Thực hiện liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp
TCCS - Vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học đang là vấn đề khá nhức nhối tại Việt Nam hiện nay với những biểu hiện đa dạng khác nhau. Việc tìm kiếm và áp dụng những giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhằm bảo đảm sự nghiêm minh, trong sáng và công bằng cho khoa học.
Vài nét về liêm chính học thuật và liêm chính trong nghiên cứu khoa học
Liêm chính trong nghiên cứu khoa học là một trong những nội dung cơ bản của liêm chính học thuật, với giá trị cốt lõi là sự trung thực, ngay thẳng trong các hoạt động học thuật, như nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập... đã được đem ra thảo luận từ rất lâu trên thế giới. Thuật ngữ liêm chính học thuật (academic integrity) được cho là do cố giáo sư Đô-nan Mắc Ca-bê (Donald McCabe) của Trường Đại học Kinh doanh Rutgers khởi xướng lần đầu tiên trong một báo cáo khảo sát với tiêu đề “Gian lận trong các tổ chức học thuật: Một thập kỷ nghiên cứu” (Cheating in the Academic Institutions: A Decade of Research) đăng tải trên Tạp chí Ethics & Behaviors vào năm 2001(1). Cho đến nay, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu khác xoay quanh vấn đề liêm chính học thuật đã được nghiên cứu và công bố.
Mặc dù liêm chính (integrity) và học thuật (academic) được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung, liêm chính học thuật có thể hiểu là sự ngay thẳng, trung thực, có trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy... “Liêm chính học thuật là cách hành xử ngay thẳng và trong sạch trong hoạt động học thuật, gồm các hoạt động liên quan đến học tập, giảng dạy, nghiên cứu, cũng như các hoạt động sáng tác, sáng tạo khác”(2). Đây có thể coi là một trong những định nghĩa tương đối đầy đủ, bao quát nội hàm của thuật ngữ liêm chính học thuật.
Liêm chính trong nghiên cứu khoa học là một trong những nội dung cơ bản của liêm chính học thuật nói chung. Tiến sĩ An Ni-côn Ka-sê-bôn (Ann Nichols-Casebolts), Phó Chủ tịch phụ trách phát triển nghiên cứu tại Văn phòng Nghiên cứu và Đổi mới của Đại học Virginia Commonwealth (nằm trong tốp 100 trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ) cho rằng: “liêm chính trong nghiên cứu nghĩa là cam kết cá nhân (của nhà nghiên cứu) hướng đến các tiêu chuẩn thật thà về kiến thức và trách nhiệm cá nhân hàm chứa các tiêu chuẩn về tính tin cậy và hợp pháp”(3). Nhìn chung, liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở đây có thể hiểu là sự ngay thẳng, trung thực và có trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học.
Từ cách hiểu như vậy, có thể khẳng định liêm chính là một phẩm chất đạo đức vô cùng quan trọng và cần thiết trong nghiên cứu khoa học nói riêng và trong các hoạt động học thuật nói chung (nghiên cứu, giảng dạy, học tập...). Theo tiến sĩ Mai-cơn Pô-sen (Michael B. Paulsen) - giáo sư danh dự về giáo dục đại học và sinh viên tại Đại học Iowa (Mỹ), “tính trung thực là nền tảng căn bản của niềm tin công chúng vào toàn bộ hệ thống nghiên cứu học thuật,... là cơ sở để tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, cũng như để sử dụng các kết quả nghiên cứu trong việc ra quyết định”(4).
Khoa học chân chính sẽ không thể phát triển nếu bản thân các nhà nghiên cứu không trung thực, ngay thẳng và có trách nhiệm đối với những nghiên cứu của mình. Trung thực, ngay thẳng trong nghiên cứu là những giá trị nền tảng để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có thể tìm tòi, khám phá ra những tri thức mới phục vụ cho sự phát triển và tiến bộ của nhân loại nói chung. Nếu thiếu đi những phẩm chất này, nghiên cứu khoa học sẽ “giậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi khi nó chỉ dừng lại ở sự sao chép, “đạo văn”, “đạo ý tưởng”, bịa đặt... Đó cũng là những biểu hiện của sự vi phạm nghiêm trọng tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học nói riêng và liêm chính học thuật nói chung.
Một số biểu hiện vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay
Nói đến bảo đảm sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định, phần lớn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu luôn ý thức được sự cần thiết phải giữ gìn sự ngay thẳng, trung thực trong nghiên cứu khoa học để thúc đẩy khoa học phát triển, tiến tới xây dựng một nền khoa học chân chính. Chính vì thế, đa phần các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam cũng luôn bảo đảm tính trung thực, rõ ràng trên mọi góc độ nghiên cứu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thời gian vừa qua, cũng không ít những nhà nghiên cứu, nhà khoa học có các biểu hiện vi phạm nghiêm trọng liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Những biểu hiện vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học vô cùng đa dạng, trong đó phải kể đến các biểu hiện, như đạo văn và bịa đặt trong nghiên cứu.
Đạo văn có thể hiểu là mọi hành vi sao chép ý tưởng, ngôn ngữ, cách diễn đạt của người khác (không đề trích dẫn) và xem đó là do mình tự tạo ra, là kết quả nghiên cứu của mình đều được xem là “đạo văn”. Đạo văn là hành vi thiếu trung thực nghiêm trọng về mặt học thuật trong nghiên cứu khoa học.
Đạo văn đang là một vấn nạn trong nghiên cứu khoa học tại nước ta hiện nay. Có thể dễ dàng tìm thấy những biểu hiện “đạo văn” tràn lan trong nhiều công trình nghiên cứu, như khóa luận, luận văn, luận án của nhiều sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo trên cả nước. Luận văn của học viên này giống luận văn của học viên kia tương đối nhiều. Một số luận văn chép lại nhiều trang của một số bài đăng trên tạp chí chuyên ngành mà không ghi trích dẫn, thậm chí có một số trường hợp luận văn hay luận án được sao chép hoàn toàn từ công trình nghiên cứu của người khác.
Trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, như các bài đăng trên tạp chí, các cuốn sách chuyên ngành, việc “đạo văn” cũng không hiếm. Trong bài viết “Một bản đồ đạo văn khoa học vòng quanh thế giới” được công bố vào năm 2014 trên tờ Fastcompany đã đưa ra một bản đồ thể hiện tần suất đạo văn của các nước trên thế giới qua khảo sát của Science từ những bài công bố quốc tế nộp qua cổng arXiv.org. Trong bản đồ này, việc Việt Nam được tô mầu đỏ đậm thể hiện tần suất đạo văn của các tác giả Việt Nam là khoảng 15% - mức độ khá cao (cao nhất là 20%). Con số này cho thấy nước ta đang là một trong những điểm nóng về tình trạng “đạo văn” so với các nước khác trên thế giới(5).
Có thể khẳng định, trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học luôn phải có sự kế thừa lẫn nhau bởi không một quan điểm, tư tưởng, giả thuyết nào lại xuất hiện trên một “mảnh đất trống không” mà không có sự kế thừa những công trình nghiên cứu của những người đi trước trong từng lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên, phải xác định rõ, kế thừa trong nghiên cứu hoàn toàn xa lạ với việc đạo văn. Nếu cho rằng, việc sao chép ý tưởng từ những công trình nghiên cứu của người khác mà không trích dẫn nguồn không được gọi là hành vi đạo văn mà đó chỉ là sự thiếu chuyên nghiệp trong trích dẫn, đó là sự ngụy biện cho thái độ thiếu trung thực và ngay thẳng trong nghiên cứu khoa học cũng như thái độ vô trách nhiệm đối với công trình nghiên cứu của chính bản thân mình.
Một công trình nghiên cứu khoa học có trích dẫn đầy đủ khi sử dụng ý tưởng hay nội dung nghiên cứu của người khác, trên cơ sở đó có sự phát triển theo những hướng nghiên cứu của riêng mình mới là sự nghiên cứu khoa học một cách chân chính.
Từ đây, có thể thấy, những nghiên cứu khoa học dẫn nguồn càng chi tiết, càng tỉ mỉ càng chứng tỏ sự ngay thẳng, trung thực của người làm công tác nghiên cứu. Đó cũng là thái độ thể hiện sự trân trọng thành quả mà những người đi trước đã tạo dựng nên.
Ngoài “đạo văn”, một biểu hiện nữa của vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học đó chính là việc “bịa đặt”. “Bịa đặt” trong nghiên cứu khoa học được xem là hành vi “làm giả, bóp méo hoặc bịa ra bất kỳ thông tin hoặc trích dẫn nào trong nghiên cứu khoa học để phục vụ cho mục đích hay ý muốn chủ quan nào đó của người nghiên cứu”. Quy định về liêm chính học thuật tại Trường Đại học Hoa Sen, Việt Nam xác định “bịa đặt” trong nghiên cứu khoa học nằm trong định nghĩa chung về “bịa đặt” trong học thuật, đó là: “hành vi cố ý làm sai lệch hoặc bịa ra bất kỳ thông tin hay trích dẫn nào trong bất kỳ hoạt động học thuật nào”, bao gồm ít nhất các biểu hiện cụ thể, như “sử dụng thông tin bịa đặt trong thí nghiệm, nghiên cứu, báo cáo thực tập hay các hoạt động học thuật khác; trích dẫn không đúng người sử dụng (ví dụ, trích dẫn thông tin từ một bài điểm sách nhưng trình bày như thể là thông tin lấy từ sách gốc)”(6). “Bịa đặt” trong nghiên cứu khoa học cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng tính liêm chính trong nghiên cứu bởi nó đi ngược lại với sự trung thực, ngay thẳng trong nghiên cứu khoa học.
Những nghiên cứu khoa học dựa trên những thông tin bị “Làm giả, bóp méo không dựa trên cơ sở sự thật sẽ vô cùng nguy hiểm khi nó đưa lại cho các độc giả cái nhìn không đúng đắn về một vấn đề gì đó, nhất là khi sự bịa đặt này lại phục vụ cho mục đích xấu của bản thân người nghiên cứu và lái dư luận đi theo hướng sai lệch mà người nghiên cứu đó mong muốn. Điều nguy hiểm là rất nhiều trong các con số mà tác giả lấy cắp có thể bị chỉnh sửa một cách tùy tiện, và nếu áp dụng kết quả nghiên cứu bịa đặt này vào thực tiễn thì nhiều nguy cơ sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường... Đặc biệt, đối với những nghiên cứu được kết luận dựa trên điều tra xã hội học làm cơ sở để hoạch định các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nếu xuất hiện yếu tố làm giả, hoặc bóp méo số liệu điều tra, từ đó đưa ra những kết luận sai lệch so với thực tế sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước sẽ khó có thể đi vào cuộc sống và được người dân đón nhận bởi nó không xuất phát từ thực tiễn và không phù hợp với thực tiễn...
Như vậy, có thể thấy, những biểu hiện vi phạm tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học, như “đạo văn”, “bịa đặt” gây ra những hậu quả rất lớn đối với việc phát triển nghiên cứu khoa học, cản trở khoa học phát triển, đi ngược lại mục đích khoa học, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đổi mới. Việc “đạo văn”, “bịa đặt” khiến phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ quẩn quanh tìm mọi cách biến công trình nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu của người khác thành của mình thay vì tập trung tìm những hướng đi mới, những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những biểu hiện vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học của một bộ phận các nhà khoa học Việt Nam thời gian vừa qua là do bản thân nhiều nhà khoa học Việt Nam chưa ý thức được sự cần thiết phải thực hiện liêm chính, tức là sự ngay thẳng, trung thực trong nghiên cứu khoa học để thúc đẩy khoa học chân chính phát triển. Nguyên nhân thứ hai, rất cơ bản là, cho đến nay chúng ta chưa xây dựng được một bộ quy chế với những quy định cụ thể về liêm chính học thuật nói chung, trong đó có quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học áp dụng chung cho giới nghiên cứu khoa học trong cả nước kèm theo những chế tài xử phạt. Vấn đề này mới được đề cập một cách chung chung tại một vài điều khoản trong các quy chế đào tạo thạc sĩ(7), tiến sĩ(8) của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo... Nguyên nhân thứ ba là, do sự bùng nổ của thông tin trên mạng in-tơ-nét tốc độ cao khiến cho người ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về bất kỳ một chủ đề nghiên cứu nào với vô số các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Những “chợ luận văn”, “chợ luận án” trôi nổi trên mạng chưa được kiểm soát chặt chẽ, tạo cơ hội cho những ai có ý định “đạo văn” có thể thực hiện rất thuận lợi. Thứ tư, phải khẳng định rằng, trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, “chìm đắm” trong biển tri thức đồ sộ của nhân loại, đối với người nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ để có thể tìm được hướng đi mới cho mình mà thiếu sự hướng dẫn, chỉ bảo của những người đi trước, giàu kinh nghiệm, là điều không đơn giản.
Một số giải pháp nâng cao tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay
Trước những biểu hiện vi phạm nghiêm trọng liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay, rất cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể là:
Thứ nhất, xây dựng các quy định chung về liêm chính học thuật, trong đó bao hàm những quy định về sự trung thực, ngay thẳng trong các hoạt động học thuật, như nghiên cứu, giảng dạy, học tập... đi kèm là những quy định hậu kiểm cùng những biện pháp xử lý vi phạm. Đây là giải pháp vô cùng cần thiết để xử lý tận gốc những hành vi vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học, như đạo văn, bịa đặt và cũng là sự cảnh tỉnh đối với người khác khi có ý định vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Mặt khác, ban hành một quy định cụ thể về liêm chính học thuật, trong đó có những quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học cũng là cách thức để nâng cao tính tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức, như sự ngay thẳng, trung thực của những người làm công tác nghiên cứu khoa học.
Thực tế, việc xây dựng một quy định chung về liêm chính học thuật, trong đó có những quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học không dễ dàng, bởi lẽ, xét về bản chất liêm chính (sự trung thực, ngay thẳng) là những yếu tố thuộc về phẩm chất đạo đức, mà đạo đức thì lại được thực hiện chủ yếu dựa trên sự tự nguyện, tự giác của từng cá nhân. Do đó, việc cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức này thành những quy định cụ thể đối với người nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học là tương đối khó khăn. Mặc dù vậy, đây là giải pháp không thể không triển khai trên thực tiễn bởi chừng nào liêm chính học thuật nói chung và liêm chính trong nghiên cứu khoa học nói riêng chưa được pháp điển hóa và phổ biến rộng rãi thì chừng ấy chúng ta chưa thể kiểm soát và xóa bỏ tình trạng đạo văn hay bịa đặt trong nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ để kiểm soát tình trạng đạo văn trong các công trình nghiên cứu khoa học, như luận văn, luận án, các bài đăng trên tạp chí, các cuốn sách chuyên ngành... Phần mềm kiểm soát “đạo văn” đã có và được nhiều trường đại học, nhiều nhà xuất bản, nhiều cơ quan báo chí... áp dụng để kiểm tra mức độ sao chép của các công trình khoa học trước khi đưa ra bảo vệ (đối với luận văn, luận án) hay cho xã hội hóa (đối với sách, các bài đăng tạp chí...). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần mềm kiểm soát tình trạng sao chép công trình của người khác mà không có trích dẫn vẫn còn nhiều thiếu sót và có những khoảng trống. Chẳng hạn, đa số phầm mềm hiện nay chỉ phát hiện ra những đoạn văn được sao chép y nguyên như bản gốc. Nếu chủ ý đảo từ hay thay đổi một vài câu chữ trong một đoạn văn, phầm mềm này sẽ không phát hiện ra. Như vậy, đối với những người chủ ý đạo văn, họ hoàn toàn có thể sử dụng những thủ thuật để qua mắt phần mềm kiểm soát đạo văn, chưa kể phần mềm này khó có thể phát hiện ra được việc đạo ý tưởng mà không trích nguồn. Chính vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống phầm mềm để kiểm soát mức độ đạo văn (sao chép, ăn cắp ý tưởng, ngôn ngữ, cách diễn đạt của người khác (không đề trích dẫn)) và áp dụng một cách phổ biến, rộng rãi đối với mọi nghiên cứu khoa học trước khi đưa ra công bố là giải pháp rất cần thiết để hạn chế những biểu hiện vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, kiểm soát thông tin trên mạng in-tơ-nét, chấm dứt tình trạng mua, bán luận văn, luận án một cách dễ dàng ở các “chợ luận văn”, “chợ luận án” trên mạng. Giải pháp này ở góc độ nào đó cũng sẽ hạn chế được sự sao chép, ăn cắp thành quả lao động, trí tuệ của người khác một cách quá dễ dàng.
Thứ tư, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học giữa thế hệ đi trước đối với những nhà nghiên cứu trẻ, nhất là khi họ còn đang trong giai đoạn đầu tìm con đường nghiên cứu khoa học chân chính cho bản thân mình./.
-----------------------------
(1) Donald L. McCabe, Linda Klebe, Kenneth D. Butterfield: “Cheating in Academic Institutions: A Decade of Research” (“Gian lận trong các tổ chức học thuật: Một thập kỷ nghiên cứu”), Ethics & Behaviors, 11(3), 219-232 Copyright © 2001, Lawrence Erlbaum Associates, Inc, theo https://www.researchgate.net/publication/228603457_
Cheating_in_Academic_Institutions_A_Decade_of_Researh
(2) Đại học Hoa Sen: Quy định về liêm chính học thuật (ban hành theo Quyết định số 1741/QĐ-BGH, ngày 28-10-2013, của Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen): Khoản 2, Điều 2, Chương I, theo http://www.sinhvien.hoasen.edu.vn/sites/default/files/2013/10/user30/quyet_dinh_1741
_ban_hanh_quy_dinh_ve_liem_chinh_hoc_thuat.pdf
(3) Ann Nichols-Casebolts: Research Integrity and Responsible Conduct of Research, Oxford University Press, 2012, tr. 2
(4) Michael B. Paulsen (ed): Higher Education: Handbook of Theory and Research, Vol 28, Springer 2013, tr. 217, theo http://biblioteca.ucv.cl/site/colecciones/
manuales_u/pga_160805.pdf
(5) Thu Quỳnh: Đạo đức học thuật trong khoa học xã hội và nhân văn và những khoảng trống, theo http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Dao-duc-hoc-thuat-trong-KHXHNV-va-nhung-khoang-trong-14104, cập nhật ngày 1-9-2019
(6) Đại học Hoa Sen: Quy định về liêm chính học thuật (ban hành theo Quyết định số 1741/QĐ-BGH, ngày 28-10-2013, của Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen), Khoản 4, Điều 4, Chương II, theo http://www.sinhvien.hoasen.edu.vn/sites/default/files
/2013/10/user30/quyet_dinh_1741_ban_hanh_quy_dinh_ve_liem_chinh_hoc_thuat.pdf
(7) Ví dụ, tại điểm d, khoản 2, điều 26, chương IV của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT, ngày 15-5-2014, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định: “Luận văn phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác hoặc của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ, rõ ràng tại vị trí trích dẫn và tại danh mục tài liệu tham khảo. Kết quả nghiên cứu trong luận văn phải là kết quả lao động của chính tác giả, chưa được người khác công bố trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào”, theo https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-15-2014-TT-BGDDT-Quy-che-Dao-tao-trinh-do-thac-si-229824.aspx
(8) Ví dụ, tại khoản 2, điều 15, chương V của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT, ngày 4-4-2017, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định, luận án tiến sĩ khi đưa ra đánh giá và bảo vệ phải: “Tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể: a) Trích dẫn đầy đủ và chỉ rõ nguồn tham khảo các kết quả nghiên cứu của các tác giả khác (nếu có); b) Trong trường hợp luận án sử dụng nội dung công trình khoa học của tập thể mà nghiên cứu sinh là đồng tác giả thì phải có văn bản đồng ý của các đồng tác giả khác cho phép nghiên cứu sinh được sử dụng kết quả của nhóm nghiên cứu; c) Tuân thủ các quy định khác của pháp luật sở hữu trí tuệ”, theo https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2017-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-338487.aspx
Về xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay  (13/11/2019)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên