Phát huy truyền thống vẻ vang, Tạp chí Cộng sản tiếp tục xứng đáng là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
TCCS - Theo nghị quyết của Hội nghị thành lập Đảng, ngày 5-8-1930, Tạp chí Đỏ đã xuất bản số đầu tiên. Trong Lời nói đầu của Tạp chí Đỏ số 1 chỉ rõ: “Tài liệu trong tạp chí: hoặc là cách làm việc, hoặc là kinh nghiệm cách mạng các nước, hoặc là tin tức thế giới, hoặc là phê bình công việc của mình,...”. Sự ra đời của Tạp chí Đỏ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp tổ chức chỉ 5 tháng sau ngày thành lập Đảng, không chỉ mở đầu cho lịch sử vẻ vang của tạp chí lý luận chính trị của Đảng mà còn thể hiện ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác nghiên cứu, tuyên truyền, thông tin lý luận chính trị trong tổng thể các nhiệm vụ chính trị của Đảng, cũng như trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Truyền thống vẻ vang 90 năm đồng hành cùng Đảng và dân tộc
Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý luận chính trị của Đảng, trong suốt 90 năm qua, trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đến thời kỳ lao động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Tạp chí đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang và đầy tự hào.
Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất quán, xuyên suốt của Tạp chí qua các thời kỳ, từ ấn phẩm đầu tiên là Tạp chí Đỏ cho đến Tạp chí Cộng sản ngày nay.
Trong điều kiện của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, khi Đảng còn hoạt động bí mật trong vòng kiểm soát của đế quốc, thực dân, bất chấp sự nguy hiểm cận kề và cả sự hy sinh, các tạp chí lý luận của Đảng vẫn kiên trì truyền bá những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng, nhằm giác ngộ quần chúng, tập hợp lực lượng đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận khi Người trích dẫn luận điểm quan trọng của V.I. Lê-nin ngay trang đầu của tác phẩm Đường cách mệnh: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nghiệm cách mệnh tiền phong”. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra tạp chí lý luận đầu tiên của Đảng, viết nhiều bài báo để truyền bá, giáo dục lý luận cách mạng chân chính - chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chỉ ra mục đích tốt đẹp của sự nghiệp cách mạng vô sản do Đảng lãnh đạo. Người cũng kiên trì tuyên truyền về những kết quả tốt đẹp mà các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới mang lại cho nhân dân. Và cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, như Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Võ Nguyên Giáp,... đều trực tiếp viết bài cho các tạp chí lý luận của Đảng để tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đường lối của Đảng. Trong số ra ngày 24-9-1943, Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Trường Chinh đã có hai bài viết, gồm: “Việc giải tán Quốc tế Cộng sản” và “Vấn đề khởi nghĩa - Kỷ niệm Xô viết Nghệ An”.
Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Tạp chí Học tập (1955 - 1976) và sau Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tạp chí Cộng sản (1977 đến nay) đã kế tục sự nghiệp của các tạp chí lý luận của Đảng: Tạp chí Đỏ (1930), Tạp chí Cộng sản (1931), Tạp chí Bôn-sơ-víc (1934), Tạp chí Cộng sản (1941), Tạp chí Cộng sản (1943), Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (1947), Tạp chí Cộng sản (1950). Trong bài viết đăng trên số đầu tiên của Tạp chí Học tập, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng lúc đó đã nhấn mạnh, Tạp chí Học tập “phải đem lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà soi sáng những chính sách lớn của Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng về tư tưởng, chính sách...”. Tạp chí Học tập và Tạp chí Cộng sản đã trở thành diễn đàn quan trọng của Đảng tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những đường lối, chủ trương của Đảng về thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần giáo dục, hướng dẫn nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, tình yêu Tổ quốc, ý thức trách nhiệm của công dân đối với đất nước, dân tộc. Tạp chí Học tập đã được vinh dự đăng tải những bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” (tháng 10-1957), “Đạo đức cách mạng” (số tháng 12-1958), “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” (tháng 2-1960), “Con đường tiến đến no ấm sung sướng” (tháng 5-1962),... Tạp chí Học tập cũng như Tạp chí Cộng sản cũng thường xuyên đăng tải các bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhất là vào những thời điểm bước ngoặt của cách mạng hoặc có những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ góp phần phát triển lý luận chính trị của Đảng, trực tiếp phục vụ cho việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên mà còn giúp nâng cao trình độ lý luận, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Tạp chí. Công tác nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Tạp chí đã góp phần phát hiện, tổng kết, lý giải những vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn, những kinh nghiệm hay, mô hình điển hình tiên tiến, góp phần phát triển lý luận về cách mạng Việt Nam, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiều cuộc hội thảo khoa học được Tạp chí tổ chức, hoặc phối hợp với các cơ quan, viện nghiên cứu tổ chức. Các chuyên mục “Nghiên cứu và trao đổi”, “Thực tiễn và kinh nghiệm” của Tạp chí thực sự trở thành diễn đàn của các cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm, các nhà khoa học, các chuyên gia đăng tải các kết quả nghiên cứu, các ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước. Công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ Tạp chí ngày càng được chú trọng. Trong vài chục năm gần đây, Tạp chí đã đảm nhận và hoàn thành một loạt đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp Nhà nước.
Thứ ba, Tạp chí đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung này bao gồm từ phân tích cơ sở khoa học, thực tiễn, làm rõ yêu cầu, điều kiện, phương pháp, giải pháp tổ chức thực hiện, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với mỗi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến phát hiện, tổng kết những kinh nghiệm hay, những mô hình tiên tiến, hướng dẫn nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện thành công đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngay số đầu của Tạp chí Đỏ đã đề cập đến nội dung này với bài “Bí mật công tác”, hướng dẫn các tổ chức đảng và đảng viên cách thức, phương pháp hoạt động bí mật, bảo vệ an toàn tránh sự khủng bố của kẻ địch.
Thứ tư, Tạp chí Cộng sản luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các nhận thức sai lầm trong nội bộ, các tư tưởng thù địch, chống phá cách mạng và chế độ, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngay trong thời kỳ hoạt động bí mật, đã xuất hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống những sai lầm trong nhận thức lý luận. Đó là những bài viết phản bác chủ nghĩa Tờ-rốt-xki (Trotsky), phê phán cách hiểu sai lầm về mặt trận phản đế, phê phán những nhận thức sai lầm về văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phê bình những cách nghĩ, cách làm chưa đúng, chưa hợp lý trong phát triển kinh tế,... Đặc biệt, Tạp chí đã đóng góp quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy, thúc đẩy quá trình xây dựng và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với nhiều bài viết về vấn đề đổi mới quản lý sản xuất nông nghiệp, triệt để xóa bỏ quan liêu, bao cấp trong quản lý nền kinh tế.
Thứ năm, công tác thông tin đối ngoại, bao gồm thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các cơ quan lý luận, các cơ sở nghiên cứu lý luận chính trị của các đảng cộng sản, công nhân, đảng cầm quyền trên thế giới; thông tin hai chiều về các vấn đề lý luận chính trị bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng các vấn đề quốc tế, đồng thời làm cho bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa hay công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam. Trong thời kỳ trước năm 1945, do điều kiện khó khăn, việc thông tin về quan điểm, nhận thức chính trị, đường lối, chính sách của Đảng ta với bạn bè trên thế giới còn hạn chế, chủ yếu là ta tiếp nhận các kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của các đảng cộng sản và công nhân thế giới. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công tác thông tin đối ngoại và hoạt động đối ngoại của Tạp chí được mở rộng theo cả hai chiều và ngày càng phát triển mở rộng, phong phú, phối hợp với công tác thông tin đối ngoại của toàn Đảng, góp phần kết nối sự ủng hộ của bạn bè, nâng cao uy tín và vị thế của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được đăng tải trên các phương tiện báo chí, truyền thông của các nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Tạp chí cũng duy trì thường xuyên chuyên mục “Thế giới: Vấn đề - sự kiện”, đăng tải các bài viết, tư liệu về các vấn đề, sự kiện của các nước, các khu vực trên thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm đến các cuộc cách mạng vô sản, các phong trào công nhân, giải phóng dân tộc.
Tạp chí còn kết nối, duy trì mối quan hệ hợp tác với một số cơ quan tạp chí, nghiên cứu của các đảng cộng sản, công nhân và đảng cầm quyền trên thế giới. Những năm gần đây, hoạt động hợp tác, giao lưu kết hợp nghiên cứu, khảo sát quốc tế của Tạp chí ngày càng phát triển. Việc mở rộng hợp tác quốc tế vừa góp phần thúc đẩy phát triển thông tin đối ngoại, vừa góp phần nâng cao nhận thức và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Tạp chí.
Thứ sáu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tạp chí, đội ngũ cán bộ được quan tâm xây dựng, bảo đảm về số lượng và chất lượng, tổ chức bộ máy không ngừng đổi mới và củng cố, năng lực chuyên môn được nâng lên, phạm vi ảnh hưởng của Tạp chí được mở rộng. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của Tạp chí ngày càng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều cán bộ của Tạp chí đã trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Đào Duy Tùng. Tạp chí cũng thường xuyên được tăng cường lực lượng trên cơ sở lựa chọn những cán bộ có năng lực chuyên môn, trưởng thành từ thực tiễn công tác ở các địa phương hay các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về lý luận.
Từ chỗ chỉ có một ấn phẩm duy nhất, đến nay, ngoài Tạp chí Cộng sản - ấn phẩm chính, Tạp chí còn có chuyên san Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản điện tử bản tiếng Việt và bản tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Lào.
Những kỳ vọng vào sự phát triển của Tạp chí Cộng sản trong thời kỳ mới
Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhiều thế hệ cán bộ đã lao động, cống hiến, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Tạp chí Cộng sản. Chặng đường trước mắt đang đặt ra cho Tạp chí những cơ hội, điều kiện thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức và những yêu cầu phức tạp, nặng nề hơn.
Trước hết, bối cảnh thế giới đang diễn biến nhanh chóng, khó lường, với hai mặt sáng, tối song hành và tác động hai chiều tích cực và tiêu cực phức tạp. Trong khi hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ yếu vì sự phát triển thì những cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột cục bộ ở các khu vực vẫn gia tăng. Toàn cầu hóa vẫn là điều kiện tất yếu của cuộc sống hiện đại, còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn lại đang nổi lên, trở thành lực cản, xoay chuyển nhiều dự báo tình hình thông thường, đặt ra nhiều thách thức cho các nước, nhất là các nước đang phát triển. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một mặt, tạo động lực mới mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của nhân loại; mặt khác, những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh, thiên tai, ma túy,... đang trở nên gay gắt hơn, tác động tiêu cực hằng ngày, hằng giờ đến mỗi gia đình, mỗi quốc gia, đe dọa những thành tựu phát triển của con người.
Trong nước, những thành tựu xây dựng và phát triển của gần 35 năm thực hiện chính sách Đổi mới của Đảng đã tạo dựng một tiềm lực, vị thế và uy tín chưa bao giờ có cho đất nước. Nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” quốc tế với hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với việc hợp tác cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đời sống của nhân dân được cải thiện một cách căn bản, toàn diện. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, hòa bình và ổn định chính trị - xã hội được duy trì. Tuy nhiên, nền kinh tế của đất nước phát triển chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc; vẫn còn nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nhiều mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Bảo vệ chủ quyền, nhất là chủ quyền biển, đảo, giữ vững hòa bình, thích ứng với biến đổi khí hậu đang và sẽ là những thách thức lớn.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện đường lối Đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, đòi hỏi quyết tâm cao, khát vọng phát triển mạnh mẽ, sự nỗ lực đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân tộc, trong đó có trách nhiệm chính trị của Tạp chí Cộng sản. Quyết định số 199-QĐ/TW, ngày 31-7-2019, của Bộ Chính trị, về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tạp chí Cộng sản, xác định Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có chức năng nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý luận chính trị của Đảng. Với trách nhiệm là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đòi hỏi Tạp chí Cộng sản tiếp tục hoàn thành một cách sáng tạo các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, góp phần thực hiện đường lối của Đảng; tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ cơ sở nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, Tạp chí cũng là cơ quan thực hiện hợp tác nghiệp vụ với các đối tác của các đảng công nhân, cộng sản, đảng chính trị, thực hiện công tác thông tin đối ngoại, nghiên cứu khoa học, không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của Tạp chí không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, với bề dày lịch sử 90 năm đồng hành cùng Đảng và dân tộc, với những kinh nghiệm được đúc kết và sự trưởng thành mọi mặt về đội ngũ cán bộ có bề dày chuyên môn nghiệp vụ, sự tăng cường và hiện đại hóa về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào những bước phát triển toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn của Tạp chí Cộng sản trong thời kỳ mới./.
Vững một niềm tin  (05/08/2020)
Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển  (04/08/2020)
Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển  (04/08/2020)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp