Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn
TCCS - Hà Nội có nền nông nghiệp đặc thù - nông nghiệp nằm trong đô thị. Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với đặc thù riêng, giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành phố Hà Nội đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ, hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu.
Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Ngày 24-10-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND, về thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng cơ cấu lại ngành, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm... Phát huy tối đa những lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tốc độ tăng trưởng (GRDP) của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội năm 2023 là 2,74%, giá trị sản xuất đạt 41.681 tỷ đồng... Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.
Mục tiêu cụ thể quan trọng đến năm 2030 là bảo đảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5% - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình: 7% - 7,5%. Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt mỗi năm tăng 0,4% - 0,7% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết bền vững đạt từ 45% trở lên. Phấn đấu diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30% - 40%, nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 2% - 3% tổng diện tích gieo trồng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, nông nghiệp Hà Nội thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha; mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.900ha lên 38.000ha; tăng diện tích cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8.500ha đến 9.000ha; giữ ổn định diện tích chè 2.500ha.
Hà Nội tiến hành chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, gồm lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả gần 7.400ha... Hiện nay, thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Ngành chăn nuôi của Hà Nội hướng tới bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô. Đồng thời, bảo đảm phát triển đàn vật nuôi ổn định; dự kiến đàn trâu duy trì 28,8 nghìn con, đàn bò 135 nghìn con, đàn lợn 1,65 triệu con, đàn gia cầm 40 triệu con để góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, hệ thống chiếu sáng, truy xuất nguồn gốc, IoT...) và nhờ đó, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, gồm dệt may, rượu bia, nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ hiện đại đạt trên 70% tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn. Do đó, năm 2022 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các quận, huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp, triển khai thí điểm tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng, công tác thu gom.
Hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh. Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước. Hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội cũng là hành động cụ thể hóa tầm nhìn đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Sau Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội là đô thị lớn thứ hai trên cả nước, với quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Mục tiêu là hướng tới phát triển xanh và sạch hơn trong tương lai thông qua công tác quản lý, xử lý và tuần hoàn rác thải, giảm phát thải ra môi trường. Mỗi ngày, Hà Nội có lượng chất thải rắn sinh hoạt vào khoảng 7.000 tấn. Vì vậy, việc xử lý và tuần hoàn rác thải không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai. Do đó, việc nghiên cứu thực trạng chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách hợp lý cho thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết.
Bên cạnh những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, hạ tầng, giống như nhiều đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với những bất cập về tình trạng các hệ thống trong cùng một không gian đô thị (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, dân cư, hạ tầng…).
Trong đó, thiếu sự gắn kết, mức tiêu thụ tài nguyên lớn, mức độ phát thải cao và tác động đồng thời, đẩy tình trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân. Ở góc độ địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành một số chính sách nhằm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong phạm vi quản lý của mình
Mặt khác, hiện nay chưa có sự đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, thậm chí Luật Bảo vệ môi trường có các điều khoản coi phụ phẩm là “rác thải.” Đây là rào cản chính sách đang cần được tháo gỡ. Điểm nghẽn hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chính là việc lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường.
Cùng với nhiều đô thị lớn trên cả nước, Hà Nội đã nhân rộng việc thử nghiệm mô hình phân loại rác tại nguồn theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) từ nhiều năm trước nhằm giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Một số giải pháp
Trong bối cảnh giảm diện tích sản xuất lúa, để đạt được mục tiêu năm 2024 là ngành nông nghiệp Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,5% - 3%, Hà Nội cần đẩy mạnh quyết tâm, tạo bước đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Đây là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Qua đó, thành phố nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Cùng với đó, Hà Nội cần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đồng thời, ngành nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.
Tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch Thủ đô. Tăng cường sử dụng phân bón lá hữu cơ trong trồng trọt như nhiều địa phương trong nước và một số nước trên thế giới đã và đang triển khai.
Để đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, thành phố Hà Nội cần đề rõ mục tiêu, nhiệm vụ cho các sở, ngành địa phương thực hiện cụ thể hơn trong thời gian tới. Hà Nội nên chọn lọc và cân nhắc những dự án thiếu tính thân thiện với môi trường; đồng thời, khuyến khích những dự án đầu tư xanh. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp:
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần đưa ra chính sách phát triển và nhân rộng các mô hình nông trại sản xuất tuần hoàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng như hỗ trợ về giá và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh. Để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%, Hà Nội nên sử dụng phân bón lá hữu cơ - đây là tiến bộ kỹ thuật mới cần được ngành nông nghiệp Thủ đô quan tâm. Tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng giống mới, dùng phân bón hữu cơ vi sinh, cải tiến quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, khuyến nông các huyện đóng vai trò là đầu mối để tổ chức chương trình đào tạo về sản xuất xanh cho lực lượng lao động của địa phương trực tiếp tham gia các mô hình doanh nghiệp xanh. Tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh đối với các sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm xanh vào tiêu dùng và hình thành thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường của con người.
Trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch.
Tron lĩnh vực môi trường, xử lý hoàn toàn rác tồn đọng; tăng tỷ lệ thu hồi, tỷ lệ tái chế, chấm dứt các bãi rác tự phát. Đồng thời, hướng tới cắt giảm 50% nhựa sử dụng một lần, chấm dứt sử dụng túi nilon. Việc quản lý chất thải rắn xây dựng cần được thực hiện chặt chẽ ngay từ các khâu phá dỡ, thu gom, vận chuyển và xử lý. Ngoài ra, cần có những cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoạt động tái chế và quản lý chất thải rắn xây dựng, phát triển ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu chất thải phát sinh./.
Phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô  (15/09/2024)
Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ  (15/09/2024)
Quy hoạch Hà Nội góp phần thúc đẩy sự phát triển liên kết vùng  (04/09/2024)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay