏng và thẻ nhớ máy tính. Từ năm 1984, Trung Quốc là nhà cung cấp các nguyên tố đất hiếm lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc quyết định hạn chế xuất khẩu các kim loại đất hiếm, chứ không hạn chế những sản phẩm có chứa các kim loại này, là một động thái để buộc các công ty chế tạo đồ điện tử phải chuyển các nhà máy của họ sang hoạt động tại Trung Quốc.
Cuối năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc công bố một báo cáo, trong đó cho biết, tại nước họ đã phát hiện ít nhất 20 địa điểm có “khí đốt đá phiến”, mỗi địa điểm có khả năng sản xuất ít nhất 10.000 m3/ngày. Trung Quốc hiện được đánh giá có trữ lượng khí đốt đá phiến khoảng 1.300 nghìn tỉ feet khối, cao nhất thế giới, so với 827 nghìn tỉ feet khối của Mỹ. Đây là một nhân tố có thể làm thay đổi “cuộc chơi”. Chẳng hạn, Canada “không cần” xây dựng đường ống dẫn khí đốt (xuất khẩu) sang Trung Quốc.
Các trung tâm chủ chốt và quan trọng nhất của ngành sản xuất ô tô ở Mỹ đang chuyển dần sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Doanh số bán ô tô hằng năm tại đất nước gần 1,4 tỉ dân này dự kiến sẽ tăng 74% (hơn 30,6 triệu xe/năm) vào năm 2020. Hiện Mỹ đã phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Trung Quốc áp thuế hơn 3 tỉ USD đối với các loại ô tô được sản xuất tại Mỹ. Trung Quốc áp thuế nhập khẩu cao như vậy là để bảo vệ các hãng sản xuất ô tô tại Trung Quốc. Điều đó sẽ thu được lợi kép - có công nghiệp ô tô tiên tiến, hiện đại, người dân lại được mua với giá rẻ hơn, trong khi Chính phủ cũng thu được khoản thuế lớn hơn. Ngược lại, điều đó sẽ gây khó khăn cực kỳ nghiêm trọng đối với ngành ô tô Mỹ đang phục hồi.
Số dân khổng lồ của Trung Quốc (chưa kể khoảng 400 triệu người Hoa sống ở các nước trên thế giới) đang sử dụng những thức ăn và cách nấu ăn đặc sắc của dân tộc này. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức sản xuất và định giá nông sản trên toàn thế giới. Hiện Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, trở thành quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Trong 5 thập kỷ qua, mức tiêu thụ thịt của Trung Quốc đã tăng từ 8 triệu tấn/năm lên 71 triệu tấn/năm, gấp đôi mức của Mỹ. Do vậy, các xu hướng nông nghiệp trên toàn cầu sẽ bị những đặc tính tiêu thụ của Trung Quốc tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trung Quốc đang gấp rút thực hiện những biện pháp cạnh tranh quyết liệt nhằm đưa đồng nhân dân tệ (NDT) của mình thành đồng tiền chuyển đổi vào năm 2015. Nếu làm được điều đó, NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ của nhiều nước, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đồng USD của Mỹ trên lĩnh vực thương mại và việc định giá các sản phẩm, cũng như các mặt hàng đang trao đổi trên toàn cầu. Điều này cũng sẽ cho phép Trung Quốc đi vay với lãi suất thấp hơn.
Những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú ý tới các hoạt động gián điệp không gian mạng. Các công ty như Huwaei Technology, ZTE Corp của Trung Quốc có khả năng truy cập từ xa công nghệ liên lạc được bán cho Mỹ và các nước phương Tây khác. Khả năng điện tử “ngầm” có thể cho phép Trung Quốc truy cập những thông tin lưu thông qua các mạng lưới viễn thông, hoặc phá hủy những thiết bị điện tử.
Điểm lại đôi nét tình hình thực tại, những thuận lợi và khó khăn, rào cản, cũng như tương lai phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc sau một thời gian phát triển quá nóng, bên cạnh những mảng sáng, để lại không ít lỗ hổng, cần sớm khắc phục, mới có thể tiếp tục phát triển bền vững./.
Tăng cường giáo dục thể chất để hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh trong học sinh  (07/08/2012)
Tổng Bí thư tiếp Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên  (06/08/2012)
Thúc đẩy hợp tác giữa các ủy ban quốc hội Việt-Mỹ  (06/08/2012)
Tổng Bí thư tiếp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào  (06/08/2012)
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc  (06/08/2012)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên